NGƯỜI HIỀN (Bài 3)- Lm.Gioakim Mai Xuân Triết - Suy tư đạo đức

Chủ nhật - 14/11/2021 17:59
NGƯỜI HIỀN (bài 3) - Lm.Gioakim Mai Xuân Triết - Suy tư đạo đức
NGƯỜI HIỀN (bài 3) - Lm.Gioakim Mai Xuân Triết - Suy tư đạo đức
NGƯỜI HIỀN (Bài 3)
(Suy tư đạo đức của Lm. Gioakim Mai Xuân Triết dịp Tĩnh Tâm hàng tháng cho các Linh mục và Tu sĩ ở các Giáo Hạt, trong Giáo Phận Long Xuyên).

*** Hôm nay lễ Giỗ Lm. Gioakim Mai Xuân Triết (15.11.2015)
Chúng ta đọc bài viết của Cha, để cầu nguyện cho Cha


-------------------------
Nội  dung:
1. Vẻ đẹp của đức Hiền lành. 1
2. Để nên người hiền. 2
3. Thực hiện đức Hiền lành. 3

-------------------------

 

1. Vẻ đẹp của đức Hiền lành


Để diễn tả vẻ đẹp ấy, đức Hiền lành được quan niệm như là hoa đức Bác ái. Cây Bác ái đã đẹp, bông hoa nảy sinh từ cây ấy càng thêm lộng lẫy. Bông hoa hiền lành tô điểm đời sống con người nên đẹp, tạo ra một cục xạ vô hình. Đã có xạ thì tự nhiên hương. Hương từ ngôn ngữ đến cử chỉ, hương từ hành vi đến tình liên đới vv... Đức Hiền lành thực là bông:

        “Hoa thơm, thơm lạ thơm lùng,
        Thơm cây đến rễ, người trồng cũng thơm”
(Ca dao).


Đâu có được bông hoa Hiền lành, đấy luôn là mùa xuân: Bầu trời trong xanh, khí hậu mát mẻ êm đềm. Sống trong ấy ai cũng khoan khoái thanh thản và thắm tình anh chị em.

Khác hẳn nơi không có được bông hoa ấy, cuộc sống của họ với nhau, nhiều lúc như cua trong giỏ. Đêm ngày họ những khẩn khoản xin cho được bông hoa ấy. Khi được, họ hân hoan thở phào nhẹ nhõm, như vừa trút được tảng đá bấy lâu nay ghì cổ họ xuống. Ai nấy nhìn nhau hớn hở tươi cười; và vì quá sung sướng nhiều người cười khóc lẫn lộn.

Đức Hiền lành là hoa đức Bác ái, còn mang một ý nghĩa là nó phải phát xuất từ đức Ái mới là thứ thiệt, có phẩm chất siêu phàm. Không vậy chỉ là tính chất tự nhiên, nếu quá sẽ trở thành nhu nhược, nhát gan khờ khạo, hay lại giả bộ khúm núm ủy mị như dân bụi đi xin.

Cũng có thể là chịu vậy dưới sức ép của quyền lực, như phạm nhân đứng trước quan toà, hoặc như tù nhân đứng trước viên cai ngục.

Như vậy, đức Hiền lành là dấu chứng Bác ái, đức Bác ái biểu lộ thực chất của đức Hiền lành.

Vẻ đẹp của đức Hiền lành là vẻ đẹp anh dũng, chứ không yểu điệu. Vì nhờ nó mà người hiền

“điềm tĩnh bình thản không gì làm xáo trộn, kể cả lời nói tàn tệ, hành động hung hãn. Nó như núi đá giữa biển khơi, sóng nước đập vào đều bị tan vỡ, phần nó vẫn đứng trơ trơ” (St. Climaque).

Nó là sản phẩm của sức mạnh tâm hồn, hay là chính sức mạnh tâm hồn hành động cách êm ả.

Sách Thẩm phán có lời:

 “Mật ngọt chảy ra từ miệng người anh dũng” (Jug. 14,14).

 

2. Để nên người hiền.


Đến đây ta biết được đức Hiền lành là một tập quán tự chế mãnh liệt, để kìm hãm cơn nóng giận bực tức, trấn áp và trấn tĩnh chúng bằng sức mạnh ý chí. Ai đã tập luyện đức Hiền lành đều thấy rằng: Phải triển khai nghị lực ý chí nhiều, mới hy vọng chiến thắng trong trận mạc vừa thâm sâu, vừa cam go và dai dẳng. Ta chỉ thủ đắc bằng cố gắng và kiên trì.

*****

Ai cũng biết thánh Phanxicô Salêsiô gương sáng chói về đức Hiền lành.

Bẩm sinh ngài nóng nảy dễ giận. Cải đổi được tính khí ấy, ngài đã phải trả giá bằng 22 năm chăm chú chiến đấu và cầu nguyện:

- Trong giờ nguyện ngắm ban mai, ngài nhắc lại điều dốc quyết phải hiền lành.
- Tối đến trong giờ xét mình, nếu có lỗi phạm, ngài tự phạt mình cách nghiêm ngặt.


Trải qua thời gian dài cương quyết, thánh nhân chỉ thu hoạch được đức Hiền lành, sau khi đã dũng cảm vun xới mảnh đất tâm hồn, và gieo vào đấy hạt giống hy sinh đủ loại.

*****

Phần ta cũng không thể nên người hiền bằng phương thế nào khác là đấu tranh quyết liệt, can đảm và kiên trì.

Có người viện lẽ:

- “Tính tôi nó vậy rồi thì làm sao bây giờ ?”

Thế rồi họ buông thả, không làm gì cho tính khí nên quân bình hơn, sự liên đới với tha nhân nên nhẹ nhàng dễ chịu hơn và tình bác ái thấm nhuần Phúc Âm hơn.

Chúa Thánh Thần cho ta một dấu chỉ như là căn tính người công chính:

“Người công chính sửa sang đường lối của mình” (Prov. 21,29).

Đây Chúa không nói tội nhân, mà nói người công chính phải sửa sang đường lối của mình.

Phải chăng, Chúa ám chỉ hàng linh mục, những người được coi là công chính. Nên hơn ai hết linh mục được kêu gọi ráo riết làm việc sửa sang ấy. Dứt khoát, Chúa phải ngự trị trong linh mục, và cần giáo dân phải biết và nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong linh mục, qua cách sống hiền lành và khiêm nhường của ngài.

Lạy Chúa,
xin ướp ngọt lời nói, hành động và mọi cách giao tiếp của con trong mật Hiền lành.


Được nương náu trong đức Hiền lành, tâm hồn con luôn an toàn như

“Bồ câu làm tổ trong hốc đá” (Cant. 2,14).

 

3. Thực hiện đức Hiền lành.


Sau khi đã tìm hiểu về bản chất và phương pháp tập luyện đức Hiền lành, nay nên suy nghĩ đến thực hiện làm sao cho khôn khéo.

Có bốn trường hợp cần phải thực hiện đức Hiền lành:

- Trường hợp thứ nhất là khi bị nhục mạ khinh khi.

Linh mục là người hình như đã được tiên liệu để luôn bị đả thương bằng trăm nghìn cách.

Thi hành nhiệm vụ, ít khi linh mục thoát khỏi đắng cay. Lúc ấy cần biết lợi dụng để tập điềm tĩnh, và tỏ ra tâm hồn cao thượng, bằng sự ở lặng và nhẫn nhục chịu đựng.

Một thánh nhân nói:

“Bình tĩnh tiếp nhận lời lăng mạ có sức thuyết phục hơn việc hy sinh hãm mình nào khác”.

Bị lăng mạ, tự nhiên cảm thấy như da thịt sục sôi lên. Lúc ấy vận dụng sức mạnh ý chí giữ được tâm hồn tĩnh lặng bình thản, đó là đức Hiền lành.

Cuộc chiến đấu bên trong có khi thật gay go, nhưng sự xúc động đã được chế ngự, nên bề ngoài không tỏ dấu gì khác thường.

Để vững bước đi lên, tưởng nên nhìn theo gương Đức Kitô. Thuở bình sinh Đức Kitô lại đã không bị những người độc miệng gán cho đủ điều xấu đó sao ?

- Họ ghép Ngài vào cùng một bọn với phường tội lỗi, kết thân và ăn uống với chúng.

- Họ coi Ngài đã bị quỷ ám, dựa thế tướng quỷ mà trừ quỷ.

- Người đồng hương xem Ngài như kẻ điên khùng. Họ đã tính điệu Ngài lên sườn núi và đạp Ngài xuống vực thẳm cho chết đi.

Trước những hành vi xỉ vả ấy, Đức Kitô đã ứng xử:

- Khi thì bỏ qua và biến đi khỏi họ như nố xảy ra nơi người đồng hương (Lc 4,20-30).

- Khi thì Ngài vỗ nhẹ vào ức đoán của họ: “Quỷ mà chia rẽ nhau thì nước nó đứng vững sao được” (Mat 12,26), và “Nếu tôi dựa thế quỷ mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa vào thế ai mà trừ” (Lc 11,19).

- Khi thì Ngài lợi dụng để nói lên thanh thế và sứ mạng của Ngài: “Cũng như thầy thuốc không cần cho người khoẻ mạnh, mà cho người đau yếu. Tôi đến không để gọi người công chính mà để gọi người tội lỗi” (Mat 9,12-13).

Sau đó Ngài quay lại nhắn nhủ các môn đệ:

*** “Môn đệ không hơn thầy, đầy tớ không hơn chủ. Môn đệ được như thầy, đầy tớ được như chủ là tốt phúc lắm rồi.... Vậy nếu người ta đã gọi thầy là Béelzéboul thì phương chi là anh em” (Mat 10,24-25).

***  “Thầy nói với anh em các điều đó để anh em yên tâm trong Thầy. Sống trong thế gian anh em sẽ chịu khổ nhiều. Nhưng anh em vững lòng cậy tin vì Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

- Trường hợp thứ hai là khi phải mắng trách.

Hiện nay trong đạo muốn quyền hành được tôn trọng và tuân theo cách chân tình, quyền hành ấy phải được đức Hiền lành ướp dịu.

Khi thi hành quyền bính, phải sử dụng tối đa luật điều hoà... Đức Hiền lành bảo vệ quyền bính, tính nóng giận phá hủy.

Người ta làm hỏng mọi việc khi quá dựa vào quyền hành, để rồi làm cao làm kiêu, nghiêm khắc lạnh lùng gay gắt, nhất là lại kèm theo sự nổi khùng chua chát.

Với tính cách ấy, người thuộc quyền dễ bị bực tức, và có thể đi đến chỗ quá đáng.

Pierre de Blois nói: “Bề trên sửa dạy mà nóng giận nghiêm khắc là việc làm xấu”.

Ở đây, tưởng nên theo ý kiến thánh Phanxicô Salêsiô:

*** “Hiền lành có quá một tí còn hơn là khắc nghiệt”.
*** “Là Giám mục của giáo dân, nhưng tôi thích tỏ mình là mẹ của họ hơn là Giám mục”.

Về trường hợp này Phúc Âm kể hai ca nổi cộm:

a/ Bị cản đường lên Giêrusalem, mấy môn đệ nổi sùng: “Thầy cho phép chúng tôi khiến lửa trên trời phụt xuống thiêu rụi bọn này”.

Đức Kitô quạt nhẹ các ông: “Anh em không biết vì tinh thần nào mà ăn nói như vậy. Con Người không đến để tiêu diệt, nhưng để cứu sống” (Lc 9,54-56).

b/ Khi nghe Đức Kitô nói trước về cuộc tử nạn sẽ phải chịu, Phêrô kéo Ngài ra một bên nói nhỏ: “Thầy không thể chịu như thế được” (Mat 16,22).

Với vẻ nghiêm nghị Ngài xua đuổi: “Lui lại, Satan, anh làm cớ cho Thầy bị vấp phạm ! anh chẳng nghĩ đến tư tưởng của Thiên Chúa, mà chỉ nghĩ đến tư tưởng của loài người” (Mat 16,23).

Đã rõ, Đức Kitô không mắng Phêrô là Satan. Nhưng tư tưởng ông phát biểu là của loài người, phát xuất từ Satan, nghịch hẳn với tư tưởng của Thiên Chúa muốn Con Người phải chịu nạn chịu chết, để cứu chuộc nhân loại, nên phải thẳng tay và tức khắc gạt bỏ.

Sau phút ấy Thầy trò lại nhắn nhủ nhau: “Ai muốn theo Thầy, phải bỏ mình, vác thập giá mình mà theo. Ai muốn bảo vệ mạng sống mình thì sẽ mất. Ai liều mạng sống mình vì Thầy sẽ được lại sự sống. Được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống thì có ích gì. Ai có thể lấy gì đánh đổi được sự sống ? Con Người sẽ đến trong vinh quang cùng với các thiên thần mà ban thưởng cho mỗi người tùy theo công việc của họ” (Mat 16,23-27).

- Trường hợp thứ ba là khi phải từ chối.

Từ chối mà không gây buồn lòng là việc không dễ. Vì từ chối là gạt bỏ một ước vọng người ta ham thích, là đột nhiên dập tắt một mơ tưởng người ta ấp ủ, nên thường dễ gây mích lòng và phản kháng, không tỏ thì ngầm.

Điều người ta yêu cầu thường được coi là một ơn huệ, một đặc ân, nhưng biết đâu người ta còn cho đó là một quyền lợi của họ.

Người hiền lành chứa sẵn trong thâm tâm phương cách giảm nhẹ sự bất mãn của việc từ chối.

Người hiền lành thường mềm mỏng, giỏi co giãn lui tới, dễ làm cho việc từ chối mất đi sự cứng cỏi thiếu cảm thông. Kết quả là phủ dụ được đương sự nhận ra không phải vì khó, song lý đương nhiên buộc phải vậy: hoặc vì lợi ích chung riêng nào khác, hay phải phòng xa một bất tiện nào có thể xảy ra. Đồng thời cũng làm đương sự ý thức rằng: được như sở cầu mà không mắc mứu gì đến chuyện khác mới thật là vui.

Hôm ấy ba mẹ con Gioan và Giacôbê đến gặp Đức Kitô, bà mẹ lên tiếng:

“Xin cho hai con tôi đây đứa ngồi bên tả đứa ngồi bên hữu trong nước Thầy”.

Đức Kitô đáp:

Các người không hiểu điều mình xin. Các người có uống được chén Thầy sẽ uống không ?

-Thưa, được”.

Chúa dạy tiếp: “Thật các người sẽ uống chén Thầy, nhưng việc ngồi bên tả bên hữu Thầy không trong quyền Thầy mà do Cha Thầy sắp đặt..”.

Rồi Ngài dạy chung các môn đệ: “Vua quan cai trị và ép dân phục vụ mình. Phần anh em không thế: ai làm lớn sẽ làm đầy tớ anh em, ai làm đầu sẽ làm tôi mọi anh em. Thầy đến không để được hầu hạ, mà để hầu hạ và phó mạng sống mình làm giá cứu chuộc mọi người” (Mt 20,20-28).

. Trường hợp thứ bốn là khi cần phải phản kháng.

Trong câu chuyện bàn cãi người ta dễ đi đến khích bác đả phá nhau. Trái lại, vì đã thấm nhuần đức hiền lành Phúc Âm, linh mục phải luôn có thái độ dung hoà. Khi tranh cãi qua cửa miệng hay trên giấy tờ, ngôn từ phải ôn tồn lịch thiệp tôn trọng, mới chuẩn bị người ta đón nhận sự thật. Hùng hổ bài bác hay đả phá thẳng thừng chỉ làm người ta xoay lưng lại.

Sau hết, vì lý do thuận hoà, và nhất là khi sự việc không mấy quan trọng, tưởng nên nhường lời trước khi nó nổ thành chuyện đáng tiếc.

Hy sinh trong dịp này không giảm giá chân lý hay quyền lợi, mà còn tránh được nhiều lầm lỗi khi nóng nảy bênh vực quan điểm của mình.

Trong dinh Caipha, Đức Kitô trả lời vị Thượng Tế tra hỏi về môn đệ và giáo lý Ngài dạy thì bị một người thuộc hạ Thượng tế tát và mắng:

“Mầy dám đối đáp với vị Thượng Tế như vậy sao ?”.

Đức Kitô điềm đạm nói với anh:

“Nếu tôi nói sai, thì hãy chỉ chỗ sai ấy. Nếu tôi nói phải thì sao lại đánh tôi ?” (Jo 18,22-23).

Xem cách Đức Kitô ứng xử trong các trường hợp thấy dịp nào Ngài cũng luôn là mình: hiền hậu bao dung:

- Gặp kẻ lỗi phạm Ngài không la mắng, song khôn khéo bênh vực và tìm cách cứu gỡ.

- Gặp cây sậy giập, Ngài không bứt bẻ đi mà bó táp cho nó tiếp tục sống.

- Gặp ngọn đèn leo lét, Ngài không phụt tắt đi, song Ngài châm thêm dầu và khêu bấc lên cho nó cháy sáng.

Cũng trong những trường hợp tương tự, có người anh em tôi thi hành biện pháp 3L:

. Trước thì dùng
. Lý không được thì La
. La không được thì Lờ.

Nhưng ghép vào khuôn mẫu của Đức Kitô trên đây thấy không khít và còn bị hụt.

Người anh em khác cũng sử dụng biện pháp 3L ấy, nhưng có sự sửa đổi ở hai phần sau:

- Trước hết dùng
- Lý chưa được thì Lay (nhắc hoài)
- Lay không được thì Lạy.

Hẳn người anh em này đã biết chuyện Đức Cha Mugnagori Trung, người Tây Ban Nha, Giám mục Bùi Chu, trước Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn.

Truyện kể rằng:
Khi cha Trung làm cha xứ Thái Bình, một cụ Annam ở xứ xa Tỉnh, dây dưa vào vụ cách mạng chống Pháp. Cụ bị bắt và giam tại khám Thái Bình. Cha Trung đi gặp viên chánh sứ Pháp biện hộ và đòi trả tự do cho cụ. Đi lại nhiều lần không có kết quả, mặc dầu đã nhờ cả bà vợ ông nói giùm. Lần chót ngài vào dinh gặp bày biện với cả hai ông bà, nhưng vẫn bị từ chối. Bất chợt ngài quỳ xuống cúi mình sâu lạy van. Quá ngỡ ngàng và xúc động, hai ông bà vội đỡ ngài lên, và nhận lời lo gấp cho cụ được về.

Vì thương các linh hồn, có trường hợp cũng phải tự huỷ mình đến thế. Nhưng một mối lợi rất quí đang chờ ở phiá trước là cũng như

“Môisen được Chúa thương và người ta mến” (Eccli 45,1)

-------------------------------------------------
Thành khẩn
Các bài viết của
- Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ,
- Cha Giuse ThânVăn Tường
- Cha Gioakim Mai Xuân Triết
Thời trước, được in RONÉO rải rác trong các tập TĨNH TÂM hàng tháng,
hoặc những cuốn sách Đạo đức, Tu đức, in Ronéo.


Nay kẻ hèn này muốn sưu tầm lại, để lưu giữ trên trang https://linhmucmen.com/
hầu có thể giúp ích cho những thế hệ mai sau lâu dài, kẻo mai một đi thì tiếc lắm.


Vậy, những ai còn giữ những cuốn Tĩnh Tâm đó, hoặc những sách đó,
có bài viết của

- Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ
- Đức Cha GB. Bùi Tuần

- Cha Giuse ThânVăn Tường
- Cha Gioakim Mai Xuân Triết

Xin giúp đánh máy lại, hoặc Photo, rồi gởi cho con (con sẽ đánh máy),
theo địa chỉ:
- Email: mennguyen296@gmail.com

Hết lòng cám ơn. Lm.Nguyễn Văn Mễn
-------------------------------------------

Tác giả: Lm Mai Xuân Triết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây