Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 8 Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ABC: Chuyện 3 con Búp-Bê

Thứ hai - 17/05/2021 09:33
Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 8 Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ABC: Chuyện 3 con Búp-Bê
Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 8 Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ABC: Chuyện 3 con Búp-Bê
Chuyện minh họa Tin Mừng Chúa Nhật Bài 8 Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ABC:
Chuyện 3 con Búp-Bê
----------------------------------------------------

Bạn thân mến,

Có một ông vua muốn thử tài trí thông minh của vị Tể tướng mình, bèn gởi tặng ba con búp bê vàng. Những con búp bê này hoàn toàn giống nhau về hình dáng, kích thước và trọng lượng. Nhưng vua truyền dạy là giá trị của chúng khác nhau: một con rẻ mạt, một con vừa phải và một con rất mắc, rồi hỏi “tại sao vậy ?”.

Quan Tể tướng rất ngạc nhiên khi nhận được tặng phẩm và câu đố của vua. Ông bèn cho mời các cố vấn, bạn bè, người giỏi đến đoán xem ba con búp bê khác nhau chỗ nào, nhưng không ai giải đáp được. Dần dần tin này đồn nhanh khắp cả kinh thành, lớn bé già trẻ ai cũng biết.

Trong số có một thanh niên nhà nghèo vì phạm một lỗi nhẹ mà phải ở tù, nghe tin liền nhờ trình lên Tể tướng rằng: nếu thấy tận mắt những con búp bê thì anh ta sẽ đoán ra và hễ nói đúng thì xin thả khỏi tù. Tể tướng chấp thuận, truyền dẫn chàng thanh niên đó đến trước ba con búp bê. Sau khi xem xét kỹ và nhận thấy ở tai mỗi con búp bê đều có dùi một lỗ nhỏ: Anh ta liền lấy một cọng rơm


- đút vào lỗ tai con thứ nhất thì thấy nó thò ra ở đàng mồm,
- đút vào lỗ tai con thứ hai thì thấy cọng rơm thò ra tai kia,
- đút vào lỗ tai con thứ ba thì thấy xuyên vào bụng và nằm gọn trong đó.

Thử nghiệm xong, anh ta mới giải thích: “Thưa Tể tướng, những con búp bê này giống hệt như người:

1. Con thứ nhất tượng trưng cho loại người hay bộp chộp, vừa nghe, vừa thấy gì, thì vội nói cho người khác biết. Loại người này không thể tin cậy được, nên giá của nó rẻ mạt.

2. Con thứ hai giống người hay vô tâm, chểnh mảng, nghe tai này lọt tai kia. Loại người này khó tiếp thu lời của kẻ khác, nên giá trị không đắt lắm.

3. Còn con thứ ba giống như người nghe gì thì để vào bụng, mà suy nghĩ cân nhắc. Loại người này tốt, đáng tin cậy, nên giá nó đắt nhất”.

Nghe xong cách giải thích hợp lý của chàng thanh niên, ai cũng khen ngợi.

Riêng quan Tể tướng vừa vui mừng vì giải đáp được câu đố của nhà vua, vừa khâm phục trí thông minh của chàng thanh niên nên ra lệnh tha.

*****

Qua đó, chúng ta có thể rút ra được một kết luận quí giá cho cuộc sống là để đánh giá đúng về một người nào, không chỉ căn cứ vào hình dáng, cách sống bên ngoài, mà còn phải lưu ý đặc biệt tới lối suy nghĩ, tâm tư bên trong nữa.

Do đó, để biết một người khôn hay dại, tốt hay xấu, đáng tin hay không, thì phải tìm cách nhận xét, đánh giá thật chính xác.

Một trong những cách giúp ta nhận xét đúng là thử nghiệm về cách người ta nghe, tiếp thu như thế nào.

Thật vậy, mọi kiến thức mà con người có được phần lớn đều do việc biết nghe, biết nhìn nhận những gì xảy ra trong cuộc sống cách sáng suốt khôn ngoan.

Vì thế, ai không biết nhìn, biết nghe để tiếp thu những gì tốt đẹp, hay ho, thì khó mà trở thành người thông minh tiến bộ.

Trái lại, kẻ nào biết chịu khó lắng nghe để học hỏi, biết khôn khéo tìm tòi để suy tư nghiền ngẫm, cân nhắc chọn lựa, rồi đem ra thực hành, chắc chắn sẽ là người thành đạt mỹ mãn.

*****

Cũng vậy, trong con đường đạo đức, không phải bất cứ ai được lãnh nhận phép Rửa tội và các Bí tích khác, cố gắng tuân thủ các giới răn sơ sài, làm được một vài việc lành chiếu lệ, là tự dưng trở thành người công giáo tốt. Thật là lầm to, vì con người đâu phải là một cái máy vô tri vô giác, trái lại còn biết suy nghĩ để tự do lựa chọn;

Tôn giáo đâu phải chỉ là một mớ công thức, định luật cứ nhắm mắt làm là trở nên tốt và Thiên Chúa đâu phải là một cục đất sét bất động. Trái lại, Ngài là Đấng thấu hiểu mọi bí ẩn, biết rõ từng con người một.

Dĩ nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, được Chúa thương cứu chuộc và ban cho đầy đủ mọi ơn lành, nhưng để được hạnh phúc vĩnh cửu, để trở thành thánh thiện đạo đức thì phải tự cố gắng đấu tranh, tự suy nghĩ, cân nhắc, tự sáng suốt chọn lựa giữa thiện – ác, tốt – xấu, phải – trái.

Nhưng muốn đấu tranh thành công, muốn vượt thắng được mọi xấu xa cạm bẫy, muốn chọn lựa đúng đắn, chúng ta phải biết nghe theo lời Chúa và sống theo những gì Ngài dạy.

Vì Lời Chúa là chân lý, là cố vấn kỳ diệu, là khuôn vàng thước ngọc có sức đem lại cho con người sự sống đích thực, của ăn linh thiêng.

Tuy nhiên, để Lời Chúa có cơ hội thuận lợi xâm nhập được vào cõi lòng, biến cải được tâm tư thì ta phải biết lắng nghe, biết say sưa nuốt lấy.

Thế mà, biết bao lần trong đời chúng ta đã nghe lời Chúa, nhưng thử hỏi được mấy ai thấm nhuần, ghi tạc và đem ra thực hành?

Dĩ nhiên, không phải Lời Chúa hết linh nghiệm, mà tại chúng ta là những con búp bê vô hồn. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu, sau khi về trời, đã hứa ban Thánh Thần đến trần gian để soi sáng hướng dẫn, giúp con người biết nghe, biết sống Lời Chúa dạy.

*****

Chúa Thánh Thần được ví như ngọn lửa để thiêu đốt mọi hư hèn, xấu xa, bẩn thỉu trong tâm hồn, để phá tan bóng tối của mù quáng lầm lạc đang bủa vây tâm trí, để sưởi ấm những trí lòng nguội lạnh đơn côi.

Ngài còn được ví như ngọn gió mát xua tan mây mù tội lỗi, đem bình an đến cho ai đang đau khổ, gieo hy vọng cho những kẻ lầm than cơ cực.

Ngoài ra, Ngài luôn ở bên ta bằng cách gợi cho ta sự hối hận khi phạm tội, thúc dục ta nhịn nhục chịu khó khi chu toàn trách nhiệm bổn phận, kêu mời ta mở lòng rộng lượng thứ tha khi bị xúc phạm, đốt lên trong ta ngọn lửa công bằng bác ái khi giao tế, gúp ta hướng tới sự trong sạch khi bị cám gỗ bủa vây.

Nếu mỗi người chúng ta không nhận lãnh Chúa Thánh Thần, không mau mắn mời Ngài đến viếng thăm thì chúng ta không thể nào đủ sức đương đầu với những thử thách cám dỗ, đủ khôn ngoan sáng suốt lắng nghe, suy gẫm và thực thi những gì Chúa dạy.

Vì như Chúa đã phán:

“Không có Ta, các con chẳng làm được gì”.
 

Tác giả: Nguyễn Văn Mễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây