Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 145 Mùa Chay 5-B Giá trị của đau khổ

Thứ năm - 14/03/2024 08:47
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 145 Mùa Chay 5-B  Giá trị của đau khổ
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 145 Mùa Chay 5-B Giá trị của đau khổ
Chuyện Minh Họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 145
Mùa Chay 5-B

Giá trị của đau khổ
------------------------------------------

Bạn thân mến,

Vào một đêm giông bão, gió thổi mịt mù, mưa rơi như trút, một ông già với bà vợ chạy vào văn phòng của một khách sạn nhỏ ở Philadelphia.

Ông già tỏ dấu khiêm tốn nhã nhặn hỏi viên thư ký:

"Anh có thể cho chúng tôi một phòng nhỏ không? Vì tất cả các khách sạn lớn đều đã chật rồi".

Viên thư ký trả lời: "Thưa ông, tất cả các phòng đều đã có người mướn, nhưng tôi không thể để cho những người dễ thương và đáng kính như ông bà, lại phải ra đi trong mưa gió, vào lúc một giờ sáng như thế này được.

Ông bà có thể ngủ trong phòng của tôi".

Ông khách vội vàng hỏi lại: "Thế thì cậu ngủ ở đâu?"

Viên thư ký đáp: "Thưa, ông đừng lo, tôi sẽ tự liệu được mà".

Vừa nói, viên thư ký trẻ vừa dẫn hai ông bà khách lên phòng của mình.

Sáng hôm sau, khi xuống trả tiền phòng, ông khách nói với viên thư ký đã nhường phòng cho mình:

"Cậu là viên thư ký quảng đại, đáng làm quản lý một khách sạn lớn nhất của Hoa Kỳ. Có lẽ mai ngày, tôi sẽ xây khách sạn đó cho cậu".

Hai năm sau, viên thư ký trẻ này nhận được một bức thư, kèm theo một vé máy bay khứ hồi đi New York, với lời ghi chú của ông khách trong một đêm mưa gió nọ tại Philadelphia, là muốn gặp chàng tại New York.

Khi chàng ta tới gặp ông khách cũ, ông dẫn chàng tới một góc đại lộ số 5 đường 34, và chỉ vào ngôi khách sạn mới xây, nguy nga, đồ sộ và nói với chàng:

"Đây là ngôi khách sạn tôi đã xây cho cậu làm quản lý".

Nghẹn ngào vì cảm động, chàng thư ký trẻ tuổi tên là George C. Boldt đó, chỉ biết lắp bắp lời: "Xin hết lòng cảm ơn ông".

Ông khách già chủ ngôi khách sạn đó là William Walford Astoria.

Và ngôi khách sạn sang nhất trong thời bấy giờ là Walford Astoria.

*****

Bạn thân mến,

Một sinh viên đại học, muốn vượt qua được các kỳ thi tuyển, muốn đoạt được mảnh bằng bác sĩ, kỹ sư, luật sư, muốn được thành công trong bất cứ nghề nghiệp nào, một chức vụ nào trong xã hội… thì đều cần phải chuyên chăm học hành, phải chịu khó, hy sinh, vất vả, phải thức khuya dậy sớm.

Một quân nhân, muốn được trọng thưởng, cần phải tham dự các cuộc chiến thắng vẻ vang nơi các trận địa, và khải hoàn trở về với danh nghĩa một vị anh hùng dân tộc, được dân chúng ca ngợi.

Một sĩ quan quân đội, muốn chiếm được những tấm huy chương vàng bắc đẩu bội tinh, với tấm bằng tưởng thưởng; hoặc muốn được thăng quan tiến chức, cũng cần phải lập được nhiều thành tích vẻ vang, nhiều chiến công oanh liệt.

Không khi nào người ta lại trọng thưởng cho những kẻ lười biếng, những kẻ ăn không, ngồi rồi, những kẻ chơi bời, lêu lổng.

Trái lại, những ai càng biết chịu khó, vất vả, hy sinh, chịu tủi nhục, càng lập được nhiều thành tích, thì càng đáng được trọng thưởng, được tôn trọng, được tán dương. Vì công trạng bao giờ cũng tương xứng với huân nghiệp đã lập.

*****

Chúa Giêsu Kitô, trong bài Tin Mừng hôm nay (Mùa Chay 5-B Ga 12, 20-33) đã quả quyết:

"Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì gieo xuống đất, mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt".

Cũng chỉ vì muốn cho chúng ta được sự sống đời đời, mà Chúa đã phải quả quyết với chúng ta rằng:

"Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời".

Đây là một bài học rất thực tế, một hình ảnh rất cụ thể ngay cả trong thiên nhiên:

Nhà nông, gieo hạt giống xuống đất, sau ít lâu thấy làn vỏ mục thối, một mầm sống trồi lên, và với ngày tháng trôi qua, mầm sống đó đã vươn lên thành cây, phát sinh bông hạt nặng trĩu và một cánh đồng lúa chín vàng, ngào ngạt hương thơm, đem lại cho nhà nông một mùa gặt phong nhiêu, bội thu, và đem lại một niềm vui dào dạt.  

Trái lại, nếu hạt giống gieo xuống đất, mà cứ trơ trơ, thì không đời nào có thể phát sinh bông hạt, thì đã khiến cho nhà nông phải thất vọng.

Chính Chúa Kitô,

"Khi còn sống ở trần gian này, Người cũng đã phải lớn tiếng và rơi lệ, dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Đấng có thể cứu Người khỏi chết."



"Dầu là Con Thiên Chúa, Người cũng đã phải chịu muôn vàn thống khổ, phải chịu chết tất tưởi để khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên Ơn Cứu Độ đời đời cho tất cả chúng ta" (xem Heb 5:7-9).

Như thế, Người đã phải chịu chết, thì mới đem lại cho chúng ta sự sống, sự sống siêu nhiên, sự sống hạnh phúc vĩnh cửu.

Để được phục sinh vinh hiển, Chúa Kitô cũng đã phải trải qua sự chết.

Nếu chúng ta muốn được phục sinh vinh hiển với Chúa, được Chúa cho tham dự vào sự sống thật của Người. Để được đồng hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa, thì chúng ta cũng cần phải chết với Chúa, đồng chung đau khổ, hy sinh, tủi nhục với Người.

Không có hy sinh đau khổ thập giá, sẽ không thể có danh dự vinh quang được.

Bởi: "Per Crucem ad Lucem" - "Từ Thập Giá tới Nguồn Sáng".

*****

Với cái nhìn có vẻ bi quan, người ta thường gọi trần gian là nơi khổ ải, là thung lũng đầy nước mắt;

Nhưng với cái nhìn lạc quan phấn khởi thì, trần gian lại là nơi để lập công, là trường để luyện tập nhân đức.

Theo Thánh Phaolô, thì thời gian sống trên trần gian, còn được mệnh danh là: "Thời cơ thuận tiện, là ngày cứu độ".

Nhưng dù theo quan niệm nào đi nữa, thì chắc chắn: Trần gian chưa phải là nơi an hưởng hạnh phúc, cũng chưa phải là nhà ở vĩnh cửu; mà mới chỉ là nơi tạm trú, là đàng dẫn tới quê hương chân thật và vĩnh cửu, đó là Thiên Quốc.

Ta nên nhớ: Chúng ta sống trên trần gian, chỉ là những lữ khách, đang trên đường tiến về quê hương bất diệt, là nơi chúng ta sẽ được đồng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, sung mãn tràn đầy, với Chúa là Cha, Đấng yêu đương chúng ta tràn đầy.

Dù muốn hay không thì khi còn sống trên trần gian, chúng ta còn gặp muôn vàn điều trái ý, khó khăn, nghịch cảnh;

Nhưng nếu chúng ta biết vui lòng lãnh nhận, vui tươi chịu đựng vì lòng yêu mến Chúa, hợp với Giá Máu Cứu Chuộc của Chúa Kitô, thì những đau khổ đó sẽ giúp chúng ta đạt được Ơn Cứu Độ, có giá trị đền tội và lập công, sẽ giúp thánh hóa mình và thánh hóa tha nhân.

Trái lại, nếu chỉ miễn cưỡng, hay cực chẳng đã mà phải chịu, thì những đau khổ đó sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho chúng ta đâu, mà có khi, lại còn làm cho chúng ta phải ngã quỵ.

*****

Tấm lòng hào hiệp và quảng đại hy sinh của một viên thư ký, trong một khách sạn nhỏ dành cho ông bà khách, giữa đêm khuya bão tố, trong câu truyện chúng ta vừa kể trên, đã khiến ông bà khách cảm phục và đã ban cho cậu một phần thưởng trọng hậu đến thế; thì những hy sinh đau khổ của chúng ta vui lòng lãnh nhận vì lòng kính mến Chúa, còn đáng được Chúa trọng thưởng chúng ta gấp trăm ngàn lần hơn nữa.

Vả nữa, phần thưởng đời này thì có cùng, có hạn, nhưng phần thưởng Chúa ban cho chúng ta ở đời sau sẽ vô cùng, vô tận.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã can đảm và quảng đại lãnh nhận mọi đau thương, thống khổ của sứ mạng Đồng Công, để hiệp thông với Chúa Cứu Thế Con Mẹ, lập nên Giá Cứu Độ cho chúng con; xin Mẹ cho chúng con cũng được can đảm theo gương Mẹ, chấp nhận tất cả mọi nỗi gian truân Chúa gởi đến, để chúng con cũng được thông phần với Chúa và Mẹ, hầu cứu độ tha nhân như sứ mạng Chúa đã ủy thác cho chúng con. Amen.

Lm. Minh Vận, CMC

-----------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây