Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật PS 4-C: Bài 201-206 Mục Tử nhân lành

Thứ tư - 07/05/2025 05:27
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật PS 4-C: Bài 201-206 Mục Tử nhân lành
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật PS 4-C: Bài 201-206 Mục Tử nhân lành
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật PS 4-C: Bài 201-206 Mục Tử nhân lành

---------------------------------
Mục Lục:

Phúc Âm: Ga 10, 27-30. 1
PS 4-C201: Chúa Nhật 4 Phục Sinh. 1
PS 4-C202: Chúa Nhật 4 Phục Sinh. 4
PS 4-C203: Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. 6
PS 4-C204: Chúa Chiên Lành. 8
PS 4-C205: Chúa Chiên Lành. 11
PS 4-C206: Chúa Nhật 4 Phục Sinh. 13

-------------------------------

Phúc Âm: Ga 10, 27-30


 "Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một". - Ðó là lời Chúa
---------------------------------
 

PS 4-C201: Chúa Nhật 4 Phục Sinh


(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI

Suy niệm

 

Chúng ta đang ở giữa mùa Phục Sinh. Có những Kitô hữu coi sự phục sinh của Chúa Giêsu là PS 4-C201


Chúng ta đang ở giữa mùa Phục Sinh.
Có những Kitô hữu coi sự phục sinh của Chúa Giêsu
là tột đỉnh, là hoàn tất trọn vẹn, chẳng phải chờ gì nữa.
Chúng ta hay quên một câu trong Kinh Tin Kính:
“Và Người sẽ trở lại trong vinh quang
để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”
Bao lâu Chúa chưa trở lại, chúng ta còn phải đợi trông.
Kitô hữu vẫn sống trong một Mùa Vọng kéo dài.
Thời gian đợi trông cũng là thời gian chiến đấu,
thời gian của khách hành hương đi trong hoang địa.
Trên thập giá, Chúa phán: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Chúa hoàn tất sau khi đã chiến đấu và chiến thắng,
nhưng ta chưa hoàn tất ngày nào ta còn sống trên đời.
Ta vẫn phải phấn đấu đi đường hẹp và qua cửa hẹp.
Con đường đời của người kitô hữu không hề dễ đi,
vì đó là con đường của Thầy Giêsu, Con Thiên Chúa,
phải qua đau khổ để vào vinh quang (x. Lc 24,26).
Con đường ấy cũng đầy hiểm nguy, cám dỗ và thử thách.
Đàn chiên của Người Mục tử Giêsu
không chỉ an toàn thảnh thơi đi trên cỏ xanh,
mà còn phải đối mặt với nhiều kẻ thù hung hãn.
Kẻ thù ấy là sói, là trộm cướp, là người lạ (Ga 10,1.2.5),
đôi khi là người chăn thuê, chẳng lo cho chiên (Ga 10,13).
Những kẻ thù chỉ muốn làm đàn chiên tan tác,
sói dữ chỉ muốn chộp lấy chiên để ăn thịt.
Mục Tử Giêsu bảo vệ đàn chiên của mình.
Ngài coi đàn chiên ấy quý hơn mạng sống,
nên Ngài làm điều mà người chăn thuê không dám làm,
đó là hy sinh mạng sống mình cho chúng (Ga 10,17.18).
Đức Giêsu đã chết cho đàn chiên.
Cái chết của Ngài không làm chiên tan tác vì mất chủ,
trái lại đã quy tụ tất cả nên một đàn chiên duy nhất.
Vì đàn chiên còn bị tấn công mãi cho đến tận thế,
nên Chúa Giêsu phục sinh vẫn phải bảo vệ đàn chiên.
Cuộc chiến giữa Ngài và các kẻ thù diễn ra ác liệt.
“Không ai cướp giựt được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28).
Rõ ràng có sự giằng co giữa đôi bên.
Một bên giữ chặt, bên kia dùng sức cướp lấy.
Nhưng quyền năng của Đấng phục sinh mạnh hơn kẻ thù.
Ngài giựt lại chiên từ miệng sói.
Sói đem lại cái chết, còn Chúa Giêsu ban sự sống đời đời.
Không phải chỉ Chúa Giêsu mới là Đấng bảo vệ chiên.
Đàn chiên của Chúa Giêsu là do Cha ban cho (Ga 10,29).
Chính vì thế Cha cũng là người bảo vệ:
“Không ai cướp giựt được chúng khỏi tay Cha tôi.”
Cả Cha và Con hợp tác bảo vệ đàn chiên khỏi kẻ thù.
Chắc chắn đàn chiên sẽ được an toàn,
nhưng an toàn này được mua bằng nỗ lực của Cha và Con.
“Tôi và Cha, Chúng Tôi là một” (Ga 10,30).
Chúng Tôi cùng làm việc để gìn giữ đàn chiên.
Tuy nhiên, chiên cũng phải biết tự bảo vệ mình.
Chiên phải có khả năng nhận ra tiếng của chủ.
Chỉ khi có khả năng này, chiên mới không đi lạc,
hay đi theo những tiếng gọi mê hoặc, đầy quyến rũ
của những người lạ hay kẻ trộm kẻ cướp.
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi… và theo tôi” (Ga 10,27).
Trong thời buổi hiện tại, những tà phái mọc lên như nấm.
Có bao tiếng gọi lừa bịp, thoạt nghe giống tiếng chủ chiên,
khiến những chiên ngây thơ bị mắc bẫy.
Làm sao để đàn chiên có khả năng lột mặt nạ
những con sói dữ đội lốt chiên, đang làm chiên tán loạn.
Mỗi kitô hữu phải cộng tác với Thiên Chúa
để bảo vệ những chiên lạc lối trong nhóm mình.

LỜI NGUYỆN

Lạy Thầy Giêsu,
thật là khó khi phải giữ thái độ khoan dung
đối với những ai đang gây ra bất công và đau khổ
cho bao người trên thế giới và trong Giáo Hội.                        
Chúng con muốn bứng gốc sự dữ ra khỏi địa cầu,
và làm cho Giáo Hội chỉ gồm những người thánh thiện.
Nhưng lạy Thầy Giêsu,
Thầy lại muốn chúng con để cỏ lùng sống chung với lúa,
và để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.
Chúng con hiểu tại sao ác nhân vẫn tung hoành,
và Xatan dường như thắng thế trong cuộc chiến hiện tại.
Thầy cho chúng con thấy khuôn mặt của Chúa Cha,
Đấng kiên nhẫn chờ con người hối cải,
Đấng cho mặt trời sáng trên kẻ dữ,
và mưa rơi trên ác nhân.
Thầy cũng cho chúng con thấy khuôn mặt của Thầy,
Đấng không bẻ gãy cây lau bị giập,
không làm tắt tim đèn còn khói.
Xin Thầy dạy chúng con biết cách chấp nhận
cuộc xung đột kéo dài đến tận thế
giữa con cái ánh sáng và con cái tối tăm,
giữa lúa tốt và cỏ lùng.
Và xin cho chúng con tin rằng
chiến thắng cuối cùng
sẽ thuộc về ánh sáng và sự thiện,
công lý và tình yêu.

-------------------------------
 

PS 4-C202: Chúa Nhật 4 Phục Sinh


(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
 

Chương thứ 10 của Tin Mừng Gioan thật dài nói về người mục tử nhân lành. Nhưng hôm nay PS 4-C202


Chương thứ 10 của Tin Mừng Gioan thật dài nói về người mục tử nhân lành. Nhưng hôm nay, Giáo hội chỉ trích một vài câu cuối cùng để chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt vừa đáng yêu, vừa oai nghi của Đấng chăn chiên thần linh.

Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Tình Yêu. Mọi tiếng nói hành động của Ngài đều phát xuất từ con tim, không phải một con tim hèn yếu mà là một con tim tràn đầy tình thương, mạnh mẽ và can đảm. Ngài tự xem mình như một mục tử và là một mục tử nhân lành. Ngài đến để trao ban sự sống, để trao ban mạng sống vì đàn chiên. Ngài cảm thương những đám đông bơ vơ vất vưỡng như đàn chiên không có người chăn… Và Ngài giảng dạy họ nhiều điều. Ngài nói với người Do Thái: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi và chúng theo tôi”. Nghe lời Ngài giảng dạy, nghe tiếng Ngài gọi để đi theo Ngài. Chúng ta là đàn chiên của Chúa, chúng ta có lắng nghe tiếng Ngài không? Nghe như thế nào? Như Abraham đã nghe và tuân theo. Nghe như tiên tri Samuen để sống như Ngài dạy bảo?                       

Người chủ chăn luôn đi trước và đàn chiên theo sau, anh gọi tên từng con chiên và dẫn đi. Con chiên là một con vật rất ngoan, chỉ cần gọi tên là nó đi theo. Đi theo người chăn để được dẫn đến đồng cỏ xanh. Tôi biết chúng. Từ biết ở đây không hiểu theo nghĩa thông thường của chúng ta mà phải hiểu theo tiếng Do Thái. Biết ở đây phải hiểu là yêu thương. Tôi biết chúng nghĩa là tôi yêu thương chiên tôi, săn sóc chiên với tất cả tình thương. Tiên tri Êdêkien đã diễn tả mối liên hệ giữa đàn chiên và chủ chăn bằng những câu nói đầy tình thương: “Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta… Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Israel. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ màu mỡ…”. Chúa Giêsu, chủ chăn của chúng ta là Tình Yêu, Ngài chỉ biết thương và tình thương của Ngài là tình thương tuyệt đối, nghĩa là trao ban tận cùng chứ không như tình thương của chúng ta, có giới hạn và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngăn cản tình yêu. Vì yêu thương đàn chiên của Ngài, Chúa Giêsu trở thành con người bị tổn thương, bị chà đạp và sau cùng, chịu đóng đinh trên thập giá. Ngài chỉ biết cho đi và cho đi đến tận cùng. Ôi! Nếu chúng ta hiểu được tình yêu của Ngài, chúng ta sẽ yêu Ngài biết bao! Nhưng chúng ta chưa hiểu và mãi mãi không hiểu, vì thế, chúng ta không yêu Ngài, như Ngài đáng được yêu. Và đó chính là thảm kịch của cuộc đời chúng ta.

Lắng nghe tiếng Ngài, theo Ngài, sống thân cận với Ngài như đàn chiên với mục tử của mình, chúng ta sẽ được bảo đảm về mọi mặt. Chính Ngài nói: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Và đúng thế, Ngài đã chết để chúng ta được cứu thoát khỏi cái chết. Để cứu chúng ta, Ngài đã dùng cái chết của Ngài để cứu thoát chúng ta khỏi chết và ban chính sự sống của Ngài cho chúng ta. Sự sống đời đời chính là sự sống của Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người yêu mến Ngài. Vì thế, Ngài có thể nói: “Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”.

Không ai cướp được sao? Có một người có thể làm được chuyện đó: là chính chúng ta, khi chúng ta rời bỏ Ngài để theo ý riêng mình, theo những khát vọng xấu xa của chúng ta, chạy theo thế gian và những hào nhoáng của nó. Vì thế, Ngài dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Ngài tôn trọng sự tự do của chúng ta, và vì thế chúng ta luôn có nguy cơ lìa bỏ Ngài, phản bội Ngài. Vì thế, gắn bó với Ngài, đi theo Ngài mới là bảo đảm tuyệt đối, vì Ngài là một với Chúa Cha. Đây là một lời tuyên bố rõ rệt nhất về mối liên hệ giữa Ngài với Chúa Cha. Vì thế, Ngài chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, điều làm cho người Do Thái tức điên và muốn giết Ngài, vì họ cho Ngài là phạm thánh.

Trong sách Khải huyền, đoạn được trích dẫn hôm nay cho chúng ta thấy, vinh quang của Người Con Một trên thiên quốc. Ngài đã đổ máu vì nhân loại và những ai thuộc về Ngài đều được tẩy sạch mọi vết nhơ trong máu Ngài. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh”. Đó là hạnh phúc được dành cho những ai là đàn chiên của Đấng được sai đến cứu chuộc những kẻ đã bị xiềng xích trong tội, Đấng là một với Chúa Cha, là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị đến muôn đời.

Chúng ta là đàn chiên của Thiên Chúa hằng sống, chúng ta sẽ không còn phải đói, phải khát nữa vì chính Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, vẫn nuôi chúng ta bằng chính thịt máu Ngài, của ăn mang lại sự sống đời đời. Hãy đến ăn lấy Ngài để sống trong tình yêu Ngài hôm nay, trong cuộc đời khổ lụy của chúng ta, và bước đi dưới sự che chở của Ngài đến lễ hội không bao giờ chấm dứt.

Nhưng con đường còn dài và nhiều gai góc. Sói dữ vẫn luôn đe dọa chúng ta. Ma quỷ như sư tử gầm thét tìm mồi cắn xé, thánh Phêrô đã cảnh báo chúng ta như thế. Ngài cũng khuyên chúng ta tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì, thánh Phaolô nói, phần thưởng của chúng ta sẽ lớn lao. Những đau khổ đời này làm sao sánh được với vinh quang của con cái Chúa!

Hãy ăn lấy Chúa, bước theo Ngài, vì chỉ một mình Ngài là sự thật và là sự sống.

Chúa Giêsu mong ước thấy mọi người vui hưởng hạnh phúc Ngài mang lại cho chúng ta. Ngài còn nhiều con chiên khác chưa thuộc đàn này. Ngài chỉ mong mang về đàn chiên của Ngài để chỉ có một đàn chiên và một chủ chăn. Chúng ta có thể tiếp tay với Ngài đưa anh em chúng ta, những người chưa biết Chúa, đến với Ngài để ước mong của Ngài trở thành hiện thực. Chúng ta dám dấn thân với Ngài không? Ngài đang chờ đợi chúng ta đi ra, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói. Như thế, chúng ta sẽ được làm một với Ngài như Ngài là một với Cha Ngài.

Hôm nay Giáo hội cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, cầu cho Giáo hội được thêm những người theo Chúa, chăn chiên của Ngài, để đàn chiên càng ngày càng đông thêm: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Anh em hãy cầu nguyện để Cha trên trời sai nhiều thợ gặt đến gặt lúa”. Hiện nay, một số các linh mục và tu sĩ bị sát hại trong nhiều vùng, chúng ta nài xin các ngài cầu cho Giáo hội có những người thay thế, vì các linh hồn thiện chí vẫn còn rất nhiều, vẫn khao khát Tin Mừng, khao khát được bước qua cửa chuồng chiên duy nhất là Chúa Giêsu. Hãy gia tăng lời cầu nguyện và nhất là kết hiệp với Chúa trong Thánh Thể là nguồn mọi sức sống.

Ăn lấy Ngài, vì Ngài muốn là tấm bánh cho chúng ta ăn, chúng ta đã thành một với Ngài qua bí tích, nhưng cần phải là một với Ngài trong tư tưởng, hành động, trong cuộc sống. Ngài rất dễ bị tổn thương vì Ngài đã trở thành tấm bánh nhỏ thôi. Chúng ta có thể làm tổn thương Ngài khi chúng ta ăn lấy Ngài mà vẫn nguội lạnh thờ ơ, và nhiều lúc lại phản bội. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”.

-------------------------------
 

PS 4-C203: Chúa Nhật Chúa Chiên Lành


(Suy niệm của Lm. GB. Phạm Hồng Thái)
 

Chúa nhật IV Phục sinh: chúng ta đã quen với tên gọi là Chúa nhật Chúa Chiên lành. Một ngày PS 4-C203


Chúa nhật IV Phục sinh: chúng ta đã quen với tên gọi là Chúa nhật Chúa Chiên lành. Một ngày rất thích hợp để giúp chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu là vị mục tử tốt lành và cũng để theo ý Giáo hội, cầu nguyện cho Ơn gọi Linh mục và Tu sĩ.

Tin mừng hôm nay rất vắn gọn ghi lại phần III trong diễn từ Mục tử tốt lành với lời như sau: "Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời..."

- Chiên nghe tiếng chủ chăn. Đó là đức tính nổi bật của chiên. Người chăn chiên gọi hay hô một tiếng là chiên nghe ngay. Người ta kể chuyện có một đàn chiên theo con đầu đàn đi về phía khu đất có cỏ xanh tốt nhưng đó lại là bãi mìn, người lính gác thấy đàn chiên lâm nguy nên cố gắng hết sức để ngăn lại, nhưng chiên không nghe, nó cứ tiếp tục đi gần tới. Khi đã sát bãi cỏ, bấy giờ người chăn chiên huýt sáo, lập tức đàn chiên dừng lại ngay và tránh được nguy hiểm. Thánh Phaolô nói: "Fides ex auditu : Đức tin có được nhờ nghe giảng (Rm 10,17)". Là chiên của Chúa, chúng ta nghe Lời Chúa dạy trong Kinh thánh, chúng ta cũng vâng nghe giáo huấn của Giáo hội vì Giáo hội diễn giải trung thực Lời Chúa cho chúng ta. Nhiều khi Chúa cũng nói cho ta qua tiếng lương tâm cho nên khi có sự soi sáng của Chúa qua lương tâm, ta cũng cần phải nghe theo. Nếu biết đón nhận lời Chúa, tâm hồn ta sẽ nên như mảnh đất tốt làm cho hạt giống Lời Chúa sinh hoa kết trái tốt đẹp.

- Tôi biết chúng. Chúa Giêsu  là mục tử biết chiên. Biết đây không phải chỉ là biết bằng lí trí mà còn bằng chính con tim.  Chúa hiểu biết từng con chiên và Chúa yêu mến chiên. Tình yêu Chúa dành cho chúng ta là tình yêu cứu độ, là yêu cho đến cùng. Nhưng đây là sự hiểu biết và yêu thương hỗ tương. Chúa đòi ta phải biết đáp lại. Vậy chúng ta yêu mến Chúa, học biết về Chúa và yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.

- Chúng theo Tôi: Như đoàn chiên đi theo chủ chăn, người tín hữu chúng ta đi theo Chúa. Khi còn ở thế gian, đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu nhiều lần kêu gọi các môn đệ cũng như dân chúng đi theo Chúa bằng lời:"Hãy theo Ta" nay Lời này vẫn còn vang vọng bên tai chúng ta hôm nay, chúng ta hãy đáp bằng cuộc sống của người môn đệ: vác thập giá mình đi theo Chúa. Chúng ta theo Chúa cách tự nguyện chứ không vì miễn cưỡng, theo Chúa bằng cách từ bỏ đam mê tội lỗi, thế gian, ma quỉ thực hiện lời hứa ngày chịu phép Rửa tội.

Ban sự sống đời đời: Chúa Giêsu mục tử hứa ban cho tín hữu theo Chúa sự sống đời đời: Đó là phần thưởng cao quí nhất mà chỉ Chúa Giêsu mới có thể ban cho chúng ta được. Chúa bảo đảm cho chúng ta là không ai có thể cướp được người theo Chúa khỏi tay Chúa, vì họ được cả Chúa Cha lẫn Chúa Con bảo vệ gìn giữ. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho (Mt 6, 33)"và lời thánh Phaolô: "Nếu chúng ta chỉ hi vọng vào Đức Kitô trong cuộc sống đời này, thì chúng ta là người vô phúc nhất trong thiên hạ (1Cr 15, 20)". Dĩ nhiên Chúa không để ta phải thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu về phần xác như Chúa Giêsu Phục sinh đã dọn bữa điểm tâm cho các môn đệ sau một đêm các ông lao động trên biển nghề cá vất vả, cũng như  Chúa Giêsu đã từng hóa bánh và cá ra nhiều cho dân chúng ăn no nê khi họ theo Chúa ở nơi hoang vắng trước khi giải tán họ về. Chúng ta xác tín theo lời Thánh vịnh 22: "Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi": Không thiếu thốn cả phần hồn lẫn phần xác.

Câu chuyện một vị chủ chăn: Cha Mychal Judge dòng Fanxicô, một linh mục tận tụy và chuyên chăm việc bổn phận. Năm 1991, cha  được bề trên đặt làm tuyên úy cho các lính cứu hỏa ở thành phố New York. Cha dành thời giờ đi thăm từng người lính và gia đình họ, sẵn lòng giúp đỡ khi họ cần. Ngày 11/9/2001, bọn khủng bố cướp hai máy bay thương mại và lái đâm vào Tòa nhà Tháp Đôi ở New York. Tòa nhà cao chọc trời bốc cháy khói đen bay lên nghi ngút. Cha và hơn 100 lính cứu hỏa xông vào để cứu giúp những người bị kẹt trong đó. Cha chạy đi chạy lại ban bí tích giải tội và xức dầu cho những người bị nạn trong đó có cả những lính cứu hỏa nữa, đang khi gạch đá và các mảnh vỡ từ đám cháy do hai chiếc máy bay đâm vào tiếp tục rơi xuống giết chết nhiều người trong đó có cha Mychal Judge đang xức dầu cho những người hấp hối. Cha là vị mục tử hi sinh mạng sống mình vì đoàn chiên như gương Chúa Giêsu là mục tốt lành hiến mình vì đoàn chiên.

Mỗi người chúng ta vừa là chiên trong đoàn chiên Chúa vừa  là mục tử nơi gia đình và nơi chức vụ chúng ta lãnh nhận. Chúng ta  chu toàn bổn phận con chiên khi nghe theo lời Chúa dạy và noi gương Chúa Giêsu chu toàn sứ mạng mục tử giúp ích cho tha nhân để xứng đáng lãnh nhận phần thưởng Chúa dành cho các tôi tớ trung tín và khôn ngoan. Amen.

-------------------------------
 

PS 4-C204: Chúa Chiên Lành


(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Minh)

“Tôi ban sự sống dồi dào cho chiên của Tôi”

I. Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành:
 

Chúa Nhật IV Phục sinh được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Phụng vụ lời Chúa năm A, B, hay PS 4-C204


Chúa Nhật IV Phục sinh được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Phụng vụ lời Chúa năm A, B, hay C lấy từ Tin Mừng Gioan. Trong đó, Chúa Giêsu tự nhận mình là cửa chuồng chiên (Ga 1,1-10), là người mục tử hiến thân cho đoàn chiên, để ban sự sống đời đời cho đoàn chiên (Ga 10,11-18; Ga 10, 27-30)

Thánh sử Gioan mời gọi chúng ta đi một vòng qua các ngọn đồi Galilêa để chứng kiến một cảnh thanh bình: Các mục tử dẫn bầy chiên ra đồng cỏ xanh tươi bên dòng suối mát.

Hình ảnh người chăn chiên và đàn chiên là một hình ảnh đẹp và rất quen thuộc đối với nền văn hóa du mục. Người Do Thái sống bằng nghề du mục chăn nuôi, nên hình ảnh người mục tử là hình ảnh rất thân thương. Người mục tử đi trước đàn chiên, tay cầm gậy, miệng thổi tù và và đàn chiên đi sau người đó. Người chăn chiên tốt phải là người biết chăm sóc đến từng con chiên, hiểu biết tính tình từng con chiên, dẫn đàn chiên đến những đồng cỏ xanh tươi, nguồn suối nước trong lành để con chiên được nuôi dưỡng bồi bổ. Người mục tử cũng còn phải băng bó những con chiên bị thương, bảo vệ chúng khỏi bị thú rừng cắn xé.

Trong lịch sử trước kỷ nguyên, các vua chúa và đại tư tế thường được gọi là mục tử. Pharaon được gọi là người chăn chiên nhân lành. Danh xưng ấy, dân du mục Israel thường dành cho Thiên Chúa. Ngài dẫn đưa họ qua biển đỏ, qua sa mạc đến đất hứa, như người mục tử gắn liền số mạng với đàn chiên, vui buồn gian khổ một nắng hai sương. Đó là viễn ảnh một vị mục tử mà Thiên Chúa sẽ gởi đến là Đức Giêsu Kitô. Hôm nay, khi nhìn thấy cảnh bầy chiên trên đồi Galilê, Chúa đã tự mô tả mình như một mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.

Nhiều lần Chúa đã tự ví mình như người mục tử nhưng lần này Ngài đã nói với tất cả ý nghĩ của mình. Khác với những người chăn thuê giữ mướn, những người lợi dụng và trộm cướp, người chăn chiên lành chỉ biết phục vụ đàn chiên và cứu đàn chiên khỏi mọi sự dữ.

Đối lại, con chiên thì nghe tiếng người chăn, hăm hở đi theo và tỏ tình yêu mến.

Người mục tử đi trước để bảo vệ đàn chiên, đoàn chiên theo sau ngoan ngoãn và tín nhiệm, Chúa phán: “Ta đến để mọi người được sống và sống dồi dào”, cho dù phải trả bằng giá rất cao, bằng chính mạng sống mình.

Khác với Tin Mừng Nhất Lãm, trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu không chỉ nhận là người Mục tử mà còn tự ví mình là “cửa”: “Ta là cửa, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân” (Ga 10,9). Đức Kitô là cửa để bao bọc bảo vệ đoàn chiên khỏi mọi gian nguy. Cha Mark Link SJ có mô tả một cái chuồng chiên trong câu chuyện “vùng đất Thánh-The Holy Land” của John Kellman: Chuồng chiên ở Do Thái có một bức tường bằng đá bao chung quanh cao khoảng bốn bộ (cỡ 1m4) và một lối vào. Kellman kể rằng: Ngày nọ một du khách Thánh địa đã trông thấy một cái chuồng chiên ngoài đồng gần Hebron. Anh du khách hỏi người mục tử đang ngồi cạnh đó: “Cửa chuồng của anh đâu?”. Người mục tử liền đáp: “Tôi chính là cửa chuồng”. Đoạn người mục tử kể cho du khách nghe anh ta nằm chặn ngang lối vào chật hẹp đó. Không có chú chiên nào có thể bỏ chuồng chiên đi ra, và cũng chẳng có con thú rừng nào có thể đi vào mà không bước qua mình anh ta”

Như thế, hình ảnh mục tử và cửa chuồng chiên đều chỉ vào Đức Kitô, và là hình ảnh mô phạm cho các bậc chủ chiên.

II.  Mối tương quan giữa Chúa Giêsu Mục tử và Kitô hữu

Chính nơi Chúa Giêsu, loài người gặp gỡ Thiên Chúa, và loài người cũng gặp gỡ anh em mình. Nhưng con người có kẻ tốt, và người xấu, kẻ thánh thiện và kẻ gian ác. Đối với đoàn chiên, có kẻ không qua cửa mà đột nhập vào, họ là kẻ trộm cướp, đến để ăn cướp, để sát hại và phá đổ. Là con chiên ta phải đi theo Chúa, và như thế ta không lo mắc nạn, vì có Chúa ở cùng ta, như Thánh vịnh 22,4 đã cảm nghiệm sự yêu thương đùm bọc này:

“Trong thung lũng tối,
Con không lo mắc nạn,
Vì Chúa ở cùng con”

Theo vết chân của vị mục tử chúng ta sẽ được thấy đời sống ấm áp lại với bao băng giá, bao đổ vỡ, bao bóng tối, bao nghịch cảnh bao trùm chúng ta. Chúng ta hãy vững tin vào lời hứa của Chúa Giêsu mục tử: “Ta đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10)

Chúa Nhật IV Phục sinh được Thánh hiến đặc biệt cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục, tu sĩ với lời ước nguyện cầu cho Giáo hội có được những mục tử, những người hiến dâng cuộc đời cho Chúa trở nên giống Chúa Kitô, Đấng chăn chiên lành sẵn sàng hy sinh phục vụ đoàn chiên như lòng Chúa mong ước, để có thể đối thoại với nhân loại hôm nay, khơi dậy hình ảnh người mục tử nhân lành là Đức Kitô cho các bạn trẻ về lý tưởng hiến dâng; lý tưởng trở nên mục tử, trở nên cửa tình yêu, cửa sự sống trong ơn gọi của đời Thánh hiến.

Mong ước cho mọi Kitô hữu lắng nghe tiếng gọi của các mục tử và cùng với các Ngài kết hiệp với người chủ chăn nhân lành là Đức Kitô, Đấng muốn ban ơn cứu độ cho nhân loại, nhờ đó chỉ có một đoàn chiên và một chủ chiên.

-------------------------------
 

PS 4-C205: Chúa Chiên Lành


(Suy niệm của Lm. Ga. Phan Tiến Dũng)
 

Hôm nay Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngày cầu nguyện cách đặc biệt cho ơn gọi Linh mục và PS 4-C205


Hôm nay Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngày cầu nguyện cách đặc biệt cho ơn gọi Linh mục và Tu sĩ, các bài đọc Lời Chúa hôm nay như mời gọi chúng ta hãy gẫm suy để sống với mầu nhiệm tình thương mà Thiên Chúa, Người Mục Tử Nhân Lành ban ơn chúc phúc cho chúng ta. Tình thương và ân sủng của Thiên Chúa luôn được thể hiện qua những cách thức rất đặc biệt, hay chúng ta cũng có thể gọi đây chính là sự huyền nhiềm nơi những “ơn gọi đời sống tận hiến” mà Chúa đã thương ban cho trong Giáo Hội qua những con người rất mỏng giòn, yếu đuối và tội lỗi.

Thưa ACE, chúng ta sẽ tự hỏi, ơn thiên triệu hay ơn gọi đời sống thánh hiến là để làm gì? Có phải đi tu cũng là một “nghề” như bao ngành nghề khác hay không? Hay là, đi tu để cho cuộc đời bớt đau khổ, vì “đời là bể khổ” chăng? Có rất nhiều người nghĩ thoáng qua và cho rằng: Đi tu làm ông cha sẽ sướng hơn, vì làm ông cha sẽ có địa vị cao, có quyền lực, có nhiều tiền bạc; thậm chí có người còn cho rằng, chỉ ráng chịu khổ vài năm, khi làm ông cha nhà thờ rồi thì sẽ như một ông vua, muốn gì là có đó, ngay cả, ông cha có thể sai khiến và bắt người này người kia làm việc cho mình…Còn với chúng ta, ACE có những nhận định, ấn tượng hay đánh giá như thế nào về những người đi tu?

Thưa ACE, khi thành tâm để nhận định, đi tu để mà có được những điều kể ra trên, thì dại gì mà không đi tu, thế thì tại sao, ngày nay lại có rất ít người chọn đi tu như vậy? Vậy thì, đi tu để làm gì, hay nói khác hơn sống đời sống thánh hiến trong ơn gọi linh mục hay tu sĩ để làm gì? Lời Chúa đã thực sự soi sáng cho chúng ta nhận ra để tin vào ơn Chúa kêu gọi, để sống trọn vẹn với những ơn phúc Chúa ban cho, để làm lan tỏa, chuyển trao ơn thánh Chúa cho ACE mình qua sứ vụ cách đặc biệt hơn khi sống chứng tá nơi ơn mình được kêu gọi là tu sĩ hay linh mục. Chúng ta hãy thật khiêm tốn và mở lòng để chính chúng ta cũng nhận ra ơn thánh mà Chúa kêu mời mỗi người trong ơn gọi phổ quát là ơn gọi “Trở nên con người Thánh, con người sống đẹp lòng Chúa”.

Trong bài đọc một (Cv 13, 14. 43-52) tường thuật lại cho chúng ta ơn gọi và sứ vụ của Phaolô cũng như Barnaba, qua hai con người đặc biệt này, chúng ta khám phá ra rằng, ơn gọi của họ chính là để đem ơn thánh của Chúa đến cho ACE mình, vì qua sứ vụ khi rao giảng, tiếp xúc, gặp gỡ và sống chứng tá giữa dân chúng, các Ngài đã giúp cho nhiều người tin vào Chúa, đến với Chúa và sống gắn bó mật thiết với Chúa. Thật vậy, qua sứ vụ nơi hai con người này mà Lời Chúa được rao truyền và danh Chúa được tôn vinh, nhờ vậy, mà đời sống của các tín hữu đón nhận được niềm vui, sự bình an và ơn phúc Chúa thương trao ban. Tuy nhiên, dẫu các Ngài làm những việc tốt lành thánh thiện như vậy, nhưng Phaolô và các môn đệ cũng gặp phải những sự đố kỵ, ghen tức, chống đối, bắt bớ và tù đày…Nhưng điều lạ lùng là, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tâm hồn cũng như lòng trí của các Ngài luôn đầy hoan lạc và Thánh Thần.

Trước những khó khăn, thử thách và đau khổ như vậy, theo Chúa và trở nên người môn đồ của Chúa, chúng ta sẽ được những lợi ích gì? Nói về lợi ích hơn-thiệt, làm tôi nhớ lại, vào đầu năm 2008, tôi được Đức Cha giáo phận gởi qua làm việc truyền giáo ở Gp. Kagoshima, Nhật Bản. Vì cần phải học tiếng Nhật và để thuận tiện cho việc học, nên tôi được Gp. Kagoshima gởi đến tá túc trong Chủng Viện tại Fukuoka. Trong thời gian này, tôi giật mình khi biết rằng, cả nước Nhật chỉ có 45 Thầy đại chủng sinh, ở tại hai Chủng viện là Tokyo và Fukuoka. Mỗi năm, các Giáo phận phải đóng góp cho chủng viện khoảng từ 260 triệu đến 300 triệu đồng để lo mọi chi phí sinh hoạt cho một thầy trong địa phận của mình. Với số tiền rất lớn mà các giáo phận phải chi trả để lo cho các thầy như vậy, thế nhưng, lương tháng của các linh mục vào thời bấy giờ khoảng 20 triệu-25 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 lương của những công nhân bình thường trong xã hội. Chia sẻ một chút kinh nghiệm như vậy, để biết rằng, chọn theo con đường dấn thân trong đời sống tận hiến, chắc chắn không phải vì tiền bạc hay của cải vật chất. Vậy theo Chúa, dân thân để phục vụ Chúa thì được những gì?

Bài đọc hai (Kh 7, 9. 14b-17) minh chứng cho chúng ta cái giá mà những môn đệ của Chúa phải đối diện và gánh lấy, đó chính là sự gian nan, thử thách, đau khổ và cái chết, hay nói khác hơn, chính là sự hy sinh, sự tự hiến vì đạo, vì niềm tin. Thật ra người môn đệ của Chúa không thể đi hay có con đường nào khác tốt hơn con đường mà Thầy Giêsu và Chúa của mình đã đi qua và sống chứng tá. Tuy vậy, với sự hy sinh và cái chết tử vì đạo của những người theo Chúa, không phải là kết cục bi thảm hay án phạt, nhưng qua đó, Thiên Chúa là Cha yêu thương ban cho những ai muốn nên giống Chúa Giêsu, là được hưởng nguồn mạch sự sống đích thực. “Ðây là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Ðấng ngự trên ngai vàng đặt ở giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống...”

Điều này cũng đã được Chúa Giêsu khẳng định trong Tin mừng hôm nay: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời”. Thực ra, qua lời dạy của Chúa Giêsu, giúp cho chúng ta ý thức hơn, dù chúng ta đang sống trong bậc sống nào, ơn gọi tu trì, ơn gọi trong đời sống hôn nhân-gia đình, hay sống độc thân giữa đời… tất cả chúng ta đều được mời gọi với lòng khiêm tốn, tín thác hầu nghe được tiếng Chúa, đi theo Chúa và dấn thân với sứ vụ Chúa thương trao ban và ủy thác cho.  Thật ra, với tài sức, khả năng đầy giới hạn của con người, không dễ dàng một chút nào để chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa và sống trọn vẹn cho Ngài. Thế nên, hãy quay về với nguồn mạch của ơn thánh là Thiên Chúa, là Mục tử nhân lành, là Đấng kêu mời-tuyển chọn, ban ơn, thánh hóa và sai chúng ta ra đi trong sứ vụ sống chứng tá tình thương.

 Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con, xin hãy dùng con và biến đổi con trở nên nhân chứng của Tin mừng tình thương và ơn cứu độ của Chúa cho tha nhân. Xin ban ơn sức mạnh, để tất cả chúng con dù trong bất cứ hoàn cảnh sống nào, đều nhận ra được tình yêu thương mà Chúa trao ban, tuyển chọn nơi ơn gọi và sứ vụ đặc biệt này của chúng con. Amen.

-------------------------------
 

PS 4-C206: Chúa Nhật 4 Phục Sinh


(Suy niệm của Jaime L. Waters - Chuyển ngữ: Nhóm Sao Biển)
 

Hình ảnh Chúa Giêsu - Mục tử nhân lành luôn gây được tiếng vang đối với nhiều người, gợi lên PS 4-C206


Hình ảnh Chúa Giêsu - Mục tử nhân lành luôn gây được tiếng vang đối với nhiều người, gợi lên ý nghĩ về sự chăm sóc, bảo vệ và dẫn dắt của Thiên Chúa. Trong nghệ thuật, vị mục tử  nhân lành thường được mô tả là một nhân vật ôm một con cừu quàng trên vai, đàng sau cổ. Trong bài Tin mừng của Chúa nhật IV Phục sinh hôm nay, cũng như bài đọc hai và thánh vịnh đáp ca, chúng ta bắt gặp những phân đoạn Thánh Kinh gợi hứng cho loại nghệ thuật tôn giáo này. Khi tiến bước trong Mùa Phục sinh, hình ảnh Đức Giêsu Mục tử nhân lành là cơ hội giúp chúng ta cầu nguyện, suy tư, đồng thời là hình mẫu để chúng ta biết chăm sóc lẫn nhau.

Trong bài Tin mừng theo thánh Gioan, Đức Giêsu ngỏ lời với các môn đệ và cho cả cộng đoàn. Trong bối cảnh bao quát hơn của Tin mừng, Đức Giêsu trước đó đã tuyên bố Ngài là Mục tử nhân lành, hiến mạng sống cho đàn chiên. Đức Giêsu cũng nói rằng chính Ngài là cửa bảo vệ đàn chiên. Kiểu nói hiến dâng mạng sống này ám chỉ rõ ràng việc đóng đinh, và Ngài chuẩn bị cho các môn đệ hiểu cuộc khổ nạn sắp tới là một hành vi yêu thương.

Hình ảnh ẩn dụ Đức Giêsu như Mục tử và những người đi theo Ngài là đàn chiên cũng định hình cho mối tương quan giữa chủ chiên và đàn chiên. Những người theo Đức Giêsu tin tưởng vào Ngài để được an toàn và dẫn dắt trong suốt cuộc sống. Đức Giêsu dùng tước hiệu này để khẳng định sự bảo bọc và đỡ nâng của Ngài đối với những ai tin vào Ngài, và Ngài nói rõ kết quả của tương quan này: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”.

Hình ảnh mục tử và đàn chiên được nêu bật ở những chỗ khác trong Thánh Kinh. Nơi Tin mừng theo thánh Mátthêu và Luca, dụ ngôn về người chăn chiên đi tìm con chiên lạc là một ẩn dụ về vị Thiên Chúa tìm kiếm và vui mừng khi con người sám hối, từ bỏ tội lỗi. Còn bài đọc hai trích từ sách Khải huyền mô tả bằng hình ảnh xen lẫn vài ẩn dụ như: Đức Giêsu là con chiên hiến tế và cũng là mục tử chăn dắt các tín hữu đến sự sống đời đời. Tiếp đó, trong thánh vịnh đáp ca, chúng ta nghe bài ca mời gọi cộng đoàn thờ phượng và ngợi khen Thiên Chúa chăm sóc dân Ngài và đàn chiên. Kiểu nói này gợi lại bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, khi Chúa Giêsu nói với Phêrô  là người đứng đầu cần biết “săn sóc các chiên con và chiên mẹ của Thầy!”

Vậy, chúng ta lĩnh hội được gì từ kiểu nói mục tử và đàn chiên? Liên kết Chúa Giêsu với vai trò mục tử rõ ràng rất thu hút và thuyết phục, khẳng định Ngài có trách nhiệm đối với những ai được Ngài săn sóc. Cuộc đời, sứ vụ, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đều là những ví dụ về sự chăn dắt, bảo vệ cũng như hướng dẫn những ai theo Ngài. Dưới ánh sáng của Tin mừng Chúa nhật tuần trước, chúng ta cũng được nhắc nhở rằng mọi người cần phải giống như vị Mục tử tốt lành, chăm sóc các nhu cầu của cộng đoàn và bảo vệ những ai dễ bị tổn thương nhất. Như vịnh gia nhắc nhở, phải cầu nguyện trong tâm tình tạ ơn vì Chúa là mục tử chăn dắt chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hành động như mục tử trong lòng thế giới, dẫn dắt và đáp ứng những nhu cầu của người khác.

-------------------------------
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây