NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐIÊN - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 188

Thứ sáu - 21/01/2022 09:41
NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐIÊN - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 188
NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐIÊN - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 188
NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐIÊN

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 188)
-------------------------------------
Nơi đây hồi đó, là một vùng ngoại ô thuộc thành phố. Có một ngôi Thánh Đường đã được xây dựng khá lâu, tuy không lớn lắm, nhưng cũng đủ, để phục vụ cho những nhu cầu tôn giáo của bà con giáo dân ở đây.

Tuy không đẹp lắm, nhưng cũng đủ trang nghiêm và thánh thiêng, để hướng lòng người ta lên với Chúa.

Nói thật, ai cũng cảm thấy hài lòng, vì sự thân thương, hài hoà, gần gũi của những sinh hoạt tôn giáo, rất phù hợp với lớp dân nghèo ở đây.

Dân chúng sống ở đây thường là những người có đạo, nên họ thích sống quanh quẩn chung quanh nhà thờ.

Giáo dân ở đây không đông lắm. Nhà ở của họ, thì lưa thưa rãi rác. Họ là những dân kỳ cựu, đã từng sinh sống ở đây lâu năm.

Đất cát nhà cửa của họ, thường là do ông bà tổ tiên để lại.

Phần lớn họ đều sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi nhỏ, và lao động phổ thông.

Tuy cuộc sống có nghèo, nhưng cũng đủ tạm qua ngày, nên cuộc sống cũng gọi được là tạm ổn định.

Họ thường trồng rau xanh, bên những thửa vườn quanh nhà, và ở những vuông đất chạy dọc theo hai bờ kênh.

Lúc đó người ta mua bán trao đổi hàng hoá với nhau, nhờ những chiếc xuồng ghe ngang dọc qua lại suốt dọc con kênh.

Chiều chiều bọn trẻ con, thường hay tụ tập ra bờ kênh, để thả diều, để hóng gió, để nô giỡn, trông rất hồn nhiên nên thơ, chúng không có gì để bận tâm hay phải lo nghĩ. Quang cảng trông thật dễ thương vô chừng.

*****

Thế rồi, vì hoàn cảnh cuộc sống, dân chúng ở khắp nơi, đã đua nhau, đổ xô về thành phố để kiếm sống. Dân số càng ngày càng đông thêm, nhà cửa lại mọc lên chi chít, ngang dọc, chẳng theo một trật tự nào.

Những vườn rau trước kia, nay được thay thế bằng những ngôi nhà tường, có rào cao, có cổng rộng, và nhiều nhà cao tầng, cũng đã bắt đầu mọc lên.

Dòng nước của con kênh, nay đã trở nên đen ngòm, và đã bị ô nhiễm trầm trọng.

Những ghe thuyền xưa kia, thường qua lại, nay không thấy bóng dáng đâu nữa.

Bọn trẻ con, cũng không còn thấy tập trung vui chơi ở hai bênh bờ kinh như xưa. Bởi không còn có đất nào trống.

Vã lại ngày nay, bọn trẻ có những trò chơi điện tử, hiện đại hơn, nên chẳng tha thiết gì đến những trò chơi dân giả, kiểu nông thôn.

Rồi dân nhập cư, mỗi ngày một cứ đông thêm, chen chút nhau, như không còn đất để đặt chân, cũng còn không khí để thở nữa. Bởi nhiều nhà cao tầng, cũng đã đua nhau mọc lên, cao ngất, chiếm hết không gian.

Cả ánh nắng mặc trời, cũng khó lòng mà lọt xuống mặt đường đi.

Và vùng ngoại ô xưa kia, nay bỗng nhiên, lọt sâu vào trong Thành Phố, và đã trở thành vùng đất thuộc trung tâm thành phố.

Với làn sóng dân nhập cư tràn lan, những người công giáo ở khắp nơi, cũng đua nhau vào thành phố. Thế là giáo dân quanh nhà thờ lại cứ tăng lên theo cấp số nhân.

Rồi vì nhu cầu tôn giáo đòi hỏi, cha sở quyết định phá nhà thờ cũ, để xây dựng lại nhà thờ mới, cho to hơn, cho lớn hơn, cho rộng rãi hơn, cho đẹp hơn, cho nguy nga tráng lệ hơn, cho lộng lẫy hơn, cho phù hợp với hướng đi lên của thành phố.

Tượng đài Đức Mẹ xưa kia, bên cạnh Nhà Thờ, cũng đã được trùng tu lại. Nhưng để bảo đảm an ninh, người ta đã làm một hàng rào, bao xung quanh Linh Địa. Những ai muốn vào thắp nhang, lễ hương, hoặc cầu khấn với Đức Mẹ, thì phải bỏ dép ra ở bên ngoài, và phải bước qua một cánh cửa hẹp, chỉ đủ cho một người đi qua. Còn tượng Đức Mẹ, thì nay, đã được đặt ở vị trí trên cao hơn xưa.

Tuy có vẻ uy nghi, trang trọng, lộng lẫy hơn xưa thật, nhưng vô tình cũng đã tạo thành một khoảng cách xa xăm làm sao ấy.

*****

Thánh Lễ sáng nay, phải nói là đặc biệt hơn các ngày thường. Bởi gian Cung Thánh đã được trang hoàng bằng những bình hoa tươi, rất nhiều, rất đẹp, rất quý.

Trên bàn thờ có đặt hai cây đèn cầy màu tím, với hoa văn rất cầu kỳ.

Còn trên gian cung thánh, có xếp những hàng ghế, dành cho các linh mục đồng tế.

Ở bên dưới, giữa lòng nhà thờ, có những dãy ghế được gắn những tấm thẻ báo, dành riêng cho các Tu Sĩ Nam Nữ và các thân nhân.

Ở một góc nhà thờ, có một đội kèn tây, thỉnh thoảng phát ra những bài thánh ca, tiếng oang oang thật inh ỏi, làm gật nảy cả mình, những người đang cầu nguyện trong nhà thờ.

Khổ nhất là những ông già bà cả, những người yếu tim, phải chấp nhận chịu đựng, cho nên họ chẳng thấy hay ho gì. Mặc dù, đây là đội kèn tây nổi tiếng trong Thành Phố.

Phải tốn nhiều tiền lắm, phải tốn công sức nhiều lắm, người ta mới rước họ được về đây.

Không biết trước mặt Chúa, thêm một đội kèn tây như vậy, thì người chết có được thêm công phúc gì không, hay người chết có được giảm bớt hình phạt bởi tội hay không?

Nhưng dù sao, đây chính là lễ an táng, do hàng xứ, muốn tổ chức thật đặc biệt, dành cho vị đại ân nhân của Giáo Xứ.

Kể từ lúc đại ân nhân này nằm xuống, thì các hội đoàn trong Giáo Xứ, đã thay nhau đến đọc kinh rân rang, liên tục.

Mỗi hội đoàn, sau khi đọc kinh xong, đều được đại diện của gia đình chu đáo, dúi cho một phong bì dầy cộm. Và hình như không thấy thiếu vắng một đoàn thể nào trong Giáo Xứ, mà không đến cầu kinh.

Trong bài giảng Thánh Lễ, cha giảng đã liệt kê không sót một công đức nào của vị đại ân nhân này. Phải nói là ngài “rút ruột” ra, để giảng một bài thật hùng hồn, thật cảm động, đã làm cho nhiều bà, nhiều cô, kể cả các nữ tu nữa, cũng phải lấy khăn mù xoa ra, mà lau nước mắt.

Nhưng những con cháu, nhất là những người, từ nước ngoài trở về, thì lại nghe một cách rất “bình tĩnh”, thản nhiên, coi như đó là chuyện đương nhiên, bình thường và có phần hãnh diện tự hào nữa.

*****

Nhưng có một chuyện xảy ra quá bất ngờ, làm cho mọi người lúng túng, không biết ứng xử làm sao cho chuẩn.

Số là đang lúc Thánh Lễ an táng được diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng, thì một bà điên xuất hiện. Bà bình tĩnh, từ lối giữa nhà thờ, chậm chậm tiến lên phía hàng ghế đầu của các nữ tu. Bà quỳ gối ở đó. Bà cầu kinh thật trang nghiêm. Bà cầu kinh sốt sắng như mọi người.

Được biết, bà điên này, là dân nhập cư, đã nhập vào đây ở cái thời, mà các ao rau muống mới mọc lên vài cái toà nhà cao tầng.

Trước đây, bà cũng đã có một gia đình. Chồng bà chạy xe Honda ôm. Đứa con trai duy nhất lúc đó, thì còn đang học tiểu học.

Bởi vì bà nghèo, nên hai vợ chồng của bà cũng tiến đến hôn nhân rất trễ.

Và cả gia đình chỉ có khả năng thuê một căn gác ọp ẹp, chưa đầy 12m2 để ở trọ.

Nhưng dù sao, thì cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn nhiều, so với quê hương miền Trung của bà, vừa nghèo, vừa đói, lại vừa khổ. Đã thế, quanh năm ngày tháng lại bị bão tố, lũ lụt đe doạ thường xuyên.

Trong một ngày mưa gió âm u, chồng bà chạy xe không thấy trở về. Người ta chạy đến báo tin cho bà hay, là chồng bà vừa mới chết trên đường trở về nhà, sau khi đã cố gắng chạy thêm một cuốc xe cuối cùng, để lấy tiền đóng học phí cho đứa con.

Nghe tin dữ này, bà đã ngã quỵ, gục xuống đất, bất tĩnh.

Đứa con trai thì ngơ ngác nhìn vào đêm tối, mà chẳng hiểu gì.

Đám ma đã diễn ra sau đó, hết sức lặng lẽ và âm thầm.

Bởi, đây là dân nhập cư, đã không xin gia nhập họ đạo, và không ai biết tông tích lý lịch đạo nghĩa thế nào, cho nên theo quy định của Giáo Xứ nơi này, thì họ không được phép đưa vào trong nhà thờ để làm lễ an táng. Mà cha xứ chỉ đến tại nhà, để cử hành nghi lễ an táng qua loa, rồi  gia đình đưa đi hoả táng.

Đám tang hôm ấy chẳng thấy có một hội đoàn nào trong Giáo Xứ đến viếng thăm hay cầu kinh.

Sau đám táng, cơn vật vã của bà còn tiếp tục kéo dài cả tuần lễ.

Cuối cùng, bà cũng đã gượng dậy được, bởi bà nhìn thấy đứa con của bà hãy còn quá nhỏ, rất cần được bà tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương.

Bất hạnh thay, khoảng một tháng sau, thì đứa con cũng từ trần, vì chứng bệnh sốt xuất huyết.

Đúng ra, thì em bé không đến nỗi phải chết một cách oan uổng như vậy đâu, nếu như bà có tiền, và đưa em kịp thời vào bệnh viện.

Đám tang của em, còn buồn bã hơn và lạnh lẽo, hơn đám tang của cha nó nhiều.

Lần này, thì hình như bà đã kiệt sức hoàn toàn, kể cả thể xác lẫn tinh thần, nên bà không còn có thể gượng dậy được nữa.

Bà đã khóc, khóc rất nhiều, và khóc đến hết nước mắt.

Và khi đã đi đến tận cùng của nỗi đau, bà không còn khóc được nữa, bà lại bắt đầu cười, cười liên hồi, cười từng cơn, cười một cách vu vơ.

Vì lúc nào bà cũng cười, cho nên người ta có cảm tưởng là bà không còn đau khổ nữa.

Nhưng cái cười của bà nó như man man, nó như như dại dại làm sao ấy. Từ đó, người ta gọi bà là “Bà Điên”.

Bà tiếp tục sống được, là nhờ lòng hảo tâm, thương hại của những người chung quanh, người thì cho cái này, kẻ thì cho cái khác, thế là bà sống đắp đổi qua ngày, trong cái kiếp phù sinh thật bi thảm.

Những khi lên cơn, bà thường đi lang thang đó đây.

Bà đã ở đâu, không ai biết rõ. Nhưng có một điều đặc biệt, là ngày nào, người ta cũng thấy bà có mặt ở nhà thờ để tham dự Thánh Lễ.

Nhưng chưa bao giờ, thấy bà tham dự một Thánh Lễ nào, cho có đầu có cuối. Có khi, thì bà đến nhà thờ thật sớm, có lúc lễ gần xong thì bà mới tới.
 
Khi Lễ xong, mọi người ra về, bà thường còn nán ở lại nhà thờ khá lâu, để cầu nguyện riêng.

Bà cầu nguyện rất lớn tiếng. Và lời cầu nguyện của bà, thường chẳng ai hiểu bà muốn nói gì với Chúa. Nhưng nhìn bà, người ta có cảm tưởng, là bà rất xác tín, là Chúa đã hiểu những điều bà đang cầu xin.

Thỉnh thoảng trong Thánh Lễ, bà đã có những cử chỉ, hay những lời kinh, chẳng giống ai.

Nhất là khi cộng đoàn đọc kinh “Tôi Thú Nhận”, tới câu: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng...”, thì bà đọc rất thống thiết, giọng rất bi ai, nghe rất thảm thương.

Bà đấm ngực thật mạnh, như đấm để cho vỡ toang lồng ngực ra.

Rồi khi linh mục đọc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người...” thì bà thưa “Amen” thật to, và thưa đến ba lần, thưa với ba cao độ khác nhau, từ cao xuống thấp. Thật đúng là một bà điên. Bởi bà chẳng giống ai ! Những người chung quanh tỏ ra rất khó chịu, nhưng cũng có lúc lại không nín cười được.

Có lần, khi chủ tế đọc lời truyền phép xong, giơ cao Mình Thánh Chúa lên, để giáo dân thời lạy, thì bà ung dung bước thẳng lên gian Cung Thánh, kính cẩn hôn tượng thánh giá Chúa, được cắm ở trước bàn thờ, rồi ung dung bước xuống, khiến cả nhà thờ ngỡ ngàng.

Tứ đó, các ông bà đạo đức, và các ông Hội Đồng Gíao Xứ luôn cảnh giác, coi chừng bà, để còn kịp thời ngăn chận những hành động kỳ quặc của bà, hoặc lôi kéo bà ra khỏi nhà thờ ngay.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, không thấy bà xuất hiện ở nhà thờ này nữa. Mọi người, ai  cũng vui mừng phấn khởi.

*****

Nhưng, thật bất ngờ trong Thánh Lễ an táng sáng hôm nay, không biết từ đâu, bỗng dưng bà lại xuất hiện.

Bà khoác trên mình một bộ đồ nhiều màu sắc, đầy bụi bặm. Nhưng gương mặt và ánh mắt của bà, thì có vẻ tỉnh táo hơn trước kia.

Không hiểu tại sao, bà lại muốn tiến lên chỗ dành riêng của các nữ tu để ngồi dự Lễ ?

Có lẽ bà muốn quan sát đám tang này cho thật rõ hơn, cho thật kỹ hơn chăng ?

Bà chăm chú tham dự Thánh Lễ và thỉnh thoảng hướng mắt về phía cỗ quan tài, với một cái nhìn ngơ ngát khó hiểu.

Cái mùi hôi và nước dãi, từ miệng của bà nhiễu ra, đã làm cho một số nữ tu tỏ ra rất khó chịu.

Đến lúc gần rước lễ, hình như một chị nữ tu trẻ, nữa, liền móc trong túi áo ra một tờ giấy bạc 10.000 đồng nhăn nheo, dúi vào tay bà, và ra hiệu cho bà đi chỗ khác mà ngồi.

Bà ta, dường như cũng hiểu ra, nên vội vàng đứng lên ngay, và tiến thẳng ra phía lòng nhà thờ, để xếp hàng chờ được rước lễ.

Một vị trong Hội Đồng Giáo Xứ thấy vậy, đã vội vàng tiến đến, nắm lấy tay bà, và lôi kéo bà ra khỏi nhà thờ.

Nhìn lên ảnh Chúa chuộc tội, đang treo trên cao, người ta thấy cạnh sườn Chúa vẫn còn chảy ra một dòng máu đỏ thẳm...

Lạy Chúa, chúng con là những kẻ có tội. Xin Chúa thương tha tội cho chúng con.

Xin cho chúng con, đừng vì một lý do nào đó, hay vì một hoàn cảnh nào đó, mà vô tâm đối với những người nghèo khổ, hay những người có những hoàn cảnh ít may mắn, kẻo những vết thương của Chúa, lại tiếp tục rướm máu. Amen.

-------------------
Mời nghe: https://www.youtube.com/watch?v=J8r9DuYNz5E&t=12s 

 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây