SỨC MẠNH TÌNH YÊU - Lm. Micae Phạm Quang Hồng

Thứ tư - 16/11/2022 11:30
SỨC MẠNH TÌNH YÊU - Lm. Micae Phạm Quang Hồng
SỨC MẠNH TÌNH YÊU - Lm. Micae Phạm Quang Hồng

SỨC MẠNH TÌNH YÊU

---------------------------------------------------------
- Lm. Micae Phạm Quang Hồng
Suy niệm Tin Mừng theo thánh Gioan

Khi ông Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu luền nói: Bây giờ, Con Người được vĩnh viễn, và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình. Và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển. Anh em yêu quý, Thầy chỉ còn ở với anh em một ít nữa thôi. Thầy ban cho anh em điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương anh em, thì anh em cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này, mà mọi người nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, đó là nếu anh em yêu thương nhau.
-----------------------------------------------

Cứ mỗi lần nghĩ tới: Tôi là người có đạo. Mình cứ nghĩ vậy thôi. Rồi nếu có ai hỏi: Là người có đạo làm sao biết?

- Có phải họ đeo Thánh Giá không ? Có phải họ đi nhà thờ không? Thì tôi sẽ hân hoan xưng rằng: Tôi có đạo, là vì tôi tin có Thiên Chúa.

Đúng, nhưng không đủ.

- Nếu có người hỏi tin Thiên Chúa là tin cái gì? Rất nhiều người sẽ nói là tin có Thiên Chúa.

Đúng, nhưng cũng không đủ.

Mà phải nói: Tôi tin có Thiên Chúa, và Đấng Thiên Chúa đó yêu thương tôi vô điều kiện, vô bờ bến, mới gọi là “tạm đủ”.

Ngày xưa khi tôi nói tôi tin có Chúa yêu thương tôi, tôi cũng nghĩ như vậy là đủ.

Và như Đức Cha Bùi-Tuần đã từng chia sẻ, bây giờ xét kỹ lại, tôi thấy không đủ.

Bởi vì đạo của tôi buộc tôi: Không phải chỉ tin, thờ yêu mến Chúa mà thôi, mà còn phải yêu thương người khác nữa.

Mới đầu, rất nhiều người nói rằng: Chúa là ưu tiên. Anh chị em và người khác là điều phụ.

Đọc lại kinh thánh mới thấy: Nếu tôi chỉ yêu Chúa, mà không yêu người khác, tôi chưa phải là môn đệ của Chúa. Ghê ha !!!

Thật ra, đó là hai mặt của một tình yêu: Kính mến Thiên Chúa, yêu thương người khác, cả hai là một. Thiếu một thì không có hai.

Bởi thế, người vô thần không yêu mến Chúa thì mình gọi là vô đạo. Nhưng nếu người Công giáo không yêu người khác, cũng là một thứ vô đạo, không hơn, không kém.

Có ba lý do:

- Lý do thứ nhất, là nhiều khi tôi thấy Chúa coi việc yêu người còn quan trọng hơn việc tôi thờ phượng Chúa. Ai cũng biết, tôi không nói lại: Chúa bảo để của lễ lại đó, đi làm hoà cái đi.

Hơn nữa, Chúa cũng coi việc yêu người là đặc điểm, là dấu hiệu, người khác nhìn vô mà thấy, đó là những môn đệ của chúa Giêsu.

Và cuối cùng, ngày phán xét, Chúa không xét về công lao của mình, mà Chúa xét mình có biết yêu thương không, qua cái vụ ngôn Chúa nói: Khi tôi đói, mấy người này cho tôi ăn. v.v…

Cho nên mình càng nghĩ, càng thấy sợ: Yêu người quan trọng đến mức độ đó !!  

Thế mà, nhiều khi xét mình xưng tội, mình chỉ nghĩ đến những tội phạm đến Chúa, mà ít có xét mình: về những câu nói mình làm mất danh dự người khác, về những câu nói mình chưa đủ bằng chứng, mà đã đi vu khống cho người khác, v.v…

Nhưng hôm nay, tôi muốn mời quý ông bà đi sâu vào tình yêu, mà Chúa muốn mình giữ: Tại sao khi nhập thể, làm người, cái tình yêu đó như thế nào, chúng ta xét rất ngắn gọn như sau;

Khi làm người tại sao Chúa lại không chọn cái tên gì cho nó sang trọng, cho nó quí phát một chút, mà Ngài lại chọn cái tên, ai cũng biết: Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng con người.

Đúng vậy, Thiên Chúa không yêu thương con người, bằng cách Ngài ngồi trên cao nhìn xuống, rồi cứu chúng nó. Hay là ngồi trên ngai cao, thò tay xuống, kéo chúng nó lên. Chúa làm được không ? Thưa được. Nhưng sao Ngài không làm ?

Rõ ràng: cái danh xưng của Chúa là “Thiên Chúa ở cùng con người”.

Chúng ta rất hiểu lầm, cũng như cái cặp chữ: Chiến Thắng và Thành Công, Victory và Success, rất nhiều người hiểu lầm 2 chữ đó, nó không giống nhau đâu.

Thì ở đây cũng vậy. Tình yêu và quyền năng, cũng không giống nhau.

Con người trên trần gian thường dễ lẫn lộn giữa quyền năng, tức là sức mạnh và tình yêu.

Ở đời chúng ta nhìn xung quanh sẽ thấy: Rất nhiều người dùng sức mạnh hay quyền năng của mình, để đi chiếm tình yêu. Sức mạnh đó, có thể là sự giàu sang, có thể là nhan sắc, có thể là địa vị, có thể là ơn nghĩa mình gieo và người kia mắc nợ mình.

Những tình yêu chiếm đoạt theo kiểu quyền năng, không bao giờ bền.

Chúa Giêsu không bao giờ dùng sức mạnh để nói về tình yêu.

Điều  ấy quá dễ, nhưng Chúa không làm. Như một vị vua rất giàu có, ban phát bỗng lộc cho thần dân. Cái bỗng lộc đó là sức mạnh đó, là quyền năng đó, nó lôi kéo thần dân đến với ổng, để được hưởng lợi.

Coi chừng chúng ta đến với Chúa để được hưởng lợi, thì chúng ta đối xử, coi Chúa như một thứ ông vua, dùng quyền năng. Đó là điều Chúa không thích.

Nơi Chúa Giêsu, tình yêu lại là sức mạnh, chứ không phải dùng sức mạnh để chiếm tình yêu.

Tình yêu là sức mạnh thúc Ngài đi xuống trần gian. Rồi dùng đôi chân trong 33 năm, để đi tìm tình yêu.

Thưa quí ông bà anh chị em,

Thiên Chúa không thể cắt nghĩa tình yêu: bằng cách lấy quyền năng của mình, làm cho con người hết đau khổ. Chúa làm được không : Thưa được, nhưng Chúa không làm, nhưng ngài xuống trần gian, để gánh những đau khổ, như chúng ta đau khổ. Và không có cái đau khổ nào, bằng chính Con của Ngài đã đau khổ, đã bị giết.

Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, không phải vì Ngài thiếu sức mạnh, không phải vì Ngài không có quyền năng, không làm được phép lạ, không tự giải thoát được chính mình, nhưng vì có sức mạnh của tình yêu, ngài mới chấp nhận đau khổ

Y như người cha, người mẹ, có sức mạnh của tình yêu mới có thể thức thâu đêm, suốt sáng, bên đứa con bị ốm đau.

Từ trên thập giá, Chúa Giêsu đã từng nghe người ta thách: Ông bước xuống đi, rồi chúng tôi tin.

Ai không thích làm điều đó, để tất cả họ tin. Xuống đi.

Tôi nghĩ: Nếu Chúa Giêsu xuống khỏi tầm giá, lúc ấy Ngài chính là một Thiên Chúa đầy quyền năng, và người ta tin: sức mạnh đó sẽ làm người ta đi theo.

Cái tình yêu mà người ta đi theo Ngài, như tôi nói: Không bền.

Những người thách đố chúa Giêsu đã lầm: Vì tình yêu không thể bị khuất phục, bởi sức mạnh của những hấp dẫn thế trần.

Rồi, nếu trong hôn nhân, chỉ có sức mạnh và quyền năng, để điều khiển nhau, thì đời sống vợ chồng rất đau khổ.

Trong đời sống giáo dục con cái, nếu chỉ dùng sức mạnh và quyền năng mà thôi, sự giáo dục khó thành công. Bởi vì, sợ quyền năng của người khác, mà phải chấp nhận yêu, thì những người đó là những người bất hạnh nhất trần gian.

Tình yêu cho ta sức mạnh, để ta hy sinh, hoàn toàn khác với lấy sức mạnh, để bắt người khác phải hy sinh.

Tôi tin là tôi lập đi lập lại, quí ông bà sẽ hiểu rõ hơn.

Chúa Giêsu không xuống khỏi Thập Giá bằng quyền năng của một Đấng Thiên Chúa. Ngài không thể bỏ con đường đau khổ và giúp chúng ta khỏi đau khổ, nhưng Ngài chấp nhận cái đau khổ, cái chết, để ở cùng thân phận đau khổ của con người.

Một bà mẹ kí ca kí có để dành tiền, để đi thăm nuôi đứa con trong tù. Bà không có quyền năng, để nói chính phủ thả con bà ra, không. Nhưng tình yêu, làm cho bà vượt đường trường, nhịn ăn, nhịn uống, để mua những thứ rất đơn sơ, rất nghèo, cho đứa con.

Đang khi đi đường tìm con, chưa chắc đã tìm ra đúng trại tù. Bà vẫn hi vọng. Tại sao ? Là vì tình yêu cho bà đôi chân để đi. Bà không có thay đổi được hoàn cảnh đứa con, nhưng tình yêu cho sức mạnh, để mà đi tìm.

Cho nên tôi lặp lại:

Nếu trên trên núi Golgota, mà Chúa Giêsu nghe người ta thích, rồi Chúa tự nhiên đi xuống  một cách oai nghi, chắc là đám đông đi theo hết, cả lính tráng La Mã nữa.

Nhưng làm sao lúc đó, chúng ta thấy tình yêu thật của Chúa Giêsu ? Nếu Ngài không chết, Ngài không đau khổ.

Nếu ngài chỉ cho chúng ta một chút hơi thở, thì làm sao chúng ta thấy tình yêu của Ngài. Khi mà ngài tắt thở luôn vì chúng ta, để chúng ta thấy giá trị của cuộc sống được ngài cứu.

Kính thưa quí ông bà, tôi nói lan man, nói dài.

Vậy tôi kết luận:

Tình yêu là sức mạnh giúp đôi chân chúng ta đi tìm, giúp đôi tay chúng ta thực thi những điều cụ thể. Nó khác hẳn với: ta dùng đôi tay đầy sức mạnh, quyền năng, giàu có, sang trọng, và tài khéo của chúng ta, để chúng ta đi chiếm tình yêu.

Đừng, đừng dùng quyền lực để chiếm tình yêu.

Mặt khác, tình yêu bao giờ cũng làm cho trái tim con người quên hết mọi thứ quyền lực, sẵn sàng trở thành bé nhỏ, khiêm nhường, chỉ vì yêu.

Cảm ơn Thiên Chúa cho chúng ta trong tuần thứ năm của Mùa Phục Sinh này. Chúng ta hiểu được tình yêu của Chúa là vậy, để rồi trở về với đời sống gia đình, chúng ta khiêm nhường và hãy yêu thương chân thành, vì chính tình yêu cho chúng ta sức mạnh, để phục vụ nhau trong gia đình, không đi đâu xa. Và nhờ đó, mà thế giới sẽ được thay đổi.

Cảm ơn Chúa, xin Chúa ban cho từng gia đình, gia đình là cái nôi để yêu thương, là cái trường học để tập yêu thương, chứ đừng bao giờ sử dụng quyền lực, đừng.

Hãy dùng tình yêu. Mặc dầu những người chưa đủ tiếng khôn, chúng ta có thể răn đe, dạy dỗ. Nhưng nếu chỉ có quyền lực, hình phạt, không bao giờ tình yêu đến một cách chân chính.

Cảm ơn mọi người đã lắng nghe và cầu Chúc một buổi tối thứ bảy, trời mưa gió, thì càng phải yêu thương nhau hơn.
 

Tác giả: Lm. Micae Phạm Quang Hồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây