CHIẾC NÓN BẢO HIỂM và SỰ SỐNG - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 238

Thứ ba - 22/02/2022 06:49
CHIẾC NÓN BẢO HIỂM và SỰ SỐNG - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 238
CHIẾC NÓN BẢO HIỂM và SỰ SỐNG - Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 238
CHIẾC NÓN BẢO HIỂM

SỰ SỐNG


(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 238)
-------------------------------------------

Bạn thân mến,

Có lần được dịp ra miền bắc, tôi có nghe được một câu chuyện giống như đùa:

Đó ở trên miền rừng, tỉnh Tuyên Quang, thuộc GP Bắc Ninh, có một nhà thờ, mà bất cứ cha nào đến làm lễ, cũng đều phải đội nón bảo hiểm.

Số là trên nóc nhà thờ, rui mè mục nát thế nào, mà có lần cha đang dâng thánh lễ, thì có một tấm ngói bất ngờ từ trên mái rơi xuống ngay trên bàn thờ. May mà rơi không trúng đầu cha. Mọi người đều hết hồn hết vía.

Nhà thờ này cũng nhỏ thôi, trông đã cũ kỹ lắm rồi, nó lại nằm ở nơi heo hút vắng vẻ, lại ít giáo dân, nên không có khả năng xây sửa lại. Mà vì nhu cầu tôn giáo, nên thỉnh thoảng có cha về làm lễ. Mà để cho an toàn tính mạng của cha, thì cha phải đội nón bảo hiểm, khi dâng thánh lễ.

-------------

1. Nói đến nón bảo hiểm, tôi còn nhớ thời chưa có luật buộc cho cả nước, có một cha ở TP. Hồ Chí Minh, ra chợ mua một cái nón bảo hiểm Trung Quốc về để đội.

Một hôm, đang bon bon chạy trên đường xa lộ Sài Gòn, không biết cha đã chia trí thế nào, mà rồi lại tông vào phía sau của chiếc xe tải container.

Chiếc nón thì bể ra nhiều mãnh, văng tứ tung.

Còn cha thì nằm dài dưới lườn xe. Mặt mày, mình mảy, máu me, thương tích, trông thật thê thảm, nhưng cũng may mà cha không chết:

Thế là người ta bàn ra tán vào:

May mà cha mua được nón “dõm”, nên khi cha tông vào xe, là nón đã bể ra ngay. Do đó cha mới còn sống.

Chứ nếu, mà cha gặp phải nón xịn, thì ắt là cổ của cha đã gãy lìa ra khỏi thân, và cũng chắc chắn là cha đã chết rồi. Lại một lý luận giống như đùa.

2. Thế rồi, qua báo chí và dư luận, Nhà Nước muốn thăm dò chuyện buộc người ta ra đường phải đội mũ bảo hiểm.

Thế là dư luận nhao nhao lên phản đối:

- Chẳng nhẽ vợ chồng với đứa con, mỗi khi ra đường ngồi xe, lại phải đội đến 3 "cái nồi cơm điện", trông nó chẳng ra làm sao.

Hơn nữa, tốc độ giao thông ở Việt Nam hiện nay, chỉ được phép chạy với tốc độ: Từ 30 đến 50 cây số 1 giờ, thì có là bao, so với những con đường cao tốc ở xứ người, để rồi phải lo chuyện chấn thương nặng.

Vẽ chuyện, lợi bất cập hại:

Bởi, đội mũ vào, rồi đâm ra điếc, không nghe thấy còi xe, rồi tầm nhìn sang bên trái, bên phải, phía sau, lại bị hạn chế nhiều, thành ra dễ bị tai nạn như chơi.

- Có người mang sẵn ác cảm với nón bảo hiểm, nên đã tỏ ra nghi ngờ thiện chí của mấy ông lớn:

"Không khéo là các ổng có ăn chia với các nhà sản xuất mũ, hoặc với các tay đầu nậu, chuyên cung cấp mũ Trung Quốc, để ăn chia, để bỏ túi riêng".

Cuối cùng thì đến tháng 12 năm ngoái (15-12-2007), Nhà Nước ra lệnh rất nghiêm:

Hễ ai chạy xe gắn máy ra đường thì phải đội mũ bảo hiểm.

Mấy tuần lễ đầu, công an giao thông chỉ thổi còi chận lại để nhắc nhở. Sau đó là thẳng tay nghiêm phạt, không có chuyện du di nể nang ai hết.

À! Thì ra dân ta cũng biết sợ. Thế là mọi người đều tăm tắp chấp hành luật, mỗi khi ra đường.

Lần lần trở thành thói quen, nên không cần ai bảo ai, hễ cứ sắp sửa ra đường là lo đi tìm cái mũ bảo hiểm để đội.

Thế là các loại nón bảo hiểm đua nhau ra đời, đủ kiểu, đủ cở, đủ hình dáng, đủ màu sắc, thật đa dạng: Cái thì tròn tròn, cái thì xanh xanh, cái thì đỏ đỏ.

Cứ nhìn các nón bảo hiểm nhấp nhô, nhấp nhô trên đường, người ta có cảm tường như một bãi dưa hấu, đang trôi lềnh bềnh trên dòng sông bốc khói mịt mù.

“Của tội”, cho nên ai cũng cảm thấy khó chịu. Nó như một cái gì đó, cứ luôn ấn cổ đè đầu người ta xuống.

Rồi, khi chạy xe trên đường, gió thì mát, nhưng cái đầu thì lúc nào cũng bị hâm hấp, nóng ran cả đầu. Người ta tỏ ra rất bực bội khó chịu, nhưng chẳng ai dám cãi lệnh.

Rồi, cứ mỗi lần xe nhấp thắng một cái, thì cái mũ của người sau và người trước, va vào nhau, kêu một cái “cốp”.

Đó là chưa kể thật là tội nghiệp cho các bà các cô. Bởi những suối tóc óng ả điệu đàn, đã từng đi uống xù rất công phu, hoặc tốn khá nhiều tiền để duỗi tóc cho thẳng. Có những bộ tóc được nhuộm nhiều màu sắc khác nhau, trông như các tài tử minh tinh màn bạc trên tivi, hay chạy theo kiểu cọ này nọ: hai lai ba lai... coi như là phí của trời. Bởi cái mũ mà úp lên đầu như thế kia, thì còn gì là “moden”?

Thật ra, chẳng phải là ngoan ngoãn chấp hành 100% hết đâu.

Lúc đầu, vẫn có kẻ ỷ lại coi thường, liều không đội mũ xem sao.

Thế là bị công an huýt còi phạt cho một trận, là tởn ngay.

Đến Tết vừa rồi, coi như là mọi sự đã ổn định đâu vào đấy. Chiếc mũ bảo hiểm đã trở thành vật bất ly thân.

Và chính khi ấy, mới thấy dân mình thức thời, nhạy bén và có óc kinh doanh.

Nhiều nhà thiết kế đã nhanh tay, cho ra thị trường những mẫu mũ mới, có vành rộng ra để che nắng.

Nhiều họa sĩ lề đường đã chào hàng với những nét vẽ bay bướm, biến những cái mũ thô kệch, thành những nét vẽ nghệ thuật.

Nhiều cô gái con nhà giàu, lại bắt đầu chọn mũ bảo hiểm như một thứ trang sức hấp dẫn, có loại đắt tiền hơn nữa triệu bạc một cái.

Một số nhà thầu thì cho nhập ngay vào Việt Nam, những mẫu mũ, y như là mũ của lính Mỹ đánh trận ở bên I-rắc, thậm chí còn giống cả đội quân SS của Đức thời Hitler, thế mà những thứ mũ đó lại bán chạy như tôm tươi.

Còn các ngân hàng, các hãng xưởng, các công ty bảo hiểm..... đã không bỏ lỡ cơ hội, để tận dụng mũ bảo hiểm làm nơi quảng cáo cho thương hiệu của mình.

Cuối cùng, thì bây giờ khi ra đường, đội nón bảo hiểm đã thành niềm vui đối với những người khá giả, hay ít ra cũng đã thành thói quen của những người lao động nghèo.

Người ta đã quên mất rằng: Chỉ mới đây hơn nữa năm thôi, người ta đã dẫy nẫy lên như là đĩa phải vôi, khi lên án “cái thứ văn hóa mũ bảo hiểm, vớ vẫn và vô duyên”.
---------------------

3. Sát kề Noel năm 2007, đúng hơn là một tuần lễ sau khi có lệnh bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên toàn quốc, thì ở nhà nguyện Hiệp Nhất của dòng Chúa Cứu Thế Saigon, có một ông cha đã nghĩ ra một thứ máng cỏ thật lạ lùng:

Ngài để Chúa Giêsu sinh ra trong một chiếc nôi tròn tròn. Nhìn kỷ, thì ra đó là một chiếc mũ bảo hiểm lật ngửa lên, trong nón có lót rơm để cho Chúa Giêsu Hài Nhi nằm.

Phía đầu Chúa Hài Nhi thì có một tấm biển rất to, in hình các bào thai, với hàng chữ: “Hãy bảo vệ sự sống”.

Máng cỏ này được đặt ở góc cung thánh.

Thánh lễ đêm Giáng Sinh hôm đó lại cũng rất là đặc biệt, đó là thánh lễ dành riêng cho các bạn trẻ không công giáo.

Đương nhiên là hơn phân nữa vẫn là dân công giáo. Bởi chính những người công giáo rủ rê, mời mọc các bạn bè, và người yêu của mình không công giáo, cùng đến tham dự thánh lễ.

Đầu lễ, linh mục chủ lễ mời mỗi người và từng người, lần lượt mang chiếc nón bảo hiểm của mình, tiến lên hang đá, đặt quay tròn bên cạnh cái mũ nôi của Chúa Giêsu.

Ngài nói, thế giới hôm nay, xã hội Việt Nam hôm nay, phá thai quá nhiều. Người ta đã xúc phạm và gây tổn thương đến sự sống tràn lan, mà lương tâm không hề có một chút áy náy gì. Lương tâm của họ, hay ý thức về tội của họ đã không còn nữa. Nói cho chính xác hơn, là lương tâm của họ đã chết rồi.

Giả sử hôm nay, Chúa Giêsu Hài Nhi, lại được sinh ra trong những gia đình đó, ắt là Chúa đã bị họ giết chết, ngay khi chưa kịp sinh ra. Họ không cần phải cậy nhờ đến khí giới gươm giáo của quân lính Hêrôđê để giết Chúa Giêsu đâu.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải tìm mọi cách để bảo vệ sự sống, tránh hết mọi nguy hiểm rủi ro cho sự sống.

Bởi, sự sống là do Thiên Chúa ban cho. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên sự sống thôi. Đừng có ai cướp quyền này của Thiên Chúa.

Vậy Lễ Giáng Sinh năm nay, tôi đặt Chúa Hài Nhi trong một chiếc nón bảo hiểm, giữa những nón bảo hiểm của các bạn trẻ, là tôi muốn nói lên cái quyết tâm của chúng ta, là hãy tích cực bảo vệ sự sống bằng mọi cách.

Chính Chúa Giêsu, khi bỏ trời xuống trần gian này, là Ngài muốn nói lên cái quyết tâm của Ngài, đó là bảo vệ sự sống.

Ngài còn quyết tâm chết để cho mọi người được sống, và được sống dồi dào. Trong đó, có chúng ta.

4. Giữa tháng tư vừa qua, có một đám cưới thật lạ đời ở Gò Vấp:

Hôm đó là Thứ Bảy, mà Tin Mừng Chúa Nhật hôm sau, có ghi lại câu khẳng định của Chúa Giêsu:

“Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống”,

nên cha khách có đến xin cha sở cho phép được đọc bài Tin Mừng Chúa nhật đó trong lễ cưới.

Bài giảng của cha thì xoay quanh chuyện đi đường:

- Đường đời,
- Đường trần gian,
- Rồi đến con đường tâm linh,
- Đường về quê trời,
- Đường mang tên Giêsu.


Gần đến cuối bài giảng, cha bảo chú giúp lễ mang ra một túi nylon thật to. Mọi người trong nhà thờ cươi ồ lên bất ngờ, vì đó là 2 chiếc nón bảo hiểm màu xanh da trời, màu của Đức Mẹ.

Cha khách nói:

Ngày nay, người ta lo bảo hiểm cho cái đầu, cho sinh mạng của mình bằng một cái nón nhựa. Thế nhưng, chính tâm hồn của mình, cần phải được bảo vệ hơn hết, hơn bất cứ điều gì trên đời, thì người ta lại quên không nghĩ tới.

Quà cưới hôm nay, tôi muốn tặng cho đôi bạn trẻ tân hôn, là trao chính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, để Đức Mẹ luôn bảo hiểm sự sống, cho gia đình bé nhỏ của các bạn.

Khắp cả nhà thờ đều vỗ tay vang dội. Có lẽ không phải người ta vỗ tay hoan hô, vì cái sáng kiến tếu táo, mà rất hợp thời của ông cha khách.

Nhưng là vỗ tay đồng tình, nhất trí, quyết chọn cho đời mình, một hợp đồng bảo hiểm tuyệt vời trong tay Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

5. Mới đây, có một nhón bạn trẻ 8x, 9x tại TP. HCM, được thành hình từ những trò chơi Blog trên Internet, cha linh hướng của nhóm đã chọn cho họ một tên khác, đó là nhóm Fiat (Xin Vâng).

Đến ngày họp nhóm tháng tư vừa rồi, kỷ niệm tròn một tuổi đời, cha tặng cho mỗi người trong nhóm một chiếc nón bảo hiểm có in hàng chữ khá to FIAT (cùng Mẹ Xin Vâng).

Bây giờ, thì cứ mỗi sáng Chúa nhật, khi các bạn trẻ kéo nhau đi làm công tác xã hội, đến thăm những người già neo đơn, hay đi thăm những trẻ mồ côi bất hạnh, tại các mái ấm, thì những chiếc áo màu xanh da trời và những chiếc mũ trên đầu của họ, hiên ngang đi giữa các đường phố thênh thang, hay len lõi vào các con hẽm chật hẹp của TP. Saigon, ai nhìn cũng thấy lạ lạ, ai cũng thắc mắc và hỏi han tìm hiểu.

Thì ra, chiếc nón bảo hiểm còn có thêm một chức năng nữa, là làm chứng cho một chọn lựa khác thường và khác người của các nhóm bọn trẻ.
 
Lạy Chúa,
chiếc nón bảo hiểm giúp chúng con bảo vệ sự sống thể xác ở trần gian, thì cũng xin nhắc nhở chúng con, mỗi lần đội chiếc mũ bảo hiểm trên đầu, thì cũng nhớ mà lo bảo hiểm cho phần rỗi đời đời chúng con, đó là lo chọn Chúa làm lẽ sống, đó là phải lo hết sức của mình mà tránh tội, trách các dịp tội, và tích cực làm nhiều việc lành phúc đức, như Chúa đã dạy chúng con. Amen.

-------------------

Mời nghe: https://www.youtube.com/watch?v=94PNT59xHyA&t=570s

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây