TỔNG LUẬN THẦN HỌC VỀ CON NGƯỜI - Thánh Tôma Aquinô - Phần III

Thứ bảy - 09/12/2023 06:18
TỔNG LUẬN THẦN HỌC VỀ CON NGƯỜI  - Thánh Tôma Aquinô - Phần III
TỔNG LUẬN THẦN HỌC VỀ CON NGƯỜI - Thánh Tôma Aquinô - Phần III

TỔNG LUẬN THẦN HỌC
VỀ CON NGƯỜI

*** (Phần III)



Dẫn nhập vào vấn đề 91-92

VỀ NGUỒN GỐC THÂN THỂ


§ I. VỀ VIỆC KIẾN TẠO THÂN THỂ NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐẦU TIÊN
Bây giờ phải tìm hiểu việc kiến tạo thân thể của con người đầu tiên, nhưng con người này lại có nam có nữ, nên cũng phải tìm hiểu việc kiến tạo thân thể người nữ đầu tiên. Vấn đề xoay quanh cách thức kiến tạo thân thể hơn là chính sự kiện kiến tạo. Ngày nay vấn đề này vẫn được tranh luận rất sôi nổi. Chúng tôi dành khía cạnh khoa học của vấn đề cho những nhà chuyên môn.[1]
I. CÁC CHỦ THUYẾT
Có hai chủ thuyết bất đồng và tương phản, là chủ thuyết Biến hoá và chủ thuyết Cố định. Chủ thuyết Biến hoá nhất nguyên duy vật (Evolutionismus monisticus-materialisticus) cho rằng, toàn thể thực tại là do vật chất biến hoá mà phát sinh, ngoài ra không còn chi hết. Đó là thuyết Nhất nguyên duy vật của haeckel và Duy vật biện chứng của Marx; Biến hoá hữu thần (Evol. Theisticus), công nhận Thiên Chúa, như nguyên nhân đệ nhất, tạo dựng một số cơ quan, từ đó tiến hoá các vật ngày ngày càng hoàn hảo hơn, cho đến khi con người, ít là về thân thể, đó là thuyết biến hoá của Darwin (Transformismus), được hồi sinh dưới nhãn hiệu là Biến hoá duy sinh (Evolutionismus biologicus).
Thuyết Biến hoá tuyệt đối, hay Biến chủng (Transformismus), cũng như thuyết Duy cơ (Mecanicismus), vì không lưu ý đến Thiên Chúa trong việc giải thích vũ trụ, đều là những thuyết phi lý. Thuyết Biến chủng giải thích công hiệu cao cấp bằng nguyên nhân hạ cấp, và cho sự đồng nhất cốt yếu phát sinh ra sự khác biệt cốt yếu. Thuyết Duy cơ lấy sự vô trật tự làm nguyên nhân của trật tự. Các thuyết ấy còn tương phản với tín điều về việc tạo thành nói chung và về việc tạo thành linh hồn nói riêng.
Còn thuyết Cố định (Fixista) thì cho thân thể của con người là cố định và bất biến như các chủng loại, như thế tuy nhìn nhận những giá trị thần học và triết học, nhưng xét theo các động vật thì e rằng thuyết này chưa lưu ý đủ đến sự kiện tiến hoá, mà khoa học đang nỗ lực làm sáng tỏ.
II. XÁC ĐỊNH Ý NGHĨA CỦA TỪ NGỮ
Quan niệm loại trong sinh vật học và triết học thì rất khác nhau.
a) Phần nhiều các nhà sinh vật học theo lối mô tả và căn cứ vào hình thái, như hình dáng bề ngoài giống hay khác nhau của thân xác (như loài khỉ), hoặc bên trong (như loài có xương sống). Trong các vật này lại lựa chọn một điểm hay nhiều điểm phù hợp hay không phù hợp với để phân thành nhóm, thành họ (như loài ăn thịt, loài có vú). Để phân loại cho hoàn hảo hơn người ta cũng căn cứ vào những tiêu chuẩn sinh lý, giải phẫu, phôi sinh và tâm lý. Lại chính các nhà sinh vật học cũng không nhất trí với nhau về những đặc trưng, như thấy trong những các phân loại của Linné, Cuvier, Siebold, Leuckart, Claus... Dù sao thì loại cũng chỉ ám chỉ những trạng thái, hay thời đại, hoặc cấp bậc của cũng một loại.
b) Còn loại (species), theo nghĩa triết học, biểu thị yếu tính của một vật theo tổng thể của nó, không bỏ sót phần cốt yếu nào, như khi định nghĩa con người là động vật có lý trí. Theo cách này loại biểu thị bản tính phức hợp và cội rễ của những thuộc tính của mỗi vật. Cũng phải nói như thế khi bàn về giống (genus) và dị điểm (differentia). Điều đó cho thấy, cùng một hạn từ được hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau, có khi còn tương phản nhau.
Vả lại, các nhà bác học nói chung, khi bàn về vấn đề “biến hoá hay tiến hoá” thường chỉ để ý đến khía cạnh thường nghiệm, đang khi cần phải cứu xét vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác, như triết lý và thần học, mới có thể giải đáp một cách thoả đáng. Nhưng khoa học ngày nay, đặc biệt về vấn đề này, phần lớn là vô thần và bị chi phối bởi định kiến.
c) Về dụng căn (causa instrumentalis). Ta cũng nên lưu ý rằng, Triết học Kinh viện thường phân biệt dụng căn theo nghĩa rộng (causa instrumentalis in sensu lato) và dụng căn theo nghĩa hẹp (in sensu stricto). Dụng căn theo nghĩa rộng là căn nguyên, tự sức mình có thể sinh ra công hiệu vừa tầm tay, tuy phải được huy động bởi chính căn. Đây là tất cả những căn nguyên đệ nhị, là những căn nguyên chỉ hoạt động vì được huy động bởi căn nguyên đệ nhất. Dụng căn theo nghĩa hẹp là căn nguyên, tự sức mình không thể phát sinh công hiệu quá tầm tay, nhưng sở dĩ đã có thể phát sinh ra công hiệu vượt quá bản tính và năng lực của mình, là vì đã được căn nguyên đệ nhất huy động và thông sức cho một cách mau qua, nhất thời. Tỷ dụ hàng phím của máy đánh chữ, hay máy vi tính, mà ta dùng để viết một cách pháp thuật và để biểu thị những tư tưởng. Do đó ta thấy trong mọi dụng căn theo nghĩa hẹp đều có hai năng lực, hai tác động, hai công hiệu, mà công hiệu chính vốn luôn luôn là của chính căn, chứ không phải của dụng căn. Vì nói đúng ra, chính ta viết chứ không phải máy móc; máy móc chỉ là dụng cụ.
III. TIẾN HOÁ, SỰ KIỆN LỊCH SỬ
Nói chung, chúng ta không thể phủ nhận sự kiện tiến hoá. Địa chất học, Sinh vật học và Cổ sinh vật học, Phôi thai học, cung cấp những bằng chứng rõ ràng. Trạng thái hiện nay của thế giới không phải là trạng thái sơ khai, chẳng những vì đang ở vào một thời gian quá xa xôi đối với lúc khai nguyên, mà còn vì nó là một đích điểm, một thành tựu, dù tương lai của nó thế nào chăng nữa. Trạng thái hiện nay của thế giới đã được chuẩn bị trong một dĩ vãng, lúc mà nó chưa như hiện nay, lúc nó còn ở trong trạng thái teo tắt, thoái hành (status involutionis). Xét theo cổ sinh vật học thì việc các động vật, và thực vật của mỗi miền, thay hình đổi dạng kế tiếp nhau là một sự kiện chắc chắn không thể phủ nhận. Trong những tầng địa chất kế tiếp nhau có cả từng loại, từng giống và từng họ, từng lớp hệ thống xuất hiện và biến mất. Đối với một lớp nhất định luôn luôn có những hình dạng, càng ngày càng chuyển hoá, kế tiếp một cách thứ tự, thích ứng với một môi trường sống nhất định.
Nhưng sự tiến hoá này có bao trùm cả thân thể con người chăng? Và bao trùm cách nào? Nói cách cụ thể, thân thể con người là do một súc vật hoặc nhiều súc vật nào đó tiến hoá mà thành, hay được Thiên Chúa trực tiếp nhào nặn?
IV. MỆNH ĐỀ I. - KHÔNG MỘT SÚC VẬT NÀO CÓ THỂ TỰ SỨC MÌNH, NHƯ CHÍNH CĂN, SẢN XUẤT RA THÂN THỂ CON NGƯỜI
Như thân thể con người ngày nay được cha mẹ sinh ra, thì thân thể của người tiên khởi có thể do một súc vật nào tự sức sinh ra, mà không có sự can thiệp của Thiên Chúa chăng? Tuyệt nhiên không thể!
1) Xét chung: Thân thể của con người và của súc vật thì thuộc về những loại khác nhau; lại giữa những súc vật cũng có nhiều loại khác nhau. - Mà loại được quy định bởi mô thể. Thực vậy, mô thể hoặc là chính bản tính, như trong các vật đơn, hoặc cấu thành chính bản tính, như trong các vật kép bởi chất thể và mô thể (xc. III, vđ.13, a.1). Lại nhờ mô thể mà mỗi vật được thuộc về loại phân minh (xc. I-II, vđ.63, m.1). Thế nên, một mô thể mới cần những điều kiện nào thì một loại mới cũng cần những điều kiện ấy.
- Mà mô thể thì hoặc là thiêng liêng và lập hữu, hoặc là vật chất không lập hữu. - Nhưng mô thể lập hữu thì do một mình Thiên Chúa tạo thành như vật tự lập. - Còn những mô thể không lập hữu thì được hình thành cách ngẫu nhiên: vật tự thể được hình thành hay được sinh ra là kép thể.[2] Thiên Chúa có thể đích thân tạo thành những mô thể này như Người đã thực hiện trong ngày tạo thành những hữu thể tiên khởi. Nhưng ngày nay Người nhờ bản tính mà sản xuất những mô thể ấy, vì phức thể khi hoạt động thì sinh ra phức thể khác, bằng cách đưa mô thể ra khỏi tiềm thể của chất thể.
Nhưng để một cơ thể sống động mới xuất hiện, thì điều kiện đủ và cần là phải do một thân thể sống động đồng loại sinh sản ra.[3] Vì không ai ban tặng điều mình không có. Sở dĩ những sinh vật vô linh giác có thể được sinh nở ra là vì trong nguồn gốc sơ khởi của chúng có nguyên nhân đồng loại, hoạt động theo cách thức của loại ấy.
Cho nên loại vô linh giác, như súc vật, không thể tự sức mình, như chính căn trực tiếp, sinh ra loại linh giác, như con người.
2) Xét riêng về thân thể con người. a) So sánh với linh hồn thì thân thể là như chất thể với mô thể, hay như tiềm thể đối với hiện thể. - Mà chết thể hay tiềm thể thì tương ứng với mô thể hay hiện thể. - Vậy không ai có thể phủ nhận rằng, linh hồn suy lý, mô thể của thân thể con người, thì thuộc về một lãnh vực hoàn toàn trổi vượt trên mô thể của bất cứ súc vật nào. - Do đó để một thân thể có thể đón nhận linh hồn con người thì thân thể này cần phải tương ứng hay thích hợp với linh hồn một cách trổi vượt trên mọi thân thể của các sinh vật hạ đẳng. - Cho nên không một động vật nào có thể, tự sức mình, như chính căn, sinh ra thân thể con người.
b) Thân thể không những là chất thể hay tiềm thể đón nhận linh hồn, mà còn là cơ thể của mọi hoạt động giác cảm. Do sự phối hợp với linh hồn, nơi con người những hoạt động giác cảm này thuộc một lãnh vực trổi vượt hơn những sinh hoạt giác cảm nơi các súc vật khác. - Mà cơ thể phải tương ứng với chức năng mà nó đảm đương và phát triển, vì thế thân thể của con người phải được chỉnh bị và được thích ứng với những hoạt động của linh hồn, một cách trổi vượt trên những tác động của mọi sinh vật hạ cấp. Do đó sự cấu tạo và xếp đặt của cơ thể con người phải phong phú và phức tạp hơn sự cấu tạo và xếp đặt của cơ thể các sinh vật khác bội phần. - Cho nên không một động vật nào có thể, như chính căn và tự sức mình, sinh ra thân thể con người (xc. I, vđ.78, m.4, gđ.5).
c) Phải có sự tương ứng giữa căn nguyên và công hiệu. Vậy thân thể, trong lãnh vực tĩnh của chất thể hay tiềm thể, thì tương ứng với linh hồn suy lý, trong lãnh vực năng động, như cơ quan của những hoạt động giác cảm thì trổi vượt và lướt thắng sức riêng của các vật hạ đẳng, tương đương với sự trổi vượt và lướt thắng của linh hồn trên mọi mô thể của các sinh vật hạ đẳng khác ngàn trùng. Cho nên không một động vật nào có thể tự sức mình, như chính căn, sản xuất ra thân thể con người.
d) Có thể thêm lẽ thần học này nữa: Nếu thân thể con người có thể do một động vật, bất cứ loại nào, sinh ra, thì không thể tránh được thuyết Đa chủng (Polygenismus). Vì nếu động vật này hiện hữu tại khắp mọi miền trong vũ trụ, thì tại khắp các miền chúng sẽ sinh ra thân thể con người một cách độc lập với nhau. Và dù chúng chỉ hiện hữu tại một miền, cũng có thể sinh ra nhiều thân thể khác nhau trong những cảnh huống như nhau. Mà thuyết Đa chủng thì tương phản với tín điều của Công giáo về tội tổ truyền do một ông tổ Ađam gây ra cho cả nhân loại (DS. 3897).
V. MỆNH ĐỀ II. SỨC VẬT HẠ CẤP, CHỈ NHƯ DỤNG CĂN THEO NGHĨA HẸP CỦA THIÊN CHÚA, MỚI CÓ THỂ SINH RA THÂN THỂ CON NGƯỜI
1) Hiểu dụng căn theo ý nghĩa đã xác định trên đây (II,c), ta có thê dễ dàng lý hội và chấp nhận mệnh đề đó. Thân thể con người dù là công hiệu vượt quá năng lực riêng của mọi sinh vật hạ cấp, nhưng không vượt quá năng lực của Đấng Tạo Hoá, là năng lực hàm chứa những công hiệu ấy một cách trác tuyệt. Việc Tạo Hoá dùng sự sinh sản của súc vật như dụng căn để phát sinh ra thân thể con người cũng có vấn nạn như việc Người lấy bùn đất mà nhào nặn ra.
2) Giả tỉ sự can thiệp của Đấng Tạo Hoá đã thực sự xảy ra, thì quả là việc phi thường, không khác gì như nếu Người dùng bùn đất mà nhạo nặn nên thân thể con người. Và việc đó còn phi thường hơn là tạo thành linh hồn rồi phú vào thân thể, vì sự can thiệp của Đấng Tạo Hoá không bị gò bó bởi những căn nguyên đệ nhị, như việc tạo thành linh hồn trong khi con người thụ thai. Hơn nữa, khi cất nhắc dụng căn lên, Đấng Tạo Hoá còn phải đình chỉ diễn tiến tự nhiên của những căn nguyên đệ nhị đối với những công hiệu bản nhiên của chúng.
3) Ngoài ra, tuyệt nhiên không thể biểu thị việc can thiệp ấy như một căn nguyên sinh lý đặc biệt (factor biologicus specialis), mà nhà sinh vật học có thể dùng sự quan sát khoa học để khám phá, và cũng không có thể phủ nhận. Vì là chuyện vượt quá phạm vi của khoa học thực nghiệm. Lại sự can thiệp này cũng không giả định thuyết Đa chủng, vì giữa những điều kiện phát triển giống nhau của động vật, Thiên Chúa có thể lựa chọn một trường hợp, và chọn một lần duy nhất.
4) Người ta đang cố gắng chứng minh thân thể con người bởi động vật hạ đẳng mà ra. Nỗ lực này, nếu thành tựu thì cũng phù hợp với phẩm trật, hay giai tầng vạn vật, do Thiên Chúa an bài phối trí, để vũ trụ được mỹ miều và hoàn hảo. Điều thái quá của thuyết Tiến hoá là muốn loại Đấng Tạo Hoá (mà người công giáo gọi là Thiên Chúa), ra khỏi mọi vấn đề mà người ta phải nhìn nhận sự thượng trí, quan phòng và cai quản của Thiên Chúa như của viên kỹ sư trưởng.
5) Nếu ngày nào đó, thuyết Tiến hoá tương đối trở thành sự thật, thì việc chấp nhận sự can thiệp của Thiên Chúa sẽ dung hoà thuyết ấy với đức tin, và với trình thuật của sách Sáng Thế. Như vậy, linh hồn suy lý do một mình Thiên Chúa tạo thành; còn thân thể được hình thành với sự can thiệp rất đặc biệt của Thiên Chúa, vì Giáo Hội không buộc phải hiểu việc cấu tạo thân thể từ bùn đất theo nghĩa đen: kiểu nói của sách Sáng Thế thì dành cho những người bình dân chất phác.[4] Ngày 20.10.1966, trong thư “về nguồn gốc và tiến hoá của sự sống”, gởi cho Viện Hàn lâm khoa học của Toà Thánh, Đức Gioan Phaolô II, dù đã nhìn nhận những thành tựu trong công cuộc nghiên cứu về thuyết Tiến hoá, nhưng vẫn thấy ngài viết: “Đúng ra, nên nói đến những thuyết Tiến hoá hơn là nói đến một thuyết Tiến hoá. Sở dĩ có nhiều thuyết Tiến hoá là vì, một mặt có nhiều cách giải thích về cơ chế tiến hoá, và mặt khác, người ta quy chiếu về nhiều triết thuyết khác nhau. Do đó có những cách giải thích duy vật và giản lược, và những cách giải thích duy linh. Việc phán đoán ở đây thuộc thẩm quyền riêng của Triết học và, xa hơn nữa, của Thần học”.[5]
Vì thế, để tránh sự hấp tấp và nhẹ dạ nông nổi thái quá, Giáo Hội đã đưa ra mấy điểm sau đây: a) không được cho tiến hoá như sự kiện hoàn toàn chắc chắn, đã được kiểm chứng; b) phải đắn đo, chừng mực và chín chắn, cân nhắc trong khi phán đoán; c) phải luôn luôn sẵn sàng chấp nhận những quyết định của Giáo Hội, là cơ quan chính thức có nhiệm vụ giải thích trung thực mạc khải của Thiên Chúa (DS 3896).
VI. MỆNH ĐỀ III. - VIỆC TẠO DỰNG CON NGƯỜI, TRONG MỌI CẢNH HUỐNG, ĐỀU ĐÒI HỎI SỰ CAN THIỆP CỦA THIÊN CHÚA
1) Con người là vật có hồn có xác; đức tin còn dạy, con người được Thiên Chúa tạo thành và đưa lên bậc siêu nhiên; do đó con người đã bắt đầu sống trong một bậc hoàn thiện, gọi là bậc vô tội nguyên thuỷ, không phải đau đớn, mệt mỏi, thậm chỉ cả lao động cũng là chuyện thích thú. Vậy trong tất cả những điều ấy rõ ràng là cần có sự can thiệp của Thiên Chúa. Nếu trong việc tạo thành con người, như mạc khải trình bày, mà ta phủ nhận sự can thiệp của Thiên Chúa, thì sự hiện hữu của con người quả là một bí nhiệm nhất trong các bí nhiệm khôn dò.
Một số học giả nói rằng, chỉ cần linh hồn được Thiên Chúa tạo thành, vì những chỉnh bị sau cùng để thân thể đón nhận linh hồn là do linh hồn.[6] Như thế chưa đủ, vì sự chỉnh bị thân thể cho thích hợp để có thể đón nhận linh hồn như mô thể, chỉ có thể do một người khác, và vì đây là người thứ nhất, nên phải do chính Thiên Chúa, dù chất thể là gì đi nữa. Thánh Thomas viết: sức truyền sinh không tự sức mình mà sinh sản, nhưng do sức của toàn thể linh hồn mà nó là tiềm thể. Vì thế sức truyền sinh của thảo mộc thì sinh ra thảo mộc; và sức truyền sinh của động vật thì sinh ra động vật. Vì hồn càng hoàn bị bao nhiêu sức truyền sinh của nó càng hướng đến công hiệu hoàn bị bấy nhiêu (I, vđ.118, m.1, gđ.2). do đó, dù thân thể con người có phát xuất do sự sinh sản của một súc vật, như do dụng căn của Thiên Chúa, thì cũng không thể nói được rằng, súc vật ấy là cha đẻ của con người, vì việc chuẩn bị và chỉnh bị chất thể để đón nhận linh hồn, như mô thể, là do quyền lực của Thiên Chúa, và phải được quy gán cho Thiên Chúa, chứ không thể cho động vật.[7]
2) Hơn nữa, theo thánh Thomas: Phức thể bởi phức thể sinh ra. Duy một mình Thiên Chúa, tuy là Đấng thiêng liêng, vô vật chất, nhưng có khả năng tạo thành để phát sinh vật chất. Vậy thân thể thứ nhất của con người chưa bao giờ được cấu tạo, để nhờ năng lực của nó mà sinh ra một thân thể khác đồng loại. Cho nên thân thể thứ nhất của con người cần phải được Thiên Chúa trực tiếp cấu tạo nên (xc. I, vđ.91, m.2, LG.).
VII. VỀ SỰ CÂN ĐỐI VÀ VỀ VẺ ĐẸP CỦA THÂN THỂ CON NGƯỜI
1) Khi bàn về sự cân đối của thân thể con người, thánh Thomas đã coi thân thể này như sản phẩm nghệ thuật của Thiên Chúa. Mà nghệ sĩ nào cũng muốn phối trí công trình cho thật hoàn hảo, phù hợp với mục đích. Vậy mục đích gần gũi của thân thể là linh hồn suy lý và các sinh hoạt của linh hồn: chất thể thì vì mô thể, và dụng cụ thì vì sinh hoạt của của tác nhân. Xét theo phương diện này thì thân thể đã được thiết kế, hoặc phối trí rất hoàn hảo (xc. vđ.91, m.3, LG.).
2) Cha Monsabré đã tài tình minh hoạ vẻ kiều diễm của thân thể con người bằng cách mô tả:
a) Vẻ đẹp kiến trúc, với cấu trúc bên ngoài và bên trong. Bên ngoài, như bộ xương, trong đó có cột, có kèo, có vòng cuốn, vòng cung, có đòn bẩy, có bản lề, có lò xo; khớp xương có chỗ cong, chỗ lồi, chỗ lõm; các xương ấy lại được những cơ, những gân như những dây chằng vừa dai dẻo vừa bền bỉ bao phủ và cột các xương lại cho khắng khít với nhau. Bên trong, thì có cơ quan dinh dưỡng và truyền sinh; và trợ lực cho hai cơ quan này là cơ quan hô hấp và tuần hoàn; óc não và trái tim là những trung tâm liên lạc để thực hiện những dịch vụ điện báo và tiếp huyết. Các cơ quan ấy có thứ mềm, có thứ xốp để thực hiện những phản ứng lý hoá, có thứ cứng nhắc có thứ co giãn để phục vụ những hoạt động cơ giới.
b) Vẻ đẹp cơ giới. Thân thể con người được thiết kế để đứng, để đi, để chạy, để nhảy, để cúi, để uốn cong, để cầm, để mang, để đẩy, để mơn trớn, để vuốt ve...
c) Vẻ đẹp của tướng mạo hay của sự truyền thông, truyền cảm.Từ thế đứng thẳng cho đến những cử điệu của cặp mắt, của đôi môi, của giọng nói, của tiếng cười, của lời than...[8]
Dù thân thể được thiết kế để phục vụ linh hồn, nhưng những ai bình tâm suy nghĩ, hẳn không thể không thán phục kỳ công kiệt tác ấy của Tạo Hoá.
§ II. VỀ VIỆC KIẾN TẠO THÂN THỂ NGƯỜI PHỤ NỮ TIÊN KHỞI
1) Sách Sáng Thế (2,22) có chép: Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Trình thuật này đã được các nhà chú giải Kinh Thánh tranh luận sôi nổi. Sự sôi nổi này đã phần nào dịu đi với văn thư của Uỷ Ban Toà Thánh về Thánh Kinh gởi Đức Hồng Y Suhard (xc. DS 3864).
Trong Tông thư Phẩm giá phụ nữ, Đức Gioan Phaolô II cũng viết về ngôn ngữ dùng trong trình thuật này rằng: Theo một nghĩa nào đó, ngôn ngữ này không rõ ràng mấy, có thể nói ngôn ngữ này có tính cách mô tả và ẩn dụ nhiều hơn, gần với ngôn ngữ thần thoại được phổ biến thời đó. Rồi Tông thư giải thích: Theo trình thuật này, người nữ được Thiên Chúa tạo dựng như một bản ngã thứ hai, như là kẻ đồng hành với người nam, trước đó sống cô đơn giữa những tạo vật chung quanh mà không tìm được “trợ tá” tương xứng với mình (...) từ ngữ “người nữ” nói lên căn tính của người nữ thiết yếu có tương quan với người nam (Ishsha). Cách chung, các ngôn ngữ ngày nay không thể diễn tả được điều này “Nàng sẽ được gọi là đàn bà (Ishsha), vì đã được rút từ đàn ông (Ish) (St 2,23).[9]
2) Thánh Thomas, dù đã lưu ý đến kiểu nói trên đây (xc. I, đ.91, m.1, gđ.4), nhưng còn đưa ra nhiều ý nghĩa khác: như để nói lên nguồn gốc duy nhất của nhân loại, theo lòi thánh Phaolô: Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất (Cv 17,26); để người nam và người nữ chung sống với nhau trong gia đình theo ý định của Thiên Chúa, là sinh sản con cái và cùng nhau thống trị mặt đất (xc. St 1,28); để dù hai người đều bình đẳng trong gia đình, nhưng một thứ phân công nào đó vẫn cần thiết; để người chồng tha thiết yêu vợ; sau hết để biểu thị nhiệm tích, vì như người nữ bởi người nam thế nào, thì Giáo Hội cũng bởi Chúa Kitô như thế; lại cũng như người nữ được rút từ người nam đang ngủ thế nào, thì máu và nước, là các nhiệm tích để thiết lập Giáo Hội, cũng từ cạnh sườn Chúa Giêsu an nghỉ trên thánh giá chảy ra như thế (xc. I, vđ.92, m.1-4).

 

Vấn đề 91

VỀ SỰ SẢN XUẤT THÂN THỂ
CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐẦU TIÊN


Bây giờ chúng ta phải bàn về việc sản xuất thân thể của người đàn ông đầu tiên (xc. vđ.90, dẫn nhập). Về điều này phải tìm hiểu bốn mục.
1. Về chất liệu được dùng để sản xuất thân thể này.
2. Về tác giả sản xuất thân thể này.
3. Về sự xếp đặt cho thân thể được sản xuất như thế.
4. Về cách thức và thứ tự của chính việc sản xuất.

MỤC 1:      Thân thể của người đàn ông đầu tiên          
có được tác thành từ bùn đất chăng?

NGHI VẤN. Hình như thân thể của người đàn ông đầu tiên không được tác thành từ bùn đất.
1. Thực vậy, tác thành vật nào từ hư vô hàm súc tiềm lực lớn hơn là tác thành từ thực tại nào đó: vì vô hữu thì cách xa hiện thể hơn là hữu thể trong tiềm thể. Vậy vì con người là thụ tạo xứng đáng nhất trong các thụ tạo hạ cấp, nên nếu năng lực của Thiên Chúa được giãi bày cách tối đa trong việc sản xuất thân thể của con người thì quả là thích hợp. Thành thử không nên tác thành thân thể con người từ bùn đất, mà từ hư vô.
2. Vả lại, những thiên thể thì tao nhã hơn những địa thể. Nhưng thân thể con người thì rất tao nhã: vì được kiện toàn bởi mô thể tao nhã nhất, là linh hồn suy lý. Thành thử không nên được hình thành từ địa thể, từ thiên thể thì hơn.
3. Vả lại, lửa và không khí là những vật thể tao nhã hơn đất và nước: đặc tính vi diệu của chúng tỏ rõ điều đó. Vậy vì thân thể của con người thì rất cao trọng, cho nên được tác thành từ lửa và không khí thì hơn là từ bùn đất.
4. Vả lại, thân thể nhân loại thì phức hợp bởi bốn nguyên tố. Cho nên không được tác thành bởi bùn đất, mà bởi mọi nguyên tố.
NHƯNG. Sách Sáng Thế (2,7) chép: Thiên Chúa lấy bùn đất nặn ra con người.
LUẬN GIẢI. Vì Thiên Chúa là Đấng hoàn bị, nên Người đã ban cho các công trình của Người sự hoàn bị theo cách thức của chúng, theo lời sách Đệ Nhị Luật (32,4): Sự nghiệp Người thì hoàn bị. Nhưng chính Người thì hoàn bị vì có sẵn nơi mình mọi vật, không phải theo cách phức hợp, nhưng theo cách đơn thuần và thống nhất, như Dionysius nói, y như cách thức mà những công hiệu khác nhau có sẵn trong căn nguyên, theo yếu tính duy nhất của nó. - Nhưng sự hoàn bị này được thông cho các thiên thần, vì những gì được Thiên Chúa tác thành trong thiên nhiên, theo những mô thể khác nhau, thì có trong nhận thức của các thiên thần. - Sự hoàn bị ấy được thông cho con người một cách thấp hơn. Quả thực, con người không có trong nhận thức tự nhiên của mình ý niệm của mọi vật tự nhiên; nhưng một cách nào đó con người thì phức hợp bởi mọi vật: vì con người có nơi mình linh hồn suy lý thuộc về giống của các bản thể thiêng liêng; và giống như các thiên thể, con người thì ở xa những điều tương phản bằng sự quân bình tối đa của thể chất; nhưng nguyên tố thì có trong con người theo bản thể của chúng. Nhưng thế nào để các nguyên tố cao cấp, như lửa và không khí, thì chế ngự nơi con người theo năng lực: vì sự sống đặc biệt hệ tại sức nóng: đặc trưng của lửa; và độ ẩm: đặc trưng của không khí. Trái lại, những nguyên tố hạ cấp thì đầy dẫy trong con người theo bản thể: chẳng vậy không thể có sự cân bằng trong việc pha trộn, đừng kể khi những nguyên tố hạ cấp, yếu kém về tiềm lực, nhưng dư dật về lượng nơi con người. Vì thế nói rằng, thân thể con người được nhào nặn từ bùn đất: vì bùn là đất trộn với nước. - Vì thế con người được gọi là tiểu vũ trụ, vì một cách nào đó mọi vật thụ tạo đều có trong con người.
GIẢI ĐÁP. 1. Tiềm năng của Thiên Chúa tạo thành được giãi bày nơi thân thể con người, khi chất thể của nó được sản xuất bằng việc tạo thành. Nhưng thân thể nhân loại cần được tác thành từ bốn nguyên tố, để con người được tương hợp với những vật thể hạ cấp, như một thứ trung gian giữa những bản thể thiêng liêng và hữu hình.
2. dù xét đơn thuần thiên thể có tao nhã hơn địa thể, nhưng xét theo những hành vi lại không thích hợp bằng. Vì linh hồn suy lý nhờ giác quan một cách nào đó mà nhận biết chân lý: mà các cơ quan của giác quan không thể được kiến tạo từ thiên thể, là thứ bất thụ cảm. - Và cũng không đúng, như một số người chủ trương, là điều gì đó của đệ ngũ nguyên tố, như chất thể tổ hợp nên thân thể con người, và họ chủ trương rằng linh hồn phối hợp với thân thể qua trung gian của ánh sáng nào đó (xc. vđ.79, m.7). Trước hết, họ nói cách sai lầm rằng, ánh sáng là vật thể. Thứ đến, không thể có chuyện điều gì đó của đệ ngũ nguyên tố tách ra khỏi thiên thể, hay được pha trộn với các nguyên tố, vì sự bất thụ cảm của thiên thể. Cho nên nó không là hợp tố của các vật thể phức hợp, có chăng là hiệu năng tiềm lực của nó.
3. Nếu lửa và không khí, có tiềm lực hoạt động lớn, cũng có trong việc phối hợp nên thân thể con người cách dư dật về lượng, thì chúng sẽ lôi cuốn các thứ khác lại với chúng, và trong con người phức hợp sẽ không thể đạt được sự cân bằng của các hợp chất, cần thiết cho sự hoàn thiện của xúc giác, là nền tảng của những giác quan khác. Thực vậy, cơ quan của bất cứ giác quan nào cũng chỉ có trong tiềm thể, chứ không có trong hiện thể những điều tương phản, mà giác quan nhận thấy. Hoặc phải làm sao để cơ quan ấy thiếu toàn thể “giống” của những điều tương phản, như con người thiếu màu sắc, để ở trong tiềm thể đối với mọi màu sắc; điều đó không thể có trong xúc giác, vì nó phức hợp bởi những nguyên tố, mà xúc giác nhận thấy những thể thức. Hoặc phải làm sao để cơ quan là trung gian giữa những điều tương phản, như cần phải thể hiện nơi xúc giác: vì trung gian thì ở trong tiềm thể cách nào đó đối với những điều tương phản.
4. Trong bùn đất có đất và nước làm cho những phần đất dính lại. Nhưng Thánh Kinh không nhắc đến những yếu tố khác, một đàng, vì lượng của chúng không nhiều trong thân thể con người, như vừa nói trên (LG.); đàng khác, vì trong toàn thể việc sản xuất ra vạn vật, Thánh Kinh không nhắc đến lửa và không khí, là những vật mà giác quan của hoặc người thô sơ không cảm thấy; mà Kinh Thánh lại được truyền đạt cho dân tộc thô sơ.

MỤC 2:      Thân thể con người có được Thiên Chúa    
trực tiếp sản xuất chăng?

NGHI VẤN. Hình như thân thể nhân loại không được Thiên Chúa trực tiếp sản xuất.
1. Thực vậy, trong cuốn III De Trin. thánh Augustinô viết: những thực tại hữu hình được Thiên Chúa bài trí nhờ thụ tạo thiên thần. Nhưng thân thể nhân loại được cấu tạo từ chất thể hữu hình, như đã nói trên (m.1). Cho nên phải được sản xuất bởi các thiên thần trung gian, chứ không trực tiếp bởi Thiên Chúa.
2. Vả lại, phàm chi có thể được hình thành bởi năng lực thụ tạo thì không cần được sản xuất trực tiếp bởi Thiên Chúa. Nhưng thân thể nhân loại có thể được sản xuất bởi năng lực thụ tạo của thiên thể: vì nhờ năng lực chủ động của thiên thể mà một số động vật được sinh ra từ sự hư hoại; ông Albumasar còn nói, con người không sinh nở tại những nơi quá nồng nực hay giá lạnh, nhưng chỉ tại những nơi ôn hoà. Cho nên thân thể con người không được Thiên Chúa trực tiếp kiến tạo.
3. Không chi được hình thành bởi chất thể hữu hình nếu không có sự biến đổi nào đó của chất thể. Nhưng mọi biến đổi của vật thể đều do sự chuyển biến của thiên thể, là sự chuyển biến thứ nhất trong các biến chuyển. Vậy vì thân thể nhân loại được sản xuất bởi chất thể hữu hình, nên hình như thiên thể có góp phần trong việc kiến tạo thân thể này.
4. Vả lại, trong sách Super Gen. ad Litt., thánh Augustinô viết, con người được tác thành về thân thể, trong công trình của sáu ngày, theo “lý tính căn cội” mà Thiên Chúa đã phú vào thụ tạo hữu hình; rồi thân thể được kiến tạo trong hiện thể. Nhưng điều đã có sẵn trong thụ tạo hữu hình theo “lý tính căn cội”, thì có thể được sản xuất bởi năng lực hữu hình. Cho nên thân thể nhân loại được sản xuất bởi năng lực thụ tạo nào đó, chứ không trực tiếp bởi Thiên Chúa.
NHƯNG. Sách Huấn Ca (17,1) viết: Thiên Chúa đã lấy đất mà tạo thành con người.
LUẬN GIẢI. Việc kiến tạo đầu tiên thân thể nhân loại không thể do năng lực thụ tạo nào cả, nhưng trực tiếp bởi Thiên Chúa. Một số người quả có chủ trương rằng, những mô thể ở trong vật thể hữu chất thì được dẫn xuất từ những mô thể vô chất nào đó (xc. Vđ.65, m.4). Nhưng trong cuốn VII Metaphys. nhà Hiền triết đã phi bác ý kiến đó, vì tự thể được tác thành không phù hợp với những mô thể, nhưng với phức thể mới, như đã được trình bày trên đây (vđ.45, m.8; vđ.65, m.4; vđ.90, m.2); mà vì tác nhân phải giống với tác phẩm của nó, cho nên không thích hợp để mô thể thuần tuý, vô chất thể, sản xuất ra mô thể ở trong chất thể, vì mô thể cũng chỉ có thể được hình thành bởi lẽ phức thể được tác thành. Cho nên mô thể ở trong chất thể phải là căn nguyên của mô thể trong chất thể, vì phức thể được sinh ra bởi phức thể. Nhưng Thiên Chúa, dù hoàn toàn là vô chất, nhưng chỉ một mình Người có thể lấy năng lực của mình mà sản xuất ra chất thể bằng cách tạo thành. Cho nên cũng chỉ một mình Người có thể sản xuất mô thể trong chất thể, mà không dùng đến mô thể hữu chất đã sẵn có. Vì thế các thiên thần không thể biến đổi những vật thể để cung cấp mô thể cho chúng, nếu không dùng những mầm sống nào đó, như thánh Augustinô đã nói trong cuốn III De Trin.. - Vậy vì thân thể nhân loại chưa hề được kiến tạo, để nhờ năng lực của nó mà thân thể khác đồng loại được kiến tạo bằng sự sinh sản, nên nhất thiết là thân thể thứ nhất của con người phải được Thiên Chúa trực tiếp kiến tạo.
GIẢI ĐÁP. 1. Dẫu thiên thần có phục vụ Thiên Chúa trong những hoạt động của Người đối với các vật thể; nhưng có những điều mà Thiên Chúa làm nơi thụ tạo hữu hình, nên thiên thần tuyệt nhiên không thể làm được: như việc làm cho kẻ chết sống lại, và cho người mù được sáng mắt. Cũng nhờ năng lực ấy mà Người lấy bùn đất tạo thành thân thể của người đầu tiên. - Nhưng Người cũng có thể cho các thiên thần phục vụ đôi ba việc trong việc kiến tạo thân thể của người đầu tiên; sự phục vụ mà các ngài sẽ cúng hiến trong ngày sống lại sau hết, bằng cách thu gom bụi bặm.
2. Những động vật hoàn bị, được sinh ra bởi mầm sống, không thể được sinh ra bởi nguyên tiềm lực của thiên thể, như Avicenna bày đặt; dù tiềm lực của thiên thể có cộng tác vào sự sinh sản tự nhiên của chúng, như nhà Hiền triết nói trong cuốn II Phys. rằng: Con người, cùng mặt trời, sinh ra người khác từ chất thể. Vì thế nơi ôn độ thì cần cho việc sinh sản con người và các động vật hoàn bị khác. - Nhưng chỉ cần năng lực của các thiên thể để, từ chất thể đã được chuẩn bị sinh ra một số động vật khiếm khuyết: vì hiển nhiên là cần nhiều điều để sản xuất vật hoàn bị hơn là để sản xuất vật khiếm khuyết.
3. Sự biến chuyển của tầng trời là căn nguyên của những biến đổi tự nhiên: nhưng không phải của những biến đổi ngoài trật tự tự nhiên, mà chỉ cần năng lực của Thiên Chúa, như việc những người đã chết sống lại, việc tầng trời được soi sáng. Việc con người được kiến tạo từ bùn đất cũng giống như những điều đó.
4. Hai cách để một thực tại được có sẵn trong “lý tính căn cội”. Một là theo tiềm năng chủ động và thụ động: để chẳng những có thể được hình thành từ chất thể đã có sẵn, mà còn để một thụ tạo sẵn có nào đó có thể thực hiện. Hai là, theo tiềm năng thụ động mà thôi, như để được Thiên Chúa tác thành từ chất thể đã có sẵn. Và theo thánh Augustinô nói, với cách thứ hai này thân thể con người đã có sẵn theo “lý tính căn cội” trong những công trình đã được sản xuất.

MỤC 3:      Nơi thân thể con người có sự xếp đặt thích hợp chăng?

NGHI VẤN. Hình như nơi thân thể con người không có sự xếp đặt thích hợp.
1. Thực vậy, vì con người là động vật tao nhã nhất trong các động vật, nên thân thể con người phải được xếp đặt cách tuyệt hảo về những điều riêng của động vật, như giác quan và sự di chuyển. Nhưng có những động vật có giác quan nhạy bén hơn con người, và di chuyển mau lẹ hơn: như chó thì thính mũi hơn, và chim thì di chuyển nhanh hơn. Cho nên nơi thân thể con người không có sự xếp đặt thích hợp.
2. Vả lại, hoàn bị là không thiếu chi cả. Nhưng thân thể con người lại thiếu nhiều điều hơn thân thể của những động vật khác: những loài này có móng và có vũ khí tự nhiên để tự vệ, mà con người lại thiếu. Cho nên thân thể con người được xếp đặt quá khiếm khuyết.
3. Vả lại, con người thì xa cách cây cối hơn xa cách súc vật. Nhưng cây cối thì có thế đứng thẳng; nhưng súc vật thì cúi về phía trước. Cho nên con người không nên có thế đứng thẳng.
NHƯNG. Sách Giảng Viên (7,30) chép: Thiên Chúa tác thành con người thẳng ngay.
LUẬN GIẢI. Mọi vật tự nhiên đều được sản xuất do tài nghệ của Thiên Chúa; cho nên chúng là những nghệ phẩm của chính Thiên Chúa. Mà nghệ nhân nào cũng dụng tâm xếp đặt hoàn hảo cho công trình của mình, không phải cách tuyệt đối, nhưng tương xứng với mục đích. Và dù sự xếp đặt ấy có khuyết điểm phần nào chăng nữa, thì nghệ sĩ cũng không quan tâm. Chẳng hạn người thợ đúc lưỡi cưa để cưa xẻ, thì đúc nó bằng sắt, là thứ thích hợp để cưa cắt; chứ không bận tâm làm bằng thuỷ tinh, dù thuỷ tinh có đẹp hơn, vì vẻ đẹp này sẽ cản trở mục đích. Bởi thế, Thiên Chúa xếp đặt tuyệt hảo cho mỗi vật tự nhiên một cách, không phải cách tuyệt đối, nhưng tương xứng với mục đích riêng. Và trong cuốn II Phys. nhà Hiền triết đã viết về điều đó rằng: Như thế thì xứng đáng hơn, không phải một cách tuyệt đối, nhưng tương xứng với bản thể của mỗi vật.
Vậy mục đích gần gũi của thân thể nhân loại là linh hồn suy lý và những hoạt động của nó: bởi chất thể là vì mô thể, và dụng cụ là vì những hoạt động của tác nhân. Bởi thết tôi xin nói, khi Thiên Chúa thiết kế thân thể con người thì đã xếp đặt nó cách tuyệt hảo, phù hợp với thứ mô thể đó và với những thứ hoạt động đó. Và dù xem ra có khuyết điểm nào trong sự xếp đặt cho thân thể con người, thì phải cho rằng sự khuyết điểm ấy phá sinh cách tất yếu bởi chất thể, bởi những điều kiện phải có nơi thân thể, để thân thể được tương xứng với linh hồn, và với những hoạt động của linh hồn.
GIẢI ĐÁP. 1. Nơi con người, xúc giác thì hoàn bị hơn nơi bất cứ động vật nào khác, vì là nền tảng của mọi giác quan khác: bởi thế con người phải có thể chất cân bằng hơn hết mọi động vật. Con người cũng phải hơn mọi động vật khác về những tiềm năng nội giác, như đã nói trên (vđ.78, m.4). - Nếu về một số ngoại quan, con người thua kém những động vật khác, thì đây là do sự tất yếu nào đó: chẳng hạn, trong các súc vật thì con người là vật có khứu giác tồi nhất. Vì nhất thiết là trong mọi súc vật, con người là vật có khối óc lớn nhát so với toàn thân của con người; vừa để ta hoàn thành cách tự do hơn những hoạt động của các nội quan, cần thiết cho hoạt động của trí hiểu, như đã nói trên (vđ.84, m.7); vừa để khí lạnh của khối óc điều chế nhiệt lực của trái tim, thứ nhiệt lực cần phải có dư dật trong con người, để giúp con người đứng thẳng. Nhưng khối óc to, vì tính ẩm ướt của nó, là trở ngại cho khứu giác, là giác quan cần sự khô ráo. - Như thế chúng ta cũng có thể xác định lý do tại sao một số động vật có thị giác tinh anh, và thính giác vi diệu hơn con người; ấy là sự cản trở mà những giác quan này gặp thấy nơi con người, do sự cân bằng cần thiết của thể chất. Phải áp dụng cũng một lý do để giải thích tại sao có những động vật lanh lẹ hơn con người, vì sự cân bằng của thể chất con người thì tương phản với sự lanh lẹ trác tuyệt đó.
2. Các sừng và móng vuốt, là võ khi của một số động vật; độ dày của da, sự rậm rạp của lông, là những thứ che thân của một số động vật khác, tỏ rõ sự dư dật của yếu tố hồng trần, thì tương phản với sự cân bằng và sự thanh nhã của thể chất con người. Cho nên những thứ đó không thích hợp với con người. Nhưng thay vì những thứ đó con người có lý trí và bàn tay, nhờ đó con người có thể sắm cho mình vũ khí, y phục và những đồ cần dùng khác, bằng vô vàn cách. Vì thế trong cuốn III De Anima, có viết: bàn tay được gọi là cơ quan của mọi cơ quan. Điều đó càng thích hợp với bản tính suy lý, giàu quan niệm vô cùng, có thể sắm cho mình nhiều dụng cụ vô cùng.
3. Thế đứng thẳng thích hợp với con người vì bốn lý do. Một là, những giác quan được cung cấp cho con người chẳng những để trù liệu những điều cần thiết cho cuộc sống, như các động vật khác; mà còn để nhận biết. Cho nên đang khi những động vật khác chỉ thích thú trong những thực tại khả giác, trong tương quan với thức ăn và với việc giao cảm, thì duy con người mới thích thú về vẻ đẹp cố hữu của những vật khả giác. Và vì các giác quan thì trụ cách đặc biệt ở mặt, nên mặt của những động vật khác thì cúi xuống đất như đề tìm thức ăn và để trù liệu lương thực cho mình; còn mặt của con người thì ngẩng lên, để nhờ các giác quan, nhất là nhờ thị giác, (là giác quan cao trọng nhất và tỏ bày nhiều dị biệt khác nhau của các vật), con người có thể tự do nhận biết tứ phía những vật khả giác, chẳng kỳ là trên trời hay dưới đất, để từ các vật ấy lượm lặt chân lý khả hội. - Hai là để những tiềm năng nội tại được hoạt động cách tự do hơn, vì óc não, nơi những hoạt động ấy được hoàn chỉnh cách nào đó, không bị chèn ép, nhưng được đặt cao trên mọi phần khác của thiên thể. - Ba là, nếu con người ở tư thế cúi mặt xuống, thì sẽ phải dùng hai tay thay thế hai chân trước. Vì thế hai tay không còn hữu dụng để hoàn thành những công việc khác. - Bốn là, nếu con người ở tư thế cúi mặt xuống, thì sẽ phải dùng hai tay thay thế hai chân, và phải dùng miệng để lấy thức ăn. Như vậy miệng sẽ dài ra, đôi môi sẽ chai cứng cùng dày ra, còn lưỡi cũng phải cứng, kẻo bị những ngoại vật gây thương tích, như thấy nơi các động vật khác. Lối xếp đặt như thế hoàn toàn ngăn trở việc nói năng, là công việc riêng biệt của lý trí.
Nhưng con người, dù có tư thế đứng thẳng, cũng rất khác cây cối. Thực vậy, con người có phần trên, là cái đầu, hướng về phía trên của thế giới, và có phần dưới, hướng về phía dưới của thế giới; vì thế theo sự phối trí của vũ trụ con người được phối trí cách tuyệt hảo. Trái lại, các cây cối có phần trên của chúng hướng về phía dưới của thế giới (vì các rễ thì tương tự như miệng), và phần dưới thì hướng về phần trên của thế giới. Còn các súc vật thì ở tư thế trung gian, vì phần trên của súc vật là phần mà nó dùng để lấy thức ăn, và phần dưới là phần nó dùng để thải ra đồ dư thừa.

MỤC 4:      Trong Thánh Kinh việc sản xuất thân thể con người có được mô tả cách thích hợp chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong Thánh Kinh (St 1,26-27; 2,7) việc sản xuất thân thể con người đã được mô tả một cách không thích hợp.
1. Thực vậy, như thân thể nhân loại được Thiên Chúa sản xuất, thì các công trình của sáu ngày cũng vậy. Nhưng trong các công trình khác thì nói: “Thiên Chúa phán: Hãy có, liền có”. Cho nên cũng phải nói như thế trong việc sản xuất con người.
2. Vả lại, thân thể nhân loại được Thiên Chúa trực tiếp tác thành, như đã nói trên (m.2). Cho nên không phải nói rằng: “Chúng ta hãy tác thành con người”.
3. Vả lại, mô thể của thân thể nhân loại là chính linh hồn, là sinh khí. Cho nên sau khi đã nói: “Thiên Chúa lấy bùn đất nặn ra con người”, lại thêm: “thổi sinh khí vào lỗ mũi”, thì không thích hợp.
4. Vả lại, linh hồn, là sinh khí, thì ở trong toàn thể thân thể, nhất là trong trái tim. Thành thử không nên nói rằng: “thổi sinh khí vào lỗi mũi”.
5. Vả lại, phái nam, nữ liên hệ đến thân thể, còn hình ảnh của Thiên Chúa thì liên hệ đến linh hồn. Nhưng theo thánh Augustinô thì linh hồn được tác thành trước thân thể. Cho nên sau khi nói rằng: “Thiên Chúa tác thành con người theo hình ảnh mình”, lại thêm: “Thiên Chúa tạo thành họ có nam có nữ” thì không thích hợp.
NHƯNG. Kinh Thánh thì quả có thế giá.
GIẢI ĐÁP. 1. Như thánh Augustinô đã viết trong cuốn VI Super Gen. ad Litt., phải nói rằng, con người không trổi vượt trên các vật khác ở chỗ chính Thiên Chúa tác thành con người, như thể không tác thành các vật khác, vì Thánh vịnh (101,26) có câu: Xưa Chúa đã đặt nền trái đất, chính tay Người tạo tác vòm trời, và thánh vịnh (94,5): Lục địa do tay Ngài nhào nắn...; mà ở chỗ con người được tác thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng trong việc sản xuất con người Thánh Kinh đã dùng kiểu nói riêng biệt, để cho thấy mọi vật khác đã được tác thành vì con người. Thực vậy, những điều chúng ta nhằm tới cách chính yếu, chúng ta thường làm cách suy tính và ân cần hơn.
2. Không nên hiểu những lời Chúng ta hãy làm ra con người như thể Thiên Chúa đã bàn bạc với các thiên thần, như một số người lầm tưởng. Nhưng nói như thế để biểu thị nhiều Ngôi vị Thiên Chúa, và hình ảnh các Ngôi vị ấy được biểu thị nơi con người cách rõ rệt hơn.
3. Một số người cho rằng, thân thể con người đã được hình thành trước về thời gian, sau đó Thiên Chúa mới phú ban linh hồn cho thân thể đã được hình thành. - Nhưng quả là tương phản với sự hoàn bị của việc tiên khởi tạo thành nên muôn vật, nếu Thiên Chúa tác thành thân thể mà không có linh hồn, hoặc linh hồn mà không có thân thể: vì cả hai là thành phần của bản tính nhân loại. Điều đó càng không thích hợp với thân thể, là nó phải lệ thuộc vào linh hồn, chứ không ngược lại.
Để phi bác lập trường đó, một số người cho rằng, khi nói: Thiên Chúa đã làm ra con người, thì hiểu về sự sản xuất thân thể một trật với linh hồn; còn khi thêm: và thổi sinh khí vào lỗi mũi thì hiểu về Chúa Thánh Thần; cũng như Chúa Giêsu thổi hơn vào các tông đồ và phán: Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần (Ga 20,22). - Nhưng như thánh Augustinô viết trong sách De Civ. Dei, lối giải thích đó đã bị phi bác bởi những lời Thánh Kinh. Vì sau những lời ấy Thánh Kinh thêm: Và con người trở nên một sinh vật, mà trong thư 1Cr (15,45) thánh tông đồ không hiểu về sự sống thần linh, mà về sự sống động vật.
Cho nên sinh khí được hiểu là linh hồn; như vậy câu nói: thổi sinh khí vào lỗ mũi là như lời giải thích điều đã nói trên; vì linh hồn là mô thể của thân thể.
4. Những hoạt động của sự sống thì được giãi bày đặc biệt nơi mặt mũi con người, vì những giác quan tập hợp tại đó; vì thế mới nói thổi sinh khí vào mặt mũi con người.
5. Theo thánh Augustinô, công việc của sáu ngày đã được thành tự ngay một trật. Cho nên linh hồn của người đàn ông tiên khởi, mà ngài chủ trương là được tác thành một trật với các thiên thần, thì ngài không cho là đã được tác thành trước ngày thứ sáu; nhưng vào chín ngày thứ sáu, thì linh hồn của đàn ông tiên khởi được tác thành trong hiện thể, còn thân thể con người thì được tác thành theo những “lý tính căn cội”. - Nhưng các tiến sĩ khác thì chủ trương rằng cả linh hồn lẫn thân thể con người đều được tác thành trong hiện thể vào ngày thứ sáu (xc. vđ.90, m.4).
 

Vấn đề 92

VỀ VIỆC SẢN XUẤT RA NGƯỜI ĐÀN BÀ


Rồi phải nghiên cứu việc sản xuất ra người đàn bà (xc. vđ.90, dẫn nhập).
Và về vấn đề này bốn mục cần được tìm hiểu.
1. Có cần sản xuất người đàn bà trong lần đầu tiên sản xuất vạn vật chăng?
2. Người đàn bà có cần được tác thành từ người đàn ông chăng?
3. Người đàn bà có được tác thành từ xương sườn của người đàn ông chăng?
4. Người đàn bà có được Thiên Chúa trực tiếp tác thành chăng?

MỤC 1:      Có nên sản xuất ra đàn bà trong lần đầu tiên sản xuất
ra vạn vật chăng?

NGHI VẤN. Hình như không nên sản xuất ra đàn bà trong lần đầu tiên sản xuất ra vạn vật.
1. Thực vậy, trong sách De Generat. Animal. nhà Hiền triết viết: Nữ giới là nam giới do tình huống. Nhưng không chi do tình huống và khuy khuyết được hiện hữu trong lúc đầu tiên thiết lập các vật. Thành thử không nên sản xuất ra đàn bà trong lúc đầu tiên thiết lập các vật.
2. Vả lại, sự lệ thuộc và sự lép vế là hệ luỵ của tội lỗi: vì sau khi xảy ra sự tội, mới có lời phán (St 3,16) với đàn bà: Ngươi sẽ ở dưới quyền thống trị của người chồng; và thánh Gregorius viết: Khi chúng ta chưa lỗi phạm thì chúng ta bình đẳng. Nhưng cứ tự nhiên, đàn bà không có sức và địa vị như người nam; vì Làm thì luôn luôn đáng tôn trọng hơn là chịu, như thánh Augustinô viết trong cuốn XII Super Gen. ad Litt.. Thành thử không nên sản xuất ra đàn bà trong lần đầu tiên sản xuất ra các vật.
3. Vả lại, phải cất ngay những dịp tội đi. Nhưng Thiên Chúa biết trước rằng đàn bà sẽ mở dịp cho đàn ông phạm tội. Thành thử không nên sản xuất ra đàn bà.
NHƯNG. Sách Sáng Thế (2,18) chép: Nam nhân ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.
LUẬN GIẢI. Cần phải tác thành đàn bà, như Thánh Kinh đã chép, để làm trợ tá cho đàn ông: không phải trợ tá về một công việc khác, như một số người chủ trương: vì trong bất cứ công việc nào khác, đàn ông có thể được trợ lực một cách thích hợp bởi đàn ông khác hơn là bởi đàn bà; nhưng là trợ tá về việc sinh sản. Ta có thể thấy hiển nhiên như thế, nếu chúng ta suy xét cách thức sinh sản nơi các sinh vật. Quả thức, có những sinh vật không hàm chứa nơi mình tiềm lực chủ động của sự sinh sản, nhưng sinh sản do tác nhân thuộc loại khác: chẳng hạn những thực vật và những động vật được sinh ra, không do mầm sống, mà do chất thể thích hợp bằng tiềm lực chủ động của những thiên thể. - Lại có những thứ có tiềm lực chủ động và thụ động tập hợp nơi một chủ thể: như nơi những cây cối sinh sản bởi hạt giống. Vì nơi các cây cối không có công việc nào cao trọng hơn việc sinh sản: thành thử nơi chúng sức sinh sản chủ động luôn luôn phối hợp với sức thụ động thì quả là thích hợp. - Còn nơi những động vật hoàn bị, thì sức sinh sản chủ động phù hợp với giống đực, và sức thụ động lại phù hợp với giống cái. Và vì nơi các động vật còn có thứ sinh hoạ cao trọn hơn là sự sinh sản, thứ sinh hoạt mà cuộc đời của chúng phải hướng tới cách chính yếu; cho nên nơi những động vật hoàn bị, giống đực không luôn luôn phối hợp với giống cái, nhưng chỉ vào thời gian giao hợp. Vậy chúng ta có thể tưởng tượng rằng, do sự giao hợp ấy mà đực và cái trở thành một, như nơi cây cối nhuỵ đực và nhuỵ cái phối hợp với nhau trong mọi thời, dù nhuỵ này thì nơi nhiều cây thứ này dư dật hơn, và nơi cây khác thứ kia lại dư dật, và ngược lại. - Nhưng con người còn phải hướng về sinh hoạt cao trọng hơn, ấy là việc hiểu biết. Cho nên nơi con người còn có lý do mạnh hơn để phân biệt hai năng lực, và để sản xuất ra đàn bà tách biệt với đàn ông, nhưng cả hai phối hợp với nhau về nhục thể trong cũng một công việc sinh sản. Thành thử ngay sau việc tác thành nên đàn bà, sách Sáng Thế (2,24) chép: cả hai thành một nhục thể.
GIẢI ĐÁP. 1. Xét theo bản tính đặc thù, người nữ là điều gì khuy khuyết và do tình huống. Vì sức chủ động, được nhận thấy nơi mầm sống của đàn ông, thì nhằm sản xuất điều hoàn bị giống như mình, theo giới nam: nhưng việc đàn bà được sinh ra thì hoặc vì sự suy nhược của tiềm lực chủ động, hoặc vì sự thiếu chỉnh bị của chất thể, hay vì sự thay đổi nào đó do ngoại căn, chẳng hạn vì gió nồm ẩm ướt, như thấy chép trong sách De Generat. Animal.. Nhưng xét theo bản tính phổ quát, thì người nữ không phải là vật do tình huống, nhưng do ý định của thiên nhiên mà người nữ được quy hướng vào việc sinh sản. Mà ý định phổ quát của thiên nhiên lệ thuộc vào Thiên Chúa, là Tác Giả phổ quát của thiên nhiên. Và vì thế khi thiết lập thiên nhiên, chẳng những Thiên Chúa sản xuất đàn ông, lại cả đàn bà nữa.
2. Có hai thứ tùng phục. Một là tùng phục nô lệ, theo đó chủ nhân sử dụng bề dưới để mưu tư lợi: và sự tùng phục này được du nhập (vào loài người) sau tội lỗi. Nhưng có sự tùng phục khác, theo đó chủ nhân sử dụng bề dưới để mưu thiện ích cho họ. Và sự tùng phục này thì có trước tội lỗi: vì nếu một số người không được những người thông thái hơn cải quản, thì trật tự sẽ không được hoàn hảo nơi đại chúng nhân loại. Như vậy, cứ tự nhiên người nữ phục tùng người nam theo cách thứ hai này: vì cứ tự nhiên, người đàn ông giàu lý trí biện phân hơn. - Đàng khác, bậc vô tội không giải trừ sự bất bình đẳng của con người, như sẽ nói sau (vđ.96, m.3).
3. Nếu Thiên Chúa cất khỏi thế giới tất cả những chi làm dịp cho con người phạm tội thì vũ trụ sẽ trở nên khiếm khuyết. Cũng không được cất điều thiện tổng quát đi để tránh điều ác đặc thù: nhất là vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng, đến độ có thể quy hướng bất cứ điều ác nào về điều thiện.

MỤC 2:      Người nữ có cần được tác thành từ người nam chăng?

NGHI VẤN. Hình như người nữ không cần được tác thành từ người nam.
1. Thực vậy, giới phái là điều chung cho con người và cho các động vật khác. Nhưng nơi các động vật khác những con mái không được tác thành từ các con đực. Cho nên cũng không được thể hiện như thế nơi con người.
2. Vả lại, những vật đồng lại thì cũng cùng một chất thể. Nhưng đàn ông và đàn bà thì cùng một loại. Vậy vì đàn ông đã được tác thành từ bùn đất, thì đàn bà cũng phải được tác thành từ bùn đất, chứ không từ đàn ông.
3. Vả lại, người đàn bà đã được tác thành như trợ tá của người đàn ông để sinh sản. Nhưng sự quá gần gũi cản trở khả năng sinh sản của con người: nên luật cấm những người thân thích kết bạn với nhau, như thấy trong sách Lêvi (18,6tt). Thành thử không nên tác thành người nữ từ người nam.
NHƯNG. Sách Huấn Ca (17,5 Vulg.) viết: Thiên Chúa đã tạo thành từ con người (đàn ông) một trợ tá, tức là đàn bà, giống như ông.
LUẬN GIẢI. Lúc đầu tiên thiết lập vạn vật, mà người nữ được kiến tạo từ người nam thì quả là thích hợp, lại thích hợp hơn nơi các động vật khác. Một là, để như thế địa vị của người đàn ông tiên khởi được bảo vệ, vì theo hình ảnh của Thiên Chúa, ông là nguyên khởi của toàn thể loài người, như Thiên Chúa là nguyên khởi của cả vũ trụ. Vì thế thánh Phaolô nói (Cv 17,26): Từ một người duy nhất Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể giống người.
Hai là, để người chồng quyến luyến người vợ hơn, và gắn bó cách bất khả phân ly hơn với vợ, vì biết rằng, nàng đã từ mình mà được sản xuất ra. Cho nên sách Sáng Thế (2,23-24) đã chép: Vì nàng đã được rút từ đàn ông ra: bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình. Và điều này đặc biệt cần thiết nơi nhân loại, vì nơi loài người chồng và vợ phải chung sống với nhau suốt đời: còn nơi các động vật khác thì không thế.
Ba là vì, như nhà Hiền triết viết trong cuốn VIII Ethic., nơi con người vợ chồng phối hợp không những vì nhu cầu sinh sản, như nơi những động vật khác; mà còn vì cuộc sống gia đình, trong đó công việc của chồng và của vợ thì khác nhau, và trong đó chồng là đầu của người vợ. Cho nên đàn bà được thành nên một cách thích hợp từ đàn ông, như từ nguyên khởi của mình.
Bốn là, lý do của nhiệm tích: vì tượng trưng cho việc Hội Thánh phát xuất từ Chúa Kitô. Vì thế thánh tông đồ viết trong thư (Ep 3,32): Nhiệm tích này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.
GIẢI ĐÁP. 1. Như thế đã đủ để giải đáp cho nghi vấn 1.
2. Chất thể là nguyên liệu ta dùng để sản xuất vật gì. Nhưng bản tính thụ tạo thì có nguyên khởi phân minh; và vì bản tính ấy được quy về một hướng nhất định, nên cũng có một quá trình nhất định: vì thế từ một chất thể nó sản xuất ra một vật đồng loại. Nhưng tiềm lực của Thiên Chúa, vì là vô cùng, có thể sản xuất ra một vật đồng loại từ bất cứ chất thể nào: như sản xuất ra đàn ông từ bùn đất, còn đàn bà từ đàn ông.
3. Do sự sinh sản tự nhiên mà có liên hệ thân thích, sinh ra ngăn trở về hôn phối. Nhưng đàn bà không được sản xuất từ đàn ông bằng sự sinh sản tự nhiên, mà chỉ do tiềm năng của Thiên Chúa: vì thế Evà không phải là con gái của ông Ađam. Cho nên lý lẽ đó không ăn nhằm gì cả.

MỤC 3:      Có nên làm ra đàn bà từ xương sườn của đàn ông chăng?

NGHI VẤN. Hình như không nên làm ra đàn bà từ xương sườn của đàn ông.
1. Thực vậy, xương sườn của đàn ông thì nhỏ hơn thân thể đàn bà. Nhưng từ khối nhỏ không thể làm ra một khối lớn được; có chăng cũng chỉ do hai cách: một là do sự tăng gia; nếu vậy thì phải nói là, đàn bà được làm ra từ vật được thêm vào này hơn là từ khúc xương sườn; - hai là do sự nở phồng lên, vì một vật không thể hoá to ra nếu không nhờ sự giãn nở ra, như thánh Augustinô viết trong sách Super Gen. ad Litt.. Nhưng không thấy thân thể của đàn bà giãn nở hơn thân thể của đàn ông, ít là theo tỷ lệ của xương sườn với thân thể bà Evà. Cho nên bà Evà không được làm ra từ xương sườn của ông Ađam.
2. Vả lại, trong những công trình thụ tạo đầu tiên không có chi là dư thừa. Cho nên xương sườn của ông Ađam là phần toàn túc của thân thể ông. Cho nên, khi xương sườn bị lấy mất, thân thể trở thành khuy khuyết. Cho nên hình như việc lấy xương sườn là điều không thể công nhận.
3. Xương sườn không thể tách rời khỏi người nào, mà người ấy không cảm thấy đau. Nhưng không có sự đau đớn trước khi có tội lỗi. Cho nên không được lấy xương sườn khỏi đàn ông để làm nên đàn bà.
NHƯNG. Sách Sáng Thế (2,22) viết: Từ xương sườn, mà Thiên Chúa đã lấy từ ông Ađam, Người dựng nên người đàn bà.
LUẬN GIẢI. Tác thành đàn bà từ xương sườn của đàn ông thì thích hợp. Một là để ám chỉ rằng giữa đàn ông và đàn bà phải có sự chung sống xã hội. Thực vậy, đàn bà không được thống trị đàn ông (1Tm 2,12); cho nên không được làm ra từ cái đầu. Cũng không thể bị đàn ông khinh miệt, và phải phục tùng như nô lệ; vì thế không được làm ra từ đôi chân. Hai là vì nhiệm tích: vì cạnh sườn Chúa Giêsu đang an giấc trên thánh giá, phát xuất ra các nhiệm tích, ấy là máu và nước, nhờ đó Hội Thánh được thiết lập.
GIẢI ĐÁP. 1. Một số người nói rằng, thân thể người phụ nữ được nhào nặn bằng việc làm cho chất thể hoá ra nhiều, theo cách thức mà Chúa Giêsu làm cho năm chiếc bánh hoá ra nhiều, chứ không có chi khác thêm vào. Nhưng đó là điều tuyệt nhiên không thể có. Sự hoá ra nhiều đó được thể hiện, hoặc bằng việc chuyển biến bản thể của chính chất thể; hoặc bằng việc chuyển biến kích thước của nó. Nhưng không bằng việc biến chuyển bản thể của chính chất thể: chết thể nguyên nó thì bất khả chuyển biến, vì nó hiện hữu trong tiềm thể, và nó chỉ có lý tính của chủ hể; lại vì sự đa bội và vĩ đại thì ở ngoài yếu tính của chính chất thể. Vì thế, một chất thể vẫn y nguyên, không chi được thêm vào, mà lại hoá ra nhiều là điều tuyệt nhiên không thể hiểu; có chăng chỉ là nhận thêm kích thước. Và điều này là việc giãn nở ra, nghĩa là cũng một chất thể nhận được kích thước to lớn hơn, như nhà Hiền triết viết trong cuốn IV Physic.. Cho nên nói rằng, chất thể được hoá ra nhiều mà không có việc giãn nở, tức là công nhận nhiều điều tương phản một trật, như định nghĩa mà không có điều được định nghĩa.
Vậy vì không thấy có sự giãn nở trong việc hoá ra nhiều ấy, nên cần phải công nhận sự cộng thêm chất thể, hoặc bằng việc tạo thành; hoặc, cái nhiên hơn, bằng sự biến đổi. Thành thử trong sách Super Joan., thánh Augustinô nói: Chúa Giêsu dùng năm chiếc bánh cho năm nghìn người ăn no cũng một cách như dùng một số hạt giống mà sản xuất nhiều mùa màng: vụ việc được thể hiện bằng biến đổi lương thực. - Nhưng nói rằng, đã nuôi dân chúng bằng năm chiếc bánh, hay đã tạo dựng người đàn bà từ xương sườn, vì có thêm vào chất thể sẵn có của xương sườn và của những chiếc bánh.
2. Xương sườn đó thuộc về phần thành toàn của ông Ađam, không phải như một cá nhân nào, mà như nguyên uỷ của cả loại: như mầm sống thì thuộc về sự hoàn bị của người sinh sản, mầm sống ấy xuất ra bởi hành động tự nhiên đi đôi với khoái cảm. Cho nên do tiềm lực của Thiên Chúa, thân thể của đàn bà càng có thể được kiến tạo từ xương sườn của đàn ông mà không có sự đau đớn.
3. Như thế đủ giải đáp nghi vấn 3.

MỤC 4:      Người đàn bà có được Thiên Chúa      trực tiếp tạo dựng chăng?

NGHI VẤN. Hình như người nữ không được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng.
1. Thực vậy, không một cá vật nào được sản xuất bởi một vật đồng loại với nó, lại được Thiên Chúa trực tiếp tác thành. Nhưng người đàn bà được tác thành từ đàn ông, là người đồng loại với đàn bà. Cho nên không được Thiên Chúa trực tiếp tác thành.
2. Vả lại, thánh Augustinô viết trong cuốn III De Trin. rằng, Thiên Chúa dùng các thiên thần mà cai trị những vật hữu hình. Nhưng thân thể người đàn bà được tạo dựng từ chất thể hữu hình. Cho nên được tác thành bằng tác vụ của các thiên thần, chứ không trực tiếp bởi Thiên Chúa.
3. Vả lại, những chi đã có sẵn trước theo lý tính căn cội, thì được sản xuất do năng lực của thụ tạo nào đó, và không trực tiếp bởi Thiên Chúa. Nhưng thân thể của đàn bà đã được sản xuất theo lý tính căn cội trong những công trình đầu tiên, như thánh Augustinô viết trong cuốn IX Super Gen. ad Litt.. Cho nên người đàn bà không được Thiên Chúa trực tiếp sản xuất.
NHƯNG. Cũng trong sách đó, thánh Augustinô viết: Chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng làm cho toàn thể thiên nhiên đứng vững, có thể lấy xương sườn mà tà thần hay xây dựng nên người phụ nữ.
LUẬN GIẢI. Như đã nói trên (m.2, gđ.2), sự sinh sản tự nhiên của mỗi loại là do chất thể nhất định. Nhưng chất thể từ đó sinh ra con người là mầm sống nhân loại của đàn ông hay đàn bà. Cho nên cứ tự nhiên cá vật của nhân loại không thể được sinh ra bởi bất cứ chất thể nào khác. Duy một mình Thiên Chúa, là Đấng tạo thành thiên nhiên, có thể sản xuất ngoài trật tự của thiên nhiên để các vật hiện hữu. Và vì thế chỉ một mình Thiên Chúa có thể kiến tạo đàn ông từ bùn đất và đàn bà từ xương sườn của đàn ông.
GIẢI ĐÁP. 1. Nghi vấn ấy có giá trị, khi cá vật được sinh ra bởi vật đồng loại với nó, và bởi sự sinh sản tự nhiên.
2. Trong cuốn IX Super Gen. ad Litt., thánh Augustinô viết: chúng tôi không biết các thiên thần có hiến tác vụ của mình cho Thiên Chúa trong việc kiến tạo đàn bà chăng; nhưng chắc chắn là, như thân thể đàn ông không được kiến tạo từ bùn đất bởi các thiên thần, thì thân thể đàn bà từ xương sườn đàn ông cũng không bởi các thiên thần.
3. Cũng trong sách đó thánh Augustinô viết: Tình trạng đầu tiên của các vật không tuyệt đối đòi hỏi rằng đàn bà phải được hình thành như thế, mà chỉ đòi hỏi rằng, có thể được hình thành như thế thôi. Và vì thân thể của đàn bà đã có theo “lý tính căn cội”, trong những công trình đầu tiên, không phải theo năng lực chủ động, mà chỉ theo năng lực thụ động của Đấng Tạo Thành.

 

Dẫn nhập vào vấn đề 93

VỀ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA NƠI CON NGƯỜI


Trong phần I vấn đề 45, m.7, của bộ Tổng Luận Thần học thánh Thomas đã đề cập đến dấu ấn hay vết tích của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi các vật thụ tạo;[10] ở đây thánh nhân bàn riêng về hình ảnh của Thiên Chúa, và của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi con người. Vấn đề này có tầm quan trọng đặc biệt trong Thần học, nhất là trong đời sống thiêng liêng, vì nếu đã được tạo thành theo hình ảnh của Đấng Tạo Hoá thì mỗi người chúng ta phải cố gắng tự khuôn đúc theo nguyên mẫu của Đấng tạo thành nên mình. Về điểm này Đức Gioan Phaolô II viết: Toàn bộ nền luân lý con người bắt nguồn từ sự kiện là hình ảnh và giống Thiên Chúa, mà con người mang nơi mình ngay từ “lúc khởi đầu”. Cả Cựu Ước và Tân Ước đều khai triển nền luân lý này, một nền luân lý đạt đến đỉnh cao trong giới luật yêu thương.[11]
I. KHÁI NIỆM
Vết tích (vestigium) là dấu ấn mà một vật nào để lại ở một nơi nào đó, nhờ đó ta nhận ra vật ấy, ít là cách chung chung: như vết chân con người để lại trên lớp cát. Sự đồng dạng, giống như (similitudo), là sự tương tự về thể thức giữa hai hay nhiều vật, hay ít ra là dấu hiệu của sự giống nhau về loại giữa hai vật; sự giống nhau này phải bắt nguồn từ nguyên mẫu; thiếu điều kiện này, dù quả trứng A giống quả trứng B như lột ta cũng không thể gọi quả trứng A là hình ảnh của quả trứng B.
II. XÁC ĐỊNH Ý NGHĨA CỦA VẤN ĐỀ
Cố nhiên, chỉ Ngôi Lời là hình ảnh hoàn bị và trung thực của Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha. Ta không thể hiểu hình ảnh của Thiên Chúa nơi phàm nhân theo đơn nghĩa, chẳng vậy sẽ vướng phải thuyết Phiếm thần; ta chỉ có thể hiểu theo nghĩa loại suy và cực kỳ khiếm khuyết. Thực vậy, giữa hình ảnh và nguyên mẫu, tức là chính hữu thể của Thiên Chúa, cũng như giữa vật thụ tạo và Đấng Tạo Hoá có một sự xa cách vô cùng. Nhưng giữa bản tính hiểu biết của vật thụ tạo và của Thiên Chúa, với hoạt động hiểu biết cùng yêu mến tương ứng của vật thụ tạo và của Thiên Chúa lại có sự tương tự theo tỷ lệ.[12] Vả lại, Thiên Chúa không bị gồm thau trong bất cứ giống hay loại nào. Vì thế, Thánh Kinh luôn luôn nói: Chúng ta sẽ làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta (St 1,26); Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình... theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27); theo hình ảnh của mình (ad imaginem suam), chứ không nói hình ảnh của mình (imaginem suam).
III. MỆNH ĐỀ I. NƠI CON NGƯỜI CÓ: A.- HÌNH ẢNH TƯƠNG TỰ VÀ RẤT KHIẾM KHUYẾT CỦA THIÊN CHÚA; B.- HÌNH ẢNH NÀY, XÉT TUYỆT ĐỐI, NƠI CÁC THIÊN THẦN THÌ HOÀN BỊ HƠN; C.- NHƯNG XÉT VỀ MẶT THỨ YẾU THÌ NƠI LOÀI NGƯỜI HÌNH ẢNH ẤY LẠI HOÀN BỊ HƠN NƠI CÁC THIÊN THẦN
a) Thánh Kinh: Thánh Kinh đã chứng thực cách chắn chắn là nơi con người có hình ảnh Thiên Chúa: chẳng hạn như sách Sáng Thế (12,7), sách Khôn Ngoan (2,23), sách Huấn Ca (17,1), các thư của thánh Phaolô gởi dân Rôma (8,29) và dân thành Côrintô (1Cr 11,7).
b) Các giáo phụ: Như Tacianus (MG 6,837), Tertulianus (ML 2,802), thánh Ephrem (In Gen. 1), thánh Athanasius (MG 25,68) vv... đã công nhận điều này. Thánh Augustinô viết: “Con người có điều này nổi bật, là được Thiên Chúa làm nên theo hình ảnh của Người, vì thế Chúa ban cho con người trí khôn hiểu biết, giúp cho con người được trổi vượt trên súc vật”.[13]
c) Lẽ thần học: Phần A: (Nơi con người có hình ảnh tương tự và rất khiếm khuyết của Thiên Chúa).[14]
Tất cả những điều Thiên Chúa cho vật thụ tạo thông dự cách tự nhiên, làm cho chúng nên giống Thiên Chúa thì quy về ba điểm: 1* hữu thể, mọi vật đều được thông dự; 2* sự sống, nhiều tạo vật cũng được thông dự; 3* sự hiểu biết, chỉ có loài người và thiên thần được thông dự (xc. m.2).
Mà sự hiểu biết giãi bày một dạng thức của bản tính Thiên Chúa, đàng khác cũng là dị điểm sau cùng của bản tính Thiên Chúa, mà tạo vật có thể thông dự cách tự nhiên, nên hiển nhiên chỉ có thể bắt nguồn từ một mình Thiên Chúa.
Bởi đó chỉ có loài người và thiên thần được thông dự cách tự nhiên dị điểm sau cùng, tức là dị điểm loại biệt, của bản tính Thiên Chúa.[15] Nói cách khác, chỉ có loài người và thiên thần giống với Thiên Chúa về loại, và sự giống này do Thiên Chúa thông cho. - Mà hình ảnh, như đã định nghĩa, là sự giống nhau về loại giữa hai vật, và sự giống nhau này phải bắt nguồn từ nguyên mẫu. - Cho nên nơi loài người có hình ảnh tương tự và rất khiếm khuyết của Thiên Chúa.
Phần B: (hình ảnh này, xét tuyệt đối, nơi các thiên thần thì hoàn bị hơn).
Nói một cách tuyệt đối, bản tính hiểu biết nào càng hoàn hảo bao nhiêu thì hình ảnh của Thiên Chúa nơi hình bản tính càng hoàn hảo hơn bấy nhiêu. - Mà nói cách tuyệt đối bản tính lý trí của thiên thần thì hoàn hảo hơn bản tính lý trí của loài người. - Cho nên hình ảnh này, xét tuyệt đối, nơi các thiên thần thì hoàn bị hơn.
Phần C: (nhưng xét về mặt thứ yếu thì nơi loài người hình ảnh ấy lại hoàn bị hơn nơi các thiên thần).
Xét về mặt thứ yếu, như người nọ được người kia sinh thành, là hình ảnh của Thiên Chúa, vì trong Thiên Chúa, Chúa Cha sinh ra Chúa Con; linh hồn con người thì hiện diện khắp thân thể và từng phần của thân thể là hình ảnh Thiên Chúa ở khắp mọi nơi trong vũ trụ.
IV. NHỮNG DẠNG THỨC KHÁC NHAU CỦA HÌNH ẢNH NÀY
a) Hình ảnh của Thiên Chúa có nơi mọi người: nơi người điên dại cũng như nơi người biết dùng trí khôn, nơi chính nhân cũng như nơi tội nhân, vì mọi người có cùng một bản tính. Chính vì thế mà các thánh nó, nơi người điên dại hình ảnh Thiên Chúa bị lu mờ; nơi tội nhân hình ảnh ấy trở nên xấu xí như hình biếm hoạ; còn nơi chính nhân thì hình ảnh ấy xinh đẹp rạng rỡ (m.8, gđ.3).
b) Hình ảnh tái tạo. - Ngoài hình ảnh tự nhiên nói ở đây, được gọi là hình ảnh của tạo thành, các giáo phụ còn nói đến hình ảnh tái tạo (imago recreata) hay là của ân sủng và của vinh quang, là những hình ảnh siêu nhiên (m.4).
V. MỆNH ĐỀ II. NƠI CON NGƯỜI CŨNG CÓ: A.- HÌNH ẢNH TƯƠNG TỰ CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI; B.- HÌNH ẢNH NÀY CHÍNH YẾU HỆ TẠI NHỮNG HÀNH VI CỦA TRÍ NĂNG VỀ THIÊN CHÚA; C. - THỨ YẾU HỆ TẠI NHỮNG TẬP QUÁN VÀ NHỮNG TÀI NĂNG CỦA TRÍ KHÔN VÀ Ý MUỐN
Phần A: (nơi con người cũng có hình ảnh tương tự của Thiên Chúa Ba Ngôi).
Cũng như do trí tuệ mà nơi con người có hình ảnh tương tự của bản tính Thiên Chúa, thì cũng do những phát xuất nội cố thể hiện nơi con người, - tức là sự hiểu biết và yêu mến, - mà có hình ảnh tương tự và khiếm khuyết, nhưng thiết thực, của những nhiệm xuất của Ba Ngôi hằng hữu nơi Thiên Chúa.
Vậy, nơi vật thụ tạo có lý trí, sự phát xuất tâm từ (quan niệm) bởi trí tuệ, thì giống về loại với nhiệm xuất Ngôi Lời bởi Chúa Cha; và sự phát xuất tình yêu bởi ý muốn thì giống về loại với nhiệm xuất Ngôi Thánh Thần (tình yêu) bởi Chúa Cha và Chúa Con.[16] - Cho nên nơi con người cũng có hình ảnh tương tự của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Phần B: (hình ảnh này chính yếu hệ tại những hành vi của trí năng về Thiên Chúa).
Những phát xuất nội cố của trí tuệ và ý muốn thể hiện bằng những hành vi của các tài năng ấy; mà hành vi thì được phân biệt bằng những đối tượng.- Vậy nếu những phát xuất nội cố của vật có lý trí, đã giống như các hành vi loại định của bản tính Thiên Chúa, thì khi những phát xuất nội cố ấy,- được ân sủng huy động mà hướng về Thiên Chúa, như các nhiệm xuất trong Ba Ngôi hằng hữu, - thì càng giống với những nhiệm xuất nơi Thiên Chúa hơn. Nói cách khác càng là hình ảnh tương tự của Thiên Chúa Ba Ngôi hơn. - Cho nên hình ảnh ấy chính yếu hệ tại những hành vi của trí năng về Thiên Chúa.
Phần C: (thứ yếu hệ tại những tập quán và những tài năng của trí khôn và ý muốn).
Vì những hành vi của trí tuệ và ý muốn được hàm chứa cách thường trực (habitualiter) trong các tập quán (nhân đức) của trí tuệ và ý muốn, và theo tiềm năng (virtualiter) trong chính các tài năng. Cho nên hình ảnh Thiên Chúa thứ yếu hệ tại những tập quán và những tài năng của trí tuệ và ý muốn.
Có thể kết thúc chương này bằng những lời sau đây của sách Giáo lý Công giáo: Trong các vật thụ tạo hữu hình, chỉ con người có thể nhận biết và yêu mến Đấng tạo hoá; là vật thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa ưa muốn vì chính nó (...). Vì con người có nhân phẩm là hình ảnh của Thiên Chúa: con người không phải là vật nào đó, mà la ai đó. Con người có thể tự biết mình, làm chủ chính mình, tự hiến mình và hiệp thông với những nhân vị khác; lại nhờ ân sủng, được mời gọi để giao ước với Tạo Hoá của mình, và phải đáp trả Người bằng niềm tin và lòng mến mà không ai có thể làm thay (số 356-357).

 

Vấn đề 93

VỀ CÙNG ĐÍCH HAY CHUNG CỤC
CỦA VIỆC SẢN XUẤT RA CON NGƯỜI


Bây giờ phải nghiên cứu cùng đích hay chung cục của việc sản xuất ra con người, như lời Thánh Kinh đã chép: con người được tác thành “theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa” (xc. vđ.90, dẫn nhập).
Về vấn đề này chín mục cần tìm hiểu.
1. Nơi con người có hình ảnh của Thiên Chúa chăng?
2. Nơi những thụ tạo không có lý trí có hình ảnh của Thiên Chúa chăng?
3. Nơi các thiên thần có hình ảnh của Thiên Chúa hơn nơi con người chăng?
4. Hình ảnh của Thiên Chúa có nơi mọi người chăng?
5. Hình ảnh của Thiên Chúa có nơi con người theo yếu tính hay theo các Ngôi vị, hoặc theo một Ngôi vị nào trong Ba Ngôi chăng?
7. Hình ảnh của Thiên Chúa có nơi con người theo các tài năng, theo các tập quán hay theo các hành vi?
8. Hình ảnh của Thiên Chúa có nơi con người theo tương quan với mọi đối tượng chăng?
9. Về sự khác biệt giữa hình ảnh với sự tương tự.

MỤC 1:      Nơi con người có hình ảnh của Thiên Chúa chăng?

NGHI VẤN. Hình như nơi con người không có hình ảnh của Thiên Chúa.
1. Thực vậy, sách ngôn sứ Isaia (40,18) viết: “Các ngươi đem Thiên Chúa sánh với ai? Đặt hình ảnh nào cho Người?”.
2. Vả lại, là hình ảnh của Thiên Chúa là thuộc tính của Con Một, và thánh tông đồ (Cl 1,15) nói về Người rằng: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi thụ tạo”. Cho nên nơi con người không có hình ảnh của Thiên Chúa.
3. Vả lại, trong sách De Synod. thánh Hilarius viết: “Hình ảnh là một loại bất biệt phân của vật mà nó là hình ảnh”; ngài còn viết: Hình ảnh là sự giống hệt bất biệt phân và thuần nhất của một vật với một vật cần được sánh đối. Nhưng giữa con người và Thiên Chúa không có một mô biểu bất biệt phân giữa Thiên Chúa và con người; cũng không thể có sự xứng đối giữa con người và Thiên Chúa. Cho nên nơi con người không thể có hình ảnh của Thiên Chúa.
NHƯNG. Trong sách Sáng Thế (1,26) có viết: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.
LUẬN GIẢI. Trong sách Ocotginta Trium Quaest. thánh Augustinô viết: Ở đâu có hình ảnh, thì tức khắc có sự tương tự; nhưng ở đâu có sự tương tự, thì không tức khắc có hình ảnh. Điều đó chứng tỏ rằng sự tương tự thì thuộc về lý tính của hình ảnh, nhưng hình ảnh còm thêm vào lý tính của sự tương tự một điều khác nữa, ấy là được hoạ lại từ vật khác: vì ta gọi hình ảnh là hữu thể được tác thành bằng cách bắt chước hữu thể khác. Vì thế một quả trứng, dù giống và bằng quả trứng khác đến đâu, nhưng vì không được sao chép bởi quả trứng này, nên ta không gọi là hình ảnh của nó. - Sự bằng nhau không thuộc về lý tính của hình ảnh: vì trong sách đó thánh Augustinô cũng viết: ở đâu có hình ảnh, không tức khắc có sự bằng nhau: như thấy rõ nơi hình ảnh của người được phản chiếu trong tấm gương. Nhưng sự bằng nhau thì thuộc về lý tính của hình ảnh hoàn bị: vì trong hình ảnh hoàn bị không thể thiếu điều nào nội tại trong vật mẫu mà hình ảnh hoạ lại.
Hiển nhiên là con người có sự tương tự nào đó với Thiên Chúa, dẫn xuất từ Thiên Chúa như từ mô biểu: nhưng không có sự tương tự y hệt, vì mô biểu này thì trổi vượt vô cùng trên hữu thể được rập mẫu. Bởi đó con người có hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng không phải là hình ảnh hoàn bị, mà là hình ảnh khiếm khuyết. Thánh Kinh đã biểu thị điều đó khi chép, con người được làm ra theo hình ảnh: vì giới từ theo biểu thị sự xích gần lại cách nào đó, mà sự xích gần lại chỉ phù hợp với vật xa cách.
GIẢI ĐÁP. 1. Vị ngôn sứ nói về những tượng ảnh hữu hình do con người tạc ra, vì thế đã nói cách minh thị: Đặt hình ảnh nào cho Người? Nhưng trong con người, chính Thiên Chúa đã tự đặt cho mình hình ảnh thiêng liêng.
2. Trưởng tử của mọi thụ tạo là hình ảnh hoàn bị của Thiên Chúa, thể hiện trọn vẹn Đấng mà Người là hình ảnh; vì thế Trưởng Tử này được gọi là Hình Ảnh và không bao giờ được gọi là theo hình ảnh. Còn con người được gọi là hình ảnh vì sự tương tự; nhưng vì sự tương tự khiếm khuyết nên mới nói là theo hình ảnh. Và vì sự tương tự hoàn bị với Thiên Chúa chỉ có thể có trong sự đồng nhất của bản tính: hình ảnh của Thiên Chúa có nơi Con Một của Người, như hình ảnh của vua nơi người con tự nhiên của nhà vua; nhưng có nơi nhân loại như nơi bản tính xa lạ, không khác gì hình ảnh của vua trong tiền bạc, như thánh Augustinô giải thích trong sách De Decem Chordis.
3. Như một có nghĩa là bất phân ly; và hình ảnh được coi là một thế nào thì cũng là y hệt như thế. Nhưng một vật chẳng những có thể được coi là một về số, về loại, hay về giống, mà còn theo lối loại suy, hay theo tỷ lệ nữa: và sự thuần nhất hay sự phù hợp của thụ tạo với Thiên Chúa là như thế. Nhưng khi nói sánh đối là biểu thị hình ảnh hoàn bị.

MỤC 2:      Nơi những thụ tạo không có lý trí có hình ảnh
của Thiên Chúa chăng?

NGHI VẤN. Hình như nơi những thụ tạo không có lý trí cũng có hình ảnh của Thiên Chúa.
1. Thực vậy, trong sách De Div. Nom. Dionysius viết: Những vật thụ tác có những hình ảnh bất tất của các căn nguyên của chúng. Nhưng Thiên Chúa chẳng những là căn nguyên của những vật có lý trí, lại của cả những vật không có lý trí nữa. Cho nên nơi những vật không có lý trí cũng có hình ảnh của Thiên Chúa.
2. Vả lại, sự tương tự nào càng rõ rệt nơi vật nào thì vật ấy càng có lý tính của hình ảnh. Nhưng trong chương 4 của sách De. Div. Nom. Dionysius viết rằng, quang tuyến mặt trời thì tương tự tối đa với sự thiện hảo của Thiên Chúa. Cho nên nó cũng được tác thành theo hình ảnh của Thiên Chúa.
3. Vả lại, vật nào càng hoàn bị về thiện hảo, càng giống Thiên Chúa hơn. Nhưng toàn thể vũ trụ thì hoàn bị về thiện hảo hơn con người: vì dù mỗi vật đều thiện hảo, nhưng tất cả hợp lại thì quả là “rất thiện hảo” (St 1,31). Cho nên toàn thể vũ trụ thì theo hình ảnh của Thiên Chúa, chứ không chỉ riêng con người.
4. Vả lại, trong sách De Consol., Boetius viết về Thiên Chúa rằng: Người mang thế giới trong tâm trí, và kiến tạo nó giống hình ảnh của mình. Cho nên toàn thể thế giới đều theo hình ảnh của Thiên Chúa, chứ không riêng vì thụ tạo suy lý.
NHƯNG. Trong cuốn VI Super Gen. ad Litt. thánh Augustinô viết: Điều trác tuyệt nơi con người, ấy là được Thiên Chúa tác thành giống hình ảnh của Người, vì thế Thiên Chúa ban cho con người trí khôn hiểu biết, nhờ đó con người trổi vượt trên súc vật. Cho nên những vật không có lý trí không được tác thành theo hình ảnh Thiên Chúa.
LUẬN GIẢI. Không phải mọi sự tương tự, dù được hoạ lại nơi vật khác, đều có đủ lý tính của hình ảnh. Quả thực, nếu chỉ là sự tương tự về giống, hoặc theo phụ thể chung, thì ta không thể vì thế mà gọi vật này là hình ảnh của vật kia được: không thể nói công trùng phát xuất từ con người là hình ảnh của con người, vì nó tương tự với con người về giống; cũng không thể vì vật nào hoá trắng giống như vật nọ, mà ta gọi nó là hình ảnh của vật này, vì màu trắng là phụ thể chung cho nhiều loại. Nhưng lý tính của hình ảnh đòi hỏi sự giống nhau về loại, như hình ảnh của nhà vua nơi hoàng tử của vua: hay ít ra theo thuộc tính của loại, nhất là theo vóc dáng, như ta nói hình ảnh của con người nơi tiền đồng. Cho nên thánh Hilarius nói cách minh thị rằng hình ảnh là một loại bất biệt phân...
Hiển nhiên là sự giống nhau về loại thì được cứu xét theo dị điểm sau cùng. Vậy một số vật giống như Thiên Chúa, trước hết và thông thường nhất là vì chúng hiện hữu; thứ đến, vì chúng sinh sống; ba là vì chúng thông thái và hiểu biết. Những vật này gần gũi với Thiên Chúa do sự giống nhau, đến độ trong các thụ tạo không chi gần gũi Thiên Chúa hơn, như thánh Augustinô viết trong sách Octoginta Trium Quaest.
GIẢI ĐÁP. 1. Mọi hữu thể khiếm khuyết đều là phần mà hữu thể hoàn bị cho thông dự. Vì thế cả những vật không đủ lý tính của hình ảnh, nhưng xét như tương tự cách nào đó với Thiên Chúa, cũng được thông phần lý tính của hình ảnh. Vì thế Dionysius viết, những vật thụ tác có những hình ảnh bất tất về các căn nguyên của chúng, nghĩa là theo mức độ chúng thông dự, chứ không theo cách tuyệt đối.
2. Dionysius so sánh quang tuyến mặt trời với sự thiện hảo của Thiên Chúa về mặt căn nguyên; chứ không theo phẩm giá của bản tính, là điều cần thiết đối với lý tính của hình ảnh.
3. Xét về mặt dài rộng, thì toàn thể vũ trụ quả hoàn bị về thiện hảo hơn thụ tạo có lý trí. Nhưng về mặt cao cường và tập hợp, thì sự tương tự với sự thiện hảo của Thiên Chúa lại được thấy rõ nét hơn nơi thụ tạo hiểu biết, là thụ tạo có thể đón nhận điều tuyệt hảo. - Hoặc có thể trả lời rằng, không được đối lập thành phần với toàn thể, mà với thành phần khác. Cho nên khi nói, chỉ thụ tạo hiểu biết là theo hình ảnh của Thiên Chúa, thì ta không loại trừ việc vũ trụ, theo thành phần nào đó của nó, cũng được tác thành theo hình ảnh của Thiên Chúa; điều bị loại trừ là những thành phần khác của vũ trụ.
4. Boetius hiểu hình ảnh theo lý tính của sự giống nhau, làm cho nghệ phẩm hoạ theo ảnh niệm nghệ thuật mà nghệ nhân có trong tâm trí: như thế thì bất cứ thụ tạo nào cũng là hình ảnh của mô biểu có trong trí khôn Thiên Chúa. Nhưng ở đây chúng tôi không bàn về hình ảnh theo nghĩa này, mà theo sự giống nhau về bản tính; nghĩa là mọi vật, xét như những hữu thể phải giống hữu thể đệ nhất; và xét như những sinh vật phải giống sự sống đệ nhất; xét như những hữu thể hiểu biết phải giống với sự thông tuệ đệ nhất.

MỤC 3:      Thiên thần có được tác thành “theo hình ảnh” của Thiên Chúa
hơn con người chăng?

NGHI VẤN. Hình như thiên thần không được tác thành “theo hình ảnh” của Thiên Chúa hơn con người.
1. Thực vậy, trong bài giảng De Imagine thánh Augustinô nói: Thiên Chúa không cho thụ tạo nào được “theo hình ảnh” của mình, ngoại trừ con người. Cho nên không đúng khi cho rằng thiên thần được “theo hình ảnh” của Thiên Chúa hơn con người.
2. Vả lại, trong sách Octoginta Trium Quaest. thánh Augustinô viết: Con người được “theo hình ảnh” của Thiên Chúa đến nỗi được Thiên Chúa kiến tạo, mà không do thụ tạo trung gian nào. Cho nên có chi gần gũi Thiên Chúa hơn. Nhưng một thụ tạo được gọi là hình ảnh của Thiên Chúa vì được liên kết với Thiên Chúa. Cho nên thiên thần không được “theo hình ảnh” của Thiên Chúa hơn con người.
3. Vả lại, ta cho một thụ tạo được “theo hình ảnh” của Thiên Chúa, vì thuộc về bản tính hiểu biết. Nhưng bản tính hiểu biết thì không căng không chùng: vì không thuộc về giống phụ thể, mà thuộc về giống bản thể. Cho nên thiên thần không “theo hình ảnh” của Thiên Chúa hơn con người.
NHƯNG. Trong một bài giảng, thánh Gregorius nói: thiên thần được gọi là dấu ấn của sự giống nhau, vì nơi thiên thần sự giống hình ảnh của Thiên Chúa được biểu hiện cách minh bạch hơn.
LUẬN GIẢI. Chúng ta có thể nói về hình ảnh của Thiên Chúa hai cách. Một là theo bình diện mà lý tính của hình ảnh được ưu tiên cứu xét, ấy là bản tính hiểu biết. Theo bình diện này hình ảnh của Thiên Chúa có nơi các thiên thần hơn nơi phàm nhân: vì nơi các ngài bản tính hiểu biết thì hoàn bị hơn, như đã thấy trên. - Hai là hình ảnh của Thiên Chúa có thể được cứu xét nơi con người theo điều thứ yếu: nghĩa là nơi con người được sinh ra bởi con người, và Thiên Chúa bởi Thiên Chúa; và như toàn thể linh hồn con người thì trụ tại toàn thể thân thể, và tại từng phần thân thể, cũng như Thiên Chúa đối với thế giới. Theo cách này và theo những điều tương tự như thế hình ảnh của Thiên Chúa có nơi con người hơn nơi thiên thần. - Nhưng theo bình diện đó, lý tính về hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người không được cứu xét cách cụ thể, đừng kể khi giả định sự bắt chước thứ nhất, được thể hiện theo bản tính hiểu biết: chẳng vậy cả các súc vật cũng được “theo hình ảnh” của Thiên Chúa. Vậy vì theo bản tính hiểu biết thiên thần thì “theo hình ảnh” của Thiên Chúa hơn con người, cho nên phải công nhận rằng, nói cách tuyệt đối thiên thần thì “theo hình ảnh” của Thiên Chúa hơn con người; còn con người thì theo khía cạnh nào đó thôi.
GIẢI ĐÁP. 1. Điều mà thánh Augustinô loại ra ngoài hình ảnh của Thiên Chúa là các vật hạ cấp thiếu trí khôn, chứ không phải các thiên thần.
2. Như ta cho lửa là vật vi diệu nhất trong các vật thể đồng loại, nhưng ngọn lửa nọ thì vi diệu hơn ngọn lửa kia; thì chúng ta cũng nói không có chi trong giống bản tính hiểu biết gần gũi Thiên Chúa cho bằng tâm trí nhân loại: vì như thánh nhân đã nói trên (xc. m.1, LG.): những vật thông thái thì giống Người cách gần gũi, đến độ trong các vật thụ tạo không chi gần gũi Người hơn. Cho nên những lời đó không loại trừ việc các thiên thần được “theo hình ảnh” của Thiên Chúa hơn.
3. Khi nói bản thể khó chấp nhận hơn kém thì không có ý nói: loại bản thể nọ không hoàn bị hơn loại kia, mà có ý nói: cũng một cá vật không thông dự loại của mình lúc thì hơn lúc thì kém. Lại bản thể loại định cũng không được thông dự cách hơn kém bởi các cá vật khác nhau.

MỤC 4:      Nơi mỗi người có hình ảnh của Thiên Chúa chăng?

NGHI VẤN. Hình như hình ảnh của Thiên Chúa không có nơi mỗi người.
1. Thực vậy, trong 1Cr (11,7) thánh tông đồ viết: Đàn ông là hình ảnh của Thiên Chúa, đàn bà là hình ảnh của đàn ông. Mà vì đàn bà là cá vật của nhân loại, cho nên không thích hợp để ai ai cũng là hình ảnh của Thiên Chúa.
2. Vả lại, thánh Phaolô viết (Rm 8,29): Những ai Thiên Chúa đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình với Con của Người. Nhưng không phải mọi người đều được tiền định. Cho nên không phải mọi người đều nên đồng hình.
3. Vả lại, sự giống nhau thì thuộc về lý tính của hình ảnh. Nhưng do tội lỗi mà con người khác với Thiên Chúa. Cho nên đánh mất hình ảnh của Thiên Chúa.
NHƯNG. Thánh vịnh (38,7 Vg) có câu: Con người qua đi như trong hình ảnh.
LUẬN GIẢI. Ta nói con người thì “theo hình ảnh” của Thiên Chúa là theo bản tính hiểu biết, theo đó điều đặc biệt làm cho bản tính hiểu biết được “theo hình ảnh” của Thiên Chúa là điều làm cho nó có thể đặc biệt bắt chước Thiên Chúa. Nhưng bản tính hiểu biết đặc biệt bắt chước Thiên Chúa ở chỗ, Thiên Chúa hiểu biết và yêu mến chính Mình. Cho nên ta có thể suy cứu hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người ba cách. Một là, xét như con người có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa: thứ khả năng hệ tại chính bản tính của tâm trí, là tài năng chung của mọi người. Hai là, xét như con người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa trong hành vi và trong tập quán, nhưng cách khiếm khuyết: và đây là hình ảnh bởi sự đồng dạng của ân sủng. Ba là, xét như con người hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa trong hành vi và tập quán cách hoàn bị: và hình ảnh này được cứu xét theo sự giống nhau trong vinh quang. Vì thế căn cứ vào lời Thánh vịnh (4,7): Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhạn rạng ngời trên chúng con. Nhà chú giải Glossa phân biệt ba hình ảnh, ấy là hình của việc tạo thành, của việc tái tạo, và của sự giống nhau. - Hình ảnh thứ nhất có nơi mọi người; hình ảnh thứ hai chỉ có nơi những người công chính mà thôi; hình ảnh thứ ba chỉ có nơi các phúc nhân.
GIẢI ĐÁP. 1. Theo điều chính yếu làm nên lý tính của hình ảnh, ấy là theo bản tính hiểu biết, thì cả nơi đàn ông lẫn nơi đàn bà đều có hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế khi sách Sáng Thế (1,27) viết: “Theo hình ảnh của Mình, Thiên Chúa tạo thành con người”, nghĩa là đàn ông, liền thêm ngay: “Thiên Chúa tác thành họ có nam có nữ”: và nói theo số nhiều “họ”, như thánh Augustinô chú nhận, để đừng ai tưởng là cả hai giới liên kết nơi một cá thể. - Nhưng theo bình diện thứ yếu, hình ảnh của Thiên Chúa có nơi đàn ông với cách thức không có nơi đàn bà: quả thực, đàn ông là thuỷ chung của đàn bà, như Thiên Chúa là thuỷ chung của cả thụ tạo. Vì thế khi thánh tông đồ nói: người nam là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa; còn người nữ là vinh quang của người nam, liền cho biết tại sao mình viết thế, nên đã thêm (8-9): Thật vậy, không phải người nam từ người nữ mà có, nhưng người nữ từ người nam. Cũng không phải người nam được dựng nên vì người nữ, nhưng người nữ vì người nam.
2.3. Nhưng nghi vấn này chỉ có giá trị khi hiểu về hình ảnh được thể hiện theo sự đồng dạng của ân sủng và của vinh quang.

MỤC 5:      Phải chăng nơi con người, hình ảnh của Thiên Chúa
là theo tương quan với Ba Ngôi?

NGHI VẤN. Hình như nơi con người không có hình ảnh của Thiên Chúa theo tương quan với Ba Ngôi.
1. Thực vậy, trong sách De Fide ad Petrum thánh Augustinô viết: Theo yếu tính thì chỉ có một Thiên Chúa tính của Tam vị thánh, và một hình ảnh theo đó con người được tác thành. Và trong cuốn V De Trin. thánh Hilarius viết: Con người được hình thành theo vinh quang chung của Ba Ngôi. Cho nên nơi con người có hình ảnh của Thiên Chúa theo yếu tính, chứ không theo Ba Ngôi.
2. Vả lại, trong sách De Eccles. Dogmat. có viết, hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người là theo sự hằng cửu. Thánh Damascenus cũng viết: việc con người là theo hình ảnh của Thiên Chúa thì biểu thị con người là hữu thể hiểu biết, tự do tự quyết, và quyền thế tự thể. Thánh Gregorius Nyssenus cũng viết, việc Thánh Kinh nói con người được tác thành theo hình ảnh của Thiên Chúa, thì cũng như nói rằng bản tính nhân loại được thông dự mọi thiện hảo, nhưng Thiên Chúa tính là sự sung mãn của thiện hảo. Tất cả những điều đó không thuộc về sự phân biệt các Ngôi, mà thuộc về sự thuần nhất của yếu tính hơn. Cho nên, nơi con người có hình ảnh của Thiên Chúa, không theo Tam tính của các Ngôi vị, mà theo sự thuần nhất của yếu tính.
3. Vả lại, hình ảnh dẫn đến sự nhận biết thực tại có hình ảnh. Vậy nếu nơi con người có hình ảnh của Thiên Chúa theo Tam tính của các Ngôi vị, thì vì con người nhờ lý trí tự nhiên có thể nhận biết chính mình, nên nhờ sự nhận biết tự nhiên con người cũng có thể nhận biết Tam tính của các Ngôi vị Thiên Chúa. Đó là điều sai lầm, như đã chứng minh trên (vđ.32, m.1).
4. Vả lại, danh từ hình ảnh không phù hợp với bất cứ Ngôi vị nào trong ba Ngôi vi, mà chỉ phù hợp với Chúa Con: thực vậy, thánh Augustinô viết trong cuốn VI De Trin. rằng: Chỉ Chúa Con là hình ảnh của Chúa Cha. Vậy nếu nơi con người hình ảnh được suy cứu theo Ngôi vị, thì nơi con người sẽ không có hình ảnh của cả Ba ngôi, mà chỉ có hình ảnh của Chúa Con.
NHƯNG. Trong cuốn VI De Trin. thánh Hilarius viết: chính vì Thánh Kinh nói con người được tác thành “theo hình ảnh” của Thiên Chúa, điều đó tỏ ra sự đa bội của các Ngôi vị Thiên Chúa.
LUẬN GIẢI. Như đã nói trên (vđ.40, m.2), sự phân biệt các Ngôi Thiên Chúa chỉ do sự phát xuất, hay đúng hơn chỉ theo những tương quan của sự phát xuất. Nhưng cách thức phát xuất lại không đồng nhất nơi mọi hữu thể, mỗi hữu thể có một cách thức phát xuất phù hợp với bản tính của mình: quả thực, những vật có hồn thì phát xuất một cách, các thảo mộc một cách. Vì thế, hiển nhiên là sự phân biệt của các Ngôi vị Thiên Chúa thì theo như nó phù hợp với bản tính Thiên Chúa. Thành thử hiện hữu “theo hình ảnh” của Thiên Chúa bằng sự bắt chước bản tính Người Thiên Chúa không loại trừ việc hiện hữu “theo hình ảnh” của Thiên Chúa bằng sự biểu thị ba Ngôi vị; điều nó kéo theo điều kia thì đúng hơn. - Như thế phải nói rằng, nơi con người, việc là hình ảnh của Thiên Chúa được thể hiện theo bản tính Thiên Chúa và theo Tam tính của các Ngôi vị: vì trong chính Thiên Chúa một bản tính hiện hữu trong ba Ngôi vị.
GIẢI ĐÁP. 1.2. Những điều vừa trình bày cho thấy phải giải đáp nghi vấn 1 2 như thế nào rồi.
3. Nghi vấn này có lý, nếu hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người biểu thị Thiên Chúa cách hoàn bị. Nhưng như thánh Augustinô nói trong cuốn XV De Trin. rằng, có sự dị biệt rất lớn giữa thứ tam vị nơi chúng ta và Tam vị Thiên Chúa. Vì thế, như chính thánh nhân viết trong đó: chúng ta nhìn thấy tam vị nơi chúng ta hơn là tin: còn Thiên Chúa là Thiên Chúa Tam vị thì chúng ta tin hơn là nhìn thấy.
4. Một số người nói, nơi con người chỉ có hình ảnh của Chúa Con. Nhưng trong cuốn XII De Trin. thánh Augustinô đã phi bác ý kiến đó. Một là, vì Chúa Con thì giống với Chúa Cha theo sự bằng nhau về yếu tính, nếu con người được tác thành “theo hình ảnh” của Chúa Con, tất nhiên cũng phải được tác thành “theo hình ảnh” của Chúa Cha. - Hai là vì nếu con người chỉ được tác thành theo hình ảnh của Chúa Con, hẳn Chúa Cha đã không phán: Chúng ta hãy tác thành con người theo hình ảnh và giống chúng ta, mà phán theo hình ảnh và giống “Con”.
Vậy vì sách Sáng Thế (1,27) viết: Thiên Chúa tác thành con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, cho nên không được hiểu là Chúa Cha tác thành con người theo hình ảnh của một mình Chúa Con, là Thiên Chúa, như một số tác giả đã giải thích; nhưng phải hiểu là Thiên Chúa Tam vị đã tác thành con người theo hình ảnh của Mình, nghĩa là của cả Ba ngôi.
Nhưng câu chép ở đó: Thiên Chúa tác thành con người theo hình ảnh của Mình có thể hiểu hai cách. Một là, giới từ “theo” biểu thị chỗ chung kết của việc tác thành, thì ý nghĩa sẽ là Chúng ta sẽ tác thành con người làm sao, để hình ảnh chúng ta có trong nó. - Hai là giới từ “theo” có thể chỉ căn nguyên kiểu mẫu: như khi nói, cuốn sách này được biên soạn như cuốn kia. Và như vậy, hình ảnh của Thiên Chúa là chính yếu tính Thiên Chúa, nhưng như thế là lạm dụng hạn từ hình ảnh, vì lấy hình ảnh thay cho mẫu mã. Hoặc như một số người nói,yếu tính Thiên Chúa được gọi là hình ảnh, vì theo đó Ngôi vị nọ bắt chước Ngôi vị kia.

MỤC 6:      Phải chăng hình ảnh của Thiên Chúa chỉ có nơi con người
theo tâm trí mà thôi?

NGHI VẤN. Hình như hình ảnh của Thiên Chúa không có nơi con người theo tâm trí mà thôi.
1. Thực vậy, trong 1Cr (11,7) thánh tông đồ viết: Đàn ông là hình ảnh của Thiên Chúa. Mà đàn ông không phải chỉ là tâm trí. Cho nên hình ảnh của Thiên Chúa không được cứu xét theo nguyên tâm trí.
2. Vả lại, trong sách Sáng Thế (1,27) có chép: Thiên Chúa tạo thành con người theo hình ảnh của Mình; theo hình ảnh của Thiên Chúa Người tác thành con người; Người tác thành họ có nam có nữ. Nhưng sự phân biệt nam nữ là theo thân thể. Cho nên hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người cũng được cứu xét theo thân thể, chứ không theo tâm trí mà thôi.
3. Vả lại, hình ảnh thì được đặc biệt chú ý theo vóc dáng. Mà vóc dáng thì thuộc về thân thể. Cho nên hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người cũng được lưu ý đến theo thân thể, chứ không theo tâm trí mà thôi.
4. Vả lại, theo thánh Augustinô, như thấy trong cuốn XII Super Gen. ad Litt., trong ta có ba thứ trông nhìn: ấy là “thể xác, thiêng liêng”, hoặc tưởng tượng, và “hiểu biết”. Vậy nếu xét theo cái nhìn hiểu biết, là cái nhìn thuộc về tâm trí, thì có tam vị nào đó trong ta, nhờ đó chúng ta được “theo hình ảnh” của Thiên Chúa; đối với những cái nhìn khác cũng vậy.
NHƯNG. Trong thư Ephêsô (4,23-24) thánh tông đồ viết: Anh em hãy canh tân nơi tâm hồn anh em, và hãy mặc lấy con người mới: điều đó cho chúng ta hiểu rằng, sự canh tân của chúng ta, được thể hiện bằng mặc lấy con người mới, thì thuộc về tâm trí. Nhưng trong thư Côlôsê (3,1) ngài viết: Anh em đã mặc lấy con người mới, con người tiến tới trong sự nhận ra Thiên Chúa, bằng cách canh tân hình ảnh của Đấng Tạo thành. Ở đây thánh nhân quy gán việc canh tân, - được thể hiện bằng mặc lấy con người mới, - cho hình ảnh của Thiên Chúa. Cho nên việc hiện hữu theo hình ảnh của Thiên Chúa thì thuộc về tâm trí mà thôi.
LUẬN GIẢI. Dù nơi mọi thụ tạo đều thấy có sự tương tự nào của Thiên Chúa, nhưng chỉ nơi thụ tạo có lý trí mới thấy có sự tương tự của Thiên Chúa theo lối hình ảnh, như đã nói trên (m.2): còn nơi các thụ tạo khác thì theo lối dấu vết. Điều nhờ đó mà thụ tạo có lý trí trổi vượt trên các thụ tạo khác là trí khôn hay tâm trí. Thành thử hình ảnh của Thiên Chúa, được nhận thấy nơi chính các vật có lý trí, cũng chỉ ở phía tâm trí. Còn nơi các phần khác, mà thụ tạo có lý trí có thể có, cũng chỉ có sự tương tự về dấu vết; chẳng khác gì nơi những vật khác, giống như vật có lý trí về những phần đó.
Ta có thể nhận ra điều đó cách minh bạch, nếu ta lưu ý đến cách thức tự biểu thị của dấu vết và của hình ảnh. Thực vậy, hình ảnh biểu thị theo sự tương tự về loại, như đã nói trên (m.2). Còn dấu vết thì biểu thị theo cách thức mà công hiệu biểu thị căn nguyên của mình, là cách thức không đạt tới sự tương tự về loại; vì những dấu ấn được để lại do sự di chuyển của các động vật, được gọi là dấu vết; cũng vậy tro là dấu vết của lửa; và sự hoang tàn của xứ sỏ là dấu vết của địch quân.
Ta có thể nhận ra sự dị biệt giữa thụ tạo có lý trí và không có lý trí cả ở cách thức mà sự tương tự của bản tính Thiên Chúa được biểu thị nơi các vật thụ tạo, lẫn ở cách thức mà sự tương tự của Tam vị Thiên Chúa được biểu thị nơi các vật ấy. Quả thực, về sự tương tự của bản tính Thiên Chúa, thì hình như những thụ tạo suy lý một cách nào đó biểu thị được bản tính loại định, vì bắt chước Thiên Chúa chẳng những ở chỗ sinh sống, lại cả ở chỗ hiểu biết nữa, như đã nói trên (m.2). Còn các thụ tạo khác thì không hiểu biết; nhưng nơi những vật này nếu ta suy xét cách chúng được thiết kế, ta cũng thấy tỏ hiện dấu vết nào đó của trí khôn sản xuất. Cũng vậy, vì Ba Ngôi tự hữu được phân biệt theo sự phát xuất của Ngôi Lời từ Đấng phát ngôn, và của Tình yêu từ cả hai, như đã nói trên (vđ.28, m.3); nên có thể nói đến hình ảnh của Ba Ngôi tự hữu theo lối biểu thị loại định nào đó nơi thụ tạo có lý trí, nơi có sự phát xuất của lời theo trí khôn, và của tình yêu theo ý muốn. Nhưng nơi các thụ tạo khác, không thấy có (ba chung hạn là) nguyên khởi của lời, lời và tình yêu; nhưng điều xuất hiện nơi chúng là dấu vết nào đó cho thấy những chung hạn đó có nơi căn nguyên sản xuất ra chúng. Thực vậy, chính vì vật thụ tạo có bản thể biến dịch và hữu hạn, nên chứng tỏ là nó phát xuất từ nguyên khởi nào đó; còn loại của nó giãi bày Lời của vị tác thành ra loại, cũng như mô hình ngôi nhà giãi bày quan niệm của kiến trúc sư; sau hết trật tự giãi bày tình yêu của vị sản xuất, nhờ đó mà công hiệu được quy hướng về điều thiện, như công dụng của ngôi nhà giãi bày ý muốn của kiến trúc sư.
Như thế nơi con người, xét về phía tâm trí có sự tương tự của Thiên Chúa theo lối hình ảnh; nhưng xét về những phần khác thì theo lối dấu vết.
GIẢI ĐÁP. 1. Ta cho con người là hình ảnh của Thiên Chúa không phải vì con người là hình ảnh theo yếu tính, mà vì nơi con người có hình ảnh của Thiên Chúa in vào tâm trí; như ta gọi đồng hào là hình ảnh của Cesar, vì mang hình ảnh của Cesar. Cho nên không được cho bất cứ phần nào của con người là hình ảnh của Thiên Chúa.
2. Trong cuốn XII De Trin. thánh Augustinô nói: một số người chủ trương, không phải một cá vị, mà nhiều cá vị, là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi; họ nói rằng, Người chồng biểu thị ngôi Chúa Cha; người phát xuất từ người nam, như được sinh ra bởi người ấy, biểu thị ngôi Chúa Con; sau hết họ nói ngôi thứ ba, tương ứng với Chúa Thánh Thần, là người vợ, phát xuất từ người chồng mà không phải là con trai hay con gái của người ấy. - Điều đó thoạt coi đã thấy phi lý. Trước hết, vì như thế Chúa Thánh Thần sẽ là nguyên uỷ của Chúa Con, như người vợ là nguyên uỷ của con cái được sinh ra từ người chồng. Hai là, mỗi người chỉ là hình ảnh của một Ngôi vị. Ba là, nếu như thế thì Thánh Kinh chỉ được nhắc đến hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người sau khi con cái được sinh ra.
Và vì thế phải nói rằng, nếu sau khi viết: Thiên Chúa tạo thành con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, Thánh Kinh thêm: Thiên Chúa tạo thành con người có nam có nữ, thì không phải là nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa theo những dị biệt của giới phái; mà vì hình ảnh của Thiên Chúa là hình ảnh chung cho cả hai giới, vì phát xuất theo tâm trí, trong đó không có sự phân biệt giới phái. Vì thế trong thư gởi giáo đoàn Côlôsê (3,10) sau khi viết: theo hình ảnh của Đấng Tạo Thành; thánh tông đồ đã thêm (Gl 3,28): Không còn chuyện phân biệt... đàn ông hay đàn bà.
3. Dù ta không hiểu hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người theo vóc dáng thể xác, nhưng vì trong các thân thể của động vật chỉ có thân thể của con người là không ưỡn ra, nằm dài sát bụng, mà ở trong tư thế thích hợp để chiêm ngưỡng tầng trời, nên cứ lý ta có thể cho là, nó được tác thành theo hình ảnh và theo sự tương tự với Thiên Chúa hơn là thân thể của các động vật khác, như thánh Augustinô viết trong sách Octoginta Trium Quaest. Nhưng không được hiểu điều đó như thể nơi thân thể con người có hình ảnh của Thiên Chúa; mà vóc dáng của thân thể nhân loại biểu thị hình ảnh của Thiên Chúa trong linh hồn, theo cách thức dấu vết.
4. Trong sự trông nhìn của thể xác cũng như của óc tưởng tượng đều thấy có thứ “tam vị” nào đó, như thánh Augustinô viết trong cuốn De Trin.. Trong sự trông nhìn của thể xác trước hết có hình ảnh của vật thể bên ngoài; thứ đến là chính sự trông nhìn, thể hiện bằng việc gây ấn tượng của hình ảnh ấy vào thị giác; ba là ý định của ý muốn sử dụng thị giác để trông nhìn, và giữ nó chăm chú nơi vật được chiếu cố. Cũng vậy, trong sự trông nhìn của sức tưởng tượng, trước hết có ảnh niệm được bảo tồn trong trí nhớ; thứ đến là chính sự trông nhìn tưởng tượng, phát sinh bởi điều này là, sự sắc bén của linh hồn, nghĩa là chính sức tưởng tượng, được mô thể hoá bởi ảnh niệm nói trên; ba là ý định của ý muốn phối hợp cả hai lại. - Nhưng cả hai thứ “tam vị” ấy đều thiếu hụt không đạt tới quan niệm của hình ảnh Thiên Chúa. Thực vậy, chính hình ảnh của vật thể ngoại tại thì ở ngoài bản tính của linh hồn; còn ảnh niệm trong trí nhớ, dù không ở ngoài linh hồn, nhưng vẫn được mượn từ bên ngoài; vì thế nơi cả hai, sự đồng bản tính và đồng hằng cửu của các Ngôi vị Thiên Chúa đều không được biểu thị. Còn sự trông nhìn của thân thể không những phát sinh bởi hình ảnh của vật thể ngoại lai, nhưng cũng bởi giác quan của người trông nhìn; cũng vậy, sự trông nhìn tưởng tượng, không những phát sinh bởi ảnh niệm được bảo tồn trong trí nhớ, nhưng cũng bởi sức tưởng tượng: và như thế không biểu thị được việc phát xuất của Chúa Con từ một mình Chúa Cha. Sau hết, ý định của ý muốn, liên kết hai điều trên, vì không phát sinh bởi những điều đó, chẳng kỳ là trong sự trông nhìn thể xác hay thiêng liêng; cho nên không biểu thị cách thích hợp sự phát xuất của Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con.

MỤC 7:      Hình ảnh của Thiên Chúa có được nhận thấy      nơi các hành
vi của linh hồn chăng?

NGHI VẤN. Hình như hình ảnh của Thiên Chúa không được nhận thấy nơi các hành vi của linh hồn.
1. Thực vậy, trong cuốn XI De Civ. Dei, thánh Augustinô viết rằng: con người được tác thành theo hình ảnh của Thiên Chúa theo như chúng ta hiện hữu, như chúng ta nhận biết chúng ta hiện hữu, như chúng ta yêu mến việc hiện hữu và việc nhận biết đó. Nhưng việc chiếm hữu không biểu thị hành vi. Cho nên hình ảnh của Thiên Chúa trong linh hồn không được nhận thấy qua các hành vi.
2. Vả lại, trong cuốn XI De Trin., thánh Augustinô trình bày hình ảnh của Thiên Chúa trong linh hồn theo ba yếu tố này là tâm trí, sự nhận biết và tình yêu. Nhưng tâm trí không biểu thị hành vị; nói đúng hơn, nó biểu thị tài năng, hay là yếu tính của linh hồn hiểu biết. Cho nên hình ảnh của Thiên Chúa không được nhận thấy qua các hành vi.
3. Vả lại, trong cuốn X De Trin., thánh Augustinô trình bày hình ảnh của Thiên Chúa theo trí nhớ, trí hiểu và ý muốn. Nhưng ba thực tại đó là những tài năng tự nhiên của linh hồn, như Pierre de Lombard nói trong triệt 3 của cuốn I Sent. Cho nên hình ảnh được nhận thấy qua các tài năng, chứ không qua các hành vi.
4. Vả lại, hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi thì tồn tại luôn mãi trong linh hồn. Nhưng hành vi thì không tồn tại luôn mãi. Cho nên hình ảnh của Thiên Chúa trong linh hồn không được nhận thấy qua các hành vi.
NHƯNG. Trong cuốn XI De Trin. thánh Augustinô đặt tam vị tính nơi những phần hạ của linh hồn, theo sự trông nhìn giác cảm và tưởng tượng hiện tại. Cho nên cả tam vị tính, như có trong tâm trí, nhờ đó con người được “theo hình ảnh” của Thiên Chúa cũng được nhận thấy qua sự trông nhìn hiện tại.
LUẬN GIẢI. Như đã nói trên đây (m.2), việc biểu hiện về loại cách nào đó thì thuộc về lý tính của hình ảnh. Cho nên nếu phải công nhận hình ảnh của Thiên Chúa trong linh hồn, thì phải quy chiếu cách chính yếu với điều, gần gũi hết sức để biểu thị cách loại định những Ngôi vị Thiên Chúa. Nhưng các Ngôi vị Thiên Chúa thì được phân biệt theo sự phát xuất của Ngôi Lời từ Vị phát ngôn, và của Tình yêu liên kết cả hai. Nhưng nơi linh hồn ta, không thể có Lời nếu không có sự suy tư hiện tại thì, như thánh Augustinô viết trong cuốn XIV De Trin.. Vì thế hình ảnh của Thiên Chúa trong linh hồn chúng ta phải được ưu tiên và chính yếu nhận thấy qua những hành vi, nghĩa là do nhận thức mà chúng ta hiện có, chúng ta kiến tạo lời bằng cách suy nghĩ bên trong và từ đó chúng ta bộc lộ tình yêu ra. - Nhưng vì nguyên uỷ của các hành vi là những tập quán và những tài năng; cho nên thứ yếu và như dẫn xuất, hình ảnh của Chúa Ba Ngôi cũng được nhận thấy qua những tập quán, vì những hành vi thì có theo tiềm năng trong các tập quán đó.
GIẢI ĐÁP. 1. Hữu thể chúng ta “theo hình ảnh” của Thiên Chúa là điều riêng biệt, làm cho chúng ta trổi vượt trên các động vật khác; hữu thể đó phù hợp với chúng ta vì chúng ta có tâm trí. Vì thế tam vị tính này thì đồng nhất với tam vị tính mà thánh Augustinô đã nói đến trong cuốn IX De Trin., và hệ tại tâm trí, sự nhận biết và tình yêu.
2. Thánh Augustinô nhận thấy tam vị tính đó ở tâm trí trước tiên. Nhưng vì tâm trì, được nhận biết toàn thể chính mình cách nào đó, cũng vẫn u minh về mình cách nào đó, nghĩa là như khác biệt với các vật khác; và như vậy cũng tìm hiểu chính mình,như trong cuốn X De Trin. thánh Augustinô đã chứng minh; vậy vì sự nhận biết không hoàn toàn tương ứng với tâm trí, nên thánh nhân công nhận nơi linh hồn ba điều riêng biệt của tâm trí, ấy là trí nhớ, trí hiểu và ý muốn; mà không ai không biết là mình có, và ngài thích quy gán hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi cho ba thực tại đó, như thể việc quy gán thứ nhất còn thiếu sót.
3. Như thánh Augustinô chứng minh trong cuốn XIV De Trin. rằng: thiên hạ nói, chúng ta hiểu biết, ưa muốn hay yêu mến những điều gì, và khi nào chúng ta nghĩ đến hay không nghĩ đến những điều ấy. Nhưng khi chúng không được nghĩ đến, thì chúng chỉ thuộc về trí nhớ mà thôi; trí nhớ này, theo thánh nhân, chỉ là sự bảo tồn cách quán tập kiến thức và tình yêu (xc. vđ.79, m.7, gđ.1). Và ngài nói, Nhưng vì ở đâu không có suy tư thì không thể có lời, (vì chúng ta suy nghĩ mọi điều chúng ta nói, bằng cả thứ lời nội tại, không thuộc về ngôn ngữ của dân tộc nào hết), cho nên nói đúng hơn, hình ảnh này được nhận biết trong ba thực tại, là trí nhớ, trí hiểu và ý muốn. Nhưng trí hiểu mà tôi nói ở đây là điều nhờ đó chúng ta hiểu biết khi suy nghĩ; và tôi gọi ý muốn là tình yêu hoặc sự sủng ái liên kết con và cha. Do đó đủ rõ, thánh nhân đặt hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi trí hiểu và ý muốn hiện tại hơn là như chúng được bảo tồn cách quán tập trong trí nhớ; dù theo khía cạnh này hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi cũng có trong linh hồn cách nào đó, như thán nhân đã viết trong bản văn đó. Như thế đủ rõ trí nhớ, trí hiểu và ý muốn không phải là ba tài năng, như nói trong cuốn Sententiae.
4. Đối với nghi vấn này có thể giải đáp như thánh Augustinô viết trong cuốn XIV De Trin. rằng: Tâm trí luôn luôn nhớ đến mình, luôn luôn hiểu biết mình, và luôn luôn yêu mến mình. Một số học giả giải thích lời đó như thể việc linh hồn hiểu biết và yêu mến chính mình thì luôn luôn hiện tại. Nhưng thánh nhân đã tẩy chay lối giải thích đó, vì ngài thêm: Linh hồn không luôn luôn suy nghĩ về mình như khác biệt với những chi không phải là chính mình. Như thế rõ ràng là linh hồn luôn luôn hiểu biết và yêu mến chính mình, nhưng không một cách hiện tại, mà một cách quán tập. Mặc dầu cũng có thể nói rằng, khi tiếp nhận hành vi của mình, tức là linh hồn hiểu biết chính mình khi hiểu biết điều gì đó. Nhưng vì linh hồn không luôn luôn là chủ thể hiểu biết trong hiện thể, như thấy nơi người ngủ, cho nên phải nói rằng hành vi, dù không luôn luôn tồn tại nơi chính chúng, thì cũng luôn luôn tồn tại nơi những nguyên uỷ của chúng, tức là nơi những tài năng và nơi những tập quán. Vì thế trong cuốn XV De Trin. thánh Augustinô viết: Dẫu linh hồn suy lý được tác thành theo hình ảnh của Thiên Chúa vì lẽ nó có thể dùng lý trí và trí khôn hiểu biết và chiêm ngắm Thiên Chúa, nhưng hình ảnh Thiên Chúa đã có trong nó ngay khi nó bắt đầu hiện hữu.

MỤC 8:               Phải chăng hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi chỉ có trong linh hồn theo tương quan với một đối tượng là Thiên Chúa?

NGHI VẤN. Hình như hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi có trong linh hồn không phải theo tương quan với một đối tượng là Thiên Chúa.
1. Thực vậy, hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi có nơi linh hồn, như đã nói trên (m.6.7), theo như nơi chúng ta lời phát xuất từ người nói, và tình yêu từ cả lẫn người nói. Nhưng điều đó thể hiện nơi chúng ta theo bất cứ đối tượng nào. Cho nên hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi cũng thể hiện nơi tâm trí chúng ta theo bất cứ đối tượng nào.
2. Vả lại, trong cuốn XII De Trin. thánh Augustinô viết: “Khi chúng ta tìm tam vị tính trong linh hồn, thì chúng ta tìm trong toàn thể linh hồn, không phân tách hoạt động suy lý về những điều tạm bợ với việc chiêm ngưỡng những điều hằng cửu”. Cho nên ta thấy hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi trong linh hồn theo cả những đối tượng tạm bợ.
3. Vả lại, việc chúng ta có thể hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa là nhờ ân sủng. Vậy nếu theo trí nhớ, trí hiểu và ý muốn hay tình yêu mà ta khám phá ra hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi trong linh hồn, thì hình ảnh của Thiên Chúa sẽ không có trong linh hồn theo bản tính, mà theo ân sủng. Và như vậy sẽ không phải là hình ảnh chung cho mọi người.
4. Vả lại, chư thánh ở trên quê trời, được nên giống hình ảnh Thiên Chúa ở mức độ tối cao theo sự thị kiến thanh nhàn; cho nên trong thư 2Cr (3,18) có viết: Chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, hết rực rỡ này đến rực rỡ khác. Nhưng nhờ thị kiến thanh nhàn ta nhận biết những điều tạm bợ. Cho nên hình ảnh của Thiên Chúa cũng được khám phá ra trong ta theo những điều tạm bợ.
NHƯNG. Trong cuốn XIV De Trin. thánh Augustinô viết: Không phải vì tâm trí nhớ đến, hiểu biết và yêu mến mình mà hình ảnh của Thiên Chúa có trong đó; mà cũng vì nó có thể nhớ đến, hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa, Đấng đã tác thành nó. Cho nên qua những đối tượng khác, hình ảnh của Thiên Chúa trong tâm trí càng ít được nhận thấy.
LUẬN GIẢI. Như đã nói trên (m.2.7), hình ảnh hàm chứa sự tương tự làm sao để biểu thị được loại. Vì thế, theo khả năng tối đa của vật thụ tạo, ta phải khám phá nơi hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi trong linh hồn, một thứ biểu thị loại định của các Ngôi vị Thiên Chúa. Nhưng các Ngôi vị Thiên Chúa thì phân biệt nhau, như đã nói (m.6.7), theo sự phát xuất của Lời bởi vị phát ngôn, và của Tình yêu bởi cả hai. Mà Ngôi Hai Thiên Chúa được sinh ra từ Thiên Chúa theo sự nhận biết mà Người có về mình, và Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa theo việc Người yêu mến mình. Nhưng hiển nhiên là sự khác biệt về đối tượng kéo theo sự khác biệt loại định về “lời” và về “tình yêu”: thực vậy lời được quan niệm trong tâm hồn con người về tảng đá và về con ngựa thì không đồng một loại, tình yêu cũng không đồng một loại. Vậy hình ảnh của Thiên Chúa trong con người được quy chiếu theo lời mà ta quan niệm bởi nhận biết Thiên Chúa, và tình yêu được dẫn xuất từ đó. Như thế hình ảnh của Thiên Chúa được nhìn thấy trong linh hồn theo như nó hướng về, hay có thể hướng về Thiên Chúa.
Nhưng tâm trí hướng về một điều hai cách: một là thẳng ngay và trực tiếp; hai là không thẳng ngay và gián tiếp, như khi ai nhìn một người trong tấm gương thì được coi là hướng về chính người ấy. Vì thế trong cuốn XIV De Trin. thánh Augustinô viết: Tâm trí nhớ đến mình, hiểu biết mình và yêu mến mình: nếu chúng ta nhận ra điều đó, là chúng ta nhận ra tam vị tính; chưa thấy Thiên Chúa, nhưng đã thấy hình ảnh của Thiên Chúa”. Nhưng sở dĩ như thế, là vì tâm trí không phải tỉnh về chính mình cách tuyệt đối, mà vì nó có thể hướng tới Thiên Chúa nữa; như thấy rõ qua thế giá đã được viện dẫn (nhưng).
GIẢI ĐÁP. 1. Về lý tính của hình ảnh, chẳng những phải lưu ý đến điều nọ phát xuất từ điều khác; mà còn phải xem điều phát xuất là gì và từ đâu, nghĩa là Lời của Thiên Chúa phát xuất từ tri thức về Thiên Chúa.
2. Ta nhận thấy một tam vị tính nơi toàn thể linh hồn, tuy nhiên không như thể là, ngoài hoạt động trên những vật tạm thời và sự chiêm niệm những vật vĩnh cửu, còn cầm một điều thứ ba, trong đó tam vị tính được thành toàn, như điều dặm thêm vào đoạn văn đó cho thấy. Nhưng nếu trong phần của lý trí hoạt động trên hoặc vật tạm thời, dù ta có thể nhận ra tam vị tính, ta cũng không thể nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa, như thánh nhân đã xác định sau đó. Vì sự nhận biết những vật tạm bợ ấy là kiến thức phụ đối với linh hồn. Và cả những tập quán, nhờ đó những vật tạm bợ được nhận biết, cũng không luôn luôn hiện diện, nhưng lúc thì hiện diện lúc thì chỉ có trong trí nhớ, cả sau khi đã bắt đầu hiện diện. Như thấy rõ nơi đức tin, đến với chúng ta cách tạm thời trong hiện tại; nhưng trong bậc hạnh phúc tương lai đức tin không còn nữa, mà chỉ còn ký ức về đức tin.
3. Sự nhận biết và yêu mến phúc lợi về Thiên Chúa chỉ được thể hiện nhờ ân sủng. Nhưng có thứ nhận biết và yêu mến Thiên Chúa cách tự nhiên, như đã nói trên. Và điều sau đây cũng là tự nhiên, ấy là tâm trí có thể dùng lý trí để hiểu biết Thiên Chúa, như chúng tôi vẫn nói rằng (m.7, gđ.4), hình ảnh của Thiên Chúa luôn luôn ở trong tâm trí: Dù hình ảnh này có cũ kỹ, theo thánh Augustinô, như bị che khuất, như không còn nữa, chẳng hạn nơi những người không dùng trí khôn; hoặc bị lu mờ hay biến dạng, như nơi những tội nhân; hoặc rạng rỡ và mỹ miều, chẳng hạn nơi những chính nhân, như thánh Augustinô viết trong cuốn XIV De Trin.
4. Nhờ sự thị kiến thanh nhàn, những vật tạm bợ sẽ được nhìn thấy trong chính Thiên Chúa; vì thế sự nhìn thấy những vật tạm bợ này thì thuộc về hình ảnh của Thiên Chúa. Đó là điều thánh Augustinô đã nói trong cuốn XIV De Trin.: Trong bản tính mà tâm trí chăm chú và sung sướng nhìn, thì phàm chi nó nhìn thấy là nhìn thấy như bất biến. Vì lý tính của mọi vật thụ tạo đều có trong chính Ngôi Lời tự hữu.

MỤC 9:      Sự tương tự có được phân biệt cách thích hợp với hình ảnh chăng?

NGHI VẤN. Hình như sự tương tự không được phân biệt cách thích hợp với hình ảnh.
1. Thực vậy, giống không được phân biệt cách thích hợp với loại. Mà sự tương tự so sánh với hình ảnh là như giống với loại: vì ở đâu có hình ảnh thì tức khác có sự tương tự, nhưng không ngược lại, như thấy trong sách Octoginta Trium Quaest.. Cho nên sự tương tự không được phân biệt một cách thích hợp với hình ảnh.
2. Vả lại, lý tính của hình ảnh được nhận ra không những bằng sự biểu thị các Ngôi vị Thiên Chúa, mà còn bằng sự biểu thị yếu tính Thiên Chúa: thứ biểu thị hàm súc sự bất hoại và bất khả phân. Cho nên không thích hợp khi nói rằng: Sự tương tự thì ở trong yếu tính, vì là bất hoại và bất khả phân; còn hình ảnh thì ở những điểm khác.
3. Vả lại, có ba thứ hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người, ấy là của bản tính, của ân sủng và của vinh quang, như đã nói trên (m.4). Nhưng sự vô tội và sự công chính thì thuộc về ân sủng. Cho nên không thích hợp khi nói rằng: hình ảnh được nhận biết qua trí nhớ, trí hiểu và ý muốn; còn sự tương tự thì qua sự vô tội và sự công chính.
4. Vả lại, sự nhận biết chân lý thì thuộc về trí hiểu, còn sự yêu mến nhân đức thì thuộc về ý muốn, trí hiểu và ý muốn là hai phần của hình ảnh. Cho nên không thích hợp khi nói rằng: hình ảnh thì hệ tại sự nhận biết chân lý, sự tương tự thì hệ tại sự yêu mến nhân đức.
NHƯNG. Trong sách Octoginta Trium Quaest. (q.51), thánh Augustinô viết: Một số người nghĩ rằng, không phải vô cớ mà có hai cụm từ “theo hình ảnh” và “theo sự tương tự”. Vì nếu chỉ có một ý nghĩa, thì dùng một cụm từ cũng đủ.
LUẬN GIẢI. Sự tương tự là thuần nhất tính: vì “một” về phẩm chất thì phát sinh sự tương tự, như đã thấy trong cuốn V Metaphys.. Nhưng “một”, vì thuộc về những điều siêu việt, nên là điều chung của mọi vật, và có thể áp dụng vào mọi vật, như điều thiện và điều thật. Vậy cũng có như điều thiện, có thể so sánh với một vật đặc thù nào đó, vừa như khai đoạn cho nó vừa như theo sau nó, vì biểu thị một sự hoàn bị của nó; thì về tương quan giữa sự tương tự và hình ảnh cũng như thế. Quả thực, có điều thiện khai đoạn cho con người, vì con người là điều thiện đặc thù nào đó; lại có điều thiện theo sau con người, vì chúng ta nói cách riêng biệt, người nào đó là lương thiện do sự hoàn bị của nhân đức. Cũng vậy, sự tương tự được xét như đi trước hình ảnh, vì là điều chung hơn hình ảnh, như đã nói trên (m.1); cũng được xét như đến sau hình ảnh, vì biểu thị sự hoàn bị nào đó của hình ảnh; sở dĩ chúng ta nói một hình ảnh tương tự hay không tương tự với vật có hình ảnh ấy, là vì nó biểu thị cách hoàn bị hay khiếm khuyết hữu thể ấy.
Như thế sự tương tự có thể khác với hình ảnh hai cách. Một là, xét sự tương tự như thể thức khai đoạn cho hình ảnh, và có nơi nhiều vật khác. Và như vậy thì sự tương tự được cứu xét theo những điều chung hơn là theo những đặc trưng của bản tính hiểu biết, theo đó ta nhận ra hình ảnh đúng nghĩa. Theo nghĩa đó, trong sách Octoginta Trium Quaest., thánh Augustinô viết: Tinh thần, nghĩa là tâm trí, được tác thành theo hình ảnh của Thiên Chúa, không hoài nghi; nhưng các phần khác của con người, nghĩa là những thứ thuộc phần hạ của linh hồn, hay thuộc về cả thân thể, thì một số người lại muốn là được tác thành theo sự tương tự. Cũng theo ý nghĩa đó, trong sách De Quantitate Animae có viết rằng, sự tương tự của Thiên Chúa trong linh hồn được cứu xét vì lẽ là bất hoại: vì khả hoại và bất hoại là những dị điểm của hữu thể nói chung.
Một cách nữa là, có thể cứu xét sự tương tự như biểu thị sự chính xác và hoàn bị. Theo nghĩa này, thánh Damascenus viết: Điều theo hình ảnh thì biểu thị hữu thể hiểu biết, tự do tự quyết, và có chủ quyền về chính mình; còn “điều theo sự tương tự” thì hàm súc sự tương tự về tiềm lực, theo khả năng tối đa của con người. Cũng theo nghĩa đó, khi nói rằng (nv.4), sự tương tự thuộc về sự yêu mến nhân đức: vì không có nhân đức nếu không có lòng mến nhân đức.
GIẢI ĐÁP. 1. Sự tương tự không khác với hình ảnh theo lý tính chung của sự tương tự (vì như vậy nó đã được hàm chứa trong lý tính của chính hình ảnh); nhưng theo như sự tương tự nào đó chưa đạt tới lý tính của hình ảnh, hoặc cũng là điều kiện toàn hình ảnh.
2. Yếu tính của linh hồn thì thuộc về hình ảnh, vì biểu thị yếu tính Thiên Chúa theo những điều riêng của bản tính hiểu biết, chứ không theo những điều kiện theo sau hữu thể nói chung, như đơn thuần và bất khả hoại.
3. Một số nhân đức nào đó cũng có một cách tự nhiên trong linh hồn, ít ra là theo những hạt giống nào đó của chúng; theo các nhân đức này ta có thể cho là có sự tương tự tự nhiên. Nhưng không có chi là trở ngại, nếu điều được gọi là hình ảnh theo một lối giải thích này, mà theo lối giải thích kia lại được gọi là tương tự.
4. Sự yêu mến lời, là sự nhận biết được yêu mến, thì thuộc về lý tính của hình ảnh; nhưng sự yêu mến nhân đức thì thuộc về sự tương tự, như chính nhân đức.


 

 

Dẫn nhập vào vấn đề 94-97

VỀ BẬC CÔNG CHÍNH NGUYÊN THUỶ
CỦA CON NGƯỜI


Con người đầu tiên đã được Thiên Chúa dựng nên tốt lành, lại còn được đặt trong tình thân hữu với Đấng Tạo Hoá, hài hoà với chính mình và với tạo vật chung quanh mình. Sách Giáo lý Công giáo đã mở đầu mục nói về bậc thánh thiện và công chính nguyên thuỷ như thế (xc. số 374); rồi vắt tắt liệt kê những đặc ân của bậc này (xc. các số 375-378). Thực ra Thiên Chúa không lấy việc ban cho loài người được hiện hữu với bản tính giống như hình ảnh của Người làm dủ, lại còn muốn đưa loài người lên bậc siêu nhiên, để con người được thông dự chính hạnh phúc của Người. Ăn nhịp với địa vị cao cả ấy Thiên Chúa cũng đặt con người vào một bậc thung dung để có thể chiếm hữu Thiên Chúa trọn vẹn đầy đủ. Điều kiện duy nhất Thiên Chúa đòi hỏi là tuân thủ một giới răn, đây là bằng chứng duy nhất của sự trung thành mà Thiên Chúa đòi hỏi để nguyên tổ và con cái, cháu chắt của ông được hưởng tình trạng mà Thiên Chúa đã ban khi tạo thành ra con người. Trong tình trạng nguyên thuỷ Thiên Chúa ban cho con người nhiều đặc ân; trong các đặc ân đó có thứ được ban riêng cho cá nhân nguyên tổ Ađam, có thứ được ban chung cho nhân loại, có thể được truyền lại cho hậu thế, nếu nguyên tổ Ađam không đánh mất vì sa ngã. Vậy nhiệm vụ của Thần học là quảng diễn và đào sâu những điều hàm chứa trong bậc công chính nguyên thuỷ ấy.
Thánh Thomas bàn giải về bậc tiên khởi của con người theo quan điểm hoàn toàn thần học.
Bố cục các vấn đề:

 
Tình trạng nhân loại khi được tạo thành
1. Về mục đích của sự sản xuất (vđ.93)
2. Về       bậc       tình       trạng       con       người       khi       vừa       được       tạo       thành
1. xét theo       linh hồn
1. về trí khôn (vđ.94)
2. về ý chí (vđ.97)
1. về ơn thánh và sự       công chính (vđ.95)
2. về quyền bá chủ (vđ.96)
2. xét       theo       thân       thể
1. về sự bảo tồn cá nhân (vđ.97)
2. về sự       bảo       tồn       nhân       loại
1. do sự sinh sản trong bậc ấy (vđ.98)
2. tình       trạng       cháu       chắt       xét
1. theo thần thể (vđ.99)
2. theo sự công chính (vđ.100)
3. theo kiến thức (vđ.101)
3. Về trú quán: vườn địa đường (vđ.102)











§ I. VỀ NHỮNG BẬC HAY TÌNH TRẠNG CỦA CON NGƯỜI TIÊN KHỞI
a) Một vài quan niệm về bậc. Bậc (status) nói chung thường được hiểu là một cảnh sống bền vững (II-II, vđ.183, m.1), như bậc giáo sĩ, bậc tu sĩ hay giáo dân. Bậc nói lên tình trạng bất khả phân của đời sống, nhưng không kết tinh bởi một yếu tố bất khả phân mà bởi nhiều yếu tố. Chẳng hạn bậc tu sĩ được thành nên bởi những lời khấn hứa, bởi Tu luật và Hiến pháp hay Quy chế riêng của mỗi Tu hội, điều khiển và cụ thể hoá bậc tu trì.
b) Bậc của bản tính. Có thể có bậc của cá nhân trong xã hội hay của bản tính, tuỳ nó liên hệ đến cá nhân hay đến cả bản tính nhân loại. Bậc công chính nguyên thuỷ là bậc của bản tính chứ không phải của cá nhân. Bậc này thành nên bởi nhiều hồng ân, và thường được thánh Thomas tổng hợp trong việc trí khôn trực tiếp suy phục Thiên Chúa; thân thể suy phục linh hồn và những năng lực hạ cấp tuân phục năng lực cao cấp là lý trí. Các thứ suy phục ấy đều thuộc yếu tính, nhưng theo mức độ khác nhau: việc trí khôn suy phục Thiên Chúa là mô thể của bậc ấy, còn các thứ suy phục là như những thành phần toàn túc (partes integrales). Những hồng ân thuộc về bậc của bản tính thì có thể từ nguyên tổ truyền lại cho dòng giống loài người, nếu nguyên tổ của chúng ta không đánh mất vì phạm tội.
Ngoài những hồng ân chung thuộc về bậc của bản tính, nguyên tổ Ađam còn được những hồng ân riêng vì lẽ là tổ phụ và là tôn sư tiên khởi của loài người, trong các hồng ân ấy nổi bật nhất là kiến thức.
c) Nhân loại có thể sống trong năm bậc là: bậc bản tính tự nhiên thuần tuý; bậc tự nhiên được cất nhắc, bậc vô tội hay công chính nguyên thuỷ; bậc sa ngã; bậc hồi phục hay cứu chuộc. Còn có tác giả phân biệt bản tính vẹn toàn (stat. nuturae integrae), và hiểu bậc bản tính vẹn toàn là bậc không có ân sủng, nhưng có những ơn ngoại nhiên của bậc vô tội. Nhưng đây là bậc giả định, không có trong thực tế.
1* Bậc bản tính tự nhiên thuần tuý (status naturae purae), là bậc trong đó con người thừa hưởng tất cả những chi thuộc về cơ cấu nội tại của bản tính ấy, nghĩa là những chi phát xuất từ bản tính, như thuộc tính hay như công hiệu, hoặc như điều mà bản tính ấy có thể đòi hỏi, nhưng không được phụ thêm điều gì ngoại lai; thành thử được gọi là bậc bản tính tự nhiên thuần tuý. Như thế, bản tính ấy được Thiên Chúa dựng nên trong tình trạng trong trắng, không có tội lỗi, chẳng kỳ là tội tổ truyền hay tội riêng, cũng không có ân sủng, chẳng kỳ là ơn ngoại nhiên hay siêu nhiên; trong bậc này con người biết hướng về Thiên Chúa như Chủ tể của vũ trụ và được những trợ giúp thích hợp để đạt tới đích tự nhiên; có thể mắc phải những sai lầm, vì trí khôn nhân loại thì hữu hạn, khi suy diễn có thể do ngẫu trừ đưa ra những kết luận sai lầm; lại cũng vương phải dục vọng thác loạn vì, nguyên sức tự nhiên, dục vọng hạ cấp không hoàn toàn tuân phục mệnh lệnh của lý trí, nên không thể ngăn ngừa để hoặc xúc động, nghịch với lẽ phải của lý trí, khỏi xảy ra đột ngột khi chưa kịp suy nghĩ, hoặc có thể làm cho lý trí trở thành mù quáng. Ngoài ra cũng có thể vương phải tội lỗi, vì sự thác loạn trên đây hay vì sự nhu nhược của ý muốn. Đây cũng là một bậc giả định, chưa hề có trong thực tế.
2* Bậc của bản tính được cất nhắc (status naturae elevatae), là bậc trong đó bản tính loài người được Thiên Chúa nâng lên đến cứu cánh siêu nhiên, và được Thiên Chúa trang bị cho những phương tiện cần thiết để đạt tới cứu cánh ấy. Ngoài những hồng ân tự nhiên và ngoại nhiên, còn được những ơn siêu nhiên đích thực - như ơn thánh hoá, các nhân đức tự thể phú bẩm và những ơn của Chúa Thánh Thần. Nhân loại có thể được cất nhắc ngay sau giây lát được tạo thành, để có thể quý hướng về cứu cánh siêu nhiên.
3* Bậc vô tội hay công chính nguyên thuỷ. Đây là bậc mà bản tính nhân loại được hưởng trước khi nguyên tổ Ađam sa ngã phạm tội. Trong bậc này, ngoài những điều phù hợp với bản tính tự nhiên thuần tuý, nguyên tổ còn được trang bị nhiều ơn ngoại nhiên (gratiae praeternaturales): như ơn vẹn toàn, ơn bất thụ cảm, ơn bất hoại. Những ơn ngoại nhiên làm cho bản tính nhân loại được giàu có khác thường để đạt tới cứu cánh siêu nhiên mà Thiên Chúa đã quy định. Sự giàu có này được biểu thị bằng ba thứ suy phục: ấy là lý trí trực tiếp phục tùng Thiên Chúa; thân xác phục tùng linh hồn; và năng lực hạ cấp phục tùng năng lực của tinh thần; các hồng ân ấy được phối trí chặt chẽ với nhau đến độ sự phục tùng thứ nhất là căn nguyên của hai sự phục tùng sau (I, vđ.95, m.1) - Kèm theo việc lý trí trực tiếp phục tùng Thiên Chúa là ơn thánh hoá: không có ơn thánh hoá này phàm nhân không thể hướng tới mục đích Thiên Chúa đã quy định (In II Sent. dist.29, q.1, a.2). Kèm theo việc thân thể phục tùng linh hồn có ơn bất hoại; và kèm theo việc các tài năng tùng phục trí khôn có ơn vẹn toàn hay bất thụ cảm.
Từ thời thánh Anselmus bậc vô tội này còn được gọi là bậc công chính nguyên thuỷ, không những vì là bậc mà bản tính nhân loại được ngay từ khởi nguyên, mà còn vì ba thứ phục tùng biểu trưng ấy gìn giữ con người trong trạng thái hoàn toàn ngay thẳng và công chính đối với Thiên Chúa.
4* Bậc bản tính sa ngã (status naturae lapsae) là tình trạng của bản tính loài người, sau khi nguyên tổ Ađam phạm tội. Tội nguyên tổ làm cho bản tính nhân loại mất ân sủng, mất đức ái và mọi hồng ân ngoại nhiên trang bị cho bản tính ấy được phong phú; mất luôn cả khả năng đạt tới cứu cánh siêu nhiên. Một khi đã mất ân sủng và tình nghĩa với Thiên Chúa, thì về phần thượng con người lìa bỏ Thiên Chúa là cứu cánh siêu nhiên và tự nhiên, lại quay về với điều thiện thụ tạo và phù du như cứu cánh của mình; về phần hạ con người cảm thấy cuộc nổi loạn của các đam mê chống lại linh hồn, thân thể phải chịu nhiều thứ bệnh tật, sau cùng phải chết. Đó là tình trạng của con người sau khi nguyên tổ phạm tội và chưa được Đấng Cứu Thế cứu chuộc.
5* Bậc của bản tính được sửa chữa, được cứu chuộc (status naturae reparatae). Thiên Chúa không muốn cho loài người hư đi, nên đã quyết định cho Ngôi Lời nhập thể cứu chữa bản tính nhân loại, hồi phục nó trong tình trạng ân sủng và khả năng đạt tới cứu cánh siêu nhiên; khả năng này, do hiệu năng của Ngôi Lời nhập thể, không bao giờ lìa bỏ bản tính nhân loại nữa. Tình trạng này gọi là bậc của bản tính được hồi phục hay được cứu chuộc. Trong bậc này, dù về phần thượng, trật tự bị tội lỗi phá vỡ được hoàn toàn tái lập, nhưng về phần hạ, xác thịt vẫn phản loại với linh hồn, thân xác mắc nhiều bệnh tật và sau cùng phải chết; chỉ sau khi được sống lại, thân xác mới hoàn toàn tùng phục phần thượng. Bao lâu còn sống, người công chính phải chiến đấu trong cuộc chiến không giới tuyến chống với nết xấu, vẫn khuynh hướng về điều ác và về tội lỗi. Vì thế ân sủng của bậc vô tội đã được cất nhắc và ân sủng của bản tính được sửa chữa và được cứu chuộc thì như nhau về yếu tính và về những công hiệu chính yếu, như việc thông dự bản tính Thiên Chúa, trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa và khả năng lập công vv..., nhưng khác nhau về những công hiệu thứ yếu. Trong bậc vô tội, ân sủng phát huy sức mạnh của mình đến cả những tài năng hạ cấp, giúp chúng suy phục lý trí; nhưng trong bậc sửa chữa thì ở đời này ân sủng không cung cấp sự vẹn toàn đó. Về tác căn cũng khác nhau, vì Đấng ban ơn công chính nguyên thuỷ là Thiên Chúa cất nhắc; còn Đấng ban ơn sửa chữa là Thiên Chúa nhập thể và cứu chuộc.
- Theo một số nhà thần học thời danh, như Alexander Halensis, thánh Bonaventura vv... thì bậc này là bậc thực hữu, vì theo các học giả này, Thiên Chúa đã tạo thành con người ngay thẳng và vẹn toàn, rồi sau một thời gian mới phú ban ân sủng và các hồng ân siêu nhiên khác để đưa lên bậc thần linh. Còn theo thánh Thomas thì bậc này không có trong thực tế, nhưng là bậc khả dĩ, nghĩa là có thể có mà không mâu thuẫn: vì không buộc Thiên Chúa phải đưa bản tính nhân loại lên bậc siêu nhiên, cũng như không buộc phải bảo tồn bản tính ấy trong bậc vô tội.[17] Khi luận phi lạc thuyết của Baius, thánh Pius V cũng nói theo ý này (DS 1955). Dù sao cũng không chi ngăn trở để trí tuệ chúng ta tách riêng bậc nọ ra khỏi bậc kia, cũng như lý trí con người cũng có thể tách biệt những điều trong thực tế không bao giờ tách rời nhau, để suy cứu riêng rẽ từng bậc.[18]
§ II. VỀ SỰ THỰC HỮU CỦA BẬC VÔ TỘI
Khi bàn về điều gì, thánh Thomas thường theo Aristote bàn về sự thực hữu của nó, rồi mới bàn về cốt tính hay yếu tính, nên ở đây chúng ta cũng cần nói ngay rằng, việc Thiên Chúa cất nhắc bản tính nhân loại lên bậc siêu nhiên là tín điều nền tảng (xc. DS 3005); dù ta không xác định chính xác là việc cất nhắc đó được thực hiện vào giây lát nào.
I. NHỮNG LẠC THUYẾT
Những người sau đây đều phủ nhận bậc vô tội hay công chính nguyên thuỷ: những người theo Pelagius chủ trương rằng, ý muốn tự do của con người là nguồn gốc và trung tâm tuyệt đối của mọi điều thiện; những người Duy lý khó chấp nhận thực tại siêu nhiên; những người Thệ Phản đồng hoá bậc này với chính yếu tính của con người, nên đã hạ giác bậc đó và biến nó thành duy nhiên thuần tuý.
II. MỆNH ĐỀ I: BUỘC PHẢI TIN RẰNG THIÊN CHÚA KHÔNG ĐỂ CON NGƯỜI TRONG BẬC TỰ NHIÊN THUẦN TUÝ, NHƯNG ĐÃ ĐƯA LÊN BẬC CÔNG CHÍNH NGUYÊN THUỶ
Ta có thể chứng minh mệnh đề đó bằng:
1. Thánh Kinh. Sách Sáng Thế kể lại một cách khá rõ ràng tình thân hữu và những hồn ân phi thường Thiên Chúa ban cho nguyên tổ: như được ở vườn Eden để cày cấy và canh giữ đất đai; được kiến thức đặc biệt; được khả năng đặt tên đúng đắn cho các vật; được chế ngự chính mình; được bất tử; điều trước khi sa ngã chỉ là mối răn đe, sau khi đã sa ngã đã trở thành hiện thực.[19] Vậy tình thân hữu hàm chứa ơn thánh hoá và đức ái; còn những hồng ân ngoại thường ngầm hiểu các nhân đức. Thánh Phaolô cũng nói: Anh em phải để Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa để thực sự sống công chính và thánh thiện (Ep 4,24).
2. Đạo lý của Giáo Hội. Công đồng Carthage năm 418 đã luận phi những ai cho rằng, nguyên tổ Ađam được dựng nên như người phải chết, thành thử, dù có phạm tội hay chăng, vẫn phải chết về phần xác.[20] Công đồng Carisiaco (de Quiercy) năm 853, dạy rằng, Thiên Chúa toàn năng đã dựng nên con người ngayh chính vô tội và tự do, rồi đặt trong vườn địa đàng, lại muốn cho con người ở mãi trong sự thánh thiện công chính.[21] Công đồng Trento khi bàn về tội nguyên tổ cũng xác định là, con người được đưa lên bậc thánh thiện và công chính nguyên thuỷ.[22] Công đồng Vat. I đã ấn định, như tín điều nền tảng, là con người đã được đưa lên bậc siêu nhiên.[23]
3. Các thánh giáo phụ. Thánh Ephraem nói nhiệm tích rửa tội in hình ảnh mới vào linh hồn thay vì hình ảnh đã bị hư hoại của Ađam.[24] Khi nhắc đến lời thánh Phaolô nói về việc đổi mới một số giáo phụ hiểu về hình ảnh trong trắng của con người khi được tạo thành. Chẳng hạn thánh Augustinô viết: Thánh Thần ân sủng đã thực hiện điều này là, phục hồi hình ảnh của Thiên Chúa, qua đó chúng ta đã được tác thành cách tự nhiên;[25] thánh nhân còn nói: Thiên Chúa vừa dựng nên bản tính vừa thông ban ân sủng.[26] Thánh Hieronymus viết: Chúng ta nhận được hình ảnh và sự tương tự theo đó chúng ta được tạo dựng ngay từ đầu.[27]
4. Lẽ xứng tiện cua thánh Thomas: Một khi Thiên Chúa đã quy hướng con người về cứu cánh vượt quá bản tính tự nhiên của con người, mà Người có ban cho con người ơn siêu nhiên nào thì quả là điều thích hợp với lòng nhân hậu quảng đại của Người.[28] Vậy theo đức tin Thiên Chúa đã hướng con người tới cứu cánh vượt quá bản tính tự nhiên của con người. Cho nên quả là xứng hợp nếu Thiên Chúa ban cho con người những hồng ân làm thành bậc công chính nguyên thuỷ, giúp con người suy phục Thiên Chúa, và kiến các vật khác phục luỵ con người.
§ III. VỀ YẾU TÍNH CỦA BẬC VÔ TỘI
Theo quan niệm của thánh Thomas, bậc vô tội của nhân loại được giãi bày qua ba đặc trưng này là: 1* lý trí của nguyên tổ loài người trực tiếp suy phục Thiên Chúa, như cứu cánh siêu nhiên của con người; 2* thân thể suy phục linh hồn; 3* các tài năng hạ cấp tuân phục lý trí. Sự suy phục thứ nhất là căn nguyên của hai sự suy phục sau (I, vđ.95, m.1).
I. PHẠM VI CỦA VẤN ĐỀ
1) Đối với các nhà thần học như Hugo de Saint Victor, Alexander Halensis, thánh Bonaventua cũng như thánh Thomas, bậc vô tội hay là công chính nguyên thuỷ là tình trạng của con người hoàn toàn ngay chính đối với Thiên Chúa. Nhưng giữa các nhà thần học ấy có sự khác biệt nền tảng: thánh Thomas thì cho bậc công chính này là bậc công chính siêu nhiên, còn các nhà thần học khác chỉ cho là bậc công chính tự nhiên. Hai ý kiến ấy khác nhau về bản tính của bậc công chính.
2) Vào những thập niên đầu thế kỷ 20 các nhà thần học đã tranh luận sôi nổi về yếu tính của bậc công chính nguyên thuỷ. Sở dĩ có cuộc tranh luận có lẽ là vì mỗi người giải thích tư tưởng của thánh Thomas cho phù hợp với quan niệm của mình về bậc thánh thiện nguyên thuỷ.[29]
II. HAI ĐIỀU CẦN PHÂN BIỆT
Trong bậc công chính nguyên thuỷ nên phân biệt hai điều rất khác nhau là: 1* Sự ngay chính của toàn thể con người, và 2* việc con người khuynh hướng về Thiên Chúa cách siêu nhiên.
a) Việc con người khuynh hướng về Thiên Chúa cách siêu nhiên này thể hiện trong việc lý trí trực tiếp suy phục Thiên Chúa, nghĩa là trong sư ngay chính của trí khôn đối với cứu cánh siêu nhiên: đó là sự suy phục căn bản và quan trọng nhất của bậc công chính nguyên thuỷ. Sự suy phục tiên quyết này không phải là chính ơn thánh hoá, mà là công hiệu của ơn thánh hoá.
b) Việc thân thể tuân phục linh hồn, và việc các năng lực hạ cấp tuân phục năng lực cao cấp, không phải là công hiệu của ơn thánh hoá, mà là công hiệu của những hồng ân mà Thiên Chúa phú vào linh hồn.
c) Trong bậc vô tội, việc con người hoàn toàn khuynh hướng về Thiên Chúa như cứu cánh siêu nhiên, là việc siêu nhiên, nên cũng là công hiệu của ơn thánh hoá. Lại vì sự tuân phục của những năng lực hạ cấp cũng được Thiên Chúa thông ban cho con người với mục đích quy hướng con người về cứu cánh siêu nhiên. Vì thế ơn thánh hoá không phải là mô thể của bậc công chính nguyên thuỷ, mà là cội rễ và căn nguyên[30] phát sinh ra toàn thể những hồng ân của bậc ấy.
Sự khác biệt giữa ơn thánh hoá và bậc công chính là sự khác biệt thiết thực, nhưng không toàn ứng (differentia inadaequata), giống như sự khác biệt giữa các rễ và thân cây, được rễ chuyển nhựa sống lên để nuôi dưỡng.
III. A) YẾU TÍNH CỦA BẬC CÔNG CHÍNH NGUYÊN THUỶ HỆ TẠI LÝ TRÍ SUY PHỤC THIÊN CHÚA; B) NHƯNG CỘI RỄ VÀ LÝ DO TIÊN QUYẾT CỦA BẬC ẤY LÀ ƠN THÁNH HOÁ
Ta có thể viện chứng cho từng phần của mệnh đề đó như thế này:
Phần A. (Yếu tính của bậc công chính nguyên thuỷ hệ tại trí khôn suy phục Thiên Chúa).
Yếu tính của bậc công chính nguyên thuỷ là việc toàn thể con người khuynh hướng trực tiếp và trọn vẹn về Thiên Chúa, như về cứu cánh siêu nhiên.
Mà điều chính yếu của việc khuynh hướng đó hệ tại việc trí khôn suy phục Thiên Chúa.
Thực vậy, bậc công chính nguyên thuỷ cũng hàm súc việc thân xác tuân phục linh hồn, và các năng lực hạ cấp tuân phục năng lực cao cấp của linh hồn. Nhưng sở dĩ thân xác tuân phục linh hồn, và các năng lực hạ cấp suy phục năng lực cao cấp của linh hồn, là vì trí khôn đã suy phục Thiên Chúa. Cho nên cốt tính của việc khuynh hướng đó...
Cho nên yếu tính của bậc công chính nguyên thuỷ hệ tại trí khôn suy phục Thiên Chúa.
Phần B. (Nhưng cội rễ và lý do tiên quyết của bậc ấy là ơn thánh hoá).
Mục đích của bậc công chính hoá là làm cho toàn thể con người, với tất cả những năng lực, quy hướng về Thiên Chúa cách siêu nhiên. - Mà tính cách siêu nhiên của việc khuynh hướng ấy là công hiệu của ơn thánh hoá. - Cho nên cội rễ và lý do tiên quyết của bậc công chính là ơn thánh hoá.
A. Về những hồng ân riêng mà nguyên tổ được trong bậc công chính nguyên thuỷ (q.94, a.1-4).
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1) Như trong khảo luận về các thiên thần, sau khi bàn về bản tính, thánh Thomas liền bàn về sinh hoạt trí tuệ của chư vị thiên thần, thì khi bàn về những hồng ân của bậc vô tội, thánh Thomas cũng bàn ngay về ơn kiện cường khả năng của trí tuệ, rồi mới đến những hồng ân kiện cường ý muốn... Nhưng vì ơn kiện cường trí tuệ, được Thiên Chúa ban cho ông Ađam, theo tư cách là nguyên tổ, mà Người đặt làm đầu cai quản vạn vật thay mặt Người, nên chúng tôi đặt tiêu đề cho chương này là: Về những hồng ân riêng, nguyên tổ được, trong bậc công chính nguyên thuỷ.
2) Nguyên lý căn bản thánh Thomas dùng trong vấn đề này hình như không ăn khớp với sự kiện tiến hoá, dù là tiến hoá ôn hoà! Ngài viết: Trong phạm vi tự nhiên điều hoàn bị có trước điều bất toàn, như hiện thể có trước tiềm thể: vì chỉ nhờ một hữu thể ở trong hiện thể mà những chi ở trong tiềm thể mới trở thành hiện thể được.[31] Vì thế trong những công trình đầu tiên của thiên nhiên cần phải có sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa.[32] Nhưng điều đó không ngăn cản sự tiến hoá, vì từ khởi đầu, Thiên Chúa chẳng những tạo thành các vật để chúng hiện hữu, mà còn để chúng truyền sinh nữa.[33] Mà trong việc truyền sinh ta thấy thiên nhiên bắt đầu từ điều bất toàn đến điều hoàn bị như thế là cho thấy điều bất toàn có trước, nghĩa là có sự tiến hoá, dù chỉ là tiến hoá ôn hoà. Như thế có hai khía cạnh khác nhau, cho nên khi bàn về việc sinh sản, thánh Thomas cũng xác định là bắt đầu từ điều bất toàn.
3) Vấn đề cụ thể được bàn ở đây là tầm mức hiểu biết của nguyên tổ Ađam về Thiên Chúa và về vạn vật. Chúng ta có thể biểu thị tầm mức hiểu biết bằng mệnh đề sau đây:

II. MỆNH ĐỀ I: TRONG BẬC VÔ TỘI, NGUYÊN TỔ AĐAM: A.- KHÔNG THỊ KIẾN THIÊN CHÚA THEO YẾU TÍNH; B.- CŨNG KHÔNG THỊ KIẾN YẾU TÍNH CỦA CÁC THIÊN THẦN; C. - NHƯNG NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA VÀ THIÊN THẦN MỘT CÁCH HOÀN HẢO HƠN CHÚNG TA
Chúng ta có thể làm sáng tỏ từng phần của mệnh đề này như sau:
Phần A) (không thị kiến trực tiếp Thiên Chúa theo yếu tính).
1. Yếu tính của Thiên Chúa là chính đối tượng của phúc thanh nhàn. Vì thế thị kiến trực tiếp theo yếu tính là đạt tới phúc thanh nhàn. - Nhưng nguyên tổ Ađam, sống trong bậc công chính nguyên thuỷ, chưa đạt được phúc thanh nhàn.
Con người gắn bó với phúc thanh nhàn thế nào, thì trí tuệ cũng gắn bó với yếu tính của Thiên Chúa như thế. Mà không ai có thể tự ý tẩy chay phúc thanh nhàn đã đạt được. Cho nên không ai đã thị kiến yếu tính Thiên Chúa lại có thể tự ý tẩy chay yếu tính ấy, nghĩa là phạm tội. - Mà nguyên tổ Ađam đã phạm tội. - Cho nên chưa đạt được phúc thanh nhàn.
Cho nên trong bậc vô tội nguyên tổ Ađam không thị kiến trực tiếp yếu tính Thiên Chúa.
2. Kiến thức của các thiên thần thì hoàn hảo hơn của loài người. Mà thiên thần không thể thị kiến yếu tính Thiên Chúa (xc. I, vđ.56, m.3). - Cho nên trong bậc vô tội không thị kiến trực tiếp Thiên Chúa theo yếu tính.
Phần 3 (cũng không thị kiến yếu tính của các thiên thần).
Cách thức nhận biết tự nhiên của con người là quay về với giác tượng. - Mà yếu tính của thiên thần thì thiêng liêng, không được biểu thị đầy đủ qua giác tượng. - Cho nên nguyên tổ Ađam không trực kiến yếu tính của thiên thần.
Phần C (nhưng nhận biết Thiên Chúa và thiên thần một cách hoàn hảo hơn chúng ta).
Nhận biết Thiên Chúa qua trung gian những công hiệu của trí tuệ thì trác tuyệt hơn là qua trung gian những công hiệu của giác quan.
Kiến thức của nguyên tổ về Thiên Chúa và về các thiên thần được coi là thứ kiến thức ở giữa kiến thức trực tiếp và kiến thức gián tiếp; qua trung gian các tạo vật: không phải thị kiến thanh nhàn, cũng phải hoàn toàn qua trung gian những công hiệu của giác quan.
Vậy nhận biết của nguyên tổ về Thiên Chúa và về các thiên thần qua trung gian những công hiệu của trí tuệ hơn qua trung gian những công hiệu của giác quan, và được tập trung hơn. Còn nhận thức của chúng ta hiện nay thì qua công hiệu của giác quan, lại bị trở ngại bởi các vật hữu hình.
Trong các tạo vật, tạo vật nào càng thanh cao thì càng giống Thiên Chúa, nên càng giãi bày Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn. - Mà các công hiệu của lý trí thì thanh cao hơn các công hiệu của giác quan. Cho nên giãi bày Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn.
Nguyên tổ được dựng nên ngay chính (xc. Hc, 7,30), các năng lực hạ cấp nơi nguyên tổ phải tuân phục chứ không cản trở những năng lực cao cấp. Còn chúng ta thì bị những vật hữu hình và những đam mê chi phối làm phân tâm.
Cho nên nguyên tổ nhận biết Thiên Chúa và các thiên thần một cách hoàn hảo hơn chúng ta.
III. MỆNH ĐỀ II: NGUYÊN TỔ BIẾT.
A. - BẢN TÍNH CỦA MỌI ĐỘNG VẬT;
B.- VÀ MUÔN VẬT
Ta có thể chứng minh mệnh đề này như sau:
1) Thánh Kinh: Hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú (St 2,19-20). Nhưng tên gọi các vật phải phù hợp với bản tính của chúng. Cho nên nguyên tổ biết bản tính các động vật và các vật.
2) Lẽ thần học: Phần A. - (Nguyên tổ biết bản tính của mọi động vật).
Nguyên tổ được dựng nên như người cha của hậu thế, chẳng những để truyền sinh lại để truyền đạt kiến thức. - nhưng không cai có thể truyền đạt kiến thức nếu không quán triệt những điều phải truyền đạt, nghĩa là những điều hàm chứa trong những nguyên lý thủ yếu, tự hiển minh, cùng những điều cần thiết để con người có thể đạt tới cứu cánh siêu nhiên. - Cho nên nguyên tổ...
Phần B (và muôn vật).
Nguyên tổ được đặt làm bá chủ ca mặt đất, nghĩa là muôn vật trên mặt đế. Nhưng không thể là bá chủ muôn vật nếu không nhận biết chúng. Cho nên nguyên tổ biết muôn vật mà mình phải làm chủ.
IV. HỆ LUẬN
1. Nguyên tổ Ađam biết vạn vật bằng những ảnh niệm thiên phú. Nhưng nhận thức ấy cũng đồng loại với nhận thức của chúng ta, cũng như cặp mắt Chúa Kitô ban cho người mù bẩm sinh đồng loại với các con mắt thường (a.3 ad.1).
2. Nguyên tổ Ađam không biết hết những điều không cần thiết để cai quản vũ trụ, cũng không biết những điều con người suy nghĩ và ước muốn trong lòng, những điều tương lai bất tất, và một số cá vật, như tảng đá dưới đáy biển. Vì chính thiên thần cũng không quán triệt tất cả mọi sự (xc. I, vđ.93, m.3).
B. Những hồng ân chung mà nhân loại được trong bậc công chính nguyên thuỷ
Có năn hồng ân chung gồm thâu trong bậc công chính nguyên thuỷ, kiện toàn ý muốn và những năng lực của linh hồn, ấy là ơn thánh hoá, ơn vẹn toàn, ơn bá chủ vạn vật, ơn bất tử và ơn bất khả thụ cảm. Trong sáu tiết dưới đây, chúng tôi sẽ nói về từng ơn, rồi nhìn tổng hợp về phẩm tính của các hồng ân của bậc công chính nguyên thuỷ.
Về ơn thánh hoá (m.1.3.4)
Ơn thứ nhất và căn bản nhất của bậc công chính nguyên thuỷ là ơn thánh hoá.
1) Thánh Kinh. Ta không thể căn cứ vào nguyên Cựu Ước mà chứng minh cách xác quyết là trong bậc vô tội con người có ơn thánh hoá: Cựu Ước có cho biết con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa (xc. St 1,26); hoặc được dựng nên vốn đơn sơ ngay thẳng (Gv 7,30). Nhưng những hạn từ ấy không trực tiếp nói lên ơn thánh hoá (gratiam sanctificantem), dẫu một số giáo phụ hiểu những cụm từ ấy theo nghĩa siêu thiêng.
Nhưng trong Tân Ước quả có bằng chứng về sự thực hữu của ơn thánh hoá trong bậc vô tội. Thực vậy, khi thánh Phaolô nói về ân sủng của Chúa Giêsu, hoà giải con người (reconciliatio) với Thiên Chúa (Rm 5,11); đổi mới (renovamini) tâm trí anh em (Ep 4,23); đổi mới (qui renovatur) theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá (Cl3,10), thì những kiểu nói ấy chỉ có nghĩa khi hiểu về ơn thánh hoá của bậc công chính nguyên thuỷ. Đàng khác, khi gọi Chúa Giêsu là Ađam mới[34] cũng có ý nói đến Ađam thứ nhất đã sống trong bậc ơn thánh hoá.
2) Đạo lý của Giáo Hội. Công đồng Trento, giữ vững đạo lý của các Công đồng trước, nhất là của Công đồng Orange và Quiercy, đã buộc phải tin rằng, nguyên tổ Ađam đã lỗi giới răn Thiên Chúa mà đánh mất sự thông hiệp và công chính nguyên thuỷ.[35] Mà ta chỉ có thể đánh mất điều ta đã có.
3) Lẽ thần học của thánh Thomas: Bậc vô tội, xét như trạng thái mà bản tính nhân loại hướng thẳng về cứu cánh siêu nhiên, có thể hiểu theo bình diện tĩnh và bình diện động. Theo bình diện tĩnh bậc vô tội này ưu tiên trụ tại yếu tính của linh hồn. Về điểm này thánh tiến sĩ Thiên thần viết: Sự công chính nguyên thuỷ trước hết thuộc về yếu tính của linh hồn.[36] Đàng khác ngài cũng khẳng định: Sự công chính nguyên thuỷ không có trong ý chí nếu không có trong yếu tính của linh hồn trước.[37] Sở dĩ như thế là vì ơn vô tội là hồng ân của bản tính, mà bản tính thì ưu tiên biểu thị yếu tính.
Theo bình diện động thì bậc vô tội nhằm và phần thượng của tâm hồn là trí khôn và ý chí, được biểu thị bằng sự hướng thẳng về Thiên Chúa, như cứu cánh siêu nhiên; mà việc quy hướng này thì chính yếu thuộc về ý chí:[38] vì ý chí là tài năng của linh hồn nhằm vào mục đích như đối tượng.
Việc bản tính hướng thẳng về Thiên Chúa, như cứu cánh siêu nhiên, trên bình diện tĩnh cũng như động, là điều cấu thành và biểu thị sự tùng phục thứ nhất và quan trọng nhất của bậc vô tội, là việc lý trí trực tiếp tùng phục Thiên Chúa. Để được như vậy nhất thiết phải có ơn thánh hoá. Yếu tính của bậc vô tội hệ tại sự tùng phục này.[39]
Chúng ta có thể nói cách vắn gọn rằng: Bậc vô tội hay bậc công chính nguyên thuỷ là tổng thể những hồng ân Thiên Chúa ban cho bản tính loài người, trong đó nổi bật nhất là ơn thánh hoá. Cho nên không thể có những hồng ân ấy nếu không có ơn thánh hoá.
Bậc công chính làm cho con người suy phục Thiên Chúa, như cứu cánh siêu nhiên; sự suy phục này gồm ba thứ là: trí khôn trực tiếp suy phục Thiên Chúa; thân xác suy phục linh hồn; và những năng lực hạ cấp suy phục năng lực thượng cấp. Sự suy phục thứ nhất là nguyên nhân của sự suy phục thứ hai và thứ ba. Nhưng để trí khôn suy phục Thiên Chúa như cứu cánh siêu nhiên cần phải có ơn thánh hoá (xc. vđ.95, m.1).
Cho nên ơn thứ nhất và căn bản nhất của bậc công chính nguyên thuỷ là ơn thánh hoá.
III. HỆ LUẬN:
1) Trong bậc vô tội con người không lúc nào thiếu ơn thánh hoá.[40]
Mặc dầu Thiên Chúa có thể để con người trong bậc vô tội một thời gian rồi mới ban ơn thánh hoá.[41] Nhưng đây là trạng thích nghịch thường không phù hợp với lòng nhân hậu của Thiên Chúa: vì trong trường hợp này con người đã được đưa lên bậc siêu nhiên, nhưng không có phương tiện tương ứng để đạt tới. - Cho nên trong bậc vô tội...
2) Trong bậc vô tội, cùng với ơn thánh hoá con người có mọi nhân đức hoàn bị thích đáng, nhưng không có đức sám hối và xót thương (q.95, a.3)
Về ơn vẹn toàn (vđ.95, m.2)
I. KHÁI NIỆM
Ơn vẹn toàn (integritas) là ơn làm cho bản tính nhân loại được miễn nhiễm mọi giác dục. Giác dục là đam mê của con người hướng về điều thiện khoái cảm. Con người là vật kép bởi hồn và xác, nên tự nhiên khuynh hướng về điều thiện khoái cảm, lại tự nhiên ta không thể ngăn cản được những cảm xúc ngoại ý, đôi khi lôi cuốn ý chí, tương phản với đức hạnh.
Mà trong bậc vô tội, nguyên tổ được ơn chế ngự mọi giác dục và mọi xúc cảm, không cho chúng đi trước và đi ra ngoài trật tự của trí khôn.
Ơn này được mệnh danh là ơn vẹn toàn.
II. TRONG BẬC CÔNG CHÍNH NGUYÊN THUỶ, NGUYÊN TỔ ĐÃ ĐƯỢC ƠN VẸN TOÀN
1) Thánh Kinh: Sách Sáng Thế (2,25) kể lại rằng: Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau. Điều đó không thể giải thích, nếu nhục dục không được hoàn toàn chế ngự. Sách Giảng Viên (7,39) cũng viết: Thiên Chúa dựng nên con người đơn sơ ngay thẳng, nghĩa là hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, và như vậy, phần hạ hoàn toàn suy phục phần thượng. Điều đó cũng được củng cố bởi giác dục và sự xấu hổ mà tổ phụ và tổ mẫu cảm thấy sau khi đã phạm tội: Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân. Nghe thấy tiếng Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa, là Thiên Chúa (St 3,7-8).
2) Đạo lý của Giáo Hội dạy rằng, giác dục nguyên nó không phải là tội, và vẫn tồn tại nơi người đã lãnh nhiệm tích thánh tẩy, nhưng cũng dạy rằng giác dục phát xuất bởi tội và khuynh hướng về tội lỗi.[42] Vậy nếu giác dục phát xuất bởi tội, tất nhiên trước khi phạm tội thì chưa có. Cho nên ơn vẹn toàn là hồng ân của bậc vô tội.
3) Lẽ thần học: Các đam mê, phát xuất từ giác dục (appetitu sentitivo), có đối tượng là thiện và ác. Cho nên trong các đam mê có thứ thì hướng về điều thiện như lòng yêu mến và sự vui mừng, có thứ hướng về điều ác, như sự sợ hãi và đau đớn.
Nhưng trong bậc vô tội không có điều ác nào đã xảy ra hay hòng xảy ra; cũng không có điều thiện nào đã mất hay chưa có còn phải mong ước. Cho nên nơi nguyên tổ không có những đam mê nhằm về quá khứ hay tương lai.
Còn về những đam mê hướng về điều thiện hay điều ác hiện diện, như yêu thích và vui sướng, và những đam mê hướng về điều thiện sẽ có vào thời buổi của nó, như sự ước muốn và hy vọng thì có trong bậc vô tội. Nhưng không có một cách như nơi chúng ta. Nơi chúng ta các đam mê ấy không hoàn toàn tuân phục lý trí, có lúc chúng vượt khỏi vòng kiểm soát của lý trí mà đến với chúng ta, nên làm xáo trộn và cản trở phán đoán ngay thẳng. Còn trong bậc vô tội thì giác dục hoàn toàn suy phục lý trí. Sự hoàn toàn suy phục này là do ơn vẹn toàn.
Cho nên trong bậc vô tội nguyên tổ được ơn vẹn toàn.
Về ơn bá chủ vạn vật (vđ.96, m.1.2).
Để tỏ rõ sự trọng vọng và phẩm giá cao quý của con người, trong bậc vô tội, chẳng những Thiên Chúa đã ban cho nguyên tổ ơn thánh hoá và ơn vẹn toàn, lại còn ban cho ơn bá chủ vạn vật.
I. VÌ BẢN TÍNH CỦA MÌNH VÀ VÌ TRÍ KHÔN TRỰC TIẾP TUÂN PHỤC THIÊN CHÚA, 1. - NGUYÊN TỔ ĐƯỢC ƠN BÁ CHỦ VẠN VẬT; B.- ƠN MÀ NGUYÊN TỔ SỬ DỤNG ĐỐI VỚI MỖI VẬT MỘT CÁCH KHÁC NHAU
1) Thánh Kinh: Thiên Chúa phán: Chúng ta sẽ làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất (...) Thiên Chúa chúc phúc cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất (St 1,26.28).
2) Đạo lý của các thánh giáo phụ. Thánh Gioan Kim Khẩu viết: Ở đây hiển nhiên là con người có quyền bá chủ, và quyền bá chủ đầy đủ và hoàn bị trên súc vật. Tôi không chối là bây giờ chúng ta kinh hãi chúng và chúng làm cho chúng ta khiếp sợ, cũng như chúng ta không có quyền bá chủ trên chúng. Nhưng điều này không làm cho lời hứa của Thiên Chúa sai lạc, vì hồi sơ khai thì không như vậy, trái lại súc vật kính sợ chủ của mình. Nhưng chúng ta mất quyền bá chủ ấy từ khi chúng ta không tuân phục Thiên Chúa.[43]
3) Lẽ thần học: Phần A: (Nguyên tổ được ơn bá chủ vạn vật).
1. Tự nhiên mọi súc vật đều tuân phục loài người vì ba lý do: vì diễn tiến của thiên nhiên; vì trật tự của lượng an bài; vì đặc tính của con người và của súc vật.
a) Vì diễn tiến của thiên nhiên. Như diễn tiến trong việc sinh sản của các vật là đi từ khiếm khuyết đến hoàn hảo thế nào, thì diễn tiến trong sự sử dụng các vật tự nhiên cũng thế.
Trong việc sản xuất: chất thể vì mô thể; mô thể khiếm khuyết vì mô thể hoàn hảo. Trong việc sử dụng: thảo mộc thì nuôi mình bằng đất; súc vật thì bằng thảo mộc; con người thì dùng cả thảo mộc lẫn súc vật.
Cho nên tự nhiên con người làm bá chủ súc vật.
b) Vì trật tự của lượng an bài. Theo trật tự này các vật hạ đẳng được các vật thượng đẳng điều khiển. Vậy con người, ở trên súc vật vì mang hình ảnh của Thiên Chúa. Cho nên đáng điều khiển và bá chủ muôn vật.
c) Vì đặc tính của con người và súc vật. Theo sự thẩm định tự nhiên, ta thấy trong vài trường hợp đặc thù, súc vật được thông dự phần nào sự khôn ngoan. Nhưng nơi con người có sự khôn ngoan phổ quát, là lẽ phải của những điều khả hành. Mà phàm chi có vì được thông dự thì phải phục tùng điều có do yếu tính. Cho nên theo đặc tính con người được bá chủ trên vạn vật.
Vậy sở dĩ vạn vật không tuân phục con người thì đó là hình phạt tội lỗi, vì con người không tuân phục Thiên Chúa (xc. vđ.95, m.1).
Cho nên trong bậc vô tội con người được quyền bá chủ vạn vật.
Phần B (Ơn mà nguyên tổ sử dụng đối với mỗi vật một khác).
Con người là như tiểu vũ trụ, tức là gồm nhiều yếu tố.
Nơi con người có bốn yếu tố là: lý trí, làm cho con người giống các thiên thần; sức cảm giác làm cho con người giống súc vật; sức dinh dưỡng, làm cho con người giống thảo mộc; chính thân thể, làm cho con người giống các vật thể khác.
Vậy con người điều khiển các yếu tố ấy nơi chính mình thể nào thì cũng điều khiển các vật khác như vậy.
trí nơi con người đóng vai ông chủ điều khiển, và không lệ thuộc vào chủ nhân nào, nên trong bậc vô tội nguyên tổ không bá chủ các thiên thần.
Sức cảm giác, như nộ dục và tham dục, là những đam mê tuân phục lý trí phần nào, nên được lý trí điều khiển bằng cách truyền khiến.
Còn sức sinh dưỡng và chính thân thể thì con người làm bá chủ, không phải bằng truyền khiến, mà bằng cách sử dụng.
Cho nên trong bậc vô tội, nguyên tổ sử dụng quyền bá chủ đối với mỗi vật một khác.
III. HỆ LUẬN
Quyền bá chủ ấy cũng bao trùm trên những người khác, nếu trong bậc ấy có những người khác; những là để hướng dẫn chứ không phải là áp chế, như ông chủ đối với những tôi tớ.
Cả trong bậc vô tội con người cũng có thể khác nhau về đức công bình và kiến thức của linh hồn, vì có thể tự do sử dụng và luyện tập theo sự siêng năng hơn kém của mỗi người. Về sức khoẻ và sự khôi ngô của thân thể cũng vậy, vì có thể chịu ảnh hưởng khác nhau của không khí và ánh sáng mặt trời (xc. vđ.96, m.3).
Về ơn bất hoại (vđ.97, m.1)
I. KHÁI NIỆM
1) Để sự hoàn thiện, hạnh phúc và sự hài hoà toàn diện của con người, - đã được kết tinh bởi những ơn thánh hoá, ơn vẹn toàn và bá chủ trên vạn vật, - khỏi bị băng hoại, trái lại được luôn luôn duy trì, Thiên Chúa còn ban ơn bất hoại về thân thể, để sống cường tráng suốt thời gian Thiên Chúa đã định, rồi được đưa cả thân thể lẫn linh hồn về hưởng vinh phúc muôn đời, mà không phải qua những đau khổ của sự chết, là ơn bất tử.
2) Thánh Thomas phân biệt ba thứ bất tử: 1* bất tử về phía chất thể, vì là hữu thể không có chất thể, như các thiên thần; 2* bất tử về phía mô thể, như một thể thức phẩm định một vật, do bản tính hay hư hoại, giúp nó trở thành bất hoại, như những thân thể vinh quang; 3* bất tử do tác căn, cản trở sự hư hoại tự nhiên của thân thể.
II. SỰ BẤT TỬ CỦA NGUYÊN TỔ: A. - KHÔNG HỆ TẠI CHẤT THỂ HAY MÔ THỂ BẤT HOẠI; B. - NHƯNG HỆ TẠI NĂNG LỰC NGOẠI NHIÊN TRONG LINH HỒN ; C.- DO THIÊN CHÚA TRỰC TIẾP PHÚ BAN MỘT TRẬT VỚI ƠN THÁNH HOÁ
1) Lý chứng của Thánh Kinh. - Thiên Chúa đã ngăm đe nguyên tổ bằng mệnh lệnh minh bạch: Nhưng trái cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi đừng có ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn nguyên sẽ phải chết (St 2,17). Lời ngăm đe ấy chỉ trở thành sự thực sau khi nguyên tổ đã vi phạm lệnh cấm, vì lúc đó Chúa mới phán: Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất (St 3,19).
Đàng khác sách Khôn Ngoan cũng chép: Thiên Chúa không kiến tạo sự chết (1,7), trái lại còn khẳng định: Thiên Chúa dựng nên con người bất tử 1,23). Thánh Phaolô đã củng cố đạo lý này, khi ngài viết: Vì một người duy nhất (Ađam), mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết (Rm 5,12; 1Cr 15,21).
2) Đạo lý của Giáo Hội. - Giáo Hội đã ấn định điều này trong Công đồng Carthage (DS 222), Orange II.[44]
3) Lẽ thần học. Phần A. - Sự bất tử của nguyên tổ không hệ tại chất thể hay mô thể bất hoại).
Nếu sự bất hoại của nguyên tổ, trong bậc vô tội, hệ tại chất thể hay mô thể bất hoại, thì phải do thân thể hay do linh hồn.
Vậy sự bất tử ấy không là do thân thể, vì không phải là điều tự nhiên nội tại của thân thể: thân thể là vật kép bởi nhiều yếu tố, nên xét theo nội căn thì tự nhiên có thể phân hoá. Cũng không thể do linh hồn thông cho điều gì siêu nhiên, và không thể mất (indefectibile), phẩm định thân thể, vì ngay khi linh hồn còn ở trong thân xác, nguyên tổ đã đánh mất ơn ấy khi lỗi lệnh Thiên Chúa. - Đàng khác, chỉ linh hồn vinh quang mới có thể thông cho thân thể điều siêu nhiên , làm cho nó trở thành bất hoại. - Nhưng bậc vô tội thì khác với bậc vinh quang, vì sự bất hoại của vinh quang được hứa như phần thưởng (xc. I, vđ.97, m.1, gđ.4).
Cho nên sự bất tử của nhân loại không hệ tại chất thể hay mô thể nơi con người.
Phần B. (nhưng hệ tại năng lực ngoại nhiên trong linh hồn).
Vì “Thượng hoà hạ mục, thượng bất chính hạ tắc loạn”. thế nên bao lâu lý trí con người tuân phục Thiên Chúa thì Người ban cho linh hồn một thứ năng lực ngoại nhiên, khả dĩ duy trì những yếu tố khác nhau trong thân thể cho khỏi phân hoá và hư hoại.
Vậy trong bậc vô tội, phần thượng nơi con người, là linh hồn, đã hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa, nên được Người ban một năng lực ngoại nhiên, khả dĩ duy trì những yếu tố khác nhau trong thân thể, là phần hạ, cho khỏi phân hoá.
Cho nên sự bất tử hệ tại năng lực ngoại nhiên trong linh hồn.
Phần C: (do Thiên Chúa trực tiếp phú ban một trật với ơn thánh hoá).
Năng lực ngoại nhiên trong linh hồn, khác với ơn thánh hoá nhưng được ban trong bậc vô tội, hẳn đã được Thiên Chúa trực tiếp phú ban cho linh hồn làm một với ơn thánh hoá.
Vậy ơn bất tử là năng lực ngoại nhiên trong linh hồn, khác với ơn thánh hoá, đã được ban cho nguyên tổ trong bậc vô tội.
Khác với ơn thánh hoá, vì người công chính ngày nay có ơn thánh hoá mà không có ơn bất tử. Còn được ban trong bậc vô tội tức là một trật với ơn thánh hoá.
Về ơn bất thụ cảm (vđ.97, m.2)
I. KHÁI NIỆM
Ơn vẹn toàn san bằng những trắc trở trong lãnh vực luân lý, có thể ngăn cản đời sống ơn thánh của con người; ơn bất tử san bằng nguy cơ của sự chết; nhưng điều thích hợp là được miễn khỏi những xúc động thể lý và tâm lý, bề trong và bề ngoài, để con người có thể liên kết với Thiên Chúa, cứu cánh của mình, một cách an bình, thanh thản. Để được như thế Thiên Chúa ban cho nguyên tổ ơn bất khả thụ cảm (impassibilitas), thản nhiên sinh sống, không gặp phải những phiền hà của đam mê.
Ở đây, chúng tôi hiểu đam mê theo nghĩa hẹp để biểu thị những xúc động mạnh, mà con người cảm thấy, với những biến chuyển cơ thể kèm theo; hiểu cụ thể là công hiệu của hoạt động, như những mệt mỏi, cực nhọc, đau đớn, bệnh tật, lo âu, keo kiệt, tranh chấp...
Nguyên tổ của chúng ta, trong bậc công chính nguyên thuỷ, không cảm thấy những cực nhọc ấy, trạng thái miễn nhiễm ấy gọi là bất khả thụ cảm.
II. TRONG BẬC CÔNG CHÍNH NGUYÊN THUỶ, NGUYÊN TỔ KHÔNG CẢM THẤY NHỮNG PHIỀN HÀ, PHÁT XUẤT DO NỘI HAY NGOẠI CĂN, QUẤY PHÁ CUỘC AN SINH CỦA TÂM HỒN VÀ THỂ XÁC
1) Lời Thánh Kinh: Sách Sáng Thế tường thuật việc Thiên Chúa đặt nguyên tổ trong vườn Eden, cho phép ăn mọi trái cây trong vườn, chỉ trừ trái của cây biết lành biết dữ, hễ ăn trái cây ấy là phải chết (xc. 2,15-17). Nhưng nguyên tổ đã lỗi lệnh Thiên Chúa, nên Người đã phán với nguyên tổ: Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: Ngươi đừng ăn nó, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Người sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn (St 3,17-19). Như vậy trước khi phạm tội thì không phải lao lung như thế.
2) Đạo lý của Giáo Hội: Giáo huấn thông thường của Giáo Hội vẫn dạy là có ơn bất khả thụ cảm, mà Công đồng Trento cũng đã nhắc đến điều đó khi bàn về tội nguyên tổ.[45]
3) Các thánh giáo phụ, như các thánh Basilio, Gioan Kim Khẩu và Augustinô, đã công nhận và mô tả cảnh sống thanh nhàn của nguyên tổ trong vườn địa đàng.[46]
4) Lẽ thần học: Những phiền hà quấy phá cuộc an sinh của tâm hồn hay thân thể, hoặc do nội căn hoặc do ngoại căn.
Vậy nhờ hiệu lực của sự hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa, linh hồn được bá chủ trên thân thể và những năng lực hạ cấp bên trong và bên ngoài, đến nỗi không chi xảy ra ngoài tầm kiểm soát của trí khôn, hay xung khắc với trí khôn.
 Quyền bá chủ này phần thì nhờ trí khôn linh lợi, biết xa lánh những độc hại, phần thì nhờ lượng quan phòng của Thiên Chúa ban sự siêu nhiên cho linh hồn trung tín với Người (m.2, gđ.4).
Cho nên trong bậc vô tội nguyên tổ không cảm thấy...
III. HỆ LUẬN
Sự thanh thản về linh hồn và thân thể, trong bậc vô tội thì hoàn hảo hơn sự thanh thản do ơn thánh hoá mang lại, vì ơn thánh hoá không đẩy lui những đau khổ thể lý, cũng không triệt tiêu những xúc động chưa kịp suy của giác dục.
§ IV. VỀ PHẨM TÍNH CỦA NHỮNG ÂN SỦNG TRONG BẬC CÔNG CHÍNH NGUYÊN THUỶ
I. KHÁI NIỆM VỀ TỰ NHIÊN, SIÊU NHIÊN VÀ NGOẠI NHIÊN
1) Điều tự nhiên (naturale) biểu thị tất cả những chi thuộc về một vật nào theo bản tính của nó, hoặc như những nguyên tố cấu thành, như thuộc tính, hoặc như điều mà vật ấy có thể đòi hỏi để được hoàn thiện, và để theo đuổi mục đích riêng. Chẳng hạn đối với con người là thân thể và linh hồn thiêng liêng bất tử, nguyện vọng hiểu biết...
2) Điều siêu nhiên (supernaturale), là điều vượt quá khả năng chủ động và những yêu sách bản nhiên của một vật. Sự trổi vượt này có thể là tuyệt đối hay tương đối.
1* Siêu nhiên tuyệt đối là điều trổi vượt về mặt bản thể, nghĩa là vượt quá khả năng của các vật đã được tạo thành, hay có thể được tạo thành, cùng những yêu sách của các vật ấy. Thí dụ ơn thánh hoá.
2* Siêu nhiên tương đối là siêu nhiên về phía chủ thể hay theo cách thức phát sinh công hiệu. Chẳng hạn việc ban sự sống được thông cho một vật bằng việc sinh sản; và sức khoẻ được hoàn lại cho bệnh nhân bằng cách sử dụng thuốc men là những sự kiện tự nhiên. Nhưng làm cho kẻ chết sống lại và cho một bệnh nhân được lành mạnh ngay tức khắc, bằng một lời nói, chứ không bằng đấm bóp, châm cứu, bấm huyệt, hay thuốc men là những hiện tượng tương đối siêu nhiên không ai có thể phủ nhận.
3) Điều ngoại nhiên (praeternaturale), là điều mặc dù vượt quá khả năng chủ động và những yêu sách của một vật, nhưng lại rất xứng hợp với bản tính của nó, vì sửa chữ những khuyết điểm tự nhiên, và kiện toàn vật ấy trong lãnh vực của nó. Chẳng hạn sự bất hoại của thân thể là điều vượt quá khả năng và những yêu sách của bản tính nhân loại, nhưng nếu Thiên Chúa ban cho con người cách nhưng không, thì điều đó vừa là hồng ân lớn lao, vì bổ khuyết cho sự thiếu thốn tự nhiên, vừa là điều rất xứng hợp, vì con người mang trong mình linh hồn bất tử theo bản tính.
II. MỆNH ĐỀ: ƠN THÁNH HOÁ LÀ: A.- ƠN SIÊU NHIÊN THEO BẢN THỂ; B. - CÒN NHỮNG HỒNG ÂN KHÁC CỦA BẬC CÔNG CHÍNH NGUYÊN THUỶ LÀ NHỮNG ƠN NGOẠI NHIÊN; C. - NHƯNG TẤT CẢ ĐỀU LÀ NHỮNG ƠN NHƯNG KHÔNG
1) Lẽ Thánh Kinh dạy ta điều đó rõ ràng. Thánh Phaolô viết: Tinh thần anh em lãnh nhận đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải run sợ như xưa; nhưng là tinh thần làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: Abba! Cha ơi! (xc. Rm 8,14-17). Thánh Phêrô xác định là chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4). Còn thánh Gioan thì viết: Chúa Cha yêu ta đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa (1Ga 3,1-2). Tất cả những trích văn đó đều nói lên bậc siêu nhiên theo bản thể của con cái Thiên Chúa.
2) Đạo lý của Giáo Hội: Sách Giáo lý Công giáo dạy: Ơn thánh hoá là một thường sủng, một thể thức vững bền và siêu nhiên, hoàn thiện hoá chính linh hồn, cho nó khả năng sống Thiên Chúa, và hoạt động bằng tình yêu của Người (số 2000).
3) Lẽ thần học: Phần A (ơn thánh hoá là ơn siêu nhiên theo bản thể).
Ơn thánh hoá là sự thông dự chính bản tính của Thiên Chúa. Mà tham dự chính bản tính Thiên Chúa tức là thông dự sự sống vĩnh cửu của Chúa Ba Ngôi. Việc thông dự này quả là điều vượt quá khả năng và những yếu sách của bản tính nhân loại. Cho nên ơn thánh hoá là điều siêu nhiên theo bản thể.
Phần B. (còn những hồng ân khác của bậc công chính nguyên thuỷ là những ơn ngoại nhiên).
1. Đạo lý của Giáo Hội. Giáo Hội đã nhiều lần luận phi chủ trương của M. Baius[47] và của các nhà thần học tại Pistoria[48] cho bậc vẹn toàn và bất tử của nguyên tổ Ađam là điều tự nhiên, tạo vật có quyền đòi hỏi, chứ không phải hồng ân của Thiên Chúa.
2. Lẽ thần học: Những hồng ân Thiên Chúa ban, tuy con người không có quyền đòi hỏi nhưng lại rất xứng tiện với con người thì gọi là những ơn ngoại nhiên.
Vậy những hồng ân của bậc công chính nguyên thuỷ, tuy con người không có quyền đòi hỏi, nhưng xứng tiện với con người.
Xét theo khía cạnh tính. Con người là vật kép bởi linh hồn và thân thể. Xét về phía linh hồn thì việc con người được bất tử là chuyện xứng hợp, nhưng xét về thân thể thì lại là vật phải hư hoại và phải chết. Vì thế theo những nguyên tố cấu thành nội tại chẳng những không thể đòi cho được bất tử, mà còn phải an phận với tình trạng chết dần chết mòn. Ngoài ra còn phải đau khổ, mệt mỏi và mắc nhiều thứ bệnh tật.
Xét theo khía cạnh động. Linh hồn của con người chẳng những biết cảm giác, lại biết suy nghĩ, có những dục vọng và những khuynh hướng khác nhau, gây nên trong linh hồn một cuộc nội chiến trường kỳ. Trong cuộc chiến này dù linh hồn phải chế ngự thân thể và những đam mê của nó, nhưng không luôn luôn thành công.
Với một bản tính được cấu tạo và sinh hoạt như thế thì không thể đòi hỏi sự vẹn toàn, sự bá chủ vạn vật, sự bất tử, và sự bất khả thụ cảm; nhưng những điều đó lại xứng hợp với nguyên tổ trong bậc công chính nguyên thuỷ.
Vậy Thiên Chúa, Đấng có quyền tuyệt đối trên thân thể, có thể ban cho linh hồn con người sức mạnh để duy trì thân thể cho khỏi phân hoá, và để khắc phục thân thể cùng những năng lực hạ cấp.
Cho nên những hồng ân khác của bậc công chính nguyên thuỷ là những ơn ngoại nhiên.
Phần C. (nhưng tất cả đều là những ơn nhưng không).
Nếu ơn thánh hoá và những hồng ân của bậc công chính nguyên thuỷ là những con người có quyền đòi hỏi, thì hoặc do bản tính con người, hoặc do những ưu phẩm của Thiên Chúa, đòi hỏi.
Nhưng cả bản tính của con người như những ưu phẩm của Thiên Chúa không đòi hỏi.
Hiển nhiên là không do bản tính con người đòi hỏi: những nhân tố cấu tạo nên bản tính ấy tỏ rõ điều đó. Những ưu phẩm của Thiên Chúa cũng không. Chủ trương như vậy là mâu thuẫn: vì như vậy các ơn ấy sẽ vừa là tự nhiên vừa siêu nhiên.
Cho nên ơn thánh hoá cũng như những hồng ân khác của bậc công chính nguyên thuỷ đều là những ơn nhưng không.

 

Vấn đề 94

VỀ BẬC VÀ TÌNH TRẠNG CỦA NGƯỜI TIÊN KHỞI
VỀ MẶT TRÍ KHÔN


Tiếp đến phải bàn về bậc và tình trạng của người tiên khởi (xc. vđ.90, dẫn nhập). Trước hết, về linh hồn; thứ đến về thân thể (vđ.97).
Về linh hồn phải bàn về hai điều: một là tình trạng của người tiên khởi, về mặt trí khôn; thứ hai, về mặt ý muốn (vđ.95).
Về trí khôn cần tìm hiểu bốn mục.
1. Người tiên khởi có nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính chăng?
2. Có thể nhìn thấy những bản thể tách biệt, ấy là các thiên thần chăng?
3. Có kiến thức về mọi vật chăng?
4. Có thể sai lầm hay bị lừa gạt chăng?

MỤC 1:      Hình như người tiên khởi nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính.

1. Thực vậy, hạnh phúc của con người hệ tại nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa. Nhưng người tiên khởi sống trong địa đàng, có cuộc đời hạnh phúc và giàu mọi của cải, như thánh Damascenus viết trong cuốn II. Trong cuốn XIV De Civ. Dei. thánh Augustinô cũng viết: Nếu hồi ấy con người có những cảm tình như chúng ta ngày nay, thì họ hạnh phúc như thế nào trong nơi hạnh phúc khôn tả, là Địa đường? Cho nên người tiên khởi trong Địa đường nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính.
2. Vả lại, trong cuốn XIV De Civ. Dei thánh Augustinô viết: Người tiên khởi không thiếu điều gì mà ý muốn ngay lành có thể đạt được. Nhưng ý muốn ngay lành không còn có thể đạt được điều gì thiện hảo hơn là nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa. Cho nên hồi ấy con người đã nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính.
3. Vả lại, nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính là nhìn thấy Thiên Chúa không qua trung gian và qua điều bí ẩn. Nhưng trong bậc vô tội con người nhìn thấy Thiên Chúa không qua trung gian, như Pierre de Lombard viết trong giải thích 1 của cuốn IV Sent.. Cũng không nhìn thấy qua điều bí ẩn: vì điều bí ẩn hàm súc sự lờ mờ, như thánh Augustinô viết trong cuốn XV De Trin.; nhưng sự lờ mờ xâm nhập vào con người bằng tội lỗi. Cho nên trong bậc đầu tiên con người nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính.
NHƯNG. Thánh tông đồ viết trong thứ 1Cr (15,46) rằng: Không phải thần linh đến trước, nhưng là tâm lý. Nhưng nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính là thần linh tột mức. Cho nên người tiên khởi, trong bậc đầu tiên của cuộc sống tâm lý, không nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính.
LUẬN GIẢI. Người tiên khởi không nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính, theo tình trạng thông thường của cuộc sống đó; có chăng là trong lúc xuất thần, khi Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên Ađam, như chép trong Sáng Thế (2,21). Sở dĩ như thế là vì, yếu tính của Thiên Chúa là chính hạnh phúc, và bất cứ ai có thái độ nào đối với hạnh phúc, thì trí khôn của con người nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa có thái độ nào với Thiên Chúa. Mà hiển nhiên là không ai có thể tự ý tẩy chay hạnh phúc: vì con người ưa muốn hạnh phúc cách tự nhiên và tất yếu, cùng xa lánh sự khổ cực. Vì thế không ai nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính có thể tự ý tẩy chay Thiên Chúa, ấy là phạm tội. Và vì thế, mọi người nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính, được kiện định trong sự yêu mến Thiên Chúa, đến độ đời đời không thể phạm tội. Vậy vì Ađam đã phạm tội, nên hiển nhiên là hồi đó ông không nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính.
Nhưng ông biết Thiên Chúa với sự nhận biết cao siêu hơn chúng ta: vì thế sự nhận biết của ông là thứ nhận biết ở giữa sự nhận biết của cuộc sống hiện tại và sự nhận biết trên quê trời, nơi Thiên Chúa được nhận biết theo yếu tính. - Để nhận rõ điều đó nên suy rằng, sự nhận biết Thiên Chúa theo yếu tính thì đối lập với sự nhận biết Thiên Chúa qua vật thụ tạo. Nhưng thụ tạo nào càng cao trọng và càng giống Thiên Chúa hơn, thì qua thụ tạo đó Thiên Chúa càng được nhìn thấy cách minh bạch hơn: cũng như một người được nhìn thấy cách hoàn bị hơn qua tấm gương, trong đó hình ảnh của người hiển hiện cách minh bạch hơn. Và như thế hiển nhiên là Thiên Chúa được nhìn thấy cách đặc biệt trác tuyệt, qua trung gian của những công hiệu khả hội hơn là qua những công hiệu khả giác và hữu hình. Nhưng trong bậc sống hiện tại, con người bị cản trở trong việc chiêm niệm đầy đủ và sáng suốt những công hiệu khả hội, vì con người bị những vật khả giác làm phân tâm, cũng như vì bận tâm về những vật đó. Nhưng Thiên Chúa tác thành con người ngay thẳng như sách Giảng Viên viết (7,30). Mà sự ngay thẳng của con người, được Thiên Chúa cấu tạo, thì hệ tại những vật hạ cấp tuân phục những vật thượng cấp, và những vật thượng cấp không bị hạ cấp cản trở. Cho nên người tiên khởi không bị những vật bên ngoài cản trở trong việc chiêm niệm minh bạch và kiên bền những công hiệu khả hội, mà sự chiếu giãi của chân lý đệ nhất cung cấp cho ông, hoặc do sự nhận biết tự nhiên hay do ân sủng. Vì thế thánh Augustinô viết trong cuốn XI Super Gen. ad Litt. rằng: Có lẽ Thiên Chúa đã nói trước với những người tiên khởi, như nói với các thiên thần, bằng cách lấy chân lý bất biến soi sáng tâm trí của họ; dẫu không bằng việc thông dự cách đặc biệt yếu tính của Thiên Chúa như các thiên thần. Cho nên nhờ những công hiệu khả hội của Thiên Chúa, người tiên khởi nhận biết Thiên Chúa minh bạch hơn chúng ta hiện nay.
GIẢI ĐÁP. 1. Con người ở trong vườn địa đàng đã hạnh phúc, không phải thứ hạnh phúc mà con người sẽ được đưa tới, hệ tại nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa: nhưng con người có cuộc sống hạnh phúc cách nào đó, như thánh Augustinô viết trong cuốn XI Super Gen. ad Litt., vì có sự toàn vẹn và hoàn bị tự nhiên nào đó.
2. Ý chí ngay lành là ý chí có trật tự. Nhưng ý chí của người tiên khởi thì thiếu trật tự, nếu trong bậc lập công đã đòi chiếm hữu ngay điều được hứa như phần thưởng.
3. Có hai thứ trung gian. Một thứ được nhìn thấy một trật với điều nhờ nó mà được nhìn thấy; như con người được nhìn thấy trong tấm gương, và được nhìn thấy một trật với tấm gương. Hai là trung gian, mà sự nhận biết nó sẽ giúp ta đạt tới điều ta u minh; chẳng hạn như trung đoạn của một chứng minh. Thiên Chúa đã được nhận biết mà không có trung gian này; nhưng không phải không có trung gian thứ nhất. Thực vậy, người tiên khởi không cần phải nhờ công hiệu nào để chứng minh, như chúng ta, mới nhận biết Thiên Chúa; nhưng với cách thức của mình, người tiên khởi nhận biết Thiên Chúa một trật trong những công hiệu của Người, nhất là những công hiệu khả hội.
Cũng phải suy rằng, ta có thể hiểu sự lờ mờ, hàm súc trong cụm từ điều bí ẩn, hai cách. Một là, bất cứ thụ tạo nào cũng là một hữu thể lơ mờ nào đó nếu so sánh với mênh mông của ánh sáng Thiên Chúa: và theo nghĩa này Ađam nhìn thấy Thiên Chúa như trong điều bí ẩn, vì nhìn thấy Thiên Chúa bằng công hiệu thụ tạo. Hai là, có thể hiểu sự lờ mờ như theo sau tội lỗi, ấy là do sự bận tâm đến những điều khả giác mà con người bị cản trở trong việc suy niệm những điều khả hội: theo nghĩa này, con người không nhìn thấy Thiên Chúa trong điều bí ẩn.

MỤC 2:      Trong bậc vô tội, ông Ađam nhìn thấy các thiên thần theo yếu tính.

NGHI VẤN. Hình như trong bậc vô tội, ông Ađam nhìn thấy các thiên thần theo yếu tính.
1. Thực vậy, trong cuốn IV Dialog. thánh Gregorius viết: Trong vườn địa đàng, con người liên lỉ thưởng thức lời Thiên Chúa; và do trái tim trong sạch và do tầm nhìn cao viễn, được hợp đoàn với những hồn thiêng của các thiên thần vinh phúc.
2. Vả lại, trong bậc hiện tại, linh hồn bị cản trở trong việc nhận biết những bản thể phân lập, vì phối hợp với thân thể dễ hư mát khiến linh hồn ra nặng nề, như sách Khôn Ngoan (9,15) đã chép. Cho nên vong linh có thể trông thấy những bản thể phân lập, như đã nói trên (vđ.89, m.2). Nhưng linh hồn của người tiên khởi không bị thân thể làm cho nặng nề: vì không phải là thân thể khả hoại. Cho nên có thể trông thấy những bản thể phân lập.
3. Vả lại, một linh hồn tách biệt khi nhận biết mình thì nhận biết linh hồn khác, như thấy trong sách De Causis. Nhưng linh hồn của người tiên khởi nhận biết chính mình. Cho nên cũng nhận biết những bản thể phân lập.
NHƯNG. Linh hồn ông Ađam cũng có một bản tính như linh hồn chúng ta. Mà linh hồn ta hiện nay không thể hiểu biết những bản thể phân lập. Cho nên linh hồn của người tiên khởi cũng không.
LUẬN GIẢI. Có thể phân biệt bậc của người tiên khởi hai cách. Một là theo cách thức khác nhau của sự hiện hữu tự nhiên: với cách này ta phân biệt bậc của linh hồn phân lập với bậc của linh hồn phối hợp với thân thể. Hai là bậc của linh hồn theo sự toàn vẹn và hư hoại, trong cũng một cách hiện hữu theo bản tính: như vậy ta phân biệt bậc vô tội với bậc sau khi phạm tội. Quả thực, linh hồn trong bậc vô tội được chuẩn bị, như hiện nay, để kiện toàn và điều khiển thân thể: nên đã chép trong sách Sáng Thế (2,7):... và con người trở nên một sinh vật, nghĩa là cung cấp sự sống động vật cho thân thể. Nhưng con người có sự sống toàn vẹn này vì thân thể hoàn toàn suy phục linh hồn. Không cản trở nó chút nào cả, như đã nói trên (m.1). Do những điều trên đây hiển nhiên là linh hồn được chuẩn bị để điều khiển và kiện toàn thân thể theo sự sống động vật, nên linh hồn chúng ta phải có lối hiểu biết bằng cách quay về với giác tượng. Cho nên lối hiểu biết ấy cũng phù hợp với linh hồn của người tiên khởi.
Theo lối hiểu biết này, nơi linh hồn có sự chuyển biến theo ba cấp bậc, như Dionysius viết trong sách De div. Nom., chương 4. Cấp bậc thứ nhất hệ tại linh hồn từ những ngoại vật quay về với chính mình; cấp bậc thứ hai hệ tại vươn mình để phối hợp với những tiềm lực cao cấp, ấy là các thiên thần; cấp thứ ba hệ tại được đưa lên cao hơn nữa, đến điều thiện trên mọi điều thiện là Thiên Chúa. - Vậy theo quá trình thứ nhất của linh hồn, từ ngoại vật quay về với chính mình, sự nhận biết của linh hồn được kiện toàn. Vì hoạt động hiểu biết của linh hồn thì tự nhiên khuynh hướng về những vật bên ngoài, như đã nói trên (vđ.87, m.3). Như thế bằng sự nhận biết những vật ấy, hoạt động hiểu biết của chúng ta có thể được nhận biết cách hoàn bị, như hành vi được nhận biết bằng đối tượng. Và trí khôn nhân loại có thể được nhận biết bằng chính sự hoạt động hiểu biết, như tài năng được nhận biết bằng hành vi riêng. - Nhưng trong quá trình thứ hai ta không thấy có sự nhận biết hoàn bị. Vì thiên thần không nhận biết bằng cách quay về với giác tượng,nhưng một cách trác tuyệt hơn, như đã nói trên (vđ.55, m.2); lối nhận thức, linh hồn nhờ để nhận biết chính mình, không đủ để đưa đến sự nhận biết thiên thần. Quá trình thứ ba càng không thể đạt tới sự nhận biết hoàn bị: vì cả các thiên thần, vì lẽ biết mình, cũng không thể đạt tới sự nhận biết bản tính Thiên Chúa, vì sự cao viễn của bản tính ấy.
Vậy, linh hồn của người tiên khởi không thể trông thấy các thiên thần theo yếu tính. Nhưng nhận biết các ngài cách cao viễn hơn chúng ta: vì sự nhận biết của người tiên khởi về những thực tại bên trong thì chắc chắn và bền vững hơn sự nhận biết của chúng ta. Chính vì sự trác tuyệt đó mà thánh Gregorius viết: được hợp đoàn với những hồn thiêng của các thiên thần.
GIẢI ĐÁP. 1. Lời giải đáp cho nghi vấn 1 đã hiển nhiên.
2. Việc linh hồn thiếu hụt trong việc hiểu biết những bản thể phân lập không hệ tại sự nặng nề của thân thể; mà vì đối tượng bản nhiên của nó còn thua kém sự trác tuyệt của các bản thể phân lập. Còn chúng ta thì thiếu hụt vì cả hai bình diện.
3. Linh hồn người tiên khởi không thể nhờ sự nhận biết chính mình mà đạt tới việc nhận biết các bản thể phân lập, như đã nói trên (LG.): vì mỗi bản thể phân lập cũng nhận biết bản thể phân lập khác theo cách thức riêng của mình.

MỤC 3:      Người tiên khởi có kiến thức về mọi sự chăng?

NGHI VẤN. Hình như người tiên khởi không có kiến thức về mọi sự.
1. Thực vậy, người tiên khởi cớ kiến thức ấy hoặc bằng những ảnh niệm đã thu lượm, hoặc bằng những ảnh niệm bản nhiên, hoặc bằng những ảnh niệm phú bẩm. Nhưng không bằng những ảnh niệm đã thu lượm: thứ nhận biết này phát sinh từ kinh nghiệm, như thấy trong I Metaphys.; nhưng hồi đó người thứ nhất chưa có kinh nghiệm về mọi thực tại. Cũng không bằng những ảnh niệm bản nhiên: vì ông cũng có một bản tính như chúng ta; mà linh hồn chúng ta thì như tấm bảng chưa có chi được viết vào, như thấy trong cuốn III De Anima. Còn nếu nhờ những ảnh niệm phú bẩm thì nhận thức của ông không đồng bản tính với kiến thức của chúng ta, được chúng ta thâu lượm từ các vật.
2. Cũng một cách thức chinh phục sự hoàn bị phải có nơi mọi cá vật thuộc cũng một loại. Nhưng những người khác không có ngay tức khắc từ đầu kiến thức về mọi sự, mà phải chinh phục kiến thức đó qua dòng thời gian theo cách thức của mình. Cho nên cả ông Ađam, khi vừa được tác thành, cũng không có kiến thức về mọi sự.
3. Vả lại, bậc sống hiện tại ban cho con người để trong đó linh hồn được kiện toàn về nhận thức cũng như về công trạng; vì hình như vì thế mà linh hồn phối hợp với thân thể. Nhưng con người trong bậc ấy đã tiến triển về công trạng. Cho nên cũng tiến triển về sự nhận thức các vật. Thành thử không có kiến thức về mọi sự.
NHƯNG. Như sách Sáng Thế (2,20) chép: chính ông đặt tên cho các động vật. Mà tên thì phải phù hợp với bản tính của các vật. Cho nên ông Ađam đã biết bản tính của mọi động vật: cũng một lẽ, ông có kiến thức về mọi sự.
LUẬN GIẢI. Cứ trật tự tự nhiên, điều hoàn bị phải có trước điều bất toàn, như hiện thể có trước tiềm thể: vì những chi ở trong tiềm thể cũng chỉ nhờ điều ở hiện thể mà trở thành hiện thể. Và vì các vật được Thiên Chúa sản xuất đầu tiên để chẳng những tự lập hữu, mà còn để là nguyên uỷ cho những vật khác nữa. Nhưng con người có thể là nguyên uỷ của vật khác chẳng những bằng sự sinh sản về thân thể, mà còn về sự giáo dục và cai quản nữa. Vì thế như người thứ nhất được tạo dựng trong bậc hoàn bị về thân thể, để có thể sinh sản ngay, thì cũng được tạo dựng trong bậc hoàn bị về linh hồn, để có thể dạy dỗ và điều khiển tha nhân.
Nhưng không ai có thể dạy dỗ mà không có kiến thức. Cho nên người tiên khởi được Thiên Chúa tạo dựng cách hoàn bị đến độ có kiến thức về mọi sự mà tự nhiên con người có thể học hỏi. Và đây là những điều hàm chứa cách tiềm tàng trong những nguyên lý thủ yếu và tự hiển minh, nghĩa là những điều con người có thể nhận biết cách tự nhiên. Nhưng để điều khiển đời sống tư và của tha nhân, chẳng những phải biết những điều ta có thể biết cách tự nhiên, lại phải biết những điều ta có thể biết cách tự nhiên; vì cuộc đời của con người được quy hướng về mục đích siêu nhiên; cũng như để điều khiển đời sống tư, chúng ta cần phải nhận biết những điều thuộc về đức tin. Thành thử cần bao nhiêu kiến thức để điều khiển đời sống nhân loại theo bậc siêu nhiên ấy, thì người thứ nhất phải tiếp nhận ngần ấy kiến thức về những điều siêu nhiên.
Nhưng người tiên khởi không biết những điều không thể được nhận biết bằng sự ân cần riêng của con người, và cũng không cần để điều khiển cuộc đời nhân loại: chẳng hạn những tư tưởng của người đời, những điều tương lai bất tất, và một số điều riêng lẻ, như những hòn sỏi nằm ở lòng sông vv...
GIẢI ĐÁP. 1. Người tiên khởi có kiến thức về mọi vật nhờ những ảnh niệm Thiên Chúa phú ban. Nhưng kiến thức này không có bản tính khác với kiến thức của chúng ta; cũng như cặp mắt mà Chúa Giêsu ban cho người mù từ bẩm sinh, không có bản tính khác với cặp mắt tự nhiên.
2. Ông Ađam theo tư cách là người tiên khởi, phải có điều gì riêng, là điều không phù hợp với các người khác, như vừa nói trên (LG.).
3. Đối với kiến thức về những đối tượng tự nhiên, thì ông Ađam không tiến triển về số lượng những vật đã được nhận biết, nhưng về cách thức nhận biết: vì những điều ông đã biết theo trí hiểu, thì sau này ông biết nhờ kinh nghiệm. Còn về những điều siêu nhiên đã được nhận biết, thì cũng có thể tiến triển về số lượng, nhờ những mạc khải mới. - Nhưng sự tiến triển về công trạng thì không giống với sự tiến triển về kiến thức: vì người nọ không phải là nguyên uỷ để người kia lập công, như để hiểu biết.

MỤC 4: Con người trong bậc tự nhiên có thể bị lừa gạt chăng?

NGHI VẤN. Hình như con người trong bậc tiên khởi có thể bị lừa gạt.
1. Thực vậy, thánh tông đồ (1Tm 2,14) viết: người đàn bà đã bị dụ dỗ, và đã đắc tội lỗi phạm.
2 Vả lại Pierre de Lombard viết (21 dist. II Sent.): Sở dĩ người đàn bà không khiếp sợ khi nghe con rắn nói, vì bà tưởng nó đã được Thiên Chúa ban cho nhiệm vụ nói năng. Nhưng đó là điều sai lầm. Cho nên người đàn bà đã bị lừa gạt trước khi phạm tội.
3. Vả lại, cứ tự nhiên, một vật càng được nhìn từ xa, càng có vẻ bé nhỏ. Nhưng bản tính của con mắt không co lại bởi tội lỗi. Cho nên điều đó cũng xảy ra trong bậc vô tội. Cho nên con người bị lừa gạt về phân lượng của vật được trông thấy, cũng như ngày nay.
4. Vả lại, trong cuốn XII Super Gen. ad Litt. thánh Augustinô viết: trong giấc mơ linh hồn cho điều tương tự là chính thực tại. Nhưng trong bậc vô tội con người đã ăn, nhiên hậu cũng ngủ và cũng mơ. Cho nên đã bị lừa gạt, bám sát vào những tương tự như vào những thực tại.
5. Vả lại, người tiên khởi không biết những suy nghĩ của người đời và những tương lai bất tất, như đã nói (m.3). Vậy nếu về những chuyện đó, ai đã nói cho ông điều nào sai lầm, là ông đã bị lừa gạt.
NHƯNG. Thánh Augustinô nói: Cho đúng là sai thì không phải là điều bản nhiên của con người đã được tác thành, mà là hình phạt của con người bị khép án.
LUẬN GIẢI. Một số người cho rằng, cụm tự bị lừa gạt có thể mang theo hai ý nghĩa: một là bất cứ sự thẩm định hời hợt của người nào cho sai là đúng, nhưng không có sự công nhận của niềm tin; hai là sự tin tưởng vững vàng. Vậy đối với những điều mà ông Ađam đã có kiến thức, thì trước khi phạm tội ông không thể bị lừa gạt theo bất cứ cách nào trong hai cách đó. Nhưng đối với những điều ông không có kiến thức, thì ông có thể bị lừa gạt, theo nghĩa rộng của hạn từ, là sự thẩm định hời hợt mà không có sự công nhận của niềm tin nào cả. Họ nói thế vì cho rằng, việc thẩm định sai lầm trong những điều kiện ấy thì không hại cho con người; và vì không có sự công nhận liều lĩnh, nên không đắc tội.
Nhưng lập trường này không phù hợp với sự toàn vẹn của bậc tiên khởi: trong cuốn XIV De Civ. Dei, thánh Augustinô viết: trong bậc ấy có sự an nhàn xa lánh tội lỗi, và bao lâu còn như thế, thì tuyệt nhiên không thể có điều ác nào hết. Nhưng hiển nhiên là, như chân thật là điều thiện của trí khôn, thì sai lầm là điều ác của nó, như đã chép trong cuốn VI Ethic. Cho nên không thể có chuyện là, đang khi sự vô tội còn đó, mà trí khôn con người công nhận điều sai lầm nào như điều chân thật. Như nơi các chi thể của người tiên khởi, dù có thiếu thốn về sự hoàn bị nào đó, như về sự rạng rỡ (của thân thể vinh quang), nhưng không thể có điều ác nào cả; thì nơi trí khôn có thể có sự thiếu thốn về kiến thức nào đó, nhưng không thể có sự thẩm định sai lầm.
Ta cũng thấy rõ điều đó bởi sự ngay thẳng của bậc tiên khởi, theo bậc nay, bao lâu linh hồn tùng phục Thiên Chúa, bấy lâu những tiềm lực hạ cấp trong con người sẽ tùng phục các tiềm lực thượng cấp, và những tiềm lực này không bị tiềm lực hạ cấp cản trở. Do những điều trên đây (vđ.17, m.3; vđ.85, m.6), hiển nhiên là trí khôn luôn luôn đúng về đối tượng riêng. Cho nên nguyên nó không bao giờ sai lầm: nhưng mọi sai lầm là do yếu tố hạ cấp nào đó, như óc tưởng tượng hay là tài năng nào như thế. Cho nên chúng ta thấy, khi tài năng phán đoán tự nhiên không bị tê liệt, thì chúng ta không bị lừa gạt bởi những hiện tượng nào như thế; nhưng chỉ khi nào nó bị tê liệt, như thấy nơi những người ngủ. Cho nên hiển nhiên là sự ngay thẳng của bậc tiên khởi không tương dung với sự sai lầm nào về trí khôn.
GIẢI ĐÁP. 1. Sự lường gạt mà người đàn bà mắc phải, dù đến trước tội của hành động, nhưng theo sau tội kiêu ngạo bề trong. Như thánh Augustinô viết trong cuốn XI Super Gen. ad Litt.: hẳn người đàn bà không tin vào những lời của con rắn, nếu trong tâm trí đã không có sự yêu mến quyền hành riêng, và sự tự phụ nào đó về chính mình.
2. Người đàn bà tưởng con rắn có bổn phận nói năng, không phải bởi bản tính, mà do hoạt động siêu nhiên nào đó. - Nhưng đâu có cần thiết phải theo thế giá của Pierre de Lombard về điểm này.
3. Nếu có điều gì được trình bày cho giác quan hay sức tưởng tượng của người tiên khởi khác với thực tại của các vật, thì ông cũng không bị lừa gạt: vì nhờ lý trí ông biện phân thị phi.
4. Ta không quy trách điều xảy ra khi mơ cho con người: vì không có sự sử dụng lý trí, là hành vi riêng của con người.
5. Nếu có ai nói sai về những tương lai bất tất hay về những suy tư của tâm hồn, thì người ở trong bậc vô tội sẽ không tin thực quả là như thế, mà tin rằng có thể là như thế: nhưng như vậy thì không phải là thẩm định sai lầm.
Hoặc có thể nói rằng Thiên Chúa đã trợ giúp để ông khỏi sai lầm về những điều mà ông không có kiến thức. - Cũng không nên viện lý, như có người đã làm, là trong cơn cám dỗ ông không được trợ giúp để khỏi sai lầm, mặc dầu lúc ấy ông rất cần. Vì tội đã phát sinh trong tâm hồn, và ông không chạy đến xin Thiên Chúa trợ giúp.

 
 

Vấn đề 95

VỀ NHỮNG ĐIỀU LIÊN HỆ
ĐẾN Ý CHÍ CỦA NGƯỜI TIÊN KHỞI,
ẤY LÀ VỀ ÂN SỦNG VÀ SỰ CÔNG CHÍNH


Tiếp đến phải bàn về những điều liên hệ đến ý chí của người tiên khởi (xc. vđ.94, dẫn nhập); Về vấn đề này cần nghiên cứu hai điểm: một là về ân sủng và sự công chính của người tiên khởi; hai về sự sử dụng sự công chính trong việc chế ngự trên các vật khác (vđ.96).
Về điều thứ nhất cần tìm hiểu bốn mục.
1. Người tiên khởi có được tạo thành trong ân sủng chăng?
2. Trong bậc vô tội người tiên khởi có những đam mê trong linh hồn chăng?
3. Có mọi nhân đức chăng?
4. Những công việc của người tiên khởi có hiệu nghiệm để lập công như hiện nay chăng?

MỤC 1:      Người tiên khởi có được tạo thành trong ân sủng chăng?

NGHI VẤN. Hình như người tiên khởi không được tạo thành trong ân sủng.
1. Thực vậy, trong thư 1Cr (15,45), thánh Phaolô phân biệt Ađam với Chúa Giêsu, và nói: Con người đầu tiên là Ađam được tác thành nên một hồn sống: còn Ađam cuối cùng là thần linh làm cho sống. Cho nên được tác thành trong ân sủng là điều riêng biệt của Chúa Kitô.
2. Vả lại, thánh Augustinô viết trong sách De Quaestionibus Veteris et Novi Testamenti rằng ông Ađam không có Chúa Thánh Thần. Nhưng phàm ai có ân sủng cũng có Chúa Thánh Thần. Cho nên ông Ađam không được tác thành trong ân sủng.
3. Vả lại, trong sách De Correptione et Gratia, thánh Augustinô viết: Thiên Chúa xếp đặt đời sống của các thiên thần và của con người làm sao để trước hết tỏ ra nơi họ điều mà sự tự do tự quyết có thể làm, rồi điều mà hồng ân của thánh sủng và phán đoán công chính của Người có thể làm. Cho nên trước hết Thiên Chúa đã dựng nên Thiên Chúa và con người trong sự tự do tự nhiên, sau đó mới ban ân sủng.
4. Vả lại, trong chương 24 của I Sent., Pierre de Lombard viết: Chí có ơn trợ giúp được ban cho con người trong lúc tạo thành để có thể đứng vững, chứ không phải để tiến triển. Nhưng phàm ai có ân sủng thì thì có thể nhờ công trạng mà tiến triển. Cho nên người tiên khởi không được tạo thành trong ân sủng.
5. Vả lại, để ai lãnh nhận ân sủng thì người ấy phải ưng thuận. Vì nhớ đó mà thể hiện thứ hôn phối thiêng liêng giữa Thiên Chúa và linh hồn. Nhưng sự ưng thuận lãnh ân sủng chỉ có thể có nơi người đã hiện hữu. Cho nên con người không nhận lãnh ân sủng trong giây phút đầu tiên được tạo thành.
6. Vả lại, tính tự nhiên thì xa cách ân sủng hơn là ân sủng xa cách phúc vinh quang, vì vinh quang là ân sủng được hoàn chỉnh chứ không phải chi khác. Nhưng nơi con người ân sủng đi trước vinh quang. Cho nên tính tự nhiên càng phải có trước ân sủng.
NHƯNG. Con người và thiên thần đều được quy hướng về ân sủng. Nhưng thiên thần thì được tác thành trong ân sủng: vì trong cuốn XII De Civ. Dei thánh Augustinô viết: Thiên Chúa cùng hiện diện nơi các ngài như Đấng tạo dựng bản tính và phân phát ân sủng. Cho nên con người được tạo thành trong ân sủng.
LUẬN GIẢI. Một số người cho rằng, người tiên khởi không được tạo thành trong ân sủng, nhưng sau đó ân sủng được cung cấp cho con người trước khi con người phạm tội: thực vậy, nhiều thánh nhân có thế giá chủ trương là con người trong bậc vô tội đã có ân sủng. - Nhưng việc con người cũng được tạo thành trong ân sủng, như một số vị chủ trương, hình như còn được đòi hỏi bởi sự ngay thẳng của bậc tiên khởi, trong đó Thiên Chúa tác thành con người, theo lời sách Giảng Viên (7,30): Thiên Chúa tác thành con người ngay thẳng. Quả thực, sự ngay thẳng này hệ tại lý trí tùng phục Thiên Chúa, những năng lực hạ cấp tuân phục lý trí, và thân xác tuân phục linh hồn. Sự tùng phục thứ nhất là căn nguyên của sự tùng phục thứ hai và thứ ba; vì bao lâu lý trí tùng phục Thiên Chúa, bấy lâu những năng lực hạ cấp tuân phục lý trí, như thánh Augustinô nói. Nhưng hiển nhiên là việc thân thể tùng phục linh hồn, và việc những năng lực hạ cấp tuân phục lý trí, không phải là điều tự nhiên; chẳng vậy sau khi phạm tội việc tùng phục ấy vẫn tồn tại, vì cả nơi ma quỷ, sau khi phạm tội, những điều tự nhiên cũng vẫn tồn tại, như thánh Dionysius viết trong sách De Div. Nom., cap 4. Cho nên hiển nhiên là sự tuân phục đầu tiên, mà lý trí thực hiện đối với Thiên Chúa, không những theo tính tự nhiên, mà còn do hồng ân siêu nhiên của ân sủng: vì công hiệu không thể hơn căn nguyên. Vì thế trong cuốn XIII De Civ. Dei, thánh Augustinô viết: Ngay sau khi việc vi phạm giới răn xảy ra, ân sủng của Thiên Chúa rời bỏ họ, lập tức họ hổ thẹn vì sự trần truồng của thân thể: vì cảm thấy động thái bất tuân phục của xác thịt mình, như hình phạt đối ứng sự bất tuân của mình. Điều đó giúp ta hiểu rằng, nếu thoạt khi ân sủng mất đi, mà sự tuân phục của xác thịt đối với linh hồn bị tan rã, thì hẳn là nhờ ân sủng hiện hữu trong linh hồn mà những năng lực hạ cấp tuân phục linh hồn.
GIẢI ĐÁP. 1. Thánh tông đồ dùng những lời ấy để chứng tỏ rằng, như có thân thể động vật thì cũng có thân thể thiêng liêng: vì đời sống của thân thể thiêng liêng đã bắt đầu nơi Chúa Kitô, Đấng là “trưởng tử trong số những người từ kẻ chết sống lại” (Cl 1,18). Như sự sống của thân thể động vật đã bắt đầu từ Ađam. Cho nên do những lời của thánh tông đồ ta không kết luận được rằng ông Ađam không phải là con người thiêng liêng về phần linh hồn; dù không phải là thiêng liêng về phân thân thể.
2. Cũng trong sách đó thánh Augustinô viết, ta không chối là Chúa Thánh Thần đã ngự nơi ông Ađam cách nào đó, như nơi những người công chính khác; nhưng không ngự nơi ông ấy như hiện nay ngự trong các tín hữu, những người vừa qua đời đã tức khắc được nhận vào lãnh gia nghiệp hằng cửu.
3. Do thế giá của thánh Augustinô ta không kết luận được rằng, thiên thần hay con người được tạo thành trong sự tự do tự quyết trước khi có ân sủng: nhưng trước hết chứng tỏ rằng, nơi họ sự tự do tự quyết có thể làm được gì trước khi được củng cố, và ngay sau đó, nhờ sự trợ giúp của ân sủng củng cố họ nhận được những gì.
4. Pierre de Lombard nói theo ý kiến của những người chủ trương rằng, con người không được tạo thành trong ân sủng, nhưng trong những điều kiện tự nhiên mà thôi. - Hoặc có thể nói rằng, dẫu con người đã được tạo thành trong ân sủng, nhưng không do sự tạo thành tự nhiên mà có thể tiến tới bằng công trạng, mà do ân sủng được Thiên Chúa ban thêm.
5. Vì sự chuyển biến của ý chí không phải là liên tục, thì không chi cản trở để ngay giây phút đầu tiên được tạo thành, người tiên khởi đã thuận theo ân sủng.
6. Chúng ta lập công để được vinh quang bằng hành vi của ân sủng, chứ không lập công để được ân sủng bằng hành vi củ tính tự nhiên. Cho nên so sánh như thế không ổn.

MỤC 2:      Những đam mê của linh hồn có nơi người tiên khởi chăng?

NGHI VẤN. Hình như những đam mê của linh hồn không có nơi người tiên khởi.
1. Thực vậy, sở dĩ có những đam mê của linh hồn là vì xác thịt ham muốn nghịch với linh hồn (Gl 5,17). Nhưng điều này không có trong bậc vô tội. Cho nên trong bậc vô tội không có đam mê.
2. Vả lại, linh hồn ông Ađam thì cao trọng hơn thân thể. Mà thân thể của ông Ađam thì bất thụ cảm. Cho nên đam mê cũng không có nơi linh hồn của ông.
3. Vả lại, các đam mê của linh hồn bị nhân đức luân lý kiềm chế. Nhưng nơi ông Ađam có nhân đức luân lý hoàn bị. Cho nên các đam mê đã hoàn toàn bị đẩy ra khỏi ông.
NHƯNG. Trong cuốn XIV De Civ. Dei, thánh Augustinô viết: Nơi họ có lòng mến Thiên Chúa không xáo trộn, và một vài đam mê khác của linh hồn.
LUẬN GIẢI. Đam mê của linh hồn thì trụ tại giác dục, có đối tượng là điều thiện và điều ác. Vì thế một số đam mê của linh hồn thì hướng về điều thiện, như tình yêu và sự vui mừng; một số hướng về điều ác, như sự sợ sệt và đau đớn. Và vì trong bậc tiên khởi không có điều ác nào hiện diện hay đe doạ; cũng chẳng thiếu điều thiện nào mà ý chí tốt lành mơ ước chiếm hữu trong thời gian ấy, như thánh Augustinô viết trong cuốn XIV De Civ. Dei; thành thử không có nơi Ađam những đam mê hướng về điều ác, như sự lo sợ và đau đớn vv...; cũng chẳng có nơi ông những đam mê hướng về điều thiện chưa có và phải có vào lúc nào đó, như tham vọng nồng nhiệt. Còn những đam mê có thể liên hệ đến điều thiện hiện có, như niềm vui và tình yêu; hoặc đến điều thiện tương lai phải có vào thời của nó, như sự mong ước và hy vọng không bồn chồn, thì đã có trong bậc vô tội. Nhưng có một cách khác, không như nơi chúng ta. Vì nơi chúng ta giác dục, trụ sở của những đam mê, không hoàn toàn suy phục lý trí: vì thế nơi chúng ta đôi khi đam mê đến trước phán đoán của lý trí và cản trở nó; đôi khi chúng phát xuất từ phán đoán của lý trí, tuỳ theo mức độ mà giác dục tuân phục lý trí. Nhưng trong bậc vô tội dục vọng hạ cấp hoàn toàn tuân phục lý trí. Cho nên trong dục vọng này chỉ có những đam mê phát xuất từ phán đoán của lý trí.
GIẢI ĐÁP. 1. Xác thịt thì ước muốn nghịch với linh hồn, do đó mà đam mê nghịch với lý trí: điều đó không có trong bậc vô tội .
2. Trong bậc vô tội thân thể nhân loại thì bất thụ cảm về những đam mê tiêu diệt sự quân bình tự nhiên, như sẽ nói sau (vđ.97, m.2). Cũng vậy, linh hồn thì bất thụ cảm về những đam mê cản trở lý trí.
3. Nhân đức luân lý hoàn bị không hoàn toàn huỷ diện những đam mê, nhưng điều chỉnh chúng: đặc trưng của người tiết độ là ham muốn cho đúng cách và đúng điều phải ham muốn, như ta thấy trong III Ethic.

MỤC 3:      Ông Ađam có mọi nhân đức chăng?

NGHI VẤN. Hình như ông Ađam không có mọi nhân đức.
1. Thực vậy, một số nhân đức nhằm kìm hãm sự thái quá của các đam mê; như tham vọng thái quá được kìm hãm bằng đức tiết độ, sự sợ hãi quá đáng bằng đức can đảm. Nhưng trong bậc vô tội không có sự thái quá của các đam mê. Cho nên cũng không có các nhân đức vừa được nhắc đến.
2. Vả lại, một số nhân đức điều chỉnh những đam mê liên can đến điều ác: nhưng đức hiền hậu điều chỉnh những nóng giận, đức can đảm điều chỉnh những sợ hãi. Nhưng trong bậc vô tội không có những đam mê ấy, như vừa nói trên (m.2). Cho nên cũng không có các nhân đức ấy.
3. Vả lại, sám hối là một nhân đức nhằm vào tội đã phạm. Thương xót là một nhân đức nhằm vào điều khổ cực. Nhưng trong bậc vô tội không có tội lỗi cũng chẳng có khổ cực. Cho nên cũng không có những nhân đức ấy.
4. Vả lại, bền đỗ là một nhân đức. Mà ông Ađam không có sự bền đỗ: như tội của ông chứng tỏ. Cho nên ông không có mọi nhân đức.
5. Tin nhận là một nhân đức. Nhưng trong bậc vô tội không có đức ấy: vì nó hàm súc sự nhận biết bí ẩn, là điều hình như tương phản với sự hoàn bị của bậc tiên khởi.
NHƯNG. Trong một bài giảng, thánh Augustinô nói: Tên đầu sỏ các nết xấu đã thắng ông Ađam, người được tác thành từ bùn đất theo hình ảnh của Thiên Chúa, được võ trang bằng sự đoan chính, được điều chế bằng đức tiết độ và rạng ngời ánh sáng.
LUẬN GIẢI. Trong bậc vô tội con người có mọi nhân đức theo ý nghĩa nào đó. Điều đó có thể đã rõ ràng do những điều đã nói trên. Thực vậy, trên đây (m.1) đã nói rằng, sự ngay thẳng của bậc tiên khởi hệ tại lý trí phục tùng Thiên Chúa, còn những năng lực hạ cấp thì tuân phục lý trí. Vì nhân đức không phải là chi khác, mà là những hoàn bị, nhờ đó lý trí được khuynh hướng về Thiên Chúa, và những năng lực hạ cấp thì được điều phối theo quy tắc của lý trí; như sẽ thấy rõ hơn khi bàn về các nhân đức. Vì thế sự ngay thẳng của bậc tiên khởi đòi hỏi rằng con người phải có mọi nhân đức theo ý nghĩa nào đó.
Nhưng phải suy rằng, trong các nhân đức, có nhân đức nguyên chúng không hàm súc sự khuyết điểm nào cả, như bác ái và công bình. Những nhân đức này, chẳng kỳ là như tập quán hay như hành vi, đều có một cách đơn thuần trong bậc vô tội. - Nhưng có một số nhân đức, vốn dĩ hàm súc sự khuyết điểm, hoặc về phía hành vi hay về phía thể tài. Và dẫu sự bất toàn này không tương phản với sự hoàn bị của bậc tiên khởi, thì dù sao các nhân đức này vẫn có thể có trong bậc tiên khởi: như đức tin, là phương nhận biết những điều ta không trông thấy, và đức cậy, nhằm vào những điều ta chưa chiếm hữu. Vì sự hoàn bị của bậc tiên khởi không vươn cao đến độ nhìn thấy Thiên Chúa theo yếu tính, và chiếm hữu Người,cùng vui hưởng hạnh phúc tối hậu: cho nên đức tin và đức cậy có thể có trong bậc tiên khởi, chẳng kỳ như tập quá hay như hành vi. - Trái lại, nếu sự bất toàn, hàm chứa trong lý tính của nhân đức nào đó, tương phản với sự hoàn bị của bậc tiên khởi, thì có thể có trong bậc này theo tập quán, chứ không theo hành vi: đó là điều hiển nhiên đối với sự thống hối, tức là sự đau khổ về tội đã phạm, và lòng thương xót, là đau khổ vì sự cùng khốn của tha nhân; thực vậy cả sự đau khổ cũng như tội lỗi và sự khốn cùng đều tương phản với sự hoàn bị của bậc tiên khởi. Cho nên những nhân đức ấy có nơi người tiên khởi theo tập quán, nhưng không theo hành vi: vì người tiên khởi đã sẵn sàng, để hễ đã có một tội nào là đau đớn; cũng vậy hễ thấy sự khốn cùng nào nơi tha nhân là nỗ lực đẩy lui. Như nhà hiền triết viết trong cuốn IV Ethic. rằng: sự xấu hổ về chuyện bỉ ổi, chỉ có nơi người đức hạnh cách hữu kiện: vì người ấy sẵn sàng đến độ, nếu lỗi phạm điều bỉ ổi nào là xấu hổ tức khắc.
GIẢI ĐÁP. 1. Việc đức tiết chế và đức can đảm kìm hãm sự thái quá của các đam mê là chuyện ngẫu trừ, vì thấy các đam mê thái quá nơi chủ thể. Điều vốn dĩ phù hợp với các nhân đức ấy là điều chỉnh các đam mê.
2. Trong những đam mê hướng về điều ác, những đam mê tương phản với sự hoàn bị của bậc tiên khởi là những đam mê nhằm vào điều ác nơi chủ thể nhiễm lây đam mê ấy, như sự sợ hãi và đau khổ. Nhưng những đam mê nhằm vào điều ác nơi chủ thể khác, thì không tương phản với sự hoàn bị của bậc tiên khởi: vì trong bậc tiên khởi con người có thể gớm ghét sự gian ác của ma quỷ, cũng như yêu mến sự thiện hảo của Thiên Chúa. Vì thế những nhân đức liên hệ đến những đam mê ấy có thể có trong bậc tiên khởi, theo tập quán và theo hành vi. - Còn trong những nhân đức nhằm và các đam mê liên hệ đến điều ác của chính chủ thể, các nhân đức chỉ nhằm vào nguyên các đam mê ấy không thể có trong bậc tiên khởi theo hành vi, mà chỉ có theo tập quán: như đã nói trên về sự thống hối và lòng thương xót (LG.) Nhưng có những nhân đức, không nhằm vào nguyên các đam mê đó, mà còn vào những đam mê khác: như đức tiết độ, chẳng những điều chỉnh nỗi buồn phiền, lại cả những khoái cảm nữa; đức can đảm chẳng những điều chỉnh những sợ hãi mà còn cả sự táo bạo và hy vọng nữa. Cho nên trong bậc tiên khởi có thể có hành vi tiết độ, như điều chế những khoái cảm; cũng có đức can đảm, như điều chế sự táo bạo và hy vọng; nhưng không như điều chế sự buồn phiền và sự lo sợ.
3. Những điều trên đây (LG.) đã giải đáp nghi vấn này.
4. Có thể hiểu sự bền đỗ hai cách. Trước hết như một nhân đức, và như vậy nó biểu thị một thứ tập quán, nhờ đó ta quyết tâm kiên trì trong điều thiện. Theo nghĩa này thì Ađam đã có đức bền đỗ. Thứ đến là một hoàn cảnh của nhân đức, và như vậy nó biểu thị sự liên tục không gián đoạn của nhân đức. Theo nghĩa này ông Ađam không có sự bền đỗ.
5. Những điều trên đây (LG.) đã giải đáp nghi vấn này.

MỤC 4:      Các hoạt động của người tiên khởi      có kém hiệu lực lập công hơn các hoạt động của chúng ta chăng?

NGHI VẤN. Hình như những hoạt động của người tiên khởi thì không có hiệu lực lập công bằng những hoạt động của chúng ta.
1. Thực vậy, ân sủng do lòng thương xót của Thiên Chúa thông ban thì trợ giúp nhiều hơn cho những ai cần đến nó nhiều hơn. Nhưng chúng ta cần nhiều ân sủng hơn người tiên khởi trong bậc vô tội. Cho nên ân sủng được ban cho chúng ta cách dễ dàng hơn. Mà vì ân sủng là cội rễ của công phúc, như vậy hoạt động của chúng ta thì hiệu nghiệm để lập công hơn.
2. Vả lại, công trạng đòi hỏi sự chiến đấu và sự gay go. Thực vậy trong thư 2Tm (2,5) có viết: Chỉ ai thi đấu mới đoạt giải. Và trong II Ethic. nhà Hiền triết viết: đối tượng của nhân đức là điều gay go và thiện hảo. Nhưng hiện nay cuộc chiến đấu và sự gay go thì lớn lao hơn. Cho nên hiệu lực để lập công cũng lớn hơn.
3. Vả lại, trong chương 24, cuốn II Sent., Pierre de Lombard viết: hồi đó con người không có công trạng khi chống cự với cơn cám dỗ; nhưng ngày nay ai chống cự với cơn cám dỗ thì có công. Cho nên những hoạt động của chúng ta thì hiệu nghiệm để lập công hơn là trong bậc tiên khởi.
NHƯNG. Nếu vậy thì sau khi có tội lỗi con người ở trong tình trạng hoàn hảo hơn.
LUẬN GIẢI. Phân lượng của công trạng có thể được đo lường hai yếu tố. Một là bởi cội rễ của nó, tức là đức ái và ân sủng. Và phân lượng công trạng này thì tương ứng với phần thưởng cốt yếu, thứ phần thưởng hệ tại được vui hưởng Thiên Chúa: ai làm việc gì với đức ái cao cường hơn thì được vui hưởng Thiên Chúa cách hoàn bị hơn. - Hai là bởi phân lượng của công việc. Phân lượng này có hai thứ: một là tuyệt đối, hai là tương đối. Thực vậy, bà quả phụ, dâng cúng hai đồng tiền kẽm vào thùng tiền (Mc 12,41tt; Lc 21,1tt) thì, xét theo phân lượng tuyệt đối, đã thực hiện một việc nhỏ hơn những người đã dâng cúng nhiều của cải; nhưng theo phân lượng tương đối, thì bà quả phụ này đã dâng cúng nhiều hơn ai hết, như Chúa Giêsu đã khẳng định, vì của bà dâng cúng vượt quá khả năng của bà rất nhiều. Nhưng cả hai phân lượng của công nghiệp này thì tương ứng với phần thưởng phụ thuộc, là sự vui mừng về điều thiện thụ tạo.
Cho nên phải nói rằng, những hoạt động của con người trong bậc vô tội thì hiệu nghiệm để lập công hơn là sau tội lỗi, nếu xét theo phân lượng của công trạng như phát xuất từ ân sủng; vì lúc đó ân sủng thì dồi dào hơn, lại không thấy có trở ngại nơi bản tính nhân loại. Cũng phải nói như vậy, nếu xét phân lượng tuyệt đối của công việc: vì ai càng có sức hơn càng thực hiện được những công việc lớn lao hơn. Nếu xét phân lượng tương đối, thì lý do của công trạng sau tội lỗi quả là lớn hơn, vì sự yếu đuối của con người: thực vậy, một công việc nhỏ thì vượt trên khả năng của người phải thực hiện nó một cách khó nhọc, hơn là việc lớn vượt trên khả năng của người thực hiện nó một cách không khó nhọc.
GIẢI ĐÁP. 1. Sau tội lỗi con người cần ân sủng đối với nhiều công việc, chứ không cần nhiều ân sủng hơn. Vì con người, ngay trước tội lỗi, cũng càn ân sủng để đạt phúc trường sinh, và đây là sự cần thiết chính yếu của ân sủng. Nhưng sau tội lỗi, ngoài điều đó, con người còn cần ân sủng để được tha thứ tội lỗi, và được nâng đỡ trong những yếu đuối.
2. Sự khó nhọc và chiến đấu cũng thuộc về phân lượng của công trạng, theo phân lượng tương đối của công việc, như vừa nói trên (LG.). Đó là dấu chỉ sự mau mắn của ý muốn, nỗ lực đương đầu với điều khó nhọc: mà sự mau mắn thì phát sinh do sự cao cả của đức ái. Nhưng có trường hợp một người thực hiện công việc dễ dàng với cũng một ý chí mau lẹ như một người thực hiện công việc gay go, vì đương sự đã sẵn sàng để thực hiện cả công việc gay go nữa. Nhưng sự gay go hiện tại, xét như có tính cách hình phạt, còn có giá trị đền bù tội lỗi nữa.
3. Theo ý kiến của những người chủ trương rằng, người tiên khởi không có ân sủng, thì việc chống cự cơn cám dỗ quả không có công trạng đối với người ấy, cũng như ngày nay đối với người không có ân sủng. Nhưng sự khác biệt hệ tại điều này là: vì trong bậc tiên khởi không có chi bên trong xúi quẩy làm điều ác như ngày nay; cho nên lúc đó con người không có ân sủng vẫn có thể chống cự với cơn cám dỗ một cách mạnh mẽ hơn ngày nay.

 

Vấn đề 96

VỀ QUYỀN THỐNG TRỊ MÀ CON NGƯỜI ĐƯỢC
TRONG BẬC VÔ TỘI


Tiếp đến phải bàn về quyền thống trị phù hợp với con người trong bậc vô tội (xc. vđ.95, dẫn nhập).
Về vấn đề này bốn mục cần được bàn hỏi.
1. Trong bậc vô tội con người có thống trị các súc vật chăng?
2. Có thống trị mọi thụ tạo chăng?
3. Trong bậc vô tội mọi người có bình đẳng chăng?
4. Trong bậc ấy, con người có thống trị các người khác chăng?

MỤC 1:      Trong bậc vô tội con người có thống trị các súc vật chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong bậc vô tội ông Ađam không thống trị các súc vật.
1. Thực vậy, trong cuốn IX Super Gen. ad Litt. thánh Augustinô viết, nhờ tác vụ của các thiên thần. Cho nên trong bậc vô tội con người không thống trị các súc vật.
2. Vả lại, tụ tập những chi bất hoà với nhau dưới một quyền thống trị thì không ổn. Nhưng cứ tự nhiên nhiều súc vật bất hoà với nhau, như con chiên và chó sói. Cho nên không phải mọi súc vật ở dưới quyền thống trị của con người.
3. Vả lại, hành vi riêng của quyền thống trị là truyền khiến. Nhưng đúng ra sự truyền khiến chỉ hướng tới chủ thể có lý trí. Cho nên con người không có quyền thống trị trên các súc vật.
NHƯNG. Sách Sáng Thế (1,26) nói về con người rằng: Con người làm bá chủ cá biến, chim trời và dã thú dưới đất.
LUẬN GIẢI. Như đã nói trên (vđ.95, m.1), sự bất tuân phục của những vật phải tuân phục con người là một hậu hoạ, để sửa phạt chính con người vì đã không tuân phục Thiên Chúa. Vì thế, trong bậc vô tội, trước khi có sự bất tuân trên đây, thì không vật nào cứ tự nhiên phải tuân phục con người lại chống cự con người. Mà cứ tự nhiên mọi súc vật phải tuân phục con người. Điều đó được chứng minh bằng ba sự kiện. Trước hết, do chính quá trình của thiên nhiên. Thực vậy, như trong sự sinh sản của các vật, ta thấy có một trật tự đi từ điều bất toàn đến điều hoàn bị (chất thể vì mô thể, và mô thể khiếm khuyết vì mô thể hoàn bị hơn); trong việc sử dụng các vật tự nhiên cũng thế: vì các vật bất toàn hơn là để các vật hoàn bị hơn sử dụng; thực vậy thảo mộc thì dùng đất làm lương thực, súc vật thì dùng thảo mộc, con người thì dùng thảo một và súc vật. Vì thế trong cuốn I Politic. nhà Hiền triết viết: việc săn bắn dã thú là việc chính đáng và tự nhiên, vì nhờ đó con người chinh phục cho mình điều tự nhiên thuộc về mình.
Sự kiện thứ hai là trật tự an bài của Thiên Chúa, luôn luôn cai quản vật hạ cấp bởi vật cao cấp. Vậy vì con người trổi vượt trên mọi súc vật khác, vì được tác thành theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên những súc vật khác tuân phục quyền cai trị của con người thì quả là điều thích hợp.
Sự kiện thứ ba hệ tại những đặc trưng của con người và của những súc vật khác. Thực vậy, theo sự thẩm định tự nhiên, nơi những súc vật khác ta thấy có sự thông dự sự khôn ngoan đối với một số hành vi đặc thù; còn nơi con người thì có sự khôn ngoan phổ quát, là lẽ phải của những điều khả hành. Nhưng phàm chi hiện hữu do thông dự đều lệ thuộc vào điều hiện hữu do yếu tính và cách phổ quát. Cho nên hiển nhiên là việc các súc vật phục tùng con người là điều tự nhiên.
GIẢI ĐÁP. 1. Quyền năng cao cấp có thể làm được nhiều điều đối với những thuộc hạ của mình, mà quyền năng hạ cấp không thể làm. Cứ tự nhiên, thiên thần thì cao hơn con người. Cho nên có thứ công hiệu có thể phát sinh nơi các súc vật do năng lực của thiên thần, chứ không thể thực hiện do quyền năng nhân loại: ấy là việc tập hợp ngay tức khắc mọi súc vật.
2. Một số người nói rằng, việc những dã thú hung dữ và sát hại súc vật khác như thấy hiện nay, thì xưa kia trong bậc vô tội, chúng là những súc vật hiền hoà chẳng những đối với con người, lại đối với các súc vật khác nữa. - Nhưng đó là điều hoàn toàn phi lý. Thực vậy, bản tính của các súc vật không thay đổi do tội lỗi của con người, đến độ những súc vật hiện nay, cứ tự nhiên vẫn ăn thịt các súc vật khác, như sư tử và chim ưng, thì xưa kia là những vật ăn cỏ. Đàng khác, sách chú giải Glossa Bedae về sách Sáng Thế (1,30) cũng không nói rằng, thảo mộc và rau cỏ được cung cấp cho mọi súc vật và chim trời làm thức ăn, nhưng cung cấp cho một số thôi. Cho nên có sự bất hoà tự nhiên giữa một số súc vật. - Nhưng không phải vì thế mà chúng thoát khỏi quyền thống trị của con người; cũng như không phải vì thế mà hiện nay chúng thoát khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa: sự an bài của Người điều khiển tất cả những điều đó. Và con người là kẻ thì hành sự an bài này, như ta thấy ngày nay nơi các gia súc: thực vậy, người ta lấy gà làm thức ăn cho các chim ưng được nuôi trong nhà.
3. Trong bậc vô tội, con người không cần các súc vật để bù đắp thiếu thốn thể xác; không cần để làm đồ che thân, vì họ vẫn trần truồng mà không thẹn thùng, cũng chẳng có xúc động nào của ham muốn phóng đãng; không cần để làm lương thực, vì họ ăn các cây trong vườn địa đàng; cũng không để làm đồ chuyên chở, vì sự cường tráng của thân thể. Nhưng họ cần các súc vật để đạt được nhận thức thực nghiệm về bản tính của chúng. Điều đó được biểu thị qua việc Thiên Chúa đưa các súc vật đến với ông Ađam, để ông đặt tên cho chúng (St 1,19). Những tên biểu thị bản tính của chúng.
4. Những súc vật khác được thông dự phần nào sự khôn ngoan và lý trí theo sức thẩm định tự nhiên; nhờ đó mà những chim hạc hay theo con dẫn đường, và những con ong tuân phục ong chúa. Như thế hồi đó mọi súc vật vốn tuân phục con người, như ngày nay một số gia súc còn tuân phục con người.

MỤC 2:      Con người có thống trị mọi thụ tạo khác chăng?

NGHI VẤN. Hình như con người đã không thống trị mọi thụ tạo khác.
1. Thực vậy, cứ tự nhiên thiên thần thì có quyền lớn hơn con người. Nhưng trong cuốn III De Trin., thánh Augustinô nói: chất thể hữu hình không tuân phục cả các thiên thần. Cho nên càng không tuân phục con người trong bậc vô tội.
2. Vả lại, xét về sinh lực, thì nơi thảo mộc chỉ có sức dinh dưỡng, tăng trưởng và truyền sinh. Nhưng theo bản tính, những tiềm lực đó không thể tuân phục lý trí, như ta thấy nơi cũng một con người. Mà vì quyền thống trị thì thuộc con người theo lý trí, cho nên hình như trong bậc vô tội con người không thống trị thảo mộc.
3. Vả lại, phàm ai thống trị vật nào thì có thể thay đổi vật ấy. Nhưng con người không thể thay đổi sự chuyển vận của các thiên thể: vì đó là điều thuộc về một mình Thiên Chúa, như Dionysius đã nói trong thư gởi Polycarpus. Cho nên con người không thống trị chúng.
NHƯNG. Sách Sáng Thế (1,26) nói về con người rằng: Con người làm bá chủ tất cả mặt đất.
LUẬN GIẢI. Mọi sự đều có nơi con người một cách nào đó: vì thế con người thống trị những điều có nơi mình cách nào thì cũng trị những vật khác cách ấy. Vậy nơi con người có bốn điều cần phải suy cứu: nghĩa là lý trí, làm cho con người giống như các thiên thần; những năng lực giác cảm làm cho con người giống với các súc vật; những năng lực tự nhiên làm cho con người giống với thảo mộc; và chính thân thể làm cho con người giống với các vật không sinh sống. Nơi con người, lý trí chiếm địa vị chủ thể thống trị, chứ không phải của chủ thể tuân phục quyền thống trị. Cho nên trong bậc tiên khởi con người không thống trị các thiên thần; còn câu nói mọi vật thụ tạo thì hiểu là những thụ tạo không theo hình ảnh của Thiên Chúa. - Về những năng lực giác cảm, như nộ dục và tham dục, là những năng lực tuân phục lý trí phần nào, thì linh hồn thống trị chúng bằng cách truyền khiến. Cho nên trong bậc vô tội con người thống trị các súc vật bằng mệnh lệnh. Nhưng về những năng lực tự nhiên, và chính thân thể, thì con người không thống trị bằng truyền khiến, mà bằng cách sử dụng. Như vậy trong bậc vô tội con người cũng thống trị thảo mộc và các vật vô linh giác, không phải bằng mệnh lệnh hay bằng sự biến đổi, nhưng bằng cách sử dụng sự trợ giúp của chúng mà không gặp trở ngại.
GIẢI ĐÁP. 1.2.3. Với những điều trên đây đủ rõ phải giải đáp các nghi vấn như thế nào rồi.

MỤC 3:      Trong bậc vô tội mọi người có bình đẳng chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong bậc vô tội mọi người đều bình đẳng.
1. Thực vậy, thánh Gregorius nói: Ở đâu chúng ta không lỗi phạm thì chúng ta đều bình đẳng. Nhưng trong bậc vô tội thì chưa có lỗi phạm. Cho nên lúc đó mọi người đều bình đẳng.
2. Vả lại, sự giống nhau và bằng nhau là lý do của sự tương thân tương ái, theo lời sách Huấn Ca (13,15): Sinh vật nào cũng ưa thích đồng loại của mình, và người nào cũng ưa thích người thân cận. Nhưng trong bậc vô tội thì tình yêu, là dây liên kết sự bình an, chan hoà giữa mọi người. Cho nên trong bậc vô tội mọi người đều bình đẳng.
3. Vả lại, hễ không còn căn nguyên thì cũng không còn công hiệu. Mà căn nguyên của sự bất bình đẳng hiện nay giữa người đời thì như hệ tại, về phía Thiên Chúa, là Đấng ban thưởng cho một số người vì công phúc của họ, và giáng phạt một số người khác; còn về phía bản tính, thì do khuyết điểm của bản tính mà người nọ sinh ra đã yếu đuối và bất túc, còn người khác thì khoẻ mạnh và hoàn bị. Nhưng điều này không có trong bậc tiên khởi.
NHƯNG. Trong thư Rôma có viết (13,1): Phàm chi hiện hữu, đều nhờ Thiên Chúa mà được trật tự. Nhưng hình như trật tự đặc biệt hệ tại sư chênh lệch: thánh Augustinô viết trong cuốn XIV De Civ. Dei rằng: Trật tự là sự xếp đặt những vật bằng nhau và không bằng nhau, vật nào chỗ nấy. Cho nên trong bậc tiên khởi, là bậc cực kỳ hài hoà, hẳn có sự chênh lệch.
LUẬN GIẢI. Phải nói rằng, trong bậc tiên khởi tấy yếu là có sự chênh lệch nào đó, ít là về giới phái: vì không có sự khác nhau về giới phái cũng chẳng có sự sinh sản. - Về tuổi tác cũng vậy: vì người nọ bởi người kia sinh ra, và những người giao hợp với nhau không phải là những người son sẻ.
Lai cũng có sự chênh lệch về linh hồn, về sự công bình và về kiến thức. Vì lúc đó con người không hoạt động một cách tất yếu, mà bởi tự do tự quyết: nhờ vậy mà con người có thể áp dụng tâm trí nhiều ít để làm, để muốn hay để nhận biết điều gì. Cho nên người nọ thì tiến triển trong đức công bình và trong kiến thức hơn người kia.
Cũng có thể có sự chênh lệch về phía thân thể. Thực vậy, thân thể nhân loại không được hoàn toàn thoát ly những định luật của bản tính, đến độ không nhận được mối lợi hay trợ lực nhiều tít từ những tác nhân ngoại tại: vì sự sống của con người cũng được nuôi dưỡng bằng thức ăn. Như thế không chi bất tiện để nói rằng, theo tình trạng khác nhau về không khí, và theo vị trí khác nhau của tinh tú, người nọ có thân thể cường tráng hơn người kia, lại vạm vỡ, xinh đẹp và có khí chất hoàn hảo hơn. Dù thế, nơi những vật thua kém không có khuyết điểm hay tội lỗi nào, chẳng kỳ về linh hồn hay thân thể.
GIẢI ĐÁP. 1. Qua những lời ấy, thánh Gregorius có ý gạt bỏ thứ chênh lệch hệ tại sự khác nhau về công chính và về tội lỗi; do đó mà những người nọ bị những người khác bắt phải chịu phạt.
2. Sự bình đẳng là căn nguyên làm cho tình tương thân tương ái được cân bằng. Tuy nhiên giữa những người bất bình đẳng có thể có tình yêu mãnh liệt hơn là nơi những người bình đẳng, dù không có sự đáp trả như nhau về cả hai phía. Thực vậy, cứ tự nhiên cha yêu con hơn là anh yêu em mình; dù con không yêu mến cha như được cha yêu mến.
3. Căn nguyên của sự chênh lệch có thể đến từ Thiên Chúa, không phải vì trừng phạt một số người này và ban thưởng cho một số người khác; nhưng vì nâng cao một số người nọ hơn một số người kia, để trật tự của vẻ đẹp nơi con người được rạng rỡ thêm. Sự chênh lệch cũng có thể đến từ phía bản tính, theo cách thức đã nói trên (LG.) mà không do khuyết điểm nào của bản tính.

MỤC 4:      Trong bậc vô tội con người có thống trị con người chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong bậc vô tội con người không thống trị con người.
1. Thực vậy, trong cuốn XIX De Civ. Dei, thánh Augustinô viết: Thiên Chúa chỉ muốn con người, được tác thành theo hình ảnh của mình, thống trị những vật không có lý trí; không muốn con người thống trị con người, mà muốn con người thống trị đàn súc.
2. Vả lại, điều được du nhập như hình phạt tội lỗi thì không có trong bậc vô tội. Nhưng việc con người tùng hục con người được du nhập như hình phạt tội lỗi: vì đã phán với người phụ nữ sau khi phạm tội rằng: người chồng sẽ thống trị ngươi, như thấy trong sách Sáng Thế (3,16). Cho nên trong bậc vô tội con người không tùng phục con người.
3. Sự tùng phục thì tương phản với sự tự do. Nhưng sự tự do là một trong những thiện hảo chính yếu, là điều không thể thiếu trong bậc vô tội, khi không thiếu điều gì trong các điều mà ý chí ngay lành có thể thèm khát, như thánh Augustinô viết trong cuốn XIV De Civ. Dei. Cho nên trong bậc vô tội con người không thống trị con người.
NHƯNG. Tình trạng con người trong bậc vô tội không cao trọng hơn tình trạng của các thiên thần. Nhưng trong các thiên thần vị nọ thống trị vị kia: vì thế có một cấp bậc được mệnh danh là những Quản thần. Cho nên việc người nọ thống trị người kia không nghịch với phẩm vị của bậc vô tội.
LUẬN GIẢI. Có thể hiểu sự thống trị hai cách. Một là như tương phản với sự nô lệ: như vậy chủ nhân là người mà ai đó phải tùng phục như nô lệ. Hai là hiểu theo nghĩa thông thường để chỉ tương quan với bất cứ phục tùng nào: theo nghĩa này thì người có bổn phận phải cai quản và hướng dẫn những người tự do cũng có thể được gọi là chủ nhân. Cho nên theo cách thứ nhất, thì trong bậc vô tội con người không thống trị con người; nhưng theo cách thứ hai, thì trong bậc vô tội con người có thể thống trị con người.
Sở dĩ như thế là vì, người nô lệ khác với người tự do ở chỗ, người tự do thì tự quyết về mình, như đã ghi ở đầu cuốn Metaphys.; còn người nô lệ thì quy hướng về người khác. Cho nên ta có thể nói một người thống trị trên người khác như trên người nô lệ, khi quy hướng người mà mình thống trị về lợi ích của mình, nghĩa là của người thống trị. Mà vì điều thiện riêng là điều đáng thèm khát đối với mỗi người, và nhiên hậu điều đáng buồn đối với mỗi người là, phải nhường cách chuyên biệt cho người khác điều thiện lẽ ra phải thuộc về mình; cho nên không thể có thứ thống trị này mà những người tùng phục không phải đau khổ. Vì thế, trong bậc vô tội không có sự thống trị như thế của con người trên con người.
Nhưng một người thống trị trên người khác như trên người tự do, khi quy hướng chính người này vào tư thiện của đương sự hay vào công thiện. Và sự thống trị của con người trên con người theo cách này thì có trong bậc vô tội vì hai lẽ. Một là, vì tự nhiên con người là một vật xã hội: thành thử trong bậc vô tội con người sống theo xã hội. Nhưng đời sống xã hội của đại chúng chỉ có thể có, khi có người cai trị, nhằm vào công thiện: vì nhiều người vốn dĩ hướng về nhiều điều, còn một người thì hướng về một điều. Vì thế ở đầu sách Politic. nhà Hiền triết viết: Mỗi khi nhiều yếu tố được phối trí để đạt một mục đích thì ta luôn luôn thấy có một yếu tố đầu mối điều khiển. - Hai là vì nếu một người trổi vượt trên người khác về kiến thức và sự công chính mà không dùng để sinh ích cho tha nhân thì quả là không thích hợp, như thánh Phêrô đã viết (1Pr 4,10): Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Vì thế trong cuốn XIX De Civ. Dei thánh Augustinô viết rằng: Những người công chính truyền khiến không phải vì ham muốn thống trị, mà vì bổn phận bàn bạc: trật tự tự nhiên đòi hỏi như thế, và Thiên Chúa cũng tạo dựng con người như thế.
GIẢI ĐÁP. 1.2.3. Như thế đủ giải đáp các nghi vấn, vì chúng phát sinh bởi ý nghĩa thứ nhất của quyền thống trị.

 

Vấn đề 97

VỀ NHỮNG ĐIỀU THUỘC VỀ BẬC
CỦA CON NGƯỜI TIÊN KHỞI LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC BẢO TỒN CÁ NHÂN


Tiếp đến phải bàn về những điều thuộc về bậc của con người tiên khởi liên quan đến thân thể (xc. vđ.94, dẫn nhập). Và trước hết liên quan đến việc bảo tồn cá nhân; rồi liên quan đến việc bảo tồn chủng loại (vđ.98).
Về điều thứ nhất cần tìm hiểu bốn mục.
1. Trong bậc vô tội con người có bất tử chăng?
2. Có bất thụ cảm chăng?
3. Có cần đến lương thực chăng?
4. Có nhờ cây hằng sống mà được bất tử chăng?

MỤC 1:      Trong bậc vô tội con người có bất tử chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong bậc vô tội con người không bất tử.
1. Thực vậy, tiếng hay chết được cho vào câu định nghĩa về con người. Nhưng hễ câu định nghĩa đã bị huỷ bỏ thì điều được định nghĩa cũng tiêu ma. Cho nên nếu đã là người, ắt không thể là bất tử.
2. Vả lại, khả hoại và bất hoại thì khác nhau về giống, như đã chép trong cuốn X Metaphys.. Nhưng phàm chi khác nhau về giống thì không thể hoán vị nhau. Cho nên nếu người tiên khởi đã bất khả hoại, thì trong bậc đó con người không thể là khả hoại.
3. Vả lại, nếu trong bậc vô tội con người đã là bất tử, thì được như thế hoặc do bản tính hoặc do ân sủng. Nhưng không do bản tính: vì bản tính loại định thì luôn luôn y nguyên, như vậy hiện nay cũng phải bất tử. Cũng không phải do ân sủng: vì nhờ sự thống hối con người tiên khởi đã khôi phục được ân sủng, theo lời sách Khôn Ngoan (10,2): Đức khôn ngoan đã giải cứu ông khỏi tội lỗi; cho nên đã khôn phục được sự bất hoại; mà hiển nhiên đó là điều sai lầm. Cho nên trong bậc vô tội con người không bất tử.
4. Vả lại, sự bất tử được hứa cho con người như phần thưởng: theo lời sách Khải Huyền (21,4): Sẽ không còn sự chết. Nhưng con người không được dựng nên trong bậc được thưởng công, nhưng để lập công đáng thưởng. Cho nên trong bậc vô tội con người không bất tử.
NHƯNG. Trong thư Rôma (5,12) có viết: vì tội lỗi mà sự chết đã xâm nhập trần gian. Cho nên con người thì bất tử trước khi phạm tội.
LUẬN GIẢI. Một vật có thể bất hoại ba cách. Một là về phía chất thể: nghĩa là hoặc vì không có chất thể, như thiên thần; hoặc có thứ chất thể chỉ ở trong tiềm thể đối với một mô thể, như thiên thể: với cách này, một vật được gọi là bất hoại theo bản tính. - Hai là về phía mô thể, vì có điều kiện nào đó gắn liền với vật khả hoại, để hoàn toàn ngăn ngừa nó khỏi hư hoại. Với cách này, một vật được gọi là bất khả hoại bởi vinh quang: vì như thánh Augustinô viết trong thư gởi Dioscorum: Thiên Chúa đã tác thành linh hồn với bản tính đầy thế lực, đến độ mức sung mãn của sự tráng kiện, nghĩa là của sự bất hoại, từ hạnh phúc của linh hồn, chuyển sang thân thể. - Ba là về phía tác căn. Với cách này trong bậc vô tội con người là bất hoại và bất tử: vì trong sách De Quaest Vet. Et Nov Test. thánh Augustinô viết: khi Thiên Chúa tác thành con người, và bao lâu con người chưa phạm tội thì vẫn cường tráng bởi sự bất tử, để chính con người làm cho mình được sống hay phải chết. Quả thực, không phải thân thể của con người thì bất khả phân hoá bởi sự cường tráng bất tử nào hiện hữu trong chín nó; nhưng linh hồn có một sức siêu nhiên do Thiên Chúa ban, nhờ đó nó có thể phòng ngừa cho thân thể khỏi mọi hư hoại, bao lâu linh hồn tùng phục Thiên Chúa. Điều đó quả là hữu lý. Vì linh hồn suy lý thì vượt trên khả năng của chất thể hữu hình, như đã nói trên (vđ.76, m.1); nên nếu ngay từ đầu mà linh hồn được cung cấp một tiềm năng, khả dĩ bảo tồn thân thể vượt trên bản tính của chất thể hữu hình, thì quả là thích hợp.
GIẢI ĐÁP. 1.2. Các nghi vấn này phát xuất từ sự bất hoại và bất tử theo bản tính.
3. Năng lực phòng ngừa thân thể khỏi hư hoại không phải là năng lực tự nhiên của linh hồn, nhưng do tặng phẩm của ân sủng. Và dù con người khôi phục được ân sủng để tha tội và để lập công, nhưng không khôi phục được công hiệu của ân sủng đã bị mất, là sự bất tử. Việc khôi phục này được dành cho Chúa Kitô, nhờ Người khuyết điểm của bản tính được sửa lại cho hoàn hảo hơn, như sẽ nói sau (III, vđ.14, m.4, gđ.1).
4. Sự bất tử của vinh quang, được hứa như phần thưởng, thì khác với sự bất tử được ban cho con người trong bậc vô tội.

MỤC 2:      Con người trong bậc vô tội có thụ cảm chăng?

NGHI VẤN. Hình như con người trong bậc vô tội thì thụ cảm.
1. Thực vậy, cảm giác thụ lãnh điều gì đó. Nhưng con người trong bậc vô tội có cảm giác. Cho nên là con người thụ cảm.
2. Vả lại, ngủ nghỉ là một thứ thụ động. Nhưng con người trong bậc vô tội đã ngủ nghỉ, theo lời sách Sáng Thế (2,21): Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên Ađam. Cho nên ông là người thụ cảm.
3. Vả lại, sách đó còn thêm: Thiên Chúa rút một xương sườn của con người ra. Cho nên con người cũng thụ cảm do việc cắt mất một phần thân thể.
4. Vả lại, thân thể của con người thì mềm mại. Mà cứ tự nhiên, sánh với cứng rắn thì mềm mại là thụ động. Cho nên nếu vật thể cứng rắn nào đó đụng vào thân thể người tiên khởi, hẳn nó phải làm thân thể này chịu đựng.
NHƯNG. Hễ đã thụ cảm, ắt cũng khả hoại: vì thụ nạn quá lớn lao sẽ huỷ hoại thân thể.
LUẬN GIẢI. Có thể hiểu thụ động hai cách. Một là theo nghĩa đen: theo nghĩa này, ta nói vật thụ động là vật bị đẩy ra ngoài tình trạng tự nhiên của nó. Thực vậy, thụ động là công hiệu của hoạt động: nhưng trong những thực tại của thiên nhiên, những thứ tương phản nhau thì làm và chịu lẫn nhau, và điều nọ đẩy điều kia ra khỏi tình trạng tự nhiên của nó. - Hai là theo nghĩa tổng quát để chỉ bất cứ sự thay đổi nào, kể cả điều liên hệ đến sự hoàn bị của bản tính: như ta nói hiểu biết hay cảm giác là thứ thụ động nào đó.
Vậy theo nghĩa thứ hai này, con người trong bậc vô tội thì thụ cảm về thân thể. Nhưng theo nghĩa thứ nhất, thì con người là bất thụ cảm cả về phía linh hồn cũng như thân thể, cũng như là bất tử: vì đã có thể ngăn cản sự thụ động cũng như sự chết, nếu kiên định mà không phạm tội.
GIẢI ĐÁP. 1.2. Như thế đủ rõ phải giải đáp hai nghi vấn 1 và 2 như thế nào rồi. Vì cảm giác và ngủ nghỉ không đẩy con người khỏi tình trạng tự nhiên của con người, nhưng nhằm vào thiện ích của bản tính.
3. Như đã nói trên (vđ.92, m.3, gđ.2), xương sườn đó ở nơi ông Ađam, vì ông là nguyên uỷ của nhân loại, cũng một cách như mầm sống nơi người đàn ông, là như nguyên tố để sinh sản. Vậy cũng như sự tách mầm sống không mang theo sự thụ động, đẩy con người ra khỏi trạng thái tự nhiên, thì cũng phải nói như thế về việc rút xương sườn đó.
4. Thân thể con người trong bậc vô tội được phòng ngừa để vật chứng không gây vết thương, một đàng vì lý trí riêng có thể giúp con người tránh những thứ độc hại; đàng khác cũng vì lượng an bài của Thiên Chúa, bảo vệ con người không để điều gì bất ngờ xảy ra, gây thương tích cho con người.

MỤC 3:      Trong bậc vô tội con người có cần thức ăn chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong bậc vô tội con người không cần thức ăn.
1. Thực vậy, thức ăn thì cần cho con người để phục hồi điều hư hao. Nhưng hình như nơi thân thể của Ađam không có sự hư hao nào cả, vì là người bất hoại. Cho nên ông không cần đến thức ăn.
2. Vả lại, thức ăn thì cần để nuôi dưỡng. Nhưng không thể có sự nuôi dưỡng mà không có thụ động. Vậy vì thân thể của con người thì bất thụ cảm, nên hình như thức ăn không cần thiết cho thân thể ấy.
3. Vả lại, thiên hạ nói rằng, thức ăn thì cần để duy trì sự sống. Nhưng lúc đó nếu ông Ađam không phạm tội thì không chết, nên ông có thể duy trì sự sống một cách khác. Cho nên thức ăn không cần thiết cho ông.
4. Vả lại, nếu ta ăn uống thì sau đó phải tống khứ những cặn bã, là chuyện khiếm nhã không xứng với địa vị của người tiên khởi. Cho nên hình như trong bậc tiên khởi con người không dùng thức ăn.
NHƯNG. Sách Sáng Thế (2,16) viết: Hết mọi trái cây trong vườn ngươi cứ ăn.
LUẬN GIẢI. Trong bậc vô tội, con người có sự sống động vật cần đến thức ăn; nhưng sau khi sống lại sẽ có sự sống thần linh không cần đến thức ăn. Để hiểu rõ điều đó nên suy rằng linh hồn suy lý là hồn và là thần trí. Nhưng gọi là hồn theo điều nó có chung với các động vật khác, nghĩa là cung cấp sự sống cho thân thể: vì thế trong sách Sáng Thế (2,7) có chép: và con người trở nên một sinh vật, nghĩa là cung cấp sự sống cho thân thể. Nhưng gọi là thần trí theo điều riêng của nó, chứ không phải chung với những động vật khác, nghĩa là có năng lực hiểu biết vô chất.
Cho nên trong bậc tiên khởi, hồn suy lý thông cho thân thể điều phù hợp với nó, theo tư cách là hồn: vì thế thân thể ấy được gọi là sinh vật (xc. 1Cr 15,44), vì nhờ hồn mà có sự sống. Nhưng như thấy trong sách De Anima, nguyên tố thứ nhất của sự sống trong các vật hạ đẳng ấy là sinh hồn; hoạt động của hồn này là dinh dưỡng, truyền sinh và tăng trưởng. Vì thế những hoạt động đó thì phù hợp với con người trong bậc tiên khởi. Trong bậc tối hậu sau khi sống lại, hồn thông cho thân thể một cách nào đó những điều riêng của nó, theo tư cách là thần trí: như sự bất tử đối với hết mọi người; còn sự bất thụ cảm, vinh quang và sự cường tráng đối với những người thiện hảo; thân thể của những người này được gọi là thần thiêng. Cho nên sau khi phục sinh, con người không cần đến thức ăn: nhưng trong bậc vô tội thì cần.
GIẢI ĐÁP. 1. Như thánh Augustinô viết trong sách De Quaest. Vet. Et Nov. Tes.: Con người có thân thể bất tử được bồi dưỡng bằng thức ăn như thế nào? Vì vật bất tử không cần đồ ăn thức uống. Như đã nói trên (m.1) rằng, sự bất tử của bậc tiên khởi là nhờ sức siêu nhiên nào đó trụ trong linh hồn, chứ không do thể chất cố hữu nào của thân thể. Cho nên do tác động của nhiệt lực, chất nước của thân thể có bị hư hao phần nào; và để nó khỏi hoàn toàn cạn kiệt thì con người cần được bồi dưỡng bằng sự tiếp nhận thức ăn.
2. Trong việc nuôi dưỡng có sự thụ động và sự biến chất, nghĩa là về phía lương thực, vì nó biến thành bản thể của vật được nuôi dưỡng. Thành thử do đó không thể kết luận được là thân thể con người là thụ cảm, nhưng lương thực ta ăn vào là vật thụ cảm. Dù cả sự thụ động như thế cũng mang lại sự hoàn bị cho thiên nhiên.
3. Nếu con người không tự bồi dưỡng bằng thức ăn thì đắc tội; cũng như đắc tội khi dùng thức ăn bị cấm. Quả thực, giới lệnh mà con người nhận được ngay một trật (St 2,16-17) là: phải kiêng trái cây biết lành biết dữ; và được ăn mọi trái cây trong vườn địa đàng.
4. Có người cho rằng trong bậc vô tội, con người chỉ dùng thức ăn theo mức độ cần thiết: cho nên không có sự tống khứ những dư thừa. - Nhưng điều phi lý là, trong thức ăn đã tiêu hoá không có chút cặn bã nào, thứ cặn bã không thích hợp để biến thành lương thực của con người. Vì thế phải thải ra những dư thừa. Nhưng Thiên Chúa đã an bài để do đó không phát sinh sự khiếm nhã nào cả.

MỤC 4:      Trong bậc vô tội con người có nhờ cây trường sinh
mà đạt được sự bất tử chăng?

NGHI VẤN. Hình như cây trường sinh không thể là căn nguyên của sự bất tử.
1. Thực vậy, không chi có thể hoạt động ngoài bản tính loại định: vì công hiệu không vượt quá căn nguyên. Nhưng cây trường sinh thì khả hoại: chẳng vậy thiên hạ không thể lấy làm của nuôi, vì lương thực trở thành bản thể của vật được nuôi dưỡng, như đã nói trên (m.3, gđ.2). Cho nên cây trường sinh không thể mang lại sự bất hoại hay bất tử.
2. Vả lại, những công hiệu phát sinh từ tiềm lực của các cây cối và của các vật tự nhiên khác đều là tự nhiên. Vậy nếu cây trường sinh phát sinh sự bất tử, thì đây phải là sự bất tử tự nhiên.
3. Vả lại, hình như chủ trương như thế là ngả theo những chuyện thần thoại của cổ nhân, là những người cho rằng, có những thần minh đã ăn thức ăn nào đó mà trở thành bất tử; trong cuốn III Metaphys. nhà Hiền triết đã cho đó là chuyện nực cười.
NHƯNG. 4. Sách Sáng Thế (3,22) chép: Đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được hằng sống.
5. Vả lại, thánh Augustinô viết trong sách De Quaest. Vet. Et Nov. Test. rằng: Sự nếm thử cây trường sinh ngăn ngừa sự hư hoại của thân thể; lại cả sau khi phạm tội con người vẫn có thể bất hoại, nếu con người được phép ăn trái cây trường sinh.
LUẬN GIẢI. Cây trường sinh chỉ tác sinh sự bất tử một cách nào đó chứ không tuyệt đối. Để rõ vấn đề nên suy rằng, trong bậc tiên khởi con người có hai phương sách để giữ sự sống, chống với hai thứ hư hao. Hư hao thứ nhất là sự tiêu hao của chất nước bởi hoạt động của nhiệt lực tự nhiên, là dụng cụ của thân thể. Để đương đầu với điều đó con người được trợ giúp bằng cách ăn một vài cây cối của vườn địa đàng, như ngày nay chúng ta được bồi bổ bởi những lương thực chúng ta dùng.
Nhưng hư hao thứ hai, như nhà Hiền triết viết trong cuốn I De generat., hệ tại điều được phát sinh bởi chất thể bên ngoài, khi được thêm vào chất ẩm đã có trước, giảm bớt năng lực chủ động của loại; như nước pha vào rượu, trước hết biến thành mùi rượu, nhưng cứ pha thêm mãi sẽ giảm bớt cường độ của rượu, để rồi biến rượu thành nước. Theo đó chúng ta thấy, ban đầu tiềm lực chủ động của bản tính loại định thì mãnh liệt, để có thể hấp thụ mức lương thực chẳng những cần thiết để bồi bổ cho chỗ hư hao, mà còn cần thiết để tăng trưởng. Nhưng về sau điều được hấp thụ không đủ để tăng trưởng, mà chỉ đủ để bồi bổ chỗ hư hao. Sau hết, trong khi già nua cũng không đủ để bồi bổ: thành thử có sự suy thoái cùng là sự tan rã tự nhiên về thân thể. - Để đương đầu với sự hư hao này, con người được trợ giúp bằng cây hằng sống: vì cây này có sức kiện cường năng lực của loại, chống với sự suy yếu phát sinh bởi sự pha trộn của thức ăn bên ngoài. Vì thế trong cuốn XIV De Civ. Dei thánh Augustinô viết: con người có sẵn thức ăn để khỏi đói, thức uống để khỏi khát, và cây trường sinh để tuổi gì khỏi làm cho ông tan rã. Và trong sách De Quaest. Vet. et Test. ngài viết: cây trường sinh như phương dược ngăn ngừa sự huỷ hoại của người đời.
Nhưng không tác sinh sự bất tử tuyệt đối. Vì tiềm lực có trong linh hồn để bảo trì thân thể không phát sinh từ cây trường sinh; cây này cũng không thể cung cấp cho thân thể thể chất của sự bất tử, để nó không bao giờ phải tan rã. Đó là điều hiển nhiên, vì tiềm năng của bất cứ vật thể nào đều hữu hạn. Cho nên tiềm năng của cây trường sinh không thể phổ đạt đến độ cung cấp cho thân thể sức tồn tại trong thời gian vô tận, mà chi đến thời gian nhất định. Vì hiển nhiên là năng lực nào càng lớn thì công hiệu của nó càng bền bỉ. Vậy vì năng lực của cây trường sinh thì hữu hạn, một khi được ăn vào thì phòng ngừa khỏi hư hoại trong một thời gian nhất định: sau thời gian đó, con người được đưa sang cuộc sống thần linh, hoặc cần phải dùng lại trái cây trường sinh.
GIẢI ĐÁP. 1.2.3.4.5. Như thế đủ giải đáp các nghi vấn. Vì những lý lẽ thứ nhất chứng minh cây trường sinh không sinh ra sự bất hoại tuyệt đối. Còn những phản chứng thì cho thấy nó sinh ra sự bất hoại bằng cách ngăn ngừa sự hư hoại, theo cách thức đã nói (LG.).



 

Dẫn nhập vào vấn đề 98-99

VỀ SỰ BẢO TỒN DÒNG GIỐNG


Chúng tôi theo linh mục Manuel del Currvo, OP., dẫn nhập vào học thuyết của thánh Thomas liên can đến việc bảo tồn dòng giống nhân loại bằng hai mệnh đề sau đây:
Trong bậc vô tội sự bảo tồn dòng giống tự nhiên được thể hiện bằng sự sinh sản.
Thực vậy, ngay khi vừa được Thiên Chúa tạo thành, nguyên tổ Ađam và Evà đã được Thiên Chúa chúc lành, với mệnh lệnh minh bạch: Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất (St 1,28). Và vì tình trạng đời sống của nguyên tổ không bị giác cảm làm xáo trộn; nên thánh Thomas không ngần ngại khẳng định là sự tiết dục trong bậc công chính nguyên thuỷ thì không đáng khen.[49] Mọi người đều sinh sản.[50] Và như vậy, thánh Thomas giả định một cách có nền tảng là, số người nam và người nữ thì bằng nhau, chứ không có chuyện nam thiếu nữ thừa, hay ngược lại nam thừa nữ thiếu: cha mẹ có thể tự ý sinh con trai hay con gái, vì trong bậc ấy không có sự xáo trộn nào, lại ý chí của con người hoàn toàn nắm chủ quyền trên mọi vật, nên càng phải nắm quyền trên những hành vi riêng của mình, như việc sinh sản.[51]
Những trẻ em được sinh ra trong bậc vô tội không được hoàn toàn phát triển ngay tức khắc về thể lý cũng như tâm lý.
Thực ra, một số học giả, trong đó có một vài giáo phụ, vì nghĩ rằng việc nam nữ giao hợp là chuyện bỉ ổi, nên họ cho rằng dòng giống nhân loại không được duy trì bằng sự sinh sản, nhưng trực tiếp do tiềm lực của Thiên Chúa, như các thiên thần. Những học giả này cũng chủ trương rằng, ngay từ đầu những chi thể và trí khôn của các thiếu nhi đã được hoàn toàn phát triển, và đã có ngay kiến thức hoàn bị về mọi vật: vì trong bậc vô tội không thể có một khuyết điểm nào.
Thánh Thomas cho tất cả những ý kiến đó là giả tưởng; và ngài chủ trương như nguyên tắc rằng: theo định luật thiên nhiên, các cơ quan phải phát triển tuần tự, cho nên những bất toàn cố hữu lúc sơ sinh vẫn dung hợp với sự hoàn bị của bậc vô tội, khác với việc già nua và hư hoại là những điều mà con người trong bậc vô tội được phòng ngừa.[52] Về trí khôn cũng phải nói như vậy: trong sinh hoạt, trí khôn phải lương thực vào các giác quan; mà sự hoạt động của những giác quan này cũng lương thực phần nào vào cơ quan, như hành vi phù hợp với trẻ thơ là bú sữa mẹ và những việc tương tự.[53] Nhưng vào thời kỳ thích hợp thì các thiếu nhi thời ấy hẳn có kiến thức hoàn bị hơn những thiếu nhi ngày nay.

 

Vấn đề 98

VỀ NHỮNG ĐIỀU LIÊN HỆ
ĐẾN VIỆC BẢO TỒN NHÂN LOẠI


Tiếp đến phải bàn về những điều liên hệ đến việc bảo tồn nhân loại (xc. vđ.97, introd.). Trước hết về sự sinh sản; thứ đến về tình trạng của con cái (vđ.99).
Về điều thứ nhất cần tìm hiểu hai mục.
1. Trong bậc vô tội có sự sinh sản chăng?
2. Sự sinh sản có thể hiện bằng sự giao hợp chăng?

MỤC 1:      Trong bậc vô tội có sự sinh sản chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong bậc vô tội không có sự sinh sản.
1. Thực vậy, sự hư hoại thì tương phản với sự sinh sản, như chép trong cuốn V Physic.. Mà những điều tương phản thì thuộc về một giống. Nhưng trong bậc vô tội không có sự hư hoại. Cho nên cũng không có sự sinh sản.
2. Vả lại, sự sinh sản thì nhằm bảo tồn theo loại điều mà ta không thể bảo tồn theo cá vật: thành thử nơi những cá vật tồn tại mãi mãi thì không có sự sinh sản. Nhưng trong bậc vô tội con người sống mãi không chết. Cho nên trong bậc vô tội không có sự sinh sản.
3. Vả lại, nhờ sự sinh sản mà dân số được tăng thêm. Nhưng khi chủ nhân đã tăng thêm ắt phải phân chia tài sản để tránh sự lẫn lộ về chủ quyền. Vậy, vì con người đã được đặt làm bá chủ các động vật, nên hễ nhân loại đã được tăng thêm bởi sinh sản, ắt phải có sự phân chia về chủ quyền. Mà điều đó hình như tương phản với luật tự nhiên, theo đó là của chung, như thánh Isidorus nói. Cho nên trong bậc vô tội không có sự sinh sản.
NHƯNG. Sách Sáng Thế (1,28) viết: Hãy sinh sản nhiều và hãy tăng bội, hãy làm cho đầy mặt đất. Nhưng sự tăng bội này không thể thực hiện nếu không có sự sinh sản: vì ban đầu chỉ có hai người được tác thành. Cho nên trong bậc vô tội đã có sự sinh sản.
LUẬN GIẢI. Trong bậc vô tội đã có sự sinh sản để tăng thêm dân số: chẳng vậy tội lỗi của con người thì rất cần thiết, vì do tội mà điều thiện dường ấy được thành tựu. Cho nên phải suy rằng, theo bản tính của mình, con người như được đặt làm trung gian giữa các thụ tạo khả loại và bất khả hoại: vì cứ tự nhiên linh hồn con người thì bất hoại, còn cứ tự nhiên thân thể thì khảo hoại. Vậy phải lưu ý rằng ý hướng của thiên nhiên đối với thụ tạo khả hoại và bất khả hoại thì khác nhau. Nhưng xem ra ý hướng của thiên nhiên thì nhằm một cách thiết yếu vào điều trường cửu và trường tồn. Còn điều chỉ hiện hữu theo thời gian nhất định, thì hình như ý hướng của thiên nhiên không nhằm tới cách chính yếu, mà chỉ nhằm tới như hữu thể hướng về hữu thể khác: chẳng vậy, hễ hữu thể ấy bị huỷ diệt, ý hướng của thiên nhiên cũng tan rã. Vậy vì nơi những vật khả hoại chỉ có loại là vĩnh cửu và trường tồn, chứ không còn chi khác, nên điều thiện của loại là điều thuộc về ý hướng chính yếu của thiên nhiên, và việc bảo tồn nó là điều mà sự sinh sản tự nhiên hướng tới. Còn những bản thể bất hoại thì luôn luôn tồn tại chẳng những theo loại, mà theo cả cá vật nữa: cho nên chính cá vật cũng là điều thuộc ý hướng chính yếu của thiên nhiên.
Theo đó việc sinh sản thì phù hợp với con người về phía thân thể là hữu thể khả hoại theo bản tính. Nhưng về phía linh hồn, là thực tại bất hoại, thì điều thích hợp là việc tăng gia cá vật được thiên nhiên, hay đúng hơn được Chủ Tể của thiên nhiên nhằm tới cách tự thể: vì chỉ Ngài là đấng tác tạo linh hồn nhân loại, để bảo tồn dòng giống loài người, thiên nhiên đã thiết lập việc sinh sản nơi dòng giống loài người, trong cả bậc vô tội nữa.
GIẢI ĐÁP. 1. Trong bậc vô tội, thân thể con người nguyên nó là khả hoại; nhưng nhờ linh hồn mà có thể được phòng ngừa khỏi sự hư hoại. Vì thế không nên loại khỏi con người việc sinh sản, là việc cần thiết cho những vật khả hoại.
2. Sự sinh sản trong bậc vô tội, dẫu không nhằm bảo tồn nhân loại, nhưng nhằm tăng số cá nhân.
3. Trong bậc này, hễ đã tăng thêm chủ nhân ắt cũng cần phải phân chia tài sản, vì sự để chung tài sản là duyên cớ của sự bất hoà, như nhà Hiền triết đã viết trong cuốn II Politic.. Nhưng trong bậc vô tội ý chí của con người được phối trí hoàn hảo, đến độ không có nguy cơ bất hoà, khi tuỳ theo nhu cầu của mỗi người, họ dùng chung của cải mà họ làm chủ: đó cũng là điều ta nhận thấy ngày nay nơi nhiều người lương thiện.

MỤC 2:      Trong bậc vô tội việc sinh sản có thể hiện bằng giao hợp chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong bậc vô tội việc sinh sản không thể hiện bằng giao hợp.
1. Thực vậy, thánh Damascenus nói, người tiên khởi trong vườn địa đàng thì như thiên thần nào đó. Nhưng trong bậc sống hiện tại, khi người ta giống như thiên thần, thì chẳng lấy vợ lấy chồng, như thánh Matthêu đã viết (22,30). Cho nên trong vườn địa đàng cũng không có việc sinh sản bằng giao hợp.
2. Vả lại, những người tiên khởi được dựng nên ở tuổi hoàn bị. Vậy nếu nơi họ trước khi phạm tội có sự sinh sản bằng giao hợp, thì trong vườn địa đàng họ cũng phối hợp theo xác thịt. Mà theo Thánh Kinh (St 4,1), hiển nhiên điều đó là sai lầm.
3. Vả lại khi giao hợp về xác thịt thì con người đặc biệt giống như súc vật, vì sự cuồng nhiệt của khoái lạc: do đó đức tiết dục cũng được ca tụng là là nhân đức giúp người ta kiêng kỵ những khoái lạc ấy. Nhưng con người được ví như súc vật vì tội lỗi, theo lời Thánh vịnh (48,21): Dù sống trong danh vọng, con người cũng chẳng hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết. Cho nên trước khi phạm tội không có sự phối hợp xác thịt nam nữ.
4. Vả lại, trong bậc vô tội không có sự hư hoại nào. Nhưng do việc giao hợp sự trinh khiết toàn vẹn bị hư hoại. Cho nên trong bậc vô tội không có sự giao hợp.
NHƯNG. 5. Thiên Chúa đã tác thành con người có nam có nữ trước khi phạm tội, như đã chép trong sách Sáng Thế (1,27; 2,22). Nhưng trong công trình của Thiên Chúa không chi là dư thừa. Cho nên dù con người không phạm tội vẫn có sự giao hợp, vì sự phân biệt giới phái nhằm vào chuyện đó.
6. Vả lại, trong sách Sáng Thế (2,18-20) có viết, người đàn bà được tác thành để trợ tá cho đàn ông. Nhưng việc trợ tá này không nhằm vào chi khác ngoài việc sinh sản bằng giao hợp: vì về bất cứ công việc nào, người đàn ông có thể được trợ giúp cách thích hợp bởi đàn ông hơn bởi đàn bà. Cho nên trong bậc vô tội cũng có sự sinh sản bằng giao hợp.
LUẬN GIẢI. Một số tiến sĩ cựu trào, vì cho đam mê trong việc giao hợp vào thời ấy là bỉ ổi, nên đã chủ trương rằng trong bậc vô tội không có sự sinh sản bằng giao hợp. Vì thế trong cuốn De Homine mà thánh Gregorius Nyssenus biên soạn, ngài viết, trong vườn địa đàng dòng giống nhân loại được gia tăng một cách khác, giống như các thiên thần, bằng tiềm lực tác động của Thiên Chúa, chứ không có sự giao hợp. Cũng trong sách ấy thánh nhân viết, Thiên Chúa đã tác thành người nam và người nữ trước khi có tội lỗi, vì đã nghĩ đến cách thức sinh sản sẽ có sau tội lỗi, mà Người đã dự kiến trước.
Nhưng chủ trương như thế thì không hợp lý. Thực vậy, những chi là tự nhiên của con người thì không cất đi khỏi con người, cũng không được cung cấp cho con người sau khi có tội lỗi. Nhưng hiển nhiên là, cũng như đối với các động vật hoàn bị khác, việc sinh nở bằng giao hợp là điều tự nhiên đối với con người, theo sự sống động vật, mà con người có trước khi phạm tội, như đã nói trên (vđ.97, m.3). Các chi thể tự nhiên được dành về việc ấy cũng xác nhận điều đó. Vì thế không nên nói rằng trước tội lỗi các chi thể ấy không được sử dụng như các chi thể khác.
Vậy trong việc giao hợp có hai điều cần suy xét. Một là điều tự nhiên, nghĩa là sự phối hợp nam nữ để sinh nở. Vì trong mọi việc sinh nở đều đòi phải có tiềm lực chủ động và thụ động. Thành thử, vì trong mọi vật mà tại đó có sự phân biệt giới phái, sức chủ động thì có nơi con đực, và sức thụ động ghì có nơi con mái; nên trật tự của thiên nhiên đòi rằng, để sinh nở thì đực và mái phải giao hợp. - Điều thứ hai ta có thể suy xét là, sự phóng túng nào đó của đam mê vô độ. Điều này không có trong bậc vô tội, khi những tiềm lực hạ cấp hoàn toàn tuân phục lý trí. Vì thế thánh Augustinô viết trong cuốn XIV De Civ. Dei rằng: Đừng nghi ngờ rằng không thể sinh sản con cái mà không lây bệnh nhục dục. Nhưng những chi thể ấy đã cử động theo sở thích của ý chí, như các chi thể khác, không có sự cuồng nhiệt và kích thích của đam mê quyến rũ, nhưng với sự thản nhiên của tâm hồn và thân thể.
GIẢI ĐÁP. 1. Trong vườn địa đàng, về tâm trí thiêng liêng thì con người giống như thiên thần, còn về thân thể thì có sự sống động vật. Nhưng sau khi sống lại con người sẽ giống như thiên thần, trở thành thiêng liêng cả về linh hồn lẫn thân thể. Cho nên không thể áp dụng cũng một lý lẽ vào cả hai bậc.
2. Như thánh Augustinô chép trong cuốn IX Super Gen. ad Litt.: Sở dĩ trong vườn địa đàng nguyên tổ đã không giao hợp là vì, chỉ ít lâu sau khi người nữ được tác thành, các ngài đã bị đuổi ra khỏi Địa đàng vì phạm tội; hoặc vì còn chờ quyền bính của Thiên Chúa chỉ định thời gian để phối hợp, dẫu các ngài đã lãnh nhận lệnh tổng quát của Thiên Chúa.
3. Súc vật thì không có lý trí. Thành thử con người trở thành súc vật trong việc giao hợp, vì không thể lấy lý trí để điều chỉnh lạc thú của giao hợp và sự hăng nồng của đam mê. Nhưng trong bậc vô tội thì không chi như thế mà không được lý trí điều chỉnh: không phải vì lúc đó lạc thù thì êm dịu, như một số người chủ trương (vì bản tính càng thuần khiết, và thân thể càng nhạy cảm, thì lạc thú càng mãnh liệt); nhưng vì tham dục không dấy lên một cách xáo trộn lấn át lạc thú, được kỷ luật bởi lý trí, thứ lý trí không có nhiệm vụ làm cho lạc thú trở thành êm dịu, nhưng để làm cho tham dục khỏi dính bén lạc thú một cách vô độ; và cách vô độ ở đây là ngoài mực thước của lý trí. Như người tiết độ trong ăn uống cũng cảm thấy thích thú không kém gì người tham ăn; nhưng tham dục của người ấy không toạ hưởng lạc thú đó. Đó là điều mà những lời của thau muốn nói tới: những lời ấy không phủ nhận cường độ của thú vui, nhưng phủ nhận sự bồng bột của dật lạc và sự lo lắng của tâm hồn. - Vì thế trong bậc vô tội sự tiết dục thì không đáng khen, còn hiện thời thì được khen lao, không phải vì nó hạn chế sự sinh con, mà vì đẩy lui dật lạc vô độ. Nhưng hồi đó có sự sinh con mà không có dật lạc.
4. Như thánh Augustinô đã chép trong cuốn XIV De Civ. Dei rằng, trong bậc ấy do sự trao đổi vợ chồng không làm cho sự vẹn toàn bị hư hoại mảy may. Thực vậy, như ngày nay kinh nguyệt có thể sản xuất ra khỏi tử cung của trinh nữ, mà sự vẹn toàn vẫn còn y nguyên, thì hồi đó mầm sống của người chồng cũng có thể du nhập vào tử cung của người vợ, mà vẫn bảo toàn được sự vẹn toàn của âm đạo. Như sinh con thì không phải là những kêu la của sự đau đớn, mà là sức đẩy của sự trung thành, làm cho bào thai của phụ nữ dãn nở ra; thì để thụ thai cũng không phải là sự ham muốn nhục dục, mà là sự sử dụng hữu ý đã phối hợp hai bản tính.

 

Vấn đề 99

VỀ TÌNH TRẠNG THÂN THỂ CỦA CON CÁI
SẮP ĐƯỢC SINH RA


Tiếp đến phải nghiên cứu tình trạng của con cái sắp được sinh ra (xc. vđ.97, dẫn nhập). Trước hết về thân thể; hai là về sự công chính (vđ.100); ba là về kiến thức (vđ.101).
Về điều thứ nhất cần tìm hiểu hai mục.
1. Trong bậc vô tội các trẻ sơ sinh có thân thể cường tráng hoàn bị chăng?
2. Có phải tất cả các trẻ được sinh ra đều thuộc phái nam chăng?

MỤC 1:      Trong bậc vô tội, các thiếu nhi sơ sinh có sức hoàn bịđể cử động các chi thể chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong bậc vô tội các trẻ sơ sinh không có sức hoàn bị để cử động các chi thể.
1. Thực vậy, thánh Augustinô viết trong sách De Bapt. Parvul. rằng: Sự yếu ớt về thân thể, như giãi bày nơi trẻ thơ, thì úng đối với sự yếu ớt về tâm trí. Nhưng trong bậc vô tội tuyệt nhiên không có sự yếu ớt về tâm trí. Cho nên nơi các trẻ thơ cũng không có sự yếu ớt về thân thể.
2. Vả lại, một số động vật ngay khi vừa sinh ra đã có đủ sức để sử dụng các chi thể. Nhưng con người thì cao trọng hơn những động vật khác. Cho nên điều tự nhiên hơn đối với con người là, khi vừa sinh ra đã có sức để sử dụng các chi thể. Cho nên xem ra tình trạng hiện nay là hình phạt do tội lỗi gây nên.
3. Vả lại, việc không thể đạt được khoái lạc sờ sờ trước mắt thì gây nên nỗi khổ cực. Nhưng nếu trẻ thơ không có sức cử động chi thể, ắt nhiều khi chúng không thể đạt được điều khoái lạc sờ sờ trước mắt chúng. Cho nên nơi chúng phải có sự khổ cực, là điều không thể có trước khi phạm tội. Cho nên nơi các trẻ thơ không thể thiếu sức để cử động các chi thể.
4. Vả lại, xem ra sự yếu nhược của tuổi già phải tương ứng với sự yếu đuối của tuổi thơ. Nhưng trong bậc vô tội không có sự yếu nhược của tuổi già. Cho nên cũng có sự yếu đuối của tuổi thơ.
NHƯNG. Phàm chi được sinh ra thì khiếm khuyết trước khi được hoàn bị. Nhưng các trẻ thơ trong bậc vô tội đều phát xuất do sự sinh sản. Cho nên ban đầu thân thể của chúng thì khiếm khuyết về tầm vóc cũng như về sức lực.
LUẬN GIẢI. Chỉ nhờ đức tin mà chúng ta chấp nhận những điều vượt quá tính tự nhiên; mà chúng ta tin điều gì là chúng ta phải nhờ vào thế giá. Vì thế trong mọi điều xác quyết chúng ta phải theo bản tính của các vật, ngoại trừ những điều do thế giá của Thiên Chúa truyền đạt, là những điều vượt quá tính tự nhiên. Nhưng hiển nhiên rằng, các trẻ sơ sinh không đủ sức để cử động các chi thể là điều tự nhiên, vì đó là điện hoá học với những nguyên tố của bản tính nhân loại. Vì tự nhiên, xét theo lượng và trong tương quan với toàn thân, con người có óc não lớn hơn các động vật khác. Cho nên điều tự nhiên là, vì lượng nước lớn của óc não nơi trẻ thơ, nên các thần kinh, là dụng cụ của sự cử động, không thích hợp để cử động các chi thể. - Đàng khác, không người công giáo nào hồ nghi rằng, sức mạnh của Thiên Chúa có thể làm cho trẻ sơ sinh có sức hoàn bị để cử động các chi thể.
Nhưng căn cứ vào thế giá của Thánh Kinh (Gv 7,30) ta thấy Thiên Chúa làm nên con người vốn đơn sơ ngay thẳng, và heo thánh Augustinô (xc. vđ.95, m.1), sự ngay thẳng này hệ tại sự thân thể hoàn toàn tuân phục linh hồn. Vậy như trong bậc tiên khởi, không thể có nơi chi thể của con người điều gì chống cự với ý chí nề nếp của con người, thì các chi thể của con người cũng không thể khiếm nhã với ý chí của con người. Nhưng ý chí nề nếp của con người là ý chí khuynh hướng về những hanh vi phù hợp với nó. Vậy những hành vi phù hợp với con người thì đều y nguyên theo bất cứ tầm tuổi nào. Cho nên phải nói rằng hài nhi sơ sinh không có đủ sức để cử động chi thể vào bất cứ hành vi nào; nhưng vào những hành vi phù hợp với tuổi thơ, như để bú sữa mẹ, và những việc tương tự như thế.
GIẢI ĐÁP. 1. Thánh Augustinô nói về sự yếu đuối mà ngày nay ta thấy nơi các trẻ thơ, liên an đến cả những hành vi phù hợp với tuổi thơ; như những dòng trước đó chứng tỏ, vì nằm sát bên cặp vú, chúng có thể khóc vì đói hơn là bú sữa mẹ.
2. Việc một số động vật vừa được sinh ra đã có thể sử dụng các chi thể, điều đó không do sự cao sang của chúng, vì một số động vật hoàn bị hơn không được như vậy; nhưng do sự khô ráo của óc não, và vì các hành vi riêng của những động vật thì khiếm khuyết, nên một chút sức lực cũng đủ.
3. Những điều nói trong (LG.) cũng đủ để giải đáp nghi vấn này. - Nhưng có thể trả lời rằng, các trẻ thơ không ham muốn gì ngoại trừ những điều phù hợp với chúng do ý chí ngăn nắp và theo bậc của chúng.
4. Trong bậc vô tội con người được sinh ra, nhưng không bị hư hoại. Và vì thế trong bậc ấy có thể có những khuyết điểm thơ ngây, hậu quả của sự sinh sản; nhưng không có những khuyết điểm già nua, dẫn đến sự huỷ hoại.

MỤC 2:      Trong bậc tiên khởi phụ nữ có được sinh ra chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong bậc tiên khởi phụ nữ không được sinh ra.
1. Thực vậy, trong cuốn II De generat. Animal., nhà Hiền triết nói: “nữ giới là nam giới tình huống”, như thể phát xuất ngoài ý định của thiên nhiên. Nhưng trong bậc ấy, trong việc sinh sản con người không chi xảy ra phản tự nhiên. Cho nên phụ nữ không được sinh ra.
2. Vả lại, mọi tác nhân đều sinh ra vật giống với mình, đừng kể khi bị cản trở hoặc vì thiếu năng lực, hoặc vì chất thể thiếu chuẩn bị, như lửa non không thể đốt củi tươi. Nhưng trong việc sinh sản ta nhận thấy sức chủ động nơi đàn ông. Vậy vì trong bậc vô tội không có bất lực nào ở phía nam giới, cũng chẳng thấy sự thiếu chuẩn bị của chất thể ở phía nữ giới, cho nên hình như những người được sinh ra thuần là nam giới.
3. Vả lại, trong bậc vô tội việc sinh sản nhằm tăng thêm nhân số. Nhưng nhân số có thể tăng thêm một cách thoả đáng bởi cặp nam nữ tiên khởi, là những người sẽ sống luôn mãi. Cho nên trong bậc vô tội không cần để người nữ được sinh ra.
NHƯNG. Thiên Chúa đã thiết lập thiên nhiên thế nào thì nó cũng phát triển bằng việc sinh sản như thế. Nhưng Thiên Chúa đã thiết lập người nam người nữ trong bản tính nhân loại, như đã chép trong sách Sáng Thế (1,27; 2,22). Cho nên trong bậc ấy những người được sinh ra thì gồm cả nam lẫn nữ.
LUẬN GIẢI. Không chi thuộc sự hoàn bị của bản tính nhân loại lại thiếu trong bậc vô tội. Như các cấp bậc khá nhau của vạn vật thuộc về sự hoàn bị của vũ trụ, thì sự khác nhau về giới phái cũng thuộc về sự hoàn bị của bản tính nhân loại. Cho nên trong bậc vô tội cả hai phái đều được sản xuất bởi sự sinh nở.
GIẢI ĐÁP. 1. Nữ giới được gọi là nam giới tình huống, vì ở ngoài ý định của bản tính đặc thù; nhưng không ngoài ý định của bản tính phổ quát, như đã nói trên (vđ.92, m.1, gđ.1).
2. Việc sinh sản ra người nữ không thể hiện do nguyên sự bất lực của sức chủ động hay do sự thiếu chuẩn bị của chất thể, như nghi vấn đề cập tới. Nhưng đôi khi kỳ thực là do điều phụ thuộc bên ngoài; như nhà Hiền triết nói trong sách De Animalibus rằng: gió bắc giúp sinh con trai, còn gió nồm giúp sinh con gái. Đôi khi cũng do tư tưởng của linh hồn, và thân thể dễ theo đó mà biến dạng. Điều đó có thể đặc biệt xảy ra trong bậc vô tội, khi thân thể phục tùng linh hồn nhiều hơn; ấy là giới phái khác nhau của con cái thì tuỳ theo ý muốn của người sinh thành.
3. Con cái đã được sinh ra trong sự sống động vật, mà như việc sử dụng lương thực thuộc về sự sống ấy thì việc sinh sản cũng vậy. Cho nên điều thích hợp là mọi người đều sinh sản, chứ không phải một mình những nguyên tổ. Theo đó hình như bao nhiêu con trai được sinh ra, thì cũng bấy nhiêu con gái được chào đời.



 
 

Dẫn nhập vào vấn đề 100-101

VỀ VIỆC DI TRUYỀN
SỰ CÔNG CHÍNH NGUYÊN THUỶ


Chúng tôi cũng xin dẫn nhập vào đạo lý của thánh tiến sĩ Thiên thần về việc nguyên tổ truyền đạt sự công chính nguyên thuỷ cho con cháu qua ba mệnh đề sau đây:
Mệnh đề I. Cùng với bản tính và tháp tùng bản tính những hồng ân chung của bậc công chính nguyên thuỷ cũng được di truyền từ nguyên tổ sang con cháu; chỉ trừ ân sủng thì được Thiên Chúa trực tiếp phú ban, tương tự như việc Thiên Chúa phú ban linh hồn vào thân thể, theo sự xếp đặt của Người.
Theo Thánh Kinh (St 3,6tt), hiển nhiên là do tội bất tuân của nguyên tổ mà loài người mất sự công chính nguyên thuỷ. Vì thế thánh Phaolô đã nói: Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội (Rm 5,12), và vì thế: Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (Ep 2,3).
Tất cả các giáo phụ đều nhất trí về điều đó, và thánh Anselmus đã diễn đạt tư tưởng ấy cách tóm lược như thế này: Nếu con người (Ađam) không phạm tội, thì những con cái mà con người sinh ra đều công chính, ngay khi có linh hồn suy lý.[54]
Công đồng Trento cũng đã dạy điều này cách mặc nhiên, khi ấn định rằng: Do tội của mình mà ông Ađam chẳng những đã làm cho mình mất sự thánh thiện và sự công chính, mà còn cho cả chúng ta nữa.[55] Như thế nếu ông không đánh mất hẳn sẽ truyền lại cho chúng ta làm một với bản tính nhân loại, cũng như ông sự di truyền tội lỗi, là điều tương phản với sự công chính.
Nền tảng của sự di truyền này hệ tại sự công chính nguyên thuỷ là hồng ân của bản tính, như phụ thể của bản tính (accidens naturae). Vậy cứ tự nhiên con người sinh ra người khác đồng loại, tất nhiên con cái phải lãnh nhận bản tính với tất cả những phụ thể của bản tính (vđ.100, m.1). Vì thế những hồng ân chung hay là của bản tính, sẽ được di truyền trong bậc công chính, làm một với bản tính, như những điều tháp tùng bản tính, theo sự an bài của Thiên Chúa.[56]
Con số những hồng ân được di truyền. Các học giả không nhất trí về con số những hồng ân được truyền lại. Hugo de Saint Victor, Alexander Hales, thánh Bonaventura và tất cả những ai cho rằng sự công chính nguyên thuỷ chỉ hệ tại những hồng ân ngoại nhiên, tất nhiên cũng chủ trương rằng ân sủng không được di truyền.
Trái lại, thánh Thomas, vì quan niệm ân sủng là hồng ân căn bản nhất và là như cội rễ của những hồng ân khác của bậc công chính nguyên thuỷ, nên chủ trương rằng ân sủng cũng được di truyền. Nhưng không do hiệu năng của sự sinh nở như các hồng ân khác, nhưng do Thiên Chúa trực tiếp phú ban một trật khi phú ban linh hồn vào bào thai để làm nên bản tính con người. Vì chỉ một mình Thiên Chúa là căn nguyên của ân sủng;[57] mà ân sủng thì trụ trong linh hồn, còn linh hồn là đối tượng của việc tạo thành. Tất cả những điều đó xảy ra theo sự xếp đặt của chính Thiên Chúa, là Đấng đã ban sự công chính nguyên thuỷ cho bản tính nhân loại; ân sủng là cội rễ của sự công chính nguyên thuỷ này, không vì chính bản tính, mà vì chính lòng nhân hậu của Thiên Chúa; ân sủng cũng khác với những hồng ân ngoại nhiên khác, là những thể thực tự nhiên theo yếu tính.[58]
Thành thử, như theo lý tính của sự sinh nở, việc chuẩn bị chất thể tự nhiên đòi hỏi việc Thiên Chúa tạo thành và phú ban linh hồn vào thân thể, thì tương tự như thế việc tạo thành linh hồn, theo hiệu năng của việc phối trí của Thiên Chúa về sự công chính nguyên thuỷ, như điều phụ thuộc của bản tính nhân loại, cũng thỉnh cầu Thiên Chúa phú ban ân sủng ngay trong lúc tạo thành. Ở đây sự khác biệt giữa việc tạo thành linh hồn và phú ban ân sủng hệ tại: việc tạo thành linh hồn được thể hiện theo sự đòi hỏi tự nhiên, để cấu thành bản tính; còn việc phú ban ân sủng được thể hiện do sự định đoạt và xếp đặt chuyên biệt của Thiên Chúa, là Đấng ban cả những hồng ân ngoại nhiên phù hợp với bản tính nhân loại và giải thoát nó khỏi những khuyết điểm riêng.
Mệnh đề II. Những hồng ân đặc thù và cá thể thì không được di truyền với bản tính, vì thế kiến thức, dù chỉ vừa đủ, cũng chỉ có cách chính yếu trong tiềm năng, chứ không phải là trong hiện thực; có hiện thực cũng chỉ có tính cách tuyệt đối.
Sở dĩ như thế là vì những phụ thể cá biệt, nhất là trong lãnh vực thiêng liêng, nguyên chúng không được di trù từ cha mẹ đến con cái. Bởi đó thánh Thomas khẳng định, giả dụ nguyên tổ Ađam được ơn minh triết hay được làm những dấu lạ điềm thiêng, thì không vì thế mà con cháu cũng là những triết gia hay những người làm phép lạ.[59]
Mà kiến thức của Ađam là hồng ân riêng tư và cá nhân, vì lẽ nguyên tổ Ađam là cha và là thầy dạy của nhân loại, chứ không phải là một hồng ân phụ thuộc của bản tính nhân loại. Vì thế không được di truyền cho con cháu làm một với bản tính, và vì thế những trẻ em không có kiến thức hoàn bị về vạn vật, trái lại, trong lãnh vực tri thức chúng cũng có khuyết điểm tương đương với sự yếu ớt của cơ quan.[60]
Tuy nhiên chúng có những kiến thức để tự điều khiển trong việc thực thi nhân đức, nhờ đó con người tự điều khiển bằng những nguyên lý phổ quát của luật tự nhiên, mà các thiếu nhi trong bậc vô tội nhận biết một cách đầy đủ hơn những thiếu nhi ngày nay; cũng phải nói cách tương tự như thế về các nguyên lý phổ quát cần thiết để điều khiển cuộc đời,[61] cũng như việc sử dụng lý trí cách hoàn bị hơn tuỳ theo tầm tuổi, địa vị và hoàn cảnh,[62] nghĩa là các trẻ em trong bậc vô tội chỉ có kiến thức hoàn bị trong tiềm thể chứ không phải trong hiện thể. Hồi đó định luật chi phối sự phát triển trí khôn nhân loại vẫn là tuần tự tiến tới mặc dầu với những điều kiện hoàn hảo hơn hiện nay, vì không có những trở ngại và những cảnh huống dẫn đến sai lầm.[63]
Mệnh đề III. Dù nguyên tổ Ađam không sa ngã, thì con cháu nào đó của ông vẫn có thể sa ngã; lúc đó người con cháu này sẽ mất sự công chính nguyên thuỷ, và mọi miêu duệ của người này cũng chịu sự mất mát đó nữa.
Trong vấn đề này lập trường thánh Anselmus và của thánh Thomas thì tương phản nhau. Thánh Anselmus cho rằng điều thiện thì mãnh lực hơn điều ác, cho nên thánh nhân nghĩ rằng, nếu nguyên tổ Ađam đã chống cự với lời dụ dỗ, thì mọi người được sinh ra đều được củng cố trong ân sủng, cũng như vì đã chiều theo lời dụ dỗ, nên mỗi người chúng ta phải sinh ra trong tội.[64]
Thánh Thomas phi bác mọi lý chứng của thánh Anselmus. Trước hết, khi lỗi phạm, nguyên tổ Ađam không phát sinh nơi cá nhân người khác sự tất yếu phải phạm tội, mà chỉ làm cho họ nhiễm lây phải tội lỗi. Bằng chứng về điều này là chúng ta có thể lấy lại ân sủng bằng cách giải thoát khỏi tội lỗi.[65]
Thứ đến. Cho dù nguyên tổ Ađam đã chống cự lời dụ dỗ đầu tiên thì nguyên tổ cũng không được củng cố trong ân sủng; thì theo chuẩn tắc, sự củng cố trong ân sủng chỉ có thể đạt được trong thị kiến thanh nhàn, đừng kể khi nhờ một ân huệ rất đặc biệt, như ân huệ Thiên Chúa ban cho Đức Trinh Nữ Maria. Vậy vì trước sinh con cái nguyên tổ Ađam không được củng cố trong ân sủng, thì cũng không thể thông truyền sự củng cố trong ân sủng ấy cho con cái. Thành thử các con cái được sinh ra vẫn có thể phạm tội, dù chính nguyên tổ không phạm tội.[66]
Dù theo ý kiến của những học giả chủ trương rằng yếu tính của bậc vô tội hệ tại những hồng ân ngoại nhiên, không có ân sủng, ta có thể nghĩ đến sự đồng tồn của tội lỗi với sự công chính nguyên thuỷ. Nhưng theo đạo lý của thánh Thomas, điều đó không thể có, vì ân sủng là cội rễ và là căn nguyên của tất cả sự công chính nguyên thuỷ, mà ân sủng thì không thể đội trời chung với tội lỗi. Thành khi khi con cháu nào của ông Ađam phạm tội, thì lập tức bị mất hết vả kiều diễm của sự công chính nguyên thuỷ. Mà đã bị tước lột hết mọi vẻ kiều diễm của sự công chính nguyên thuỷ, thì còn đâu mà truyền lại cho các miêu duệ của mình, cũng như chính nguyên tổ Ađam đã đánh mất, thì cũng chẳng có thể truyền lại cho chúng ta.


 

Vấn đề 100

VỀ TÌNH TRẠNG BẨM SINH CỦA CON CÁI
LIÊN QUAN ĐẾN SỰ CÔNG CHÍNH


Tiếp đến phải bàn đến tình trạng bẩm sinh của con cái liên quan đến sự công chính (vđ.99, dẫn nhập). Và về điều này hai mục cần tìm hiểu.
1. Người ta có được sinh ra trong sự công chính chăng?
2. Khi sinh ra có được củng cố trong sự công chính chăng?

MỤC 1:      Người ta có được sinh ra trong sự công chính chăng?

NGHI VẤN. Hình như người ta không được sinh ra trong sự công chính.
1. Thực vậy, Hugo de Saint Victor nói rằng: người tiên khởi trước khi phạm tội quả đã sinh ra con cái không vương tội, nhưng không thừa kế sự công chính của thân phụ.
2. Vả lại, sự công chính phát sinh bằng ân sủng, như thánh tông đồ đã viết trong thư Rôma (5,16.21). Nhưng ân sủng thì không được di truyền, vì như thế sẽ là điều tự nhiên; mà chỉ do một mình Thiên Chúa phú ban. Cho nên con cái không được sinh ra trong sự công chính.
3. Vả lại, sự công chính thì ở trong linh hồn. Mà linh hồn thì không được sinh ra do sự lưu xuất. Cho nên sự công chính cũng không lưu xuất từ cha mẹ sang con cái.
NHƯNG. Trong sách De Conceptu Virg., thánh Anselmus viết: Nếu con người không phạm tội, thì những con cái mà con người sinh ra đều công chính, ngay khi có linh hồn suy lý.
LUẬN GIẢI. Cứ tự nhiên con người sinh ra một hữu thể giống với mình về loại. Thành thử bất cứ phụ thể nào đi theo bản tính loại định, thì về những phụ thể này, con cái nhất thiết phải giống như cha mẹ, đừng kể trong hoạt động của bản tính có sự sai lầm, là điều không có trong bậc vô tội. Nhưng trong những phụ thể cá biệt, con cái không nhất thiết phải giống như cha mẹ. - Nhưng sự công chính nguyên thuỷ, trong đó người tiên khởi được tạo dựng, là phụ thể của bản tính loại định, không như thể do những nguyên tố loại định phát sinh, nhưng là một thứ tặng phẩm Thiên Chúa ban cho toàn thể bản tính. Sở dĩ như thế là vì những điều tương phản thì thuộc về cũng một giống: nhưng tội nguyên tổ, tương phản với sự công chính đó, được gọi là tội của bản tính; cho nên được lưu truyền từ thân phụ đến con cháu. Vì thế con cái cũng giống với cha mẹ về sự công chính nguyên thuỷ.
GIẢI ĐÁP. 1. Ta không được hiểu những lời của Hugo về tập quán của sự công chính, mà về việc thể hiện hành vi.
2. Một số người cho rằng, con cái không được sinh ra trong sự công chính siêu nhiên, thứ công chính là đầu mối để lập công, nhưng với sự công chính nguyên thuỷ. Mà cội rễ của sự công chính nguyên thuỷ, mang lại sự ngay thẳng cho con người khi được tác thành, hệ tại việc lý trí tùng phục Thiên Chúa cách siêu nhiên, thể hiện bằng ơn thánh hoá, như đã nói trên (vđ.95, m.1); cho nên phải nói rằng, nếu hài nhi đã được sinh ra trong sự công chính nguyên thuỷ, ắt cũng được sinh ra trong ân sủng; như chúng tôi đã nói trước (vđ.95, m.1) là, người tiên khởi được tạo dựng trong ân sủng. Nhưng không vì thế mà ân sủng là thể thức tự nhiên: vì không được di truyền do huyết nhục, mà được ban cho con người ngay khi có linh hồn suy lý. Cũng như ngay khi thân thể được chuẩn bị thì linh hồn suy lý được Thiên Chúa phú ban, chứ không do lưu xuất từ cha mẹ.
3. Như thế đủ rõ phải giải đáp nghi vấn thứ 3 này như thế nào.

MỤC 2:      Khi được sinh ra thiếu nhi có được củng cố trong
sự công chính chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong bậc vô tội, khi được sinh ra thiếu nhi đã được củng cố trong ân sủng.
1. Thực vậy, trong cuốn IV Moral. thánh Gregorius giải thích lời sau đây của sách Gióp: Tôi đã an giấc nghỉ ngơi, rằng: Nếu không có tội lỗi nào huỷ hoại nguyên tổ, hẳn ông không từ mình sinh ra con cái cho hoả ngục; nhưng chỉ những ai ngày nay được Đấng cứu chuộc cứu vớt, mới được lựa chọn để từ ông sinh ra. Cho nên mọi người sinh ra đều được củng cố trong sự công chính.
2. Vả lại, trong cuốn Cur Deus Homo, thánh Anselmus viết: Nếu các nguyên tổ sống làm sao để không phạm tội khi bị cám dỗ, ắt các ngài đã được củng cố cùng mọi miêu duệ, để không thể phạm tội nữa. Cho nên các hài nhi được sinh ra đã được củng cố trong sự công chính.
3. Vả lại, điều thiện thì mãnh liệt hơn điều ác. Nhưng tội của nguyên tổ làm cho những người từ ông mà được sinh ra nhất thiết phải phạm tội. Cho nên, nếu nguyên tổ bền đỗ trong sự công chính, thì nơi con cháu cũng phát sinh ra sự tất yếu tuân giữ sự công chính.
4. Vả lại, những thiên thần gắn bó với Thiên Chúa, đang khi các thiên thần khác phạm tội, đã được củng cố trong sự công chính, và không thể phạm tội. Cho nên con người cũng vậy, nếu chống cự khi bị cám dỗ, hẳn đã được củng cố. Nhưng con người thế nào thì cũng sinh ra những người khác như thế. Cho nên con cái của con người khi được sinh ra cũng được củng cố trong sự công chính.
NHƯNG. Trong cuốn XIV De Civ. Dei, thánh Augustinô viết: Toàn thể xã hội loài người sẽ hạnh phúc biết bao, nếu chính các ngài, nghĩa là nguyên tổ, không phạm vào điều ác nào để truyền lại cho con cháu, và nếu trong số con cháu không ai lỗi phạm điều gian ác nào đáng luận phạt. Trích văn đó cho thấy, dù những người tiên khởi không phạm tội, thì trong số con cháu vẫn có kẻ có thể mắc phải điều gian ác. Cho nên những trẻ sẽ được sinh ra không được củng cố trong sự công chính.
LUẬN GIẢI. Hình như không thể có chuyện các trẻ sinh ra trong bậc vô tội được củng cố trong sự công chính. Vì hiển nhiên là, các thiếu nhi khi được sinh ra đâu có hoàn bị hơn cha mẹ chúng trong lúc sinh sản. Nhưng cha mẹ, bao lâu còn sinh sản, bấy lâu chưa được củng cố trong sự công chính. Sở dĩ thụ tạo suy lý được củng cố trong sự công chính, là vì đã trở thành hạnh phúc, bởi được nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền: vì hễ đã nhìn thấy Thiên Chúa thì không thể không gắn bó với Người, bởi lẽ Người là chính yếu tính của sự thiện hảo, mà không ai có thể tẩy chay: không chi được ao ước và yêu mến nếu không vì lẽ là điều thiện. Nói thế là nói theo luật chung: vì sự kiện có thể khác đi do đặc ân riêng biệt nào đó, như ta vẫn tin về Thiên Chúa Thánh Mẫu. Thoạt khi ông Ađam đạt tới hạnh phúc nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa thì trở thành thiêng liêng về tâm trí cũng như thân thể, và cuộc sống động vật sẽ chấm dứt, là đời sống duy nhất trong đó thiên hạ thực hiện việc sinh sản. Thành thử hiển nhiên là các hài nhi sơ sinh không được củng cố trong sự công chính.
GIẢI ĐÁP. 1. Nếu ông Ađam không phạm tội, thì ông sẽ không sinh ra con cái cho hoả ngục, nghĩa là chúng không vì ông mà mắc tội, là căn nguyên của hoả ngục. Nhưng chúng có thể là con cái của hoả ngục, vì phạm tội bằng tự do tự quyết. Hoặc nếu chúng không trở thành con cái của hoả ngục vì tội lỗi, thì đó không phải vì đã được củng cố trong sự công chính; mà vì sự an bài của Thiên Chúa, nhờ đó chúng được gìn giữ không nhiễm lây tội lỗi.
2. Thánh Anselmus không nói như thế một cách xác quyết, nhưng cách giả định. Đó là điều hiển nhiên do cách nói: Nếu các nguyên tổ sống làm sao...
3. Lý lẽ đó không hiệu nghiệm, mặc dầu xem ra thánh Anselmus đã bị lôi cuốn bởi lẽ đó, như thấy trong trích văn. Quả thực, các con cháu không vì tội của nguyên tổ mà mắc phải sự tất yếu phạm tội, đến độ không thể quay về với sự công chính: điều này chỉ có nơi các kẻ bị trầm luân. Thành thử nguyên tổ cũng không truyền lại cho con cháu sự tất yếu không phạm tội, đến độ tuyệt nhiên không thể phạm tội: điều này chỉ có nơi các phúc nhân.
4. Điều nói về con người và về thiên thần thì không giống nhau. Vì con người có tự do tự quyết, có thể thay đổi trước và sau khi lựa chọn; còn thiên thần thì không, như đã nói trên (vđ.64, m.2), khi bàn về các thiên thần.


 

Vấn đề 101

VỀ TÌNH TRẠNG CỦA TRẺ SƠ SINH
LIÊN QUAN ĐẾN TRI THỨC


Tiếp đến cần phải bàn về tình trạng của trẻ sơ sinh liên quan đến tri thức (x. vđ.99, dẫn nhập). Và về điều này hai mục cần tìm hiểu.
1. Các trẻ sơ sinh có được hoàn bị trong tri thức chăng?
2. Ngay lúc mới sinh, chúng có sử dụng lý trí cách hoàn bị chăng?

MỤC 1:      Trong bậc vô tội các trẻ sơ sinh có được hoàn bị
trong tri thức chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong bậc vô tội, các trẻ sơ sinh đã được hoàn bị trong tri thức.
1. Thực vậy, ông Ađam thế nào thì cũng sinh ra con cái thế ấy. Nhưng ông Ađam đã được hoàn bị về tri thức, như đã nói trên (vđ.94, m.3). Cho nên các con cái do ông sinh ra cũng hoàn bị trong tri thức.
2. Vả lại, sự ngu dốt là do tội lỗi gây nên, như thánh Beda đã nói (xc. I-II, vđ.85, m.3). Mà ngu dốt là thiếu tri thức. Cho nên trước khi phạm tội trẻ sơ sinh có mọi tri thức.
3. Vả lại, trẻ sơ sinh có sự công chính. Mà để có sự công chính thì cần phải có tri thức hướng dẫn những việc phải làm. Cho nên chúng cũng có tri thức.
NHƯNG. Theo bản tính, linh hồn chúng ta như tấm bảng trống trơn, trong đó chưa có chi được viết vào, như chép trong cuốn III De Anima. Nhưng bản tính của linh hồn hiện nay thế nào thì hồi đó cũng thế. Cho nên hồi đầu linh hồn của trẻ sơ sinh không có tri thức.
LUẬN GIẢI. Ta chỉ nhờ thế giá để tin những điều vượt trên tính tự nhiên, như đã nói trên (vđ.99, m.1): thành thử ở đâu không có thế giá thì chúng ta phải theo tình trạng của thiên nhiên. Nhưng điều tự nhiên của con người là chinh phục tri thức bằng giác quan, như đã nói trên (vđ.55, m.2; vđ.84, m.7); vì thế sở dĩ linh hồn phối hợp với thân thể, là vì cần đến nó trong công việc của mình; và điều này hẳn không cần, nếu ngay từ đầu linh hồn đã có kiến thức không nhờ sức giác cảm mà chinh phục được. Cho nên phải nói rằng, trong bậc vô tội trẻ sơ sinh không được hoàn bị trong tri thức; nhưng chúng đã chinh phục kiến thức qua diễn tiến của thời gian, bằng cách khám phá và học hỏi mà không phải khó nhọc.
GIẢI ĐÁP. 1. Được hoàn bị trong tri thức là một phụ thể cá biệt của nguyên tổ, vì ông đã được đặt làm cha và làm thầy toàn thể dòng giống nhân loại. Vì thế theo bình diện này, ông không sinh ra những con cái giống như mình; nhưng chỉ theo những phụ thể tự nhiên, hay là theo những phụ thể nhưng không của toàn thể bản tính.
2. Sự ngu dốt là thiếu tri thức cần phải có trong thời gian hạn định. Điều này không có nơi trẻ sơ sinh: vì chúng đã có tri thức phù hợp với chúng vào thời ấy. Vì thế sự ngu dốt không có nơi chúng, có chăng chỉ là sự vô minh về những điều nào đó; thứ u minh có cả nơi các thiên thần, như Dionysius viết trong sách Cael. Hier.
3. Các thiếu nhi có đủ tri thức hướng dẫn chúng trong những việc thuộc đức công bình, những việc mà người đời được hướng dẫn bởi những nguyên lý thủ yếu về quyền lợi; nhưng chúng có tri thức đó một cách đầy đủ hơn chúng ta có ngày nay cách tự nhiên; về những nguyên lý phổ quát khác cũng vậy.

MỤC 2:      Các trẻ sơ sinh có thể sử dụng lý trí cách hoàn bị chăng?

NGHI VẤN. Hình như trong bậc vô tội các trẻ sơ sinh có thể sử dụng lý trí cách hoàn bị.
1. Thực vậy, ngày nay các thiếu nhi không thể sử dụng lý trí cách hoàn bị là vì linh hồn đã trở thành nặng nề bởi thân thể. Nhưng hồi đó không có chuyện ấy, theo lời sách Khôn Ngoan (9,15): Thân xác bị hư hoại khiến linh hồn ra nặng nề. Cho nên trước khi có tội và sự hư hoại bởi tội, trẻ sơ sinh đã sử dụng được lý trí cách hoàn bị.
2. Vả lại, một số động vật khác khi vừa sinh ra đã sử dụng tài năng tự nhiên, như chiên cừu chạy trốn chó sói ngay tức khắc. Cho nên trong bậc vô tội các trẻ sơ sinh càng sử dụng lý trí cách hoàn hảo hơn.
NHƯNG. Trong mọi vật được sinh ra, tính tự nhiên diễn tiến từ bất toàn đến hoàn bị. Cho nên ngay từ đầu thiếu nhi không sử dụng được lý trí cách hoàn bị.
LUẬN GIẢI. Theo những điều đã nói trên (vđ.84, m.7), hiển nhiên là việc sử dụng lý trí lệ thuộc phần nào vào việc sử dụng những năng lực giác cảm; vì thế kh giác quan bị buộc trói và những năng lực hạ cấp bị cản trở, thì con người không sử dụng lý trí cách hoàn bị được, như thấy nơi những người ngủ và người điên. Nhưng năng lực giác cảm là những năng lực của cơ quan thể xác; vì thế khi những cơ quan của chúng bị cản trở, tất nhiên những hành vi của chúng cũng bị cản trở, nhiên hậu cả việc sử dụng lý trí nữa. Nhưng nơi các thiếu nhi, trở ngại của các năng lực này phát xuất từ độ ẩm quá nhiều của óc não. Vì thế nơi chúng sự sử dụng lý trí, cũng như các chi thể khác, không được hoàn bị. Thành thử trong bậc vô tội, các thiếu nhi không sử dụng lý trí cách hoàn bị như chúng sẽ sử dụng vào tuổi trưởng thành. Nhưng chúng đã sử dụng lý trí cách hoàn bị hơn ngày nay, đối với những việc liên hệ đến chúng trong bậc ấy; như ta đã thấy trên đây (vđ.99, m.1) về việc sử dụng các chi thể.
GIẢI ĐÁP. 1. Sự nặng nề, do sự hư hoại mà thân thể chuốc lấy, là tại việc dùng lý trí bị cản trở trong cả những việc thuộc về con người ở bất cứ tuổi nào.
2. Cả những động vật khác cũng không sử dụng được ngay từ đầu cái tài khéo tự nhiên cách hoàn bị như về sau. Đó là điều hiển nhiên: vì chim cũng dạy cho con của chúng bay; những điều tương tự như thế cũng thấy nơi các giống động vật khác. Nhưng nơi con người thì có trở ngại riêng biệt bởi độ ẩm dư dật của óc não, như đã nói trên (vđ.99, m.1).



 

Dẫn nhập vào vấn đề 102

VỀ VƯỜN ĐỊA ĐÀNG


Thánh Kinh chép: Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eđen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra... để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 7,7.8.15).
Thánh Thomas đã căn cứ vào mục đích cao cả của con người cũng như những hồng ân sung túc mà Thiên Chúa đã hào hiệp ban cho con người để viện lý cách xứng hợp cho sự thực hữu của vườn địa đàng, như nơi thường trú của con người. Như trong hạnh phúc thanh nhàn có điều thuộc về bản thể của hạnh phúc ấy, như sự nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền và sự hoan lạc, và những điều phụ thuộc có tính cách xứng hợp, như bầu trời trong sáng, thì trong bậc vô tội cũng vậy, vì trong bậc này con người cũng được hạnh phúc phần nào, nên phải có những vật thuộc về yếu tính của bậc này, - như sự bất tử và thái độ tùng phục của các tài năng hạ cấp đối với lý trí - và những điều thuộc về bậc ấy cách xứng hợp. Vì thế một nơi thường trú với không khí điều hoà, không quá nồng nực và quá lạnh buốt, và đầu hoan lạc, như vườn địa đàng, thì quả là xứng hợp với cuộc đời bất tử và an nhàn, không ưu tư phiền muộn.[67]
Có ba ý kiến khác nhau về vườn địa đàng, như thánh Augustinô đã ghi nhận: một là địa đàng vật chất: ý kiến này giải thích trình thuật của sách Sáng Thế theo nghĩa đen; hai là thiêng liêng và biểu trưng; ba là hỗn hợp cả vật chất lẫn thiêng liêng. Thánh Augustinô và Thomas ngả theo ý kiến thứ ba, và đưa nguyên tắc căn bản về sự giải thích Thánh Kinh: Trong những điều mà Thánh Kinh tường thuật theo sử quan, như vườn địa đàng, thì phải lấy chân lý lịch sử thuật lại như nền tảng cho ý nghĩa thiêng liêng.[68]
Nhưng nếu ta lưu ý đến văn cảnh mà Giáo Hội nhìn nhận về 11 chương đều của sách Sáng Thế, thì không nên quá da diết những chi tiết của các trình thuật. Vậy ngoài việc vườn địa đàng ở phía đông thì chưa ai xác định được là nó toạ lạc tại đâu. Về hiệu năng của cây trường sinh nở giữa vườn (St 2,9) cũng vậy.[69]
Việc cày cấy không phải là công việc nặng nhọc vất vả, do nhu cầu của đời sống áp đặt, mà là công việc nhẹ nhõm, thanh thản và hoạn lạc của sức hoạt động.[70]

 

Vấn đề 102

VỀ NƠI CƯ TRÚ CỦA CON NGƯỜI,
LÀ VƯỜN ĐỊA ĐÀNG


Sau hết phải bàn đến nơi cư trú của con người, là vườn địa đàng, (xc. vđ.90, dẫn nhập). Về điều này bốn mục cần tìm hiểu.
1. Địa đàng có phải là một nơi hữu hình chăng?
2. Có phải là nơi thích hợp cho con người cư ngụ chăng?
3. Con người được đặt trong vườn địa đàng để làm gì?
4. Con người có phải được tác thành trong vườn địa đàng chăng?

MỤC 1:      Địa đàng có phải là một nơi hữu hình chăng?

NGHI VẤN. Hình như vườn địa đàng không phải là một nơi hữu hình.
1. Thực vậy, Beda nói Vườn địa đàng vươn cao đến cung trăng. Nhưng không một nơi trần thế nào có thể là như thế: vì vươn cao như thế thì tương phản với bản tính của địa cầu; đàng khác dưới cung trăng là miền lửa sẽ thiêu huỷ trái đát. Cho nên địa đàng không phải là một nơi hữu hình.
2. Vả lại, Thánh Kinh nhắn đến bốn con sông phát xuất từ vườn địa đàng, như thấy trong sách Sáng Thế (2,10tt). Những con sông có tên trong đó lại có ngọn nguồn minh bạch từ nơi khác, như thấy trong sách Meteor. của nhà Hiền triết. Cho nên địa đàng không phải là một nơi hữu hình.
3. Vả lại, có những người miệt mài nghiên cứu về mọi nơi có thể cư ngụ trên trái đất; nhưng tuyệt nhiên họ không nhắc đến vườn địa đàng. Cho nên hình như địa đàng không phải là một nơi hữu hình.
4. Vả lại, vườn địa đàng được mô tả (St 2,9) là có cây trường sinh. Nhưng cây trường sinh là điều gì thiêng liêng: vì sách Châm Ngôn (3,18) có nói về sự Khôn ngoan là cây sự sống đối với những người nắm giữ được nó. Cho nên địa đàng không phải là nơi hữu hình, mà là nơi thiêng liêng.
5. Vả lại, nếu địa đàng là một nơi hữu hình thì những cây cối của địa đàng cũng phải hữu hình. Nhưng hình như không phải như thế: vì những cây hữu hình thì được phát sinh vào ngày thứ ba; còn về việc trồng một vườn cây, thì ta đọc thấy trong sách Sáng Thế (2,8-9) là, được thể hiện sau công trình của sáu ngày. Cho nên địa đàng không phải là một nơi hữu hình.
NHƯNG. Trong cuốn III Super Gen. ad Litt., thánh Augustinô viết: có ba ý kiến chung về vườn địa đàng: Một ý kiến chỉ muốn hiểu về vườn địa đàng cách hữu hình mà thôi; ý kiến thứ hai lại hiểu cách thiêng liêng; ý kiến thứ ba hiểu địa đàng theo cả hai cách; thú thực là tôi thích ý kiến này.
LUẬN GIẢI. Như thánh Augustinô viết trong cuốn XIII De Civ. Dei: Không chi ngăn cấm nói ra những điều thích hợp để hiểu về vườn địa đàng thiêng liêng; miễn là tin nhận chân lý tuyệt đối trung thực của lịch sử trong việc tường thuật những sự kiện đã xảy ra. Quả thực, những điều được ghi trong Thánh Kinh về vườn địa đàng, thì được trình bày theo cách thức của lịch sử; nhưng trong mọi điều mà Thánh Kinh ghi lại như thế, phải lấy sự chân thật của lịch sử như nền tảng, và tựa vào đó ta có thể kiến tạo những giải thích thiêng liêng. Vậy địa đàng, như thánh Isidorus nói trong sách Etymol. nơi toạ lạc về phía Đông, mà danh xưng được chuyển nghĩa từ Hy Lạp sang La ngữ là Vườn. - Nói là toạ lạc tại phía Đông thì thích hợp. Vì phải tin rằng vườn ấy phải được thiết lập tại một nơi cao trọng nhất của trái đất. Mà phía Đông là bên phải của bầu trời, như ta thấy trong cuốn II De Caelo của nhà Hiền triết; và bên phải thì trọng hơn bên trái; cho nên vườn địa đàng được Thiên Chúa đặt ở phía Đông là thích hợp rồi.
GIẢI ĐÁP. 1. Câu nói của Beda (Strabi), nếu hiểu theo mặt chữ, thì không chính xác. Nhưng có thể giải thích như thế này là, địa đàng vươn tới chỗ nguyệt cầu, không phải theo sự nhô lên của địa thế mà theo sự tương tự: vì ở đó khí hậu luôn luôn điều hoà, như thánh Isidorus đã nói, và về phương tiện này thì giống như các thiên thể, là những nơi không có sự xung khắc. Nhưng sở dĩ nhắc đến nguyệt cầu hơn các thiên cầu khác là vì, nguyệt cầu là giới hạn của các thiên thể về phía chúng ta; và trong các thiên thể thì nguyệt cầu giống với địa cầu hơn cả; vì thế cũng có những mây mù, ngả về màu đục mờ.
Nhưng có người nói địa đàng thì vươn tới nguyệt cầu, nghĩa là đến lớp trung gian của không khí, nơi phát sinh ra mưa, gió, vv..., vì ta quy gán cho mặt trăng sức chế ngự trên những loại bốc hơi đó. - Nhưng theo ý kiến này, thì nơi đó không thích hợp cho sự cư ngụ của con người: một đàng vì ở đó thời tiết thay đổi quá nhiều; đàng khác không hoà hợp với thể chất của con người, như khí hậu bên dưới gần với trái đất hơn.
2. Như thánh Augustinô nói trong cuốn VIII Super Gen. ad Litt. rằng: Vì địa điểm của địa đàng thì xa lắc xa lơ đối với nhận thức của con người, nên phải cho rằng, những sông ngòi, mà suối nguồn được cho là quen biết, đã ngầm chảy dưới đất, và sau khi chảy qua nhiều miền xa xô, lại vọt lên tại những nơi khác. Còn ai không biết rằng một số nguồn nước thường hay phát sinh ra như thế?
3. Nơi đó được tách biệt với thổ cư của chúng ta vì những hiểm trở không thể vượt qua nào đó của núi non, của biển khơi, hay của miền nồng nực. Cho nên những nhà địa lý học không nhắc đến nơi này.
4. Cây trường sinh là một cây hữu chất, ta gọi nó như thế vì quả của nó có sức bảo tồn sự sống, như đã nói trên (vđ.97, m.4). Nhưng nó ám chỉ điều gì cách thiêng liêng: cũng như hòn đá trong hoang địa là thực tại hữu chất, nhưng ám chỉ Chúa Kitô (xc. 1Cr 10,4).
Cũng vậy, cây biết lành biết dữ là một cây hữu chất, và được gọi như thế vì biến cố tương lai, vì sau khi ăn quả cây ấy, con người mới nhờ kinh nghiệm của hình phạt mà nhận biết điều thiện của sự tuân phục và điều ác của sự bất tuân khác nhau như thế nào. Nhưng theo nghĩa thiêng liêng có thê ám chỉ sự tự do tự quyết, như một số người chủ trương.
5. Theo thánh Augustinô, ngày thứ ba các cây cối không được tác thành trong hiện thể, mà theo những lý tính căn cội nào đó; nhưng sau những công trình của sáu ngày những cây cối của địa đàng cũng như những cây cối khác mới được tác thành trong hiện thể. - Người đối với một số giáo phụ khác, phải nói rằng mọi cây cối đã được tác thành trong hiện thể vào ngày thứ ba (xc. vđ.69, m.2), kể cả những cây của địa đàng; còn việc nói về việc trồng cây cối của vườn địa đàng sau công trình của sáu ngày thì được hiểu nói theo cách tổng lược. Vì thế ban văn (St 2,8) của chúng ta nói: Thiên Chúa đã trồng ngay từ đầu vườn địa đàng hoan lạc.

MỤC 2:      Địa đàng có phải là nơi thích hợp cho con người cư ngụ chăng?

NGHI VẤN. Hình như địa đàng không phải là nơi thích hợp cho con người cư ngụ.
1. Thực vậy, con người và thiên thần đều được quy hướng về hạnh phúc. Nhưng ngay từ đầu thiên thần đã trở thành người cư ngụ tại nơi của các chân phước, nghĩa là bầu trời. Cho nên nơi cư ngụ của con người cũng phải được đặt ở đó.
2. Vả lại, nếu nơi nào đó phải được dành cho con người, thì hoặc vì linh hồn, hoặc vì thân thể. Nếu vì linh hồn, thì nơi dành cho con người phải là thiên đàng, vì hình như đó là nơi chốn tự nhiên của linh hồn: ai ai cũng mong ước thiên đàng. Nhưng nếu vì thân thể, thì không thể dành cho con người một nơi khác với nơi dành cho những động vật khác. Cho nên địa đàng tuyệt nhiên không thể là nơi xứng hợp cho sự cư ngụ của con người.
3. Vả lại, một nơi không chứa đựng chi cả là nơi dư thừa. Nhưng sau khi có tội lỗi, địa đàng không còn là nơi con người cư ngụ. Cho nên, nếu địa đàng là nơi thích hợp cho con người cư ngụ, thì hình như Thiên Chúa đã thiết lập nó cách uổng phí.
4. Vả lại, vì là vật có tư chất hài hoà, nên nơi phù hợp với con người là nơi ôn hoà. Nhưng vườn địa đàng không phải là nơi ôn hoà: vì thiên hạ nói đó là nơi ở dưới kinh tuyến của xích đạo, là nơi xem ra nồng nực nhất, vì mỗi năm mặt trời rọi trên đỉnh đầu cư dân ở đó hai lần. Cho nên địa đàng không phải là nơi thích hợp cho sự cư ngụ của con người.
NHƯNG. Thánh Damascenus nói địa đàng là miền thần linh, nơi cư ngụ xứng đáng của người được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa.
LUẬN GIẢI. Như đã nói trên (vđ.97, m.1), hồi đó con người thì bất hoại và bất tử, không phải vì thân thể của con người có cấu trúc bất hoại, mà vì có một sức mạnh của linh hồn phòng ngừa thân thể khỏi sự hư hoại. Nhưng thân thể con người có thể bị hư hoại do nội tại và ngoại tại. Bị hư hoại do nội tại vì sự tiêu hao của chất nước và do sự già nua, như đã nói trên (vđ.97, m.4): người tiên khởi có thể đương đầu với sự hư hoại ấy bằng thức ăn thức uống. Còn trong những tác nhân bên ngoài gây nên sự hư hoại thì trước hết là không khí thiếu điều hoà: thành thử ta đương đầu với sự hư hoại ấy bằng việc điều hoà không khí. Nhưng vườn địa đàng ta thấy có cả hai điều đó: vì như thánh Damascenus nói, đó là nơi rạng ngời với không khí điều hoà, vi diệu và thuần khiết, lại được trang trí bằng những câu cối luôn luôn trổ bông. Cho nên hiển nhiên rằng, địa đàng là nơi phù hợp cho sự cư ngụ của con người, theo bậc bất tử tiên khởi.
GIẢI ĐÁP. 1. Bầu trời là chốn cao nhất trong các nơi hữu hình, và được miễn khỏi mọi thay đổi. Xét theo điểm thứ nhất trong hai điểm ấy, thì đó là nơi phù hợp với bản tính thiên thần: vì như thánh Augustinô viết trong cuốn III De Trin.: Thiên Chúa cai quản thụ tạo hữu hình bằng thụ tạo thiêng liêng; cho nên quả là xứng hợp nếu bản tính thiêng liêng được đặt trên mọi bản tính hữu hình, như chủ thể cai quả nó. Còn xét theo điểm thứ hai thì nơi ấy phù hợp với bậc hạnh phúc, bậc được kiên định trong sự vững chắc tuyệt đỉnh. - Cho nên nơi hạnh phúc thì phù hợp với thiên thần theo bản tính của thiên thần, thành thử thiên thần được tạo thành tại đó. Nhưng không phù hợp với con người theo bản tính của con người, vì không cai quản mọi thụ tạo hữu hình theo cách thức quản trị: nhưng chỉ phù hợp với con người vì lẽ hạnh phúc. Cho nên ngay từ đầu con người không được đặt ở bầu trời; nhưng sẽ được chuyển đến đó trong bậc hạnh phúc sau cùng.
2. Thật là nực cười khi nói rằng, phải có nơi tự nhiên cho linh hồn hay cho bản thể thiêng liêng nào đó; nhưng do sự xứng tiện nào đó một nơi riêng biệt được quy gán cho thụ tạo vô hình. Cho nên địa đàng là nơi phù hợp với con người xét theo linh hồn và theo thân thể, nghĩa là vì lẽ trong linh hồn có tiềm lực phòng ngừa thân thể khỏi sự hư hoại. Điều này không phù hợp với những động vật khác. Thế nên thánh Damascenus nói: Không có vật không suy lý nào cư ngụ trong địa đàng: dẫu cho sự xếp đặt riêng biệt các động vật được đưa đến đó cho ông Ađam, và con rắn thì chỉ vào đó do tác động của ma quỷ.
3. Dù địa đàng không phải là nơi cư ngụ của con người sau khi có tội, nhưng không vì thế mà địa đàng là nơi dư thừa; cũng như sự bất tử nào đó được ban cho con người không phải là dư thừa, dù con người không duy trì được sự bất tử ấy. - Vì điều đó tỏ rõ lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với con người, và tỏ rõ điều lớn lao mà con người đã đánh mất bởi phạm tội. - Tuy nhiên, có người nói ông Enoch và Elias đang ở trong địa đàng.
4. Những ai nói vườn địa đàng ở dưới kinh tuyến của xích đạo, thì cho rằng dưới kinh tuyến ấy có một nơi rất ôn hoà, vì sự quân bình của ngày đêm trong mọi thời gian; và vì mặt trời không bao giờ quá xa cách, để cư dân phải rét cóng; và những người ấy nói, nơi cư ngụ đó cũng không quá nồng nực, vì dù mặt trời có lượt trên đầu họ, thì không dừng lại lâu trong vị thế đó. - Nhưng trong cuốn Meteor. nhà Hiền triết nói rõ đó là miền không thể cư ngụ, vì sự nồng nực. Xem ra hầu chắc là thế: vì những miền đất mà mặt trời không bao giờ chiếu thẳng xuống trên đầu, cũng là những miền rất nồng nực vì gần gũi mặt trời. Dù sao đi nữa, vẫn phải tin rằng địa đàng đã được đặt vào một nơi rất ôn hoà, dù ở kinh tuyến xích đạo hay ở đâu đi nữa.

MỤC 3:      Con người có được đặt vào địa đàng để lao tác   
và canh giữ nó chăng?

NGHI VẤN. Hình như con người không được đặt vào địa đàng để lao tác và canh giữ nó.
1. Thực vậy, điều được du nhập như hình phạt tội lỗi, thì trong bậc vô tội không có trong vườn địa đàng. Nhưng nghề nông được du nhập như hình phạt tội lỗi, như đã chép trong sách Sáng Thế (3,17tt). Cho nên con người không được đặt vào địa đàng để lao tác trong đó.
2. Vả lại, ở đâu không sợ ai xâm phạm, thì sư canh giữ đâu có cần thiết. Nhưng tại địa đàng đâu có sợ ai xâm phạm. Cho nên không cần phải có ai canh giữ địa đàng.
3. Vả lại, nếu con người được đặt vào địa đàng để lao tác và canh giữ nó, thì hình như con người được tác thành vì địa đàng, chứ không ngược lại: đó là điều sai lầm. Cho nên con người không được đặt vào địa đàng để lao tác và canh giữ nó.
NHƯNG. Sách Sáng Thế (2,15) chép: Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn hoan lạc địa đàng để lao tác và canh giữ nó.
LUẬN GIẢI. Trong cuốn VIII Super Gen. ad. Litt. thánh Augustinô viết, lời của sách Sáng Thế đó hiểu được hai cách. Cách thứ nhất là: Thiên Chúa đặt con người vào địa đàng, để chính Thiên Chúa lao tác và canh giữ con người: tôi nói, lao tác bằng cách công chính hoá con người, vì nếu Thiên Chúa đình chỉ công việc, thì lập tức con người trở nên tối tăm, cũng như nếu hết ảnh hưởng của ánh sáng thì không khí trở thành tối tăm; và Người canh giữ con người khỏi sự hư hoại và khỏi điều ác.
Cách thứ hai là, để con người lao tác và canh giữ địa đàng. Nhưng lao tác lúc đó không nhọc nhằn như sau khi có tội, một là thoải mái vì có kinh nghiệm về tiềm lực của thiên nhiên. Sự canh giữ lúc đó không phải để chống với kẻ xâm phạm; một là để con người giữ địa đàng cho mình, kẻo đánh mất nó vì phạm tội. Và tất cả vì thiện ích của con người: như vậy vườn địa đàng quy hướng về điều thiện của con người, chứ không ngược lại.
GIẢI ĐÁP. Như thế đã đủ để giải đáp các nghi vấn.

MỤC 4:      Con người có được tác thành tại vườn địa đàng chăng?

NGHI VẤN. Hình như con người đã được tác thành tại địa đàng.
1. Thực vậy, thiên thần đã được tạo thành tại nơi cư ngụ của mình, nghĩa là tại bầu trời. Nhưng địa đàng là nơi thích hợp cho sự cư ngụ của con người trước khi có tội. Cho nên xem ra phải tác thành con người tại địa đàng.
2. Vả lại, các động vật khác được bảo tồn tại nơi chúng được sinh ra; như cá trong nước, và những động vật biết rảo bước trên đất, thì tại đó mà chúng được phát sinh. Con người được bảo tồn tại địa đàng, như đã nói trên (vđ.97, m.4). Cho nên phải được tác thành tại địa đàng.
3. Vả lại, đàn bà được tác thành tại địa đàng. Nhưng đàn ông có phẩm vị hơn đàn bà. Cho nên càng phải được tác thành tại địa đàng.
NHƯNG. Sách Sáng Thế (2,15) chép: Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng.
LUẬN GIẢI. Địa đàng là nơi thích hợp cho việc cư ngụ của con người, xét theo sự bất hoại của bậc tiên khởi. Nhưng hồi đó con người được bất hoại, không do bản tính, mà do hồng ân siêu nhiên của Thiên Chúa. Và để tỏ rõ là điều do ân sủng của Thiên Chúa, chứ không do bản tính nhân loại, Thiên Chúa đã tác thành con người ngoài vườn địa đàng, sau đó mới đặt con người vào, để cư ngụ tại đó trót đời sống động vật, và sau khi đã đạt được sự sống siêu nhiên thì được đưa về trời.
GIẢI ĐÁP. 1. Bầu trời là nơi thích hợp với thiên thần, theo bản tính của thiên thần; vì thế thiên thần được tạo thành tại đó.
2. Cũng phải giải đáp nghi vấn thứ hai như thế. Vì các nơi đó thích hợp với các động vật theo bản tính của chúng.
3. Đàn bà được tác thành tại địa đàng không phải vì phẩm vị riêng, mà vì phẩm vị của nguyên tố được dùng để kiến tạo nên thân thể củ đàn bà. Vì chính con cái cũng được sinh ra trong vườn địa đàng, nơi mà cha mẹ đã được đặt vào.

 
 
NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

AAS   : Acta Apostolicae Sedis
DS      : Denzinger Schonmetzer
S.T.     : Summa Theologiae
S.Th.  : S. Thomas Auinas
q.        : quaestio
vđ.      : vấn đề
a.         : articulus
m.       : mục
nv.      : nghi vấn
lg.       : luận giải
gđ.      : giải đáp

Trong phần Việt ngữ, các sách Thánh Kinh đã được viết tắt theo sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ.


MỤC LỤC

Lời giới thiệu. 3
DẪN NHẬP TỔNG QUÁT.. 5
Dẫn nhập vào vấn đề 75. 16
VỀ YẾU TÍNH CỦA LINH HỒN
Vấn đề 75    33
VỀ CON NGƯỜI, LÀ VẬT PHỨC HỢP
BỞI BẢN THỂ THIÊNG LIÊNG VÀ HỮU CHẤT.
TRƯỚC HẾT, VỀ YẾU TÍNH CỦA LINH HỒN
MỤC 1:     Linh hồn có phải là vật thể chăng?. 34
MỤC 2:     Linh hồn con người có phải là thực tại hữu lập chăng?    38
MỤC 3:     Hồn cua các súc vật có lập hữu chăng?. 41
MỤC 4:     Linh hồn có phải là con người chăng?. 44
MỤC 5:     Linh hồn có phức hợp bởi chất thể và mô thể chăng?    47
MỤC 6:     Linh hồn con người có khả hoại chăng?. 51
MỤC 7:     Linh hồn có đồng một loại với thiên thần chăng?    56
                   Dẫn nhập vào vấn đề 76. 60
VỀ SỰ PHỐI HỢP CỦA LINH HỒN VỚI THÂN THỂ
Vấn đề 76    70
VỀ VIỆC LINH HỒN PHỐI HỢP VỚI THÂN THỂ
MỤC 1:     Nguyên uỷ hiểu biết có phối hợp với thân thể
                   như mô thể chăng?. 71
MỤC 2:     Phải chăng nguyên uỷ hiểu biết gia tăng
                   theo sự gia tăng của thân thể?. 80
MỤC 3:     Phải chăng nơi con người,
                   ngoài linh hồn còn có nhiều hồn khác nữa?. 88
MỤC 4:     Nơi con người, ngoài linh hồn
                   còn có mô thể nào khác chăng?. 95
MỤC 5:     Linh hồn phải phối hợp với thân thể nào cho thích hợp?  100
MỤC 6:     Linh hồn có nhờ những phụ thể như trung gian chỉnh bị để phối hợp với thân thể chăng?  105
MỤC 7:     Linh hồn có phối hợp với thân thể
                   qua vật thể trung gian nào chăng?. 108
MỤC 8:     Phải chăng nơi mỗi phần thân thể có toàn thể linh hồn?    111
Dẫn nhập vào vấn đề 77. 117
VỀ NHỮNG TIỀM NĂNG CỦA LINH HỒN
Vấn đề 77    122
TỔNG QUÁT VỀ NHỮNG TIỀM NĂNG
CỦA LINH HỒN

MỤC 1:     Phải chăng chính yếu tính của linh hồn
                   là tiềm năng của nó?. 124
MỤC 2:     Phải chăng những tiềm năng của linh hồn thì nhiều?    130
MỤC 3:     Phải chăng các tiềm năng được phân biệt bằng hành vi      và đối tượng?  132
MỤC 4:     Có trật tự nào giữa các tiềm năng của linh hồn chăng?    137
MỤC 5:     Phải chăng mọi tiềm năng của linh hồn
                   đều trụ tại linh hồn như một chủ thể?. 139
MỤC 6:     Những tiềm năng của linh hồn có phát sinh
                   từ yếu tính của nó chăng?. 142
MỤC 7:     Phải chăng tiềm năng nọ của linh hồn phát sinh
                   từ tiềm năng kia?. 146
MỤC 8:     Các tiềm năng của linh hồn có tồn tại nơi linh hồn đã lìa khỏi thân thể chăng?  148
Dẫn nhập vào vấn đề 78. 153
VỀ NHỮNG TIỀM NĂNG VÀ NHỮNG GIÁC QUAN CỦA LINH HỒN
Vấn đề 78    173
VỀ NHỮNG TIỀM NĂNG ĐẶC THÙ
CỦA LINH HỒN

MỤC 1:     Có cần phải phân biệt năm giống tiềm năng
                   của linh hồn chăng?. 174
MỤC 2:     Phải chăng sự phân chia những tiềm năng thực vật thành dinh dưỡng, tăng trưởng và truyền sinh là thích hợp?. 179
MỤC 3:     Phải chăng việc phân biệt năm ngoại quan là thích hợp?  183
MỤC 4:     Phải chăng những nội quan đã được phân biệt
                   cách thoả đáng?. 189
Dẫn nhập vào vấn đề 79. 196
VỀ NHỮNG TIỀM NĂNG HIỂU BIẾT
Vấn đề 79    208
VỀ NHỮNG TIỀM NĂNG HIỂU BIẾT
MỤC 1:     Trí khôn có phải là một tiềm năng của linh hồn chăng?    209
MỤC 2:     Trí khôn có phải là tiềm năng thụ động chăng?. ..... 212
MỤC 3:     Có nên công nhận trí khôn tác động chăng?. 215

MỤC 4:     Phải chăng trí khôn tác động là điều gì riêng
                   của linh hồn?. 219
MỤC 5:     Phải chăng nơi mọi người chỉ có một trí khôn tác động?  224
MỤC 6:     Trí nhớ có trụ tại phần hiểu biết của linh hồn chăng?    227
MỤC 7:     Trí nhớ có phải là một tiềm năng khác
                   với trí khôn chăng?. 232
MỤC 8:     Lý trí có phải là một tiềm năng khác với trí khôn chăng?  235
MỤC 9:     Phải chăng lý trí cao cấp với hạ cấp là những
                   tiềm năng khác nhau?. 238
MỤC 10:   Sự hiểu biết có phải là tiềm năng khác
                   với trí khôn chăng?. 242
MỤC 11:   Trí khôn trừu tượng và thực hành có phải là những tiềm năng khác nhau chăng?  246
MỤC 12:   Lương tri có phải là tiềm năng riêng khác
                   với các tiềm năng khác. 248
MỤC 13:   Lương tâm có phải là một tiềm năng chăng?. 251
Dẫn nhập vào vấn đề 80 và 81. 255
VỀ NHỮNG TIỀM NĂNG DỤC VỌNG
Vấn đề 80  260
VỀ NHỮNG TIỀM NĂNG DỤC VỌNG NÓI CHUNG
MỤC 1:     Dục vọng có phải là một tiềm năng riêng
                   của linh hồn chăng?. 260
MỤC 2:     Dục vọng cảm giác và dục vọng hiểu biết
                   có phải là những tiềm năng khác nhau chăng?. ..... 263

Vấn đề 81    266
VỀ NHỤC DỤC
MỤC 1:     Phải chăng nhục dục chỉ là dục vọng?. 266
MỤC 2:     Có nên phân chia dục vọng cảm giác thành nộ dục và tham dục, như những tiềm năng khác nhau?  269
MỤC 3:     Nộ dục và tham dục có tuân phục lý trí chăng?. ..... 272
Dẫn nhập vào vấn đề 82. 277
VỀ Ý CHÍ
Vấn đề 82    283
VỀ Ý CHÍ
MỤC 1:     Ý chí có ưa muốn điều gì cách tất yếu chăng?. ..... 283
MỤC 2:     Phải chăng ý chí ưa muốn cách tất yếu
                   mọi điều nó ưa muốn?. 286
MỤC 3:     Ý chí có phải là tiềm năng cao trọng
                   hơn trí khôn chăng?. 289
MỤC 4:     Ý chí có huy động trí khôn chăng?. 293
MỤC 5:     Nơi dục vọng cao cấp có phải phân biệt nộ dục
                   và tham dục chăng?. 297
Dẫn nhập vào vấn đề 83
VỀ SỰ TỰ DO TỰ QUYẾT.. 301
Vấn đề 83    311
VỀ SỰ TỰ DO TỰ QUYẾT
MỤC 1:     Con người có quyền tự do tự quyết chăng?. 311
MỤC 2:     Quyền tự do tự quyết có phải là một tiềm năng?. ... 316
MỤC 3:     Tự do tự quyết có phải là tiềm năng ham muốn chăng?    319
MỤC 4:     Tự do tự quyết có phải là một tiềm năng
                   khác với ý chí chăng?. 322
                   Dẫn nhập vào vấn đề 84. 325
                   VỀ SỰ HIỂU BIẾT NHỮNG THỰC TẠI
THỂ CHẤT

Vấn đề 84    343
KHI CÒN PHỐI HỢP VỚI THÂN THỂ, LINH HỒN HIỂU BIẾT NHỮNG VẬT THỂ THUA KÉM NÓ NHƯ THẾ NÀO?
MỤC 1:     Linh hồn có nhờ trí khôn mà biết các vật thể chăng?    345
MỤC 2:     Linh hồn có nhờ yếu tính của mình
                   mà hiểu biết các vật thể chăng?. 349
MỤC 3:     Linh hồn có hiểu biết mọi vật bằng những ảnh niệm bẩm sinh chăng?  355
MỤC 4:     Những ảnh niệm có từ một số mô thể phân lập
                   phóng xuất vào linh hồn chăng?. 359
MỤC 5:     Linh hồn hiểu biết có nhận biết những vật hữu chất trong các lý tính hằng cửu chăng?  365
MỤC 6:     Ta có nhận thức được sự hiểu biết
                   từ những vật khả giác chăng?. 369
MỤC 7:     Nhờ những ảnh niệm sẵn có trong mình,
                   trí khôn có thể hiểu biết trong hiện thể
mà không cần quay về với những giác tượng chăng?    375
MỤC 8:     Sự tê liệt của giác quan có cản trở phán đoán
                   của trí khôn chăng?. 379
                   Dẫn nhập vào vấn đề 85. 382
                   VỀ CÁCH THỨC HIỂU BIẾT
Vấn đề 85    394
VỀ CÁCH THỨC VÀ TRẬT TỰ
CỦA VIỆC HIỂU BIẾT

MỤC 1:     Trí khôn chúng ta có hiểu biết những vật hữu hình và hữu chất bằng trừu xuất từ những giác tượng chăng?. 395
MỤC 2:     Phải chăng những ảnh niệm, được trừu xuất
từ những giác tượng tương quan với trí khôn chúng ta như điều được hiểu biết?  403
MỤC 3:     Phải chăng những điều phổ quát hơn có trước tiên trong nhận thức của chúng ta?  408
MỤC 4:     Chúng ta có thể hiểu biết nhiều vật một trật chăng?    415
MỤC 5:     Trí khôn chúng ta có hiểu biết bằng cách phối hợp và phân ly chăng?  418
MỤC 6:     Phải chăng trí khôn có thể sai lầm?. 421
MỤC 7:     Người nọ có thể hiểu biết cũng một vật
                   hơn người kia chăng?. 424
MỤC 8:     Trí khôn có hiểu biết điều bất khả phân
                   trước điều khả phân. 426
                   Dẫn nhập vào vấn đề 86. 431
                   TRÍ KHÔN NHẬN BIẾT NHỮNG GÌ
                   NƠI CÁC VẬT HỮU CHẤT
Vấn đề 86  435
TRÍ KHÔN NHẬN BIẾT ĐIỀU GÌ
NƠI NHỮNG VẬT HỮU CHẤT?

MỤC 1:     Trí khôn chúng ta có nhận biết những
                   vật riêng lẻ chăng?. 435
MỤC 2:     Trí khôn chúng ta có thể nhận biết
                   những điều vô tận chăng?<

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây