Thường Niên Tuần 31/2023 Thứ Hai - Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày

Chủ nhật - 05/11/2023 04:22
Thường Niên Tuần 31/2023 Thứ Hai - Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
Thường Niên Tuần 31/2023 Thứ Hai - Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày
Thường Niên Tuần 31/2023 Thứ Hai
Suy Niệm Lời Chúa Hằng Ngày


----------------------------------
Mục Lục:

Lời Chúa: Lc 14, 12-14. 1
Suy niệm 1: Đáp lễ. 1
Suy niệm 2: Tâm tình của Chúa. 3
Suy niệm 3: Bác Ái Vô Vị Lợi 4
Suy niệm 4: Tình Yêu Là Ân Huệ Tặng Không. 5
Suy niệm 5: Cần có cái nhìn hướng về nước trời 6
Suy niệm 6: Bác ái vô vị lợi 7
Suy niệm 7: Hãy có tinh thần chia sẻ. 8
Suy niệm 8: Phục vụ vô vị lợi 10
Suy niệm 9: Việc phục vụ vô vị lợi 12
Suy niệm 10: Phục vụ vô vị lợi 14
----------------------------------
Ân Huệ Tặng Không.
"Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật".
 

Lời Chúa: Lc 14, 12-14


Khi ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: "Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông.

Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn".

----------------------------------
 

Suy niệm 1: Đáp lễ


(Lm Nguyễn Cao Siêu SJ)

“Bánh ít đi, bánh quy lại” hay “Có đi có lại mới toại lòng nhau”:
đó vẫn được coi là cách cư xử bình thường giữa người với người.
Hơn nữa ai làm như vậy còn được coi là người biết cách xử thế.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu mời ta vượt lên trên lối cư xử đó,
không ngừng lại ở chỗ tôi cho anh, để rồi anh cho tôi (do ut des).
Ngài dạy cho ông chủ tiệc biết nên mời ai và không nên mời ai.
Có bốn hạng người không nên mời dự tiệc:
bạn bè, anh em, bà con họ hàng, hay láng giềng giàu có.
Ngài đưa ra lý do: “Kẻo họ mời lại ông, và ông được đáp lễ” (c.12).
Hơn nữa, Ngài còn nói đến bốn hạng người nên mời dự tiệc:
những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (c.13).
Đức Giêsu khuyên nên mời những hạng người này,
vì họ không có khả năng mời lại hay đáp lễ (c.14).
Như thế Đức Giêsu cho ta tiêu chuẩn để mời khách dự tiệc.
Không mời những người quen biết, thân thích, giàu sang,
để mời những người nghèo hèn, những kẻ chẳng được ai mời.
Qua đề nghị khó thực hiện này của Đức Giêsu,
Ngài đụng đến một khuynh hướng tự nhiên mà ít người để ý.
Đó là khi làm điều tốt cho ai
ta cũng mong được hoàn trả cách này cách khác.
Có khi mong được trả lại tương đương hay hậu hỹ hơn.
Có khi mong trả lại bằng một bia đá ghi công hay một lời tri ân đơn giản.
Nói chung để làm một hành vi hoàn toàn vô vị lợi là điều rất khó.
Chỉ ai thành thật đi vào lòng mình mới thấy mình ít khi cho không.
Đức Giêsu muốn hạn chế khuynh hướng này.
Ngài mời chúng ta ra khỏi thế giới của những người quen biết,
không kết thân với những người giàu có và thế lực,
để mong họ đem lại lợi nhuận hay làm ô dù cho ta.
Ngài đưa ta đến với những người nghèo và không có địa vị,
những người không có khả năng mời lại hay đáp lễ.
Có khi những người đó chẳng ở đâu xa.
Họ nằm ngay trong số bạn hữu, bà con, anh em, hay hàng xóm.
Khi mời họ dự tiệc, trân trọng họ như khách quý,
chúng ta làm sống lại những mối tương quan tưởng như không còn.
Đức Giêsu mời ta thanh luyện ý hướng của mình khi làm điều tốt,
trở nên siêu thoát và từ bỏ những tìm kiếm tự nhiên quy về mình.
Bài Tin Mừng đơn sơ này có thể tạo một bước ngoặt trong đời Kitô hữu.
Chúng ta sẽ được nếm một mối phúc mới:
Phúc cho ai làm một việc tốt mà không được ai biết đến và đáp lễ.
Họ sẽ được Thiên Chúa “đáp lễ” trong ngày phục sinh (c. 14).
 
Cầu nguyện:

Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy con biết sống quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính toán,
biết chiến đấu không ngại thương tích,
biết làm việc không tìm an nghỉ,
biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
 
----------------------------------
 

Suy niệm 2: Tâm tình của Chúa


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thông thường “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Yêu những người yêu mình. Làm ơn cho những người làm ơn cho mình. Bữa tiệc là để cám ơn những người đã tốt với mình. Nay tỏ lòng tốt lại. Để mong nhận được lòng tốt hơn nữa. Đó là vòng tròn ơn nghĩa. Là trần gian thường tình. Đó là vụ lợi. Đó là đã hưởng lợi trần gian rồi.

Chúa dậy điều khác hẳn: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc”. Tại sao có phúc? Có phúc vì không được lợi về vật chất ở đời này. Cùng lắm chỉ được dân nghèo quí mến. Nhưng sẽ được phúc đời sau. Vì “ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. Có phúc vì mặc lấy tâm tình của Chúa. Vì cùng Chúa xây dựng Nước Trời.

Đó là chia sẻ “sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào”. Tâm tình của Chúa là tình yêu. Luôn đi bước trước. Để “muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người”. Đã thương cứu độ không những Ít-ra-en mà cả mọi dân trên thế giới chỉ vì họ không vâng phục. “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người”. Thật lạ lùng tâm tình của Chúa. Thật cao sâu lòng thương xót của Người. Đó là nguồn cội mọi ơn lành cho ta (năm lẻ).

Vì thế, thánh Tông đồ mời gọi chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Chúa. Đó là hãy “có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”. Đó chính là mời dự tiệc những người nghèo khổ, tàn tật. Đó chính là cho đi mà không mong được đáp lễ (năm chẵn).

Mặc lấy tâm tình của Chúa. Hành động theo đường lối của Chúa. Đi bước trước. Cho đi không mong đền đáp. Ta cùng Chúa xây dựng Nước Trời ngay trên trần gian. Bắt đầu từ bây giờ.

----------------------------------
 

Suy niệm 3: Bác Ái Vô Vị Lợi


(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Tâm lý thường tình của con người vẫn là: "Có qua có lại, mới toại lòng nhau" hoặc "Ông đưa miếng giò, bà thò chai rượu". Chúng ta kết bạn thân thiết với ai, chúng ta cũng muốn họ có một tâm tình như thế đối với chúng ta.

Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng bác ái vô vị lợi: "Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giầu có... Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ không có gì trả lễ, và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công trong ngày các kẻ lành sống lại".

Ở đây, Chúa Giêsu hướng lòng con người về đời sau. Ðang lúc dự tiệc cưới trên trần gian, Ngài đã liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống; ở đó những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa.

Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Ðây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Chúa Giêsu đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé, yếu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.

Tình thương của Chúa Giêsu không đòi hỏi phải có đi có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ơn huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Ðấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương sống bác ái của Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu bao la và nhưng không; do đó, chúng ta cũng có bổn phận phải cho đi một cách rộng rãi và vô vị lợi những ân huệ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ðược như thế chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng thông dự bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Chúa.

----------------------------------
 

Suy niệm 4: Tình Yêu Là Ân Huệ Tặng Không


“Trái lại khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc. 14, 13-14)

Khi kêu gọi quý khách hạ mình xuống để được vào nước trời, bây giờ Đức Giêsu chỉ dẫn chủ mời cần điều chỉnh mọi hành động của ông theo tình yêu Thiên Chúa để yêu người.

Tình yêu vụ lợi không được cứu độ.

Đối với dân Do thái, mời ăn tiệc là tỏ lòng thân ái và tình bạn. Họ chỉ mời những bạn hữu, anh chị em, cha mẹ, bà con và những người láng giềng giàu có, để mong được mời lại. Hành động của họ không đặt nền tảng trên tình yêu như Chúa truyền dạy. Đó là cách yêu mình, yêu vụ lợi.

Đức Giêsu không nói đừng bao giờ mời bạn hữu. Những người lương dân thường làm thế, nhưng đó không phải là dấu chỉ môn đệ Đức Giêsu. Môn đệ phải tìm theo Chúa, không được đòi Chúa phải theo mình trong mọi việc của mình. Môn đệ phải sẵn sàng yêu mến, và chia sẻ cơm áo cho những người Chúa yêu, như kẻ nghèo khổ, què quặt, mù lòa.

Chỉ có ơn tặng không mới mở được cửa nước trời.

Con đường của Chúa vượt tới từ bỏ chính mình, tới vô vị lợi tuyệt đối. Nếu bạn mời những kẻ bất hạnh, họ không thể mời lại bạn, bạn mở con tim ra cho họ bằng một tình yêu vô tư, tặng không, như chính Thiên Chúa yêu họ.

Trước đó, bạn sẽ thấy hạnh phúc và phần thưởng trong ngày sống lại và phán xét.

Chính Chúa Giêsu ban bữa tiệc tình yêu và truyền lại cho các môn đệ làm mà nhớ đến cái chết hy sinh của Người. Trong bữa tiệc thánh đặc biệt này, Người không phân biệt và loại trừ một ai. Bữa tiệc Thánh Thể này cần mở ra mời hết mọi người, không phân biệt giai cấp xã hội, chủng tộc hay phẩm giá của họ.

Ta chỉ cần đọc lại thư của thánh Gia-cô-bê và những thư của thánh Phao-lô để nhận thấy Giáo hội sơ khai đã tha thiết nhắc lại lời dạy của Đức Giêsu nói với biệt phái khi họ mời Người.

Tình yêu là một ân huệ Thiên Chúa tặng không cho ta. Ta đã được cho không, thì phải tặng lại một cách quảng đại vô vị lợi.

RC

 ----------------------------------
 

Suy niệm 5: Cần có cái nhìn hướng về nước trời


Tại Sài Gòn, rất nhiều người biết đến quán cơm từ thiện với cái tên ngồ ngộ: “Quán cơm Vợ thằng Đậu”. Chủ nhân của quán cơm này chính là cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Khi vừa qua cơn bạo bệnh nhờ phép lạ của Đức Mẹ, Lê Vũ Cầu đã xin theo Đạo Công Giáo, và việc làm đầu tiên để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cứu ông khỏi căn bệnh hiểm nghèo là: bán hai miếng đất lấy tiền mở quán cơm chay tại số 40 Đặng Văn Bi, Q.Thủ Đức, Tp. Sài Gòn.

Quán ăn phục vụ từ 10h 30 - 11h 30 trưa, mỗi ngày tiếp khoảng 100 - 150 lượt khách. Khách hàng của quán chủ yếu là người nghèo, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đông nhất là anh chị em bán vé số. Tất cả đều được ăn miễn phí.

Khi mở quán như thế, nhiều người cho rằng nghệ sĩ Lê Vũ Cầu có vẻ bất thường, vì nếu dùng đồng tiền đó vào những chuyện như kinh doanh, buôn bán có lẽ tốt hơn!

Hôm nay, Đức Giêsu xem ra cũng có vẻ bất thường khi nói với ông thủ lãnh những người Pharisêu khi mời Ngài đến dự tiệc rằng: “Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật”. Câu nói này của Đức Giêsu quả thật là bất thường theo lối suy hiểu của con người. Không chỉ có một lần này, mà đọc lại các trang Tin Mừng, chúng ta thấy có rất nhiều lần Đức Giêsu dùng lối nói như vậy. Chẳng hạn như: Hiến Chương Nước Trời và những lời chúc phúc: “Phúc cho người nghèo, khóc lóc, đói khát, bắt bớ, tù đầy...”; hay khi đưa ra nguyên tắc éo le cho những ai muốn theo mình: “Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống đời đời”; hay “ai muốn làm lớn thì phải làm đấy tớ mọi người”; hoặc cứ để kẻ chết chôn kẻ chết...; còn khi nói về sự lựa chọn: Ngài đã lựa chọn: “Sẵn sàng bỏ 99 con chiên để đi tìm cho kỳ  được 1 con chiên bị lạc; người đàn bà tìm được đồng xu đánh mất, thì lại mời cả xóm đế chung vui...!”.

Tại sao Đức Giêsu lại có cái nhìn như thế? Thưa là vì Ngài có một cái nhìn siêu nhiên, tức là cái nhìn hướng thượng, cái nhìn cứu độ. Chỉ những ai có cái nhìn như thế, hẳn mới đón nhận được giá trị cứu độ của nó đằng sau sự kiện.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn như thế để được cứu độ, bởi lẽ khi chúng ta hành động vì những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù..., ở đời này, họ không có gì để trả ơn cho chúng ta, nhưng Thiên Chúa sẽ là người thay họ trả ơn gấp trăm cho chúng ta ở đời này và đời sau.

Có thể với lối nhìn như thế, nhiều người sẽ khinh chê, dè bửu, nhưng nếu bây giờ chúng ta dám lội ngược dòng để sống cốt lõi của Tin Mừng, thì trong cuộc sống mai hậu, chúng ta sẽ xuôi dòng để tiến về Quê Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu và sống ý nghĩa của Tin Mừng, để sau này, chúng con được vui hưởng hạnh phúc trên Quê Trời. Amen.

Ngọc Biển SSP

----------------------------------
 

Suy niệm 6: Bác ái vô vị lợi


(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tình yêu của Chúa bao trùm tất cả mọi người, không phân biệt một ai. Ngài mời gọi chúng ta sống như Ngài: cư xử với nhau cách quảng đại và vô vị lợi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thế giới hôm nay đang bị đảo lộn, giá trị vật chất nhiều lúc được đặt trên giá trị tinh thần. Cuộc sống giữa con người với nhau thường dựa trên sự trao đổi song phương, hợp đồng hai chiều. Vì vậy, người ta ái ngại khi kết thân làm bạn với những người nghèo khổ, cô thân cô thế.

Lạy Chúa, khi suy gẫm Lời Chúa hôm nay, con nhận ra mình chỉ là kẻ nghèo khó thấp hèn, nhưng suốt bao nhiêu năm tháng qua, Chúa đã ban cho con vô vàn ân huệ mà không đòi hỏi gì cả. Chúa đã ban tặng nhưng không. Phần con đã so đo tính toán hơn thiệt. Khi giúp ai việc gì, con bắt họ trả công, đền ơn đáp nghĩa. Khi ai tặng một món quà, thì con cũng nhớ một dịp nào đó để tặng lại. Thậm chí, đôi lúc cho thì ít mà muốn nhận lại thì nhiều, hoặc tệ hơn nữa, nhận vào mà không muốn cho đi. Con muốn giao du với người giàu sang quyền quý, còn người nghèo khổ, con ngại ngùng gặp gỡ, tình thương dành cho họ chỉ là những lời an ủi ngoài môi, chứ trong lòng không một chút xót thương, cảm thông.

Lạy Chúa, con đã coi của cải vật chất trọng hơn con người. Con đã sống ích kỷ và vô tâm trước tình thương Chúa dành cho con, và xin ban cho con một quả tim của Chúa, để con sống quảng đại, biết cho đi mà không cần tính toán, biết trao ban mà không mong đền đáp. Xin giúp con biết phục vụ trong tình yêu thương. Amen.

Ghi nhớ: “Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật”.

----------------------------------
 

Suy niệm 7: Hãy có tinh thần chia sẻ


(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Qua bữa tiệc hôm qua, Đức Giêsu đã dạy thực khách bài học về khiêm nhường (Lc 14,7-11), hôm nay Ngài lại dạy thêm bài học về việc chia sẻ, biết cho đi. Trong đời thường, mấy ai cho đi mà không cần lấy lại: “bánh ít cho đi, bánh quy cho lại”, hay Tây phương cũng có câu: “Do ut des”: tôi cho anh để anh cho lại. Cho đi mà không được lại thì tinh thần dần dần sẽ phai nhạt, vì người ta chỉ đến với nhau  khi thấy có lợi cho chính mình. Đàng này, Đức Giêsu lại dạy: thi ân cho người mà không cần đáp trả. Làm ơn cho người không có khả năng đền đáp, cho bất cứ người nào cần, chứ không “lựa mặt”. Chúng ta đã chọn lối sống nào của người đời hay của Đức Giêsu?

2. Thật sự mà nói, thường thì mọi người chúng ta làm cái gì cho nhau cũng muốn có qua có lại, thậm chí tham lam theo kiểu “thả con tép bắt con tôm”, “thả con săn sắt bắt con cá rô”, hoặc “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Tự bản chất chúng ta cho thấy có một sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa giầu và nghèo, khi dọn tiệc, chúng ta vẫn ưu tiên mời người giầu, và nếu đang lúc dùng bữa, gặp người giầu chúng ta vẫn dễ dàng mời họ hơn thấy một người ăn mày đi qua...

Nói tóm lại, chúng ta bỏ ra  thì muốn thu lại, thậm chí muốn thu lại hơn gấp nhiều lần, chứ ít ai trong chúng ta  có được một lòng quảng đại chia sẻ cho những người nghèo khó. Chúng ta vẫn lấy tiêu chuẩn “công bằng kiểu làm ăn kinh tế” để đối xử với nhau, thì điều này  chúng ta là Kitô hữu cũng chẳng hơn gì, vì người ngoại  họ cũng làm được  hơn cả chúng ta, bởi làm việc lành mà được đáp lại, nghĩa là được thưởng công rồi, nên chẳng còn công phúc gì trước mặt Thiên Chúa cả (Hiền Lâm).

3. Nhưng trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng bác ái vô vị lợi: ”Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc” (Lc 14,13).

Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Đức Giêsu. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Đây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Đức Giêsu đã xuống ngang  tầm mức những kẻ nhỏ bé, yêu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.

4. Tình thương của Đức Giêsu không đòi hỏi phải có đi có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ   mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ân huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều  Thiên Chúa chờ mong nơi họ (Mỗi ngày một tin vui).

5. Cậu bé đói lả ăn cắp ổ bánh mì bị chủ quán bắt được. Cậu bị đánh, bị chửi. Thấy vậy, ông chủ quán phở kế bên trả tiền cho cậu và cho cậu thêm một tô phở mang về. Sau này, ông chủ quán phở lâm bệnh, phải nhập viện. Đứa con gái ông không thể trả tiền viện phí. Vị bác sĩ chữa trị đã thanh toán viện phí, kèm theo dòng chữ: ”Viện phí của ông đã được thanh toán cách đây hơn 20 năm bằng một ổ bánh mì và một tô phở”.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta bài học về cách làm ơn và cho đi. Ngài không dạy chúng ta làm ơn cho những người có khả năng đáp trả, nhưng cho những người thiếu thốn, nghèo khó. Khi ấy, chính Thiên Chúa sẽ thay họ trả cho chúng ta.

Đức Giêsu là tấm gương sáng chói về tinh thần cho đi cách quảng đại. Ngài đã “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” để đến với con người, sống như con người, hiến dâng mạng sống cho con người, mà không đòi hỏi  bất kỳ sự trả ơn, đền đáp nào.

6. Truyện: Tôi muốn cho chị được hạnh phúc.

Mẹ Têrêsa Calcutta đã thiết lập một căn nhà để tiếp đón tất cả những người hấp hối không có nơi nương tựa. Vì Mẹ muốn tạo điều kiện để những người nghèo khổ này được tìm thấy  một cái chết xứng đáng với phẩm giá con người.

Một buổi tối nọ, người ta đưa đến một người đàn bà bị kiệt sức vì đói khát và bệnh tật. Mẹ Têrêsa đã đích thân săn sóc với tất cả sự ưu ái và dịu hiền của một người mẹ. Sau khi đã hồi sức, người đàn bà mở tròn đôi mắt  đẫm lệ và thì thào với mẹ Têrêsa:”Thưa bà, tại sao bà lại săn sóc tôi như thế”?

Với tất cả lòng ưu ái, mẹ Têrêsa đã trả lời:”Bởi vì tôi muốn cho chị được hạnh phúc”.Trên khuôn mặt nhợt nhạt của người bệnh bỗng bừng sáng lên một niềm vui. Bà cố gắng để thì thào với Mẹ:”Xin bà hãy lặp lại câu đó một lần nữa đi”.

Mẹ Têrêsa mỉm cười nói:”Phải, tôi muốn cho chị được hạnh phúc”. Và như một điệp khúc không bao giờ ngừng, người đàn bà tiếp tục thều thào:”Xin bà hãy lặp lại một lần nữa đi”.

Cuối cùng bà ta cố nắm lấy tay mẹ Têrêsa đặt lên ngực, như muốn níu kéo một chút hơi ấm của tình người, hơi ấm của hạnh phúc mà chỉ ai có lòng quảng đại mới ban phát được.

----------------------------------
 

Suy niệm 8: Phục vụ vô vị lợi


(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dùng việc mời khách dự tiệc để dạy bài học phục vụ vô vị lợi:

1. “Hãy mời những người nghèo, người què, người cà thọt và người đui”: ba hạng người sau chỉ là giải thích cho chữ “người nghèo”. Chúa Giêsu dùng ba hạng đó để diễn tả những người nghèo nhất, vì ba hạng này bị khinh miệt nhất và không được phép tham dự những lễ nghi trong Đền thờ (2Sm 5,8; Lv 21,18).

2. “Họ không có gì đáp lễ”: người đời thường cư xử với nhau theo tiêu chuẩn có qua có lại, do đó họ thường mời những kẻ mà sau này sẽ đền ơn họ bằng cách này hay cách khác. Nhưng Chúa Giêsu khuyên hãy mời những kẻ không có gì đáp lại và cũng không có khả năng đáp lại. Khi đó chính Thiên Chúa sẽ thay họ mà thưởng công cho kẻ đã mời (“ông sẽ được đáp lễ: thể thụ động, ngụ ý Thiên Chúa là kẻ chủ động).

B.... nẩy mầm.

1. Mời dự tiệc tượng trưng cho sự cho. Nhưng giá trị của sự cho tùy vào cho ai và tại sao cho. Người đời thường chỉ cho những ai có thể cho lại mình. Như thế động cơ của sự cho là để được cho lại (do ut das). Cho như thế không có giá trị bao nhiêu vì thực chất là cho mình chứ không phải cho người. Vả lại dù người ta có cho lại mình thì chỉ cho theo sự tính toán của người ta (cũng như mình đã tính toán đối với họ), và chỉ cho những cái trong khả năng hạn chế của loài người. Chúa Giêsu dạy môn đệ Ngài một cách cho có giá trị cao hơn nhiều: cho những kẻ không có khả năng cho lại, và động cơ chỉ là vì thương nên muốn chia sẻ. Đó mới là cho thực nên mới có giá trị. Vả lại vì người nhận không có khả năng cho lại nên Thiên Chúa sẽ thay họ cho lại ta, và cái Chúa cho thì dĩ nhiên quý hơn cái ta đã cho gấp bội.

2. Ăn chung với nhau còn biểu lộ sự thông hiệp, liên đới. Chúa Giêsu là kẻ muốn thông hiệp liên đới với tất cả mọi người, do đó Ngài không ngại ăn chung với một thủ lãnh biệt phái mặc dù hai bên khác quan điểm với nhau (x. đoạn phía trước: 14,1-6). Ngài cũng không ngại ăn chung với những người tội lỗi (x. Mt 9,10-13). Trong đoạn Tin Mừng này, người thủ lãnh biệt phái đã khá cởi mở khi mời Chúa Giêsu đến ăn chung với mình. Chúa Giêsu khuyến khích ông tiến thêm một bước nữa là hãy hiệp thông liên đới với những người mà địa vị xã hội thấp kém hơn ông bằng cách mời họ cùng ăn uống với ông.

3. “Phần thưởng ai cũng muốn có. Nhưng phần thưởng đến từ đâu và lúc nào, đấy mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta hãy suy tính xem phần thưởng tạm bợ trong thời gian có hơn được phần thưởng vĩnh cửu không? Phần thưởng của anh em có hơn được của Thiên Chúa không? Phần Chúa, Chúa nhắn: “Hãy tìm của Nước Trời trước” (Mt 6,33) (Trích "TMCGK ngày trong tuần" ).

4. “ Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặc, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc“ (Lc 14, 13-14)

  Có một nỗi đau quặn thắt trong tôi, khi tôi được tin một người thân sắp bị mù. Có một tình thương len lõi trong tôi mỗi khi tôi nhìn thấy những người  nghèo khó, tàn tật. Nhưng dường như đó chỉ là cảm xúc pha lẫn thương hại. Chưa một lần nào tôi nghĩ đến chuyện phải là một cái gì đó cho họ.

  Lời Chúa hôm nay, mở ra cho tôi một tình yêu mới: “Yêu như Chúa yêu”, nghĩa là dám dấn thân cho tình yêu và nhất là không chỉ yêu những người danh giá địa vị, mà cả những người nghèo khó, tàn tật. Tôi nguyện đến với họ để chia sẻ với họ những gì tôi có, cả niềm vui và hy vọng nữa.

  Lạy Chúa! Xin cho con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người nghèo khó, tàn tật, để con có thể đến với những người anh em đó dễ dàng hơn. (Hosanna).

----------------------------------
 

Suy niệm 9: Việc phục vụ vô vị lợi


(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Qua việc mời khách dự tiệc, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta bài học về việc phục vụ vô vị lợi:

“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật có phúc”. (Lc 14, 13-14)

Mời dự tiệc tượng trưng cho sự cho. Nhưng giá trị của sự cho tùy vào cho ai và tại sao cho. Người đời thường chỉ cho những ai có thể cho lại mình. Như thế, động cơ của sự cho là để được cho lại (do ut das). Việc cho như thế không có giá trị bao nhiêu, vì thực chất là cho mình chứ không phải cho người. Vả lại, dù người ta có cho lại mình thì họ cũng chỉ cho theo sự tính toán của người ta (cũng như mình đã tính toán đối với họ), và chỉ cho những cái trong khả năng hạn chế của loài người.

Chúa Giêsu dạy môn đệ Ngài một cách cho có giá trị cao hơn nhiều: cho những kẻ không có khả năng cho lại, và động cơ chỉ là vì thương nên muốn chia sẻ.  Đó mới là cho thực nên mới có giá trị. Vả lại, vì người nhận không có khả năng cho lại nên Thiên Chúa sẽ thay họ cho lại ta, và cái Chúa cho thì dĩ nhiên quý hơn cái ta đã cho gấp bội.

Có một người nông phu Trung Quốc tên là Wong Ly, một người tuy nghèo nhưng vốn có lòng quảng đại và nhân hiền. Một hôm, ông từ trên đồi xuống, vác trên vai một bó lá đem về lợp lại mái nhà. Đi đường mỏi mệt ông ngồi nghỉ chân dưới bóng một cây cổ thụ bên đường. Một con bướm thật đẹp đủ màu sắc bay tới đậu trên bó lá, ông vừa đưa tay đuổi đi vừa nói:

- Bướm đẹp quá, hãy bay đi hưởng tự do mà Chúa đã ban cho mi.

Nhưng con bướm vẫn không chịu bay đi, rồi ông lấy dây, nhẹ tay buộc con bướm vào cành lá với ý định đem về cho các con ông chơi. Vừa xuống dưới chân đồi, ông gặp một phụ nữ, vai mang gánh lúa, tay dắt đứa con gái nhỏ. Trông thấy con bướm trên bó lá, cô bé gọi mẹ:

- Mẹ ơi, bướm đẹp quá mẹ xin cho con đi.

Nghe vậy, ông Wong Ly dừng chân, đặt bó lá xuống đất, tháo dây cột con bướm, đưa cho cô bé và nói:

- Đây cháu hãy cầm lấy con bướm này, nhưng đừng làm hại nó nhé.

Bà mẹ đứa trẻ cũng dừng chân, đặt gánh xuống và nói với ông Wong Ly:

- Ông thật là người tốt bụng, tôi không có gì đền ơn ông, chỉ xin ông nhận mấy trái cam sành này…trái cam tôi mới hái đây.

Ông nhận quà, ra về, cám ơn và nói:

- Tôi sẽ đem về cho vợ con tôi, vì cả nhà tôi chưa bao giờ được thấy những trái cam to và mọng nước như thế này.

Đi được một quãng, ông gặp một người lái buôn ngồi nghỉ dưới bóng cây bên đường với những gói tơ lụa đủ màu. Người lái buôn đứng dậy nói với Wong Ly:

- Tôi đi đường từ sáng đến giờ sắp kiệt sức vì trời nóng bức, không một miếng cơm cũng không một ngụm nước, ông có gì cho tôi uống giải khát để lấy lại sức không?

Ông Wong Ly động lòng thương, rút mấy trái cam sành trong túi ra và nói:

- Ông hãy nhận lấy mấy trái cam ngon ngọt này, nó sẽ giúp ông giải khát và chúc ông lên đường bình an.

Người lái buôn vui mừng nhận ba trái cam, rồi rút trong bao ra một tấm lụa và nói:

- Xin cám ơn lòng tốt của ông, và xin ông nhận cho tấm lụa này để nói lên lòng biết ơn của tôi.

Wong Ly tiếp tục lên đường về nhà, vai mang bó lá, tay cầm tấm lụa. Về tới đầu làng, ông nghe tiếng chân ngựa và tiếng cười xôn xao, như có ai quan trọng sắp đi qua đây, ông vội đứng sang một bên, chờ ngóng xem có chuyện gì xảy ra.

Một lúc sau, có xe của công Chúa và lính hầu cận tiến tới, đang lúc lúng túng Wong Ly nghe tiếng công Chúa gọi lại, vì muốn xem tấm lụa đẹp ông cầm trên tay. Ông đến gần và lễ phép thưa:

- Thưa bà, nếu bà thích, kẻ hèn này xin kính tặng bà.

Công Chúa cầm lấy tấm lụa ngắm nghía tỏ vẻ hài lòng và nói:

- Ngươi thật là tốt bụng, ta cũng muốn tặng cho ngươi một món quà.

Vừa nói công Chúa vừa đặt vào tay ông một cái túi nhỏ rồi ra đi. Ông cầm chặt túi nhỏ trên tay, vác bó lá trên vai, bước mau về nhà. Vào tới nhà, ông gọi vợ con tới gần và mở túi nhỏ của công Chúa ra xem. Mắt ông sáng lên khi thấy trong túi đầy những đồng tiền vàng.

Ông ngạc nhiên tự hỏi, tôi sẽ làm gì với sự giàu có này, rồi ông tự trả lời:

- Được rồi, tôi sẽ làm cho những người nghèo khổ nhất trong làng này được hạnh phúc.

Rồi ông phân phát, chia sẻ cho những người nghèo khổ trong làng. Và dĩ nhiên, người hạnh phúc nhất trong làng chính là ông Wong Ly. Từ đó, ông được đặt tên là “Người hạnh phúc”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống quảng đại hơn. Amen.

----------------------------------
 

Suy niệm 10: Phục vụ vô vị lợi


(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

Trong đời thường, mấy ai cho đi mà không cần lấy lại? Thường người ta tính toán rất kỹ khi đến với nhau. Hòn đất ném đi, hòn chì phải ném lại. Cho đi mà không được lại thì dần dần tình thân sẽ phai nhạt, vì người ta chỉ đến với nhau khi thấy có lợi cho chính mình.

Còn ngược lại, Ðức Giêsu dạy rằng: thi ân cho người mà không cần đáp trả. Làm ơn cho những người không có khả năng đền đáp. Cho bất cứ người nào cần, chứ không “lựa mặt”. Ðấy mới là cho thật tình, cho hết lòng.

Chúng ta sẽ chọn lối sống nào: của người đời, hay của Ðức Giêsu?

Tâm lý thường tình của con người vẫn là: “Có qua có lại, mới toại lòng nhau” hoặc “Ông đưa miếng giò, bà thò chai rượu”. Chúng ta kết bạn thân thiết với ai, chúng ta cũng muốn họ có một tâm tình như thế đối với chúng ta.

Nhưng Chúa Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng bác ái vô vị lợi: “Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giầu có... Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ không có gì trả lễ, và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công trong ngày các kẻ lành sống lại”.

Ở đây, Chúa Giêsu hướng lòng con người về đời sau. Ðang lúc dự tiệc cưới trên trần gian, Ngài đã liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống; ở đó những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa.

Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Ðây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Chúa Giêsu đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé, yếu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.

Tình thương của Chúa Giêsu không đòi hỏi phải có qua có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ơn huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Ðấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương sống bác ái của Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu bao la và nhưng không; do đó, chúng ta cũng có bổn phận phải cho đi một cách rộng rãi và vô vị lợi những ân huệ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ðược như thế chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng thông dự bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Chúa.
---------------------------------

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây