BỆNH PHONG CÙI - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 88

Thứ bảy - 13/11/2021 23:53
BỆNH PHONG CÙI - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 88
BỆNH PHONG CÙI - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 88
BỆNH PHONG CÙI
(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 88)
----------------------------------

Trong một tập hồi ký, Raul Folero vị đại ân nhân của những người Phong cùi, đã đi khắp nơi, để rống lên những tiếng kêu thảm thiết, thay cho những người bất hạnh này. Ông đã ghi lại chuyến đi của ông tại Phi Châu như sau:

Đến một chỗ cách thủ đô khoảng 15 cây số, chúng tôi bỏ xe ở đó, và đi lần theo một lối đi đã được chỉ trước. Và sau nửa giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi đã lạc vào một thế giới của buồn thảm, khốn khổ và khát vọng, không bút nào tả xiết.

Thật thế, tại một nơi, mà không ai muốn đặt chân đến, có khoảng 60 người phong cùi đang sống bên nhau.

Trước đây, người ta giam họ trong một trại cùi, chẳng khác nào một trại tù. Mọi người nhìn họ như những người bị chúc dữ, hoặc còn còn tệ hơn nữa, như những con thú dữ.

Không chịu nổi một sự giam hãm và cách ly như thế, 60 người cùi này đã trốn thoát, và rồi tìm đến cơ ngụ ở một khu rừng vắng này. Không thuốc thang. Không người chăm sóc. Tình trạng của họ lại càng thêm tồi tệ hơn. Vương vãi trên khu đất họ đang sinh sống, có đầy ắp những dấu vết của căn bệnh khủng khiếp này.

Tôi đến gần bên họ, để nói với người có tuổi, được xem là người đại diện của họ:

“Bây giờ là chiều thứ bảy, phố xá đâu đâu cũng đóng cửa. Ngày thứ hai, chúng tôi sẽ trở lại, và mang theo thức ăn, mùng mền, thuốc thang. Sẽ có một bác sĩ đi theo tôi và sẽ ở lại chăm sóc bà con. Chúng tôi sẽ cất nhà cho bà con và tôi sẽ trở lại khi cần. Bác có thể hỏi bà con cô bác xem: Có thể chờ đến thứ hai được chăng ?”

Cụ già nhìn tôi với cặp mắt nghi ngờ. Từ lâu, họ đã không còn tin tưởng vào ai nữa. Nhưng với một giọng lịch sự và tha thiết cụ già nói với tôi:

“Chúng tôi biết ông là người rất tốt. Ông không thể cho chúng tôi ngay tức khắc một cái gì đó sao ?”

Và cụ già hạ giọng xuống trình bày như sau:

“Chúng tôi đang cần một cái cuốc, hay bất cứ một vật gì có thể đào đất được. Một người bạn của chúng tôi đã qua đời đêm qua. Và ông nhìn thấy đó, chúng tôi đành phải dùng đôi tay cùi lở của mình, để đào cho người đó một cái huyệt”.

Tôi liếc nhìn vào đôi bàn tay của những người khốn khổ, đã sứt mẻ vì bệnh tật, nay còn bị thương tích, vì muốn bày tỏ hết tình nghĩa với đồng loại của mình.

*****

Các bạn là những người đang nghe tôi đọc những tư tưởng này, có lẽ các bạn sẽ không tin, khi chưa nhìn tận mắt vào cảnh tượng ấy. Nhưng, đó là sự thật.

Phong cùi vẫn mãi mãi là một căn bệnh khủng khiếp nhất đối với nhân loại. Người phong cùi đau đớn trong thân xác đã đành, mà còn phải đau khổ gấp bội trong tâm hồn, vì cảm thấy bị bỏ rơi.

Chúa Giêsu đã gặp gỡ và chữa lành nhiều người phong cùi, nhưng Ngài không chỉ chữa lành tấm thân bệnh hoạn của họ, mà còn tái lập họ trong cộng đồng nhân loại.

Lần nào cũng thế, sau khi chữa bệnh cho họ, Người luôn khuyên bệnh nhân hãy đi trình diện với các tư tế, nghĩa là hội nhập trở lại với xã hội.

Chúa Giêsu không những hồi phục bệnh nhân, Người còn mời gọi những người khác cũng hãy đón nhận họ.

Sự tái hội nhập của người phong cùi, luôn đòi hỏi chính sự cảm thông với lòng quảng đại và cởi mở đón nhận của người đồng loại.

Kỳ thực, nếu có một thứ vi trùng Hansen, có thể đục khoét và hủy hoại cuộc sống của con người, thì cũng có không biết bao nhiêu thứ vi trùng khác còn dộc hại gấp bội, đang ẩn nấp trong tâm hồn con người, tên của những thứ vi trùng đó là sự dững dưng, là lòng ích kỷ, là sự hận thù.

Những thứ vi trùng này, có thể đẩy ra ngoài lề xã hội và giết dần giết mòn không biết bao nhiêu con người.

Chính khi con người khép cửa từ tâm của lòng mình lại, thì chính là lúc con người trở nên khô cằn và nghèo nàn nhất trên cõi đời này.

Ghi-nê đã ví von một cách thật chí lý:

“Sự giàu có thực của con người, chính là yêu thương.
Và sự nghèo nàn thật của con người, chính là lòng ích kỷ”.


Khoa học đang nỗ lực tìm kiếm thuốc trị Siđa, nhưng ít có ai để ý đến những người đã chết ngay khi còn đang sống. Đó là


- những người không thấy cuộc sống có ý nghĩa,
- những người thiếu một lý tưởng để ấp ủ,
- những người thừa thải mọi sự và đầy ứ chính mình, nhưng lại thiếu tấm lòng dâng hiến trao ban.


Lạy Chúa, xin tha thứ cho lòng ích kỷ hẹp hòi của chúng con.

Xin tha thứ cho sự dững dưng, vô tâm của chúng con, trước không biết bao nhiêu người đau khổ chung quanh chúng con.

Xin ban cho con một trái tim nồng nàn, luôn biết nhạy cảm trước những nỗi khổ đau của anh chị em con.

Xin ban cho con một đôi tay luôn rộng mở, để xoa dịu, để nâng đỡ, để san sẻ cho những người đang cần con trợ giúp. Amen.

-------------------

Mời nghe: https://www.youtube.com/watch?v=2rNeMRj-tOU

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây