LINH MỤC và BÍ TÍCH HOÀ GIẢI - Lm. Giuse Thân Văn Tường

Thứ ba - 17/08/2021 08:33
LINH MỤC và BÍ TÍCH HOÀ GIẢI - Lm. Giuse Thân Văn Tường
LINH MỤC và BÍ TÍCH HOÀ GIẢI - Lm. Giuse Thân Văn Tường
Suy tư Thần Học của linh mục Giuse
Thân Văn Tường
dịp Tĩnh Tâm hàng tháng cho các Linh mục và Tu sĩ
ở các Giáo Hạt, trong Giáo Phận Long Xuyên.

------------------------------------

I. Bí tích hoà giải là gì?. 1
II. Linh mục thừa tác viên bí tích này phải thế nào?. 3

---------------------------------------

LINH MỤC và BÍ TÍCH HOÀ GIẢI

    (Chỉ Nam về trách vụ và đời sống linh mục, số 51 - 53)

Trong một văn minh mà người ta đã đánh mất ý nghĩa về sự tội như trong thế giới ngày nay, một trong những trách vụ chính của linh mục là củng cố nơi các tín hữu ý thức về sự lành sự dữ, và nhận biết mình luôn sai lỗi trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, linh mục cần phải hiểu bí tích hoà giải là gì, và phải thi hành bí tích ấy thế nào để đào tạo nơi người tín hữu một lương tâm nhạy bén trước sự lành, sự dữ, và tìm thấy ở bí tích này một phương thuốc hữu hiệu.
 

I. Bí tích hoà giải là gì?


   1. Bí tích này có nhiều tên qua các thời đại vì ý nghĩa phong phú của nó. Người ta gọi nó là:

- Bí tích về sự trở lại, vì nó thể hiện lời mời gọi của Đức Kitô với loài người sa ngã, phải trở lại với Đấng sáng tạo nên họ mà họ đã xa lìa vì phạm tội.

- Bí tích về sự sám hối vì đòi phải có ăn năn, cải đổi, và đền tội ở người tín hữu đến xưng tội.

- Bí tích xưng tội vì việc thú nhận tội lỗi của người đã phạm trước một linh mục ngồi toà là hành động thiết yếu của bí tích này.

- Bí tích thứ tha vì hành động thứ tha trong bí tích này đem lại sự tha tội và sự bình an cho người chịu nên.

- Bí tích hoà giải, vì nhờ bí tích này, kẻ có tội được làm hoà với Thiên Chúa, và được nhận lại làm con cái Người (2Cr 5,10).

Loài người sau khi được sáng tạo đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa nhân lành muốn thứ tha cho họ, nên đã sai Con Một mình xuống thế gian chuộc tội cho họ. Người đã đến thế gian làm người, chịu chết chuộc tội cho họ. Trong đời Người, Đức Kitô luôn kêu gọi loài người “trở lại” để được hưởng nhờ ơn cứu chuộc ấy. “Nước Thiên Chúa đã đến gần, phải thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trong sứ vụ thể hiện ơn cứu độ của Đức Kitô trên loài người, Giáo Hội kêu gọi trước hết những người chưa biết Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Phép Rửa tội là hành động trở lại nền tảng và trước tiên. Nhờ bí tích này, người ta được trở nên con cái Thiên Chúa, trong Giáo Hội là nhiệm thể Đức Kitô. Nhưng Giáo Hội cũng luôn phải trở lại vì Giáo Hội không chỉ gồm có các phần tử lành thánh, nhưng cũng gồm có các phần tử sa ngã nữa. Việc trở lại này không chỉ là hành động của con người, nhưng còn là hành động của Thiên Chúa kêu gọi ta đáp lại tình yêu của Người đã thương yêu ta trước. Sự sám hối và trở lại này đã được diễn tả trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” mà vai chính là người cha nhân lành (Lc 15,11-24).

   2. Tội không những phạm đến Thiên Chúa mà còn cắt đứt thông hiệp với Giáo Hội. Vì thế, ý nghĩa của phép giải tội là:

- Thiên Chúa tha tội cho ta, vì chỉ có một mình Người có quyền ấy. Đức Kitô là Con Thiên Chúa nên đã có thể nói: “Con loài người có quyền tha tội trên thế gian” (Mc 2,10). Người Do Thái, vì không tin Người là Con Thiên Chúa, nên đã kết án Người là phạm thượng khi Người nói với người tàn tật: “Tội anh đã được tha” (Mc 2,5; Lc 7,48).

Khi thành lập Giáo Hội, Đức Kitô đã muốn cho Giáo Hội nên dụng cụ tha tội cho người ta nhờ lời cầu nguyện, hành động, sự sống và sự chết của Người. Nhưng quyền thi hành sự giao hoà, thì Người chỉ trao cho các tông đồ và những vị nối nghiệp các ngài mà thôi. Các ngài phải thay mặt Người khuyên mời người ta: “Hãy để cho anh em được giao hoà với Thiên Chúa” (2Cr 5,20).

- Giáo Hội có sứ mệnh hoà giải. Lúc còn ở thế gian, không những Đức Kitô đã tha tội, mà Người còn cho thấy hiệu quả của việc tha tội nữa. Hiệu quả rõ ràng nhất là Chúa đã ngồi vào bàn ăn với những kẻ đã được tha thứ (Lc 19,9). Vì thế, khi ban quyền tha thứ cho các tông đồ, thì Chúa cũng ban quyền hoà giải. Nhờ phép Rửa tội, người ta đã được Giáo Hội, nhân danh Thiên Chúa tha tội cho. Nhưng sau khi đã thuộc về nhiệm thể là Giáo Hội, mà người ta còn phạm tội trọng, thì muốn được Thiên Chúa tha thứ, người ta còn cần phải có sự giao hoà với Giáo Hội. Điều này, đã được Đức Kitô tuyên bố long trọng với thánh Phêrô: “Ta ban cho con chìa khoá Nước Trời, tất cả những gì con cầm buộc dưới đất sẽ, cầm buộc trên trời; và tất cả những gì con cởi mở dưới đất, sẽ cởi mở trên trời” (Mt 16,19). Quyền đã ban cho thánh Phêrô thì cũng ban cho tất cả các tông đồ hợp nhất với ông (Mt 18,18; 28,16-20). Các lời “cởi mở” và “cầm buộc” có nghĩa là “ban sự thông hiệp” hay “loại trừ ra khỏi thông hiệp ấy”. Sự được Thiên Chúa thứ tha không tách biệt khỏi sự thông hiệp với Giáo Hội. Vì thế, để được Thiên Chúa thứ tha thì phải giao hoà với Giáo Hội.
 

II. Linh mục thừa tác viên bí tích này phải thế nào?


   1. Trong phép giải tội cũng như trong các bí tích khác, nghi lễ không tuỳ thuộc ở linh mục, ngài chỉ là máng thông ơn, và phụng vụ của Giáo Hội mới diễn tả ý nghĩa của mầu nhiệm ân sủng mà bí tích mang lại. Dẫu sao, trong phép giải tội, quyền linh mục nắm giữ vượt hẳn giới hạn của ngài. Ngài có một vai trò gắn bó ở nội tâm với dự trù nhân lành của Đức Kitô. Chắc rằng chỉ có một mình Đức Kitô vừa là Thiên Chúa, vừa là loài người mới có quyền tha tội. Nhưng linh mục đón nhận sự ăn năn, nghe lời thú tội, cũng phải tìm hiểu ngưỡng vọng của người xưng tội và giúp cho họ có một sự thống hối thật sự đáng được ơn tha thứ của Thiên Chúa.

   2. Trước các tín hữu, linh mục phải có thái độ của Đấng chủ chăn nhân lành đi tìm con chiên lạc, và khi đã tìm thấy, không quở trách, nhưng vác nó lên vai, đem nó về chuồng, hay thái độ của người nội trợ nghèo nàn khi đánh mất đồng bạc duy nhất mình có thì bới móc, quét tước mọi nơi mọi xó để tìm cho thấy đồng bạc mình đã mất. Ngài có cố gắng đem người tội lỗi về làm hoà với Ngôi Cha như vậy thì mới đáp lại được lòng khao khát vô biên của Người muốn làm hoà với người tội lỗi. Về điểm này, cha xứ họ Ars đã nói: “Không phải người có tội trở về với Thiên Chúa xin Người tha thứ, nhưng chính Thiên Chúa chạy theo người tội lỗi và làm cho người ấy trở về”.

   3. Trong lịch sử, Giáo Hội đã thi hành quyền tha tội nhận được từ Đức Kitô theo một hình thức đã có những thay đổi từ trong cách cử hành đến trong kỷ luật. Nhưng cơ cấu nền tảng thì luôn như nhau và gồm có hai cụm hành động chính: Một bên là hành động của người có tội trở lại nhờ soi sáng của Chúa Thánh Thần là ăn năn, thú tội và đền tội; một bên là hoạt động của Thiên Chúa qua trung gian của Giáo Hội. Giáo Hội nhờ vào các Giám mục và linh mục ban ơn tha thứ tội lỗi và ấn định việc đền tội. Giáo Hội cùng cầu nguyện và đền tội với người xưng tội, và người ấy trở nên lành mạnh và được sát nhập lại vào nhiệm thể.

   4. Vì trách vụ Giám mục giao phó và vì chức thánh mình đã chịu, linh mục phải sẵn sàng cống hiến sức khoẻ và thời giờ vào việc cử hành bí tích giải tội. Kinh nghiệm cho thấy ở đâu giáo dân gặp thấy có các linh mục sẵn sàng và nhiệt tình giải tội, thì ở đó số người xưng tội đông đảo. Điều này thật đúng nhất là trong các nhà thờ có đông giáo dân đến dự lễ Misa và các “đền thánh” có nhiều giáo dân đến “viếng”. Ở những nơi như vậy, việc mời gọi các linh mục dòng hay đã lớn tuổi đến cộng tác thường đem lại kết quả tốt. Trong các họ đạo, các linh mục phải khuyến khích giáo dân năng chịu bí tích này, và khi họ đến xin trong hoàn cảnh hợp lý, thì phải vui vẻ đáp lại lời xin của họ. Linh mục phải nhớ đến gương nhiệt thành của người Samaritanô tốt lành, không quản ngại nguy nan, vất vả, để dừng lại quãng đường vắng đầy cướp bóc, cúi xuống cứu vớt người bị bọn cướp đánh nửa sống, nửa chết bỏ lại trên đường, và đưa nạn nhân về quán trọ.

   5. Với người đã vào toà giải tội, linh mục phải noi gương người cha nhân lành trong Phúc Âm không để cho đứa con hoang đàng trở về kể hết lỗi lầm và van xin. Ngài phải làm cho việc thú tội nhẹ nhàng, đừng buộc phải xưng những chi tiết không cần thiết. Thiết yếu của sự ăn năn không dừng lại ở sự tủi hổ và các lý do nhân loại của tội, nhưng phải phát xuất từ một tình yêu, đau đớn vì đã lỗi phạm đến Thiên Chúa. Trong việc ăn năn, không phải việc tội đã làm cho người ta chán ghét vì nó hạ giá mình, nhưng vì tội đã làm mất lòng Thiên Chúa.

Ngoài ra, linh mục còn phải cố gắng để có thể hiểu biết thái độ người đang xưng tội với mình. Muốn được như vậy, kinh nghiệm về đời sống và sự tế nhị đối với người đã sa ngã rất cần thiết. Thêm vào đó, ngài còn phải tôn trọng sự thật, trung thành với lời giáo huấn của Giáo Hội. Có như vậy, thì mới mong ngài giúp được người ta tránh khỏi tội và trở nên trưởng thành trong đời sống tương lai. Ngài cũng phải cầu nguyện cho họ và đền tội với họ để uỷ thác họ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa.

   6. Trong hoàn cảnh ngày nay, linh mục phải bảo vệ và đề cao việc xưng tội cá nhân trong một đối thoại trực tiếp với cha giải tội. Chỉ nên giải tội tập thể trong những hoàn cảnh đặc biệt mà Giáo Hội đã cho phép với những điều kiện cần phải tuân giữ. Cha giải tội phải soi sáng lương tâm người xưng tội bằng một vài lời khuyên thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi người, giúp họ tìm ra một hướng đi mới, và ảnh hưởng vào đời sống thiêng liêng của họ nhờ một việc đền tội thích hợp. Ngài cũng phải đề cao giá trị thiêng liêng của Bí tích này, đừng coi đó như một hành động tâm lý mà thôi hay như một việc làm theo mô thức cũng đủ. Và để được như vậy thì linh mục cũng cần phải tôn trọng các điều lệ của Giáo Hội về nơi xưng tội và toà giải tội.

Sau hết, bao giờ linh mục cũng phải thận trọng giữ “Ấn toà giải tội”. Không có quyền nào có thể chuẩn chước được ấn ấy. Điều này rất quan trọng để giúp tín hữu được vững dạ trông cậy khi vào toà giải tội. Ấn toà giải tội nhắm đến lòng nhân hậu của Thiên Chúa sẵn sàng quên đi mọi tội lỗi đã ăn năn “ném chúng lại sau lưng Người” (Is 38,17).

   7. Đời người tín hữu là một cuộc trở lại liên tiếp, vì chẳng có ai vô tội trước mặt Thiên Chúa và không cần được thứ tha. Do đó, việc nhờ vào bí tích hoà giải cần không những cho giáo dân, mà cũng cần cho linh mục nữa. Thật vậy, mọi người, giáo dân cũng như linh mục, đều được mời gọi nên trọn lành như “Cha ở trên trời”. Thiên Chúa nhân lành ban cho mọi người ân sủng cần thiết để theo đuổi lý tưởng ấy. Nhưng vì trách vụ của mình trong Giáo Hội, linh mục phải nên gương mẫu trong việc thanh luyện và đổi mới đời sống thiêng liêng của mình. Nếu linh mục không kinh nghiệm ơn tha thứ của Thiên Chúa và sự hiệu nghiệm của bí tích hoà giải trong Giáo Hội thì làm thế nào ngài có thể khuyến khích một cách sốt sắng và thật lòng giáo dân siêng năng đến toà giải tội được. Trong bầu không khí tôn giáo ngày nay thường coi nhẹ việc xưng tội, nếu linh mục trễ nải việc xưng tội, không những ngài làm gương xấu cho giáo dân ngài coi sóc, mà còn là báo động cho ngài về sự sa sút về đời sống thiêng liêng của bản thân. Ta hãy nghe lời cảnh giác sau đây của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Toàn thể đời sống linh mục phải chịu sự suy đồi không tránh được nếu ngài vì chểnh mảng hay vì một lý do nào khác, không còn nhờ đến bí tích giải tội một cách đều đặn với đức Tin và lòng đạo đức chân thành. Một linh mục không xưng tội nữa hay xưng tội cho xong lần, thì bản chất và hành động tư tế của ngài cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu rất nhanh và cộng đồng mà ngài là chủ chăn sẽ nhận thấy ngay điều ấy” (Pastores dabo vobis, 26).

-------------------------------------------------
Thành khẩn
Các bài viết của
- Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ,
- Cha Giuse Thân Văn Tường
- Cha Gioakim Mai Xuân Triết
Thời trước, được in RONÉO rải rác trong các tập TĨNH TÂM hàng tháng,
hoặc những cuốn sách Đạo đức, Tu đức, in Ronéo.


Nay kẻ hèn này muốn sưu tầm lại, để lưu giữ trên trang https://linhmucmen.com/
hầu có thể giúp ích cho những thế hệ mai sau lâu dài, kẻo mai một đi thì tiếc lắm.


Vậy, những ai còn giữ những cuốn Tĩnh Tâm đó, hoặc những sách đó,
có bài viết của

- Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ
- Đức Cha GB. Bùi Tuần

- Cha Giuse Thân Văn Tường
- Cha Gioakim Mai Xuân Triết

Xin giúp đánh máy lại, hoặc Photo, rồi gởi cho con (con sẽ đánh máy),
theo địa chỉ:
- Email: mennguyen296@gmail.com

Hết lòng cám ơn. Lm.Nguyễn Văn Mễn
-------------------------------------------

 

Tác giả: Lm Thân Văn Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây